3 cây sộp già giữa lòng quốc lộ và chuyện mang bệnh khi chặt cây thiêng

2014/3/17 13:44 - Nguồn : Dòng Đời
Những người dân xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa, Phú Yên) hay kể nhau những câu chuyện linh thiên và sự trừng phạt của cây thần linh nếu ai dám mạo phạm. “Có nhóm người đã vô tình chặt đứt vài nhánh cây, sau đó đã bệnh một trận “thập tử nhất sinh”… nhắc đến ai cũng sợ”, một người dân nói.
 
Ly kì lời đồn đoán, từng vật nhiều người ý định chặt bỏ cây
 
Cây sộp cổ thụ này nằm “án ngữ” giữa tâm đường Quốc lộ 25, con đường liên tỉnh nối giữa Phú Yên và Gia Lai. Hằng ngày lượng xe lưu thông rất nhiều, làm cho giao thông qua lại vô cùng khó khăn. Thấy chúng tôi đứng săm soi cây sộp, ông Đoàn Công Ấn (54 tuổi, xã Hòa Thắng) khuyên nhủ: “Mấy chú đừng đụng chạm gì tới cây này. Nó thiêng lắm, mạo phạm đến nó xem như có chuyện. Trước giờ không ai dám chặt hoặc nhổ đi nơi khác thế nên bây giờ vẫn còn nằm ở vị trí vô duyên này”. 
 
Cây sộp cổ nằm “trơ” giữa quốc lộ 25.
 
Thuận miệng ông Ấn cho biết thêm, cách đây mấy năm, cơ quan chức năng đã cử một nhóm công nhân xuống phá cây để mở rộng đường. Linh ứng thay, khi chuẩn bị giăng dây một chiếc xe máy của nhóm công nhân bỗng nhiên ngã nhào xuống kênh mương chính Bắc của hệ thống thủy nông Đồng Cam. Cả ngày hôm đó, công nhân lo tìm chiếc xe bị cuốn trôi không còn thời gian để làm việc. Đến ngày hôm sau vừa cầm máy để cưa bỗng một công nhân bị một cành cây gãy đè xuống. Gần 10 ngày ròng rã nhóm công nhân chẳng làm gì được những cây sộp này, họ chỉ mới cưa được một nhánh nhỏ thì hơn một nửa số người bị bệnh một trận suýt chết mà không biết nguyên nhân. “Nhiều nhóm công nhân mang rựa, máy cưa săm soi một hồi rồi ra về. Hiện nay, đoạn đường nói trên đã mở rộng một làn đường đi bọc bên hông cây sộp, lấy 3 cây sộp làm giải phân cách, chia làm hai làn cho xe lưu thông”, ông Ấn cho biết.
 
Theo lời kể của những người dân, cách đây mấy năm khi chưa sửa Quốc lộ 25, đoạn qua những cây Sộp, cung đường cong, eo hẹp khiến nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Người địa phương mỗi khi đến khu vực này có cảm giác “lạnh” sóng lưng. “Ở đây oan hồn tử nạn do tai nạn giao thông nhiều lắm. Tán cây sộp khá nhiều tạo cảm giác u tối, ghê sợ. Có thời, một năm xảy ra hàng chục vụ tai nạn, số lượng bị thương nhiều vô kể”, một người dân cho biết.
 
Quốc lộ 25 trước khi giải phóng có tên đường 7. Vào tháng 3.1975 đã có cuộc tháo chạy 3.000 người dân từ Tây Nguyên xuống duyên hải miền trung, đoạn đường gần những cây sộp số lượng người bỏ mạng vì bom đạn rơi rất nhiều. Chiến tranh ác liệt, thế nhưng cây sộp vẫn trơ trơ, phát triển tốt. 
 
Theo quan sát của chúng tôi, ba cây sộp cao hơn 35 mét, đường kính gốc cây khoảng từ 3-4 người ôm, tán cây xum xuê mát rượi. Những ai đi ngang qua đây đều tạm dừng chân nghỉ mệt, tìm hiểu về những câu chuyện ly kỳ liên quan tới ba cây sộp. Có ngày gần trăm người tìm đến để thỏa chí tò mò. Ngay tại gốc cây đã “mọc” lên một quán nước phục vụ mọi người. 
 
Những người dân trong xóm, mỗi khi muốn làm việc gì hệ trọng hay ra gốc cây thắp hương. Người dân hay đồn chuyện siêu huyền bí, ly kì liên quan đến cây cổ thụ. Vị trí này được xem long mạch, nơi vị thần trú ngụ, cách đó không xa có hẳn một vực nước nóng Phú Sen nổi tiếng. Phía bắc núi bao bọc, phía nam ruộng lúa trải dài, cò bay thẳng cánh. Hễ dân làng đi ngang qua tỏ sự bất kính, hoặc làm những chuyện không hay dễ bị ốm đau, hoặc có chuyện xui xẻo. Bà con đã quyên góp tiền lập một bàn thờ. Ngày rằm, lễ thường xuyên hương khói, bánh trái cầu cho đời sống gia đạo luôn được bình yên.
 
Người dân đồn, cách đây vài năm có một thanh niên ở xóm tính nết rất xấu, sáng say chiều lại xỉn. Trong một lần đi nhậu về người thanh niên này leo lên cây ói vào gốc. Ngay ngày mai bị tai biến, liệt miệng và cổ. Sợ quá, người thanh niên này liền chạy ra gốc cầy sộp khấn vái hứa cúng để tạ lỗi. Kể từ đó đến giờ anh ta không dám đụng tới một giọt rượu nào nữa.
 
Gọi thầy về cúng, cầu duyên, cầu số đề
 
Đã có nhiều thầy sư cao tay về đuổi vong hồn rồi cũng ngậm ngùi chào thua. Mặc dù đã yểm bùa, dùng roi cá đuối đập mạnh vào cây, dùng chổi mây nhúng nước tiểu trẻ em, tro bùa rãi gốc cây nhưng chẳng hề hấn gì. Những cành cây ngày ngày xum xuê và được tiếng linh thiêng như thường.
 
Lõi cây được người dân đồn là “mắt” quỷ.
 
Chẳng biết thực hư ra sao, nhưng một số người còn khẳng định những lúc đi làm đồng vào sáng sớm thường thấy một một đứa trẻ mặc áo trắng nhảy từ cành cây này sang cành ngọn cây khác. Người dân còn thêu đệt cả chuyện loài chim lạ hình dáng như heo đêm đêm bay trên ngọn cây và phát ra thứ tiếng nghe khó chịu. Trên thân cây có rất nhiều “mắt”, có đêm các con mắt phát sáng.
 
Nhưng một chuyện mà những vị cao niên trong làng phải công nhân, cây sộp cổ có thể dự báo thời tiết gần như chính xác. 
 
Chị Bích Kiều (32 tuổi, sống gần đó) cho biết: “Hễ gốc cây chuyển sang màu trắng đục thì ngày mai trời bắt đầu có giông hoặc bão. Còn màu vàng sẫm trong tháng đó nắng to. Lúa thóc nhà tôi được mùa trong những năm trở lại đây cũng một phần nhờ vào thần cây này”.
 
Vào năm 2012, xã Hòa An cách cây sộp hơn 10km, có gần 10 người trúng số. Thế rồi, xuất hiện lời đồn bà con trong xóm Hòa An đã đến cây sộp xin. Thế là nhiều người dân khắp nơi đổ về cầu cơ, xin số để đánh đề. Thậm chí có những phụ nữ quá tuổi, không tự tin nhan sắc của mình, đã vượt hàng trăm cây số để mang nhang khói, trái cây đến gốc cây xin cầu đường tình duyên. Có người còn ở trọ những nhà xung quanh, ngày ngày đến gốc cây cầu mong cây thần “để mắt” đến. Điều này đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương. 
 
Nhưng ở đây có không ít người cho rằng những câu chuyện được thêu dệt như trên là mê tín. Như ông Mạch Vân (Cựu chiến binh) khẳng định: “Người ta bảo nhặt cành cây về sẽ bị quở đến chết. Thế nhưng đứa cháu của tôi tình cờ một lần đi chăn bò về bẻ một bó củi, mấy năm nay có hề hấn gì đâu”.
 

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ địa phương cho biết, nguyên nhân không chặt các cây sộp để mở đường là bởi đoạn đường trên có độ nghiêng khá lớn. Nếu chặt cây mở rộng thì làn đường phía nam sẽ gia tăng thêm tai nạn. Ngoài ra, cây sộp còn gắn liền với di tích lịch sử của làng, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Người trong làng bảo, trên cây có nhiều “mắt” thần, nhưng thực tế chỉ là lõi do chặt cây để lại mà thôi...