Thống nhất sớm làm rõ nghi án JTC đưa hối lộ
2014/3/31 8:46 - Nguồn : GTVT
Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) là một trong những dự án sử dụng vốn STEP của Nhật
Cơ quan tư pháp Nhật Bản rốt ráo điều tra
Chuyến làm việc 3 ngày (từ 25-28/3/2014) tại Nhật Bản của đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu liên quan nghi án Công ty JTC đưa hối hộ để nhận được dự án đường sắt đã có kết quả bước đầu. Tại các buổi làm việc, Bộ Ngoại giao Nhật Bản và JICA đánh giá cao quan điểm chỉ đạo cũng như phản ứng nhanh chóng, quyết liệt của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Quốc hội và đặc biệt là người dân Nhật Bản rất quan tâm đến vụ việc này. Nếu vụ việc xảy ra đúng như phản ánh của báo chí, đây sẽ là một vấn đề rất đáng tiếc và hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách ODA của Nhật Bản.
3/4, họp Ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật về chống tiêu cực
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và ngài Fukada Hiroshi, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản đã thống nhất sẽ tổ chức cuộc họp Ủy ban hỗn hợp Việt - Nhật lần thứ nhất tại Hà Nội vào ngày 3/4/2014. Cuộc họp sẽ do Thứ trưởng Bộ GTVT và Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đồng chủ trì. Nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban là trao đổi thông tin và thảo luận những biện pháp phòng chống tiêu cực trong thời gian tới. Trong đó, bao gồm cả biện pháp phòng chống tái phát và thảo luận về đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực trong các dự án GTVT sử dụng vốn vay.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản và JICA cũng cho biết, hiện vụ việc đã được giao cho cơ quan tư pháp Nhật Bản (Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát, Cơ quan Thuế) rốt ráo điều tra. Cho tới nay, Bộ Ngoại giao và JICA chưa có thông tin về tình hình điều tra vụ việc và thông tin chỉ có thể được cung cấp sau khi có kết luận điều tra và được sự cho phép của Chính phủ.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản và JICA đề nghị trong khi công tác điều tra đang được tiến hành tại Nhật Bản, các vấn đề mà hai bên cần thực hiện là khẩn trương làm rõ, công khai minh bạch về vụ việc, đồng thời phối hợp để đưa ra những biện pháp mạnh mẽ nhằm phòng ngừa tham nhũng, hối lộ, cạnh tranh không bình đẳng trong quá trình triển khai các dự án ODA. Việt Nam cần xử lý nghiêm minh những cán bộ vi phạm nếu vụ việc được cơ quan điều tra kết luận là có thực. Các bộ, ngành của Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Nhật Bản và JICA tại Việt Nam để thống nhất nội dung thông tin cung cấp công khai cho công chúng và thiết lập cơ chế đối thoại phòng chống tham nhũng giữa hai bên.
Trên cơ sở kết quả làm việc của đoàn công tác tại Nhật, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ giao Bộ Công an tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan của Nhật Bản xác minh, điều tra sớm làm rõ nội dung báo chí đưa tin.
Cải tiến quy chế vốn vay
Ngoài các nội dung làm việc nêu trên, tại buổi làm việc với JICA, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã đề nghị JICA nghiên cứu cải tiến quy chế vốn vay theo hình thức STEP để tăng tính cạnh tranh, tránh trường hợp đến giai đoạn mở thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia, dẫn đến việc chi phí bỏ thầu tăng cao. Đề nghị này cũng nhận được sự thống nhất cao của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng tham gia đoàn công tác.
Trao đổi với PV, ông Lâm Văn Hoàng - Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, các dự án vốn STEP của Nhật Bản hiện còn nhiều điểm bất hợp lý, gây khó khăn cho các cơ quan của Việt Nam trong quá trình triển khai. Chẳng hạn như việc nhà tài trợ quy định tối thiểu 30% vật liệu và công nghệ phải được nhập từ Nhật Bản. Trong khi đó nhiều vật liệu, công nghệ còn khá lạ lẫm, phải nhập khẩu rất đắt đỏ, làm đội chi phí công trình. Chẳng hạn như dự án cầu đường Tân Vũ - Lạch Huyện, nhà tài trợ yêu cầu dùng công nghệ cọc ống thép, chỉ có một số doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất được. Cùng với đó, trong quá trình triển khai dự án, tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát bắt buộc phải là đơn vị của nước cung cấp vốn. Mà chi phí cho tư vấn thường mất đến khoảng 10% tổng mức đầu tư.
Cũng theo ông Hoàng, một bất cập rất lớn khác là quy định các dự án vốn STEP chỉ có các nhà thầu của Nhật Bản tham gia đấu thầu. Ngay tại dự án cầu Bãi Cháy, Cần Thơ và dự án cầu, đường Tân Vũ - Lạch Huyện, dù vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng cũng chỉ có một hoặc hai nhà thầu tham gia. Điều này vô hình trung loại toàn bộ nhà thầu mạnh trong nước. “Các dự án trong nước quy định phải có từ 3 nhà thầu trở lên, đằng này dự án STEP chỉ có một, hai nhà thầu tham gia là rất bất cập, không có tính cạnh tranh và thiếu minh bạch” - ông Hoàng nói.
Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Đình Phúc - Tổng giám đốc Ban QLDA 1 cho rằng, mặc dù STEP là vốn ưu đãi đặc biệt nhưng tính hết chu kỳ 20 - 30 năm của dự án thì không rẻ hơn vốn ODA thông thường, thậm chí là vay thương mại. Các quy định bất thành văn ràng buộc khi đấu thầu, nhập khẩu thiết bị, vật liệu, máy móc, công nghệ, lựa chọn tư vấn, nhà thầu… làm tổng mức đầu tư của dự án tăng rất cao. Việt Nam và Nhật Bản cần làm việc để đưa ra những quy định tăng tính cạnh tranh và minh bạch hơn để tạo hiệu quả cho các dự án STEP.