Những ai sẽ mua cổ phần doanh nghiệp giao thông?

2014/3/3 10:4 - Nguồn : GTVT

Các doanh nghiệp giao thông có năng lực thi công tốt, máy móc thiết bị hiện đại

cùng với nguồn việc dồi dào sẽ thu hút nhà đầu tư

 

“Tân binh” giao thông ồ ạt ra mắt

Ông Vũ Anh Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý DN Bộ GTVT cho biết, từ nay đến hết tháng 3, hàng loạt tổng công ty lớn ngành GTVT sẽ tiến hành bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Theo đó, Tổng công ty Vận tải thủy sẽ “khai màn” cho đợt chào bán công khai cổ phiếu giao thông đồng loạt này vào ngày 19/3. Kế đó, ngày 21/3, hai tổng công ty xây dựng khác là Cienco 1 và Cienco 6 sẽ tiến hành IPO tại hai Sở GDCK Hà Nội và TP HCM.

Sau đó 3 ngày, ngày 24/3 sẽ đến lượt Tổng công ty xây dựng Thăng Long và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5). Một ngày sau, ngày 25/3, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) sẽ IPO với số lượng cổ phần bán ra chiếm 26,87% vốn.

Ngày 26/3, đến Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT (TEDI) và Tổng công ty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco) “ra mắt” công chúng. Được biết, Tổng công ty Công nghiệp ô tô VN (Vinamotor) sẽ là doanh nghiệp cuối cùng thực hiện IPO trong đợt này vào ngày 27/3/2014.

Với Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8 (Cienco 8) mới đây nhất ngày 28/2 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa và tới đây sẽ tiến hành IPO ngay. Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) cũng sẽ phải hoàn tất các thủ tục để có thể chào bán công khai cổ phiếu vào quý II tới.

Mức vốn điều lệ sau CPH của các tổng công ty nói trên đều dao động trong khoảng từ 300 đến hơn 1.000 tỷ đồng. Nhà nước dự kiến nắm giữ dưới 49% vốn. Duy nhất TEDI có vốn điều lệ thấp nhất là 125 tỷ đồng. “Tất cả các cổ phiếu ngành GTVT chào bán lần này đều có mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phiếu ” - ông Minh cho biết.

 

TCT Công nghiệp ô tô VN (Vinamoto) cũng sẽ thực hiện IPO trong đợt đầu này

 

Nhiều doanh nghiệp đã chọn được cổ đông chiến lược

Dù thời điểm tiến hành IPO vẫn còn ở phía trước, xong đến thời điểm này, câu trả lời mà PV Báo Giao thông nhận được về khả năng thành công của các đợt IPO là rất khả quan. Theo nguồn tin của PV Giao thông, đến thời điểm này, ngoài các đơn vị như: Tổng công ty Vận tải thủy, Vinamoto, CIENCO6, Vietnam Airlines chưa có cổ đông chiến lược, hầu hết các đơn vị khác đều đã chọn cho mình những đối tác lớn. CIENCO1 có nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Yên Khánh, Công ty Fecon và Công ty Hansyu (Nhật Bản)… CIENCO4 có nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). SHB đồng thời cũng là cổ đông lớn của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long và CIENCO8. Ngoài ra, CIENCO8 còn có thêm hai đối tác chiến lược nữa là Công ty Vinaconex - PVC (PVV) và Công ty bảo hiểm SHB.

Trên thực tế, đến thời điểm này, đa số tổng công ty như Cienco 1, 4, 5, 8, TEDI,... đã có từ 2 đến 3 nhà đầu tư đăng ký làm cổ đông chiến lược với tỷ lệ cổ phần tham gia từ 20 đến 31%. “Các cổ đông chiến lược được chọn đều là những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm, có thị trường và đặc biệt là thực sự quan tâm phát triển lâu dài đối với các tổng công ty này” - ông Minh nhấn mạnh.

“Việc nhiều nhà đầu tư chiến lược muốn tham gia vào các tổng công ty này chứng tỏ Cienco 1, 4, 5, 8, TEDI… có tiềm năng phát triển. Đối với các doanh nghiệp giao thông, tôi cho rằng tiềm năng đó chính là uy tín, là thương hiệu. Đối với các nhà đầu tư chiến lược, sau khi nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp, họ có thể thấy rằng hiện tại doanh nghiệp chưa hấp dẫn nhưng xét về tiềm lực, tiềm năng của thị trường trong thời gian tới thì họ sẽ vẫn đầu tư” - ông Chu Mạnh Hiền - Trưởng phòng Tư vấn tài chính doanh nghiệp Công ty chứng khoán Vietinbank khẳng định.

Khách quan mà nói, nếu xét về lợi nhuận thì cổ phiếu của các doanh nghiệp giao thông tiến hành IPO đợt này chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, hay nói cụ thể hơn là mới ở mức trung bình. Tuy nhiên, sức hấp dẫn, như ông Hiền nói trên nằm ở tiềm năng của chính các tổng công ty này.

Theo nhận xét của một số nhà đầu tư quan tâm đến đợt IPO của các doanh nghiệp giao thông, các doanh nghiệp này tuy đa phần đều có mức lợi nhuận chưa cao nhưng đều có năng lực thi công khá tốt, sở hữu cả máy móc, thiết bị lẫn công nghệ thi công cầu đường vượt trội so với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề trong nước. Nguồn việc làm phong phú trước mắt cũng là một lợi thế lớn của các doanh nghiệp giao thông khiến các nhà đầu tư “để mắt”.

Trước những e ngại về nguy cơ “ế” cổ phần, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Vũ Anh Minh khẳng định sự tin tưởng vào khả năng thành công của các đợt IPO này. “Việc các Cienco nhận được sự quan tâm lớn từ các đối tác trong và ngoài nước là những tín hiệu tích cực cho thấy, tính khả thi của các đợt IPO sắp được tổ chức”, ông Minh nhấn mạnh.

 

Ông Lê Ngọc Hoa - Tổng giám đốc Cienco4: Không bài bản, lên sàn sẽ khó tồn tại

Dù là doanh nghiệp đã khẳng định được uy tín và thương hiệu lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, tuy nhiên Cienco 4 cũng chỉ bán ra ngoài 26,8%, cổ đông chiến lược 26,5%, CBCVN 10%, còn lại Nhà nước nắm giữ 35%. Cienco 4 trông chờ nhiều vào các nhà đầu tư chiến lược và CBCNV trong ngành mua. IPO xong, Cienco 4 cũng không thể lên sàn ngay mà phải vài ba năm nữa khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, bởi không bài bản lên sàn sẽ khó tồn tại.

 

Ông Phạm Dũng - Chủ tịch HĐTV Cienco1: Nhìn xa trông rộng vẫn nhiều tiềm năng

Các Cienco giao thông hầu hết còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ đọng của các chủ đầu tư còn lớn nên sức hấp dẫn chắc chắn chưa được như kỳ vọng. Tuy nhiên, đổi lại, các doanh nghiệp xây lắp lại có thiết bị, máy móc và năng lực tổ chức thi công rất chuyên nghiệp. Cơ hội đầu tư kết cấu hạ tầng trong những năm tới cũng khá rộng mở nên, nhìn xa trông rộng hoàn toàn có thể đầu tư vào các doanh nghiệp xây lắp giao thông.