Cận vệ của Bác Hồ - Thượng tướng Phùng Thế Tài
2014/3/25 17:47 - Nguồn : Gia Đình & Xã hội
Từ đứa trẻ lang lang ở Côn Minh
Tên thật của ông là Phùng Văn Thụ, sinh ra trong một gia đình nghèo tại Xã Văn Nhân, Huyện Phú Xuyên, Tỉnh Hà Tây (cũ). Nhà đông anh em nên làm ruộng quanh năm mà không đủ ăn. Thấy hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên mấy bà con đi buôn bán bên Trung Quốc bảo ông sang xin việc làm để kiếm sống.
Năm 1933, khi đó mới 13 tuổi, ông theo một người làng đi kiếm sống. Điểm dừng chân đầu tiên của ông là thị trấn Chỉ Thôn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Thị trấn này là một trạm hoả xa trung chuyển tất cả đầu máy từ Vân Nam về, từ Lào Cai của Việt Nam sang. Vì nhỏ tuổi nên ông không xin được việc của người lớn. Một gia đình bản địa nhận ông về làm giúp việc nhà.
Nhưng ở được một thời gian, vì không chịu được cảnh hống hách bắt nạt của con chủ nhà nên ông bỏ lên Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam. Suốt một tuần lễ không xin được việc gì. Giữa trời đông lạnh giá, bụng đói meo, quần áo tơi tả không có một bộ mang theo, ông lang thang rồi mệt ngủ luôn trên ghế đá công viên Hạ Lầu, ngoại thành Côn Minh. Đang thiu thiu, có một người đàn ông đánh thức dậy và nói bằng tiếng Việt: “Em từ đâu đến mà nằm ngủ ở đây?”
Bác Hồ tặng quà Tết và nói chuyện với các chiến sỹ Đoàn không quân Sao Vàng
Sau khi trình bày hoàn cảnh của bản thân, ông được người đàn ông này đưa về hãng dầu cù là Nhị Thiên Đường. Qua một thời gian thử thách và được giác ngộ, ông được tham gia các đoàn thể và đi theo cách mạng.
Người gặp ông buổi tối ở công viên Hạ Lầu chính là đồng chí Vũ Anh (bí danh Trịnh Đông Hải). Thời gian đó đồng chí Vũ Anh được Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương cử sang Trung Quốc hoạt động cách mạng, làm Biện sự sứ, xây dựng cơ sở trong công nhân lao động. Năm 1939, chính đồng chí Vũ Anh đã dìu dắt, giúp đỡ và giới thiệu kết nạp ông vào Đảng Cộng sản Đông Dương (đồng chí Vũ Anh đã nhận ông làm con nuôi). Người thứ hai giới thiệu kết nạp ông là đồng chí Thanh Bình (sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đồng chí Thanh Bình là thứ trưởng Bộ Nội Vụ).
Thành cận vệ đầu tiên của Bác Hồ
Một buổi sáng đầu năm 1940, có người khách đến hãng Nhị Thiên Đường tìm gặp đồng chí Vũ Anh. Hai người đến địa điểm khác trao đổi công việc. Đến chiều, đồng chí Vũ Anh cho biết người đến tìm gặp là ông Trần và giao Phùng Thế Tài bảo vệ người này. Nhìn thái độ và nghe đồng chí Vũ Anh dặn dò cẩn thận, ông biết đây là một người rất quan trọng. Sau này, ông mới biết ông Trần chính là bí danh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Và ông đã trở thành cận vệ đầu tiên của Bác Hồ từ thời khắc ấy. Sau này ông được Bác đặt tên là Phùng Hữu Tài (một thời gian sau ông xin Bác cho đổi tên là Phùng Thế Tài).
Thượng tướng Phùng Thế Tài (bên trái)
Về kỷ niệm ngày đầu bảo vệ Bác Hồ, Thượng tướng Phùng Thế Tài kể: “Sau khi đồng chí Vũ Anh giới thiệu tôi là cận vệ, ông Trần nhìn tôi tỏ ý hài lòng. Tuần lễ đầu, ông Trần và tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Trung Quốc, sau mới dùng tiếng Việt. Do nguyên tắc hoạt động bí mật nên cả ông Trần và tôi làm như không quen biết nhau. Gọi là đi bảo vệ nhưng thực ra tôi có súng ống gì đâu. Tôi vốn hiếu động, dạo trước đã làm một quả đấm sắt, một con dao. Vậy là giờ đây nó hữu ích. Tôi không được phép vào nhà ở của ông Trần, mà chỉ được đứng chếch ở bên phải hoặc bên trái lề đường để quan sát. Thấy ông Trần đi là tôi đi theo cách 5 đến 10 mét”.
Trong dịp Tết Tân Tỵ (năm 1941), ông cũng nằm trong số những cán bộ đi cùng để bảo vệ Bác Hồ về nước. Khi về đến cột mốc 108, ông Phùng Thế Tài được tổ chức phân công ở lại Côn Minh hoạt động. Vì thạo tiếng Trung Quốc nên quân đội Tưởng tuyển ông làm cho cơ quan tình báo để chuẩn bị cho kế hoạch “ Hoa quân nhập Việt” và cho ông vào học lớp quân chính về nghiệp vụ tình báo của trường quân sự Hoàng Phố.
