Sẽ tìm nhà đầu tư mới cho cao tốc Hà Nội - Hòa Bình
2014/4/9 21:31 - Nguồn : Anh Minh
Hơn ba năm sau lễ khởi công rầm rộ, cao tốc Hà Nội - Hòa Bình đang phải tìm kiếm chủ đầu tư mới
Giữa năm 2013, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco), chủ đầu tư dự án này theo hình thức BT, đã có văn bản xin dừng triển khai dự án do không thể hoàn thành công trình theo tiến độ đã cam kết.
Trên cơ sở văn bản này, xét đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải và ý kiến của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo chính thức về việc tiếp tục đầu tư xây dựng dự án này.
Cụ thể, Chính phủ cho phép ghép dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình vào dự án đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình thành dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và đường quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình để triển khai theo hình thức hợp đồng BOT và giao Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án.
Chính phủ giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo nhà đầu tư Geleximco bàn giao toàn bộ các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Bộ Giao thông Vận tải; đồng thời, hoàn chỉnh thủ tục kết thúc dự án BT xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình theo quy định.
Về việc xây dựng trạm thu phí để thu phí hoàn vốn dự án BOT nêu trên, giao Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với Bộ Tài chính về mức phí, lộ trình tăng phí theo quy định, làm cơ sở để tính toán phương án tài chính của dự án; đồng thời, thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về vị trí đặt trạm thu phí.
Bộ Giao thông Vận tải được quyết định, chịu trách nhiệm lựa chọn và thẩm tra năng lực nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định hiện hành.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình, Geleximco xin được bàn giao lại dự án cho các địa phương đầu tư hoặc Bộ Giao thông Vận tải, hoặc cho phép chuyển hình thức đầu tư dự án bằng nguồn vốn vay ODA theo hình thức PPP, trong đó đơn vị này xin làm nhà đầu tư thứ nhất.
Lý lẽ của Gleximco là do quỹ đất đối ứng cho dự án của cả tỉnh Hòa Bình và Hà Nội không đủ để hoàn vốn cho nhà đầu tư khi hoàn thành xây dựng tuyến đường. Tính toán của nhà đầu tư cho thấy, tổng mức đầu tư dự án dài khoảng 33 km này vào khoảng 18.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Hòa Bình cần 6.745 tỷ đồng và đoạn qua thành phố Hà Nội cần 11.021 tỷ đồng.
Trong khi đó, Gleximco được Hòa Bình bố trí cho 3 dự án đối ứng là khu đô thị Yên Quang 150 ha, khu đô thị Trung Minh 130 ha, sân golf Trung Minh 36 lỗ. Dự án đối ứng trên địa bàn thành phố Hà Nội dự kiến là khu đô thị Nam Láng - Hòa Lạc có diện tích 600 ha.
Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư quá lớn, sự suy thoái của nền kinh tế và thị trường bất động sản đóng băng nên Geleximco sẽ “rất khó để hoàn thành công trình theo tiến độ cam kết".
Một nguồn tin cho hay gần đây Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) đã bày tỏ mong muốn được đầu tư dự án này.