Dự án sân bay Long Thành được trình Thủ tướng

2014/4/10 19:35 - Nguồn : Chí Hiếu
Quyết định trên được đưa ra sau khi 13/16 thành viên của Hội đồng bỏ phiếu tán thành, và Hội đồng đã báo cáo Thủ tướng kết quả thẩm định. Dẫu vậy, vẫn còn nhiều điểm mà chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn chưa khiến Hội đồng thẩm định yên tâm.
 
Thứ nhất, báo cáo đầu tư chưa luận giải được những điều kiện, căn cứ để cảng hàng không quốc tế Long Thành có thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Các phân tích, đánh giá về lợi thế cạnh tranh, khả năng thu hút vận chuyển hành khách, hàng hóa của sân bay Long Thành còn hạn chế.
 
Bên cạnh đó, báo cáo chưa xác định những tồn tại, thách thức của Long Thành với chức năng cảng trung chuyển trong điều kiện các cảng hàng không quốc tế có cùng điều kiện, tính chất quy mô trong khu vực đã được đầu tư hiện đại, hoạt động ổn định từ lâu với chất lượng dịch vụ cạnh tranh và chuyên nghiệp hơn.
 
"Báo cáo cần lý giải quy mô đầu tư hợp lý cho sân bay Long Thành, nhằm giảm bớt đầu tư nguồn lực ban đầu, tăng hiệu quả kinh tế tài chính, có thể xem xét phương án hình thành tổ hợp sân bay phía Nam thay vì chỉ tập trung phát triển một cảng Long Thành", Hội đồng thẩm định Nhà nước yêu cầu.
 
Mô hình cảng hàng không quốc tế Long Thành.
 
Hai chuyên gia được mời phản biện là GS Lã Ngọc Khuê (nguyên Thứ trưởng Giao thông Vận tải) và TS Nguyễn Ngọc Long (nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm nhà nước ngành giao thông) cũng lưu ý, khi nhu cầu vận tải tăng, tại các thành phố lớn như London, Paris... đã hình thành cụm tổ hợp 4-5 sân bay để đáp ứng sản lượng hành khách lên đến trên trăm triệu khách mỗi năm chứ không chỉ tập trung vào một sân bay.
 
Thứ hai, so với báo cáo giải trình cách nay 2 tháng, lần này chủ