Là ngưòi thông minh, tiếp thu nhanh, chỉ sau khóa học ông được phong cấp Thiếu Hiệu (ngang với Thiếu Tá). Chúng cấp cho ông một số giấy chứng nhận đặc biệt, có đóng dấu Tưởng Thống chế. Giấy này cho phép được đi lại trong toàn quốc. Lợi dụng sự ưu đãi này, ông đã tranh thủ hoạt động có lợi cho phía ta. Những giấy tờ đó cũng đã thực sự trở thành “bảo bối” cứu nguy cho những chuyến công tác bảo vệ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sang Trung Quốc sau này.
Đầu năm 1942, ông được tổ chức giao nhiệm vụ phụ trách đợt chuyển vũ khí về nước. Sau đó, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và đồng chí Vũ Anh cho ở lại Pác Bó tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ Bác. Dạo đó, tổ bảo vệ “Ké Thu” (bí danh của Bác Hồ ở Pác Bó) gồm có: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đinh Đại Toàn, Đặng Văn Cáp, Dương Đại Lâm, Phùng Thế Tài... Thời gian này cuộc sống của Ké Thu và tổ bảo vệ rất thiếu thốn. Lúc rảnh rỗi anh em trong tổ bảo vệ đi mò cua bắt ốc, đào củ mài. Thấy lãnh tụ Nguyễn ái Quốc gầy yếu anh em ưu tiên dành gạo nấu riêng. Người không cho làm như vậy và bảo: “Các chú chịu khổ được, Bác cũng chịu được”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết Đoàn không quân Sao Vàng và các đơn vị bảo đảm kỹ thuật đường băng thuộc quân chủng Phòng không Không quân vào sáng mồng 1 Tết Đinh Mùi (9/2/1967). Cùng đi có Thượng tướng Văn Tiến Dũng-Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (người đi bên trái Bác) và Đại tá Phùng Thế Tài-Tư lệnh quân chủng Phòng không Không quân (người đi bên phải Bác).
Một mình bảo vệ Bác trở lại Trung Quốc
Thượng tướng Phùng Thế Tài (thứ ba, phải sang) cùng Đoàn cán bộ
Quân chủng Phòng không - Không quân, tháng 12/2013
Tháng 8/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh và quyết định sang Trung Quốc gặp đại diện quân đồng minh để tranh thủ sự giúp đỡ. Đồng chí Phùng Thế Tài được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác trong chuyến đi này.
Thượng tướng Phùng Thế Tài kể: “Lần ấy chỉ có một mình tôi đi bảo vệ Bác. Tôi mặc bộ dạ sỹ quan Tưởng oai lắm, nói thạo tiếng Trung Quốc, lại có sẵn giấy thông hành đặc biệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch cấp hồi còn học ở trường quân sự Hoàng Phố nên yên trí. Bác mặc bộ quần áo của quân đội Tưởng, người ngoài nhìn chẳng khác anh lính trẻ đi với ông lính già. Khi đến Tĩnh Tây, cơm nước xong, Bác vào làm việc tại trụ sở của Quốc dân đảng Trung Hoa và là tổng hành dinh của Trung tướng Trần Bảo Xương.
Tối hôm đó, Bác ngủ ngay ở chỗ làm việc. Tôi không rõ Bác liên lạc với Trần Bảo Xương để làm gì, không dám hỏi vì nguyên tắc bí mật. Trên đường về phòng nghỉ, Bác nói bỏ quên mũ ở phòng khách bảo tôi quay lại lấy. Nhờ thế, tôi vô tình nghe lỏm được bọn Trần Bảo Xương đang bàn trong phòng kín tìm cách bắt giữ hai Bác cháu tôi. Tôi nghe thế rất lo, vội quay báo ngay với Bác. Bác rất bình tĩnh, chỉ thoáng một chút đăm chiêu. Suy nghĩ một lúc, Bác quyết định quay về Việt Nam ngay trong đêm hôm đó”.
“Nhưng làm sao mà ra khỏi hai cánh cổng sắt có lính gác của tổng hành dinh Trần Bảo Xương được? Như hiểu được ý tôi, Bác khẽ nói: “Ta đi ngay, không mang hành lý gì, đi người không, giả bộ với lính gác ra ngoài mua bao thuốc lá!”. Thoát khỏi được tổng hành dinh của Trần Bảo Xương, hai Bác cháu quên cả mệt, đi như chạy ra khỏi Tĩnh Tây và cuốc bộ một mạch không nghỉ. Sáng hôm sau trông thấy Bác quá mệt, người phờ phạc, lòng tôi quặn lại”.
Thời gian sau thấy năng khiếu chỉ huy quân sự và nguyện vọng của ông Phùng Thế Tài được đi chiến đấu ngoài mặt trận, Bác đồng ý. Trước khi ra mặt trận, Bác dặn ông: “Chú sẵn sàng đi chiến đấu, thế là tốt, nhưng nhớ đừng có “hữu dũng, vô mưu” đó nhé...”. Những lời Bác dạy, ông luôn thấm thía và là hành trang luôn theo ông, giúp ông vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong suốt cuộc đời. Ông đã trở thành vị tướng mà nói đến ai cũng biết: “Tướng Tài”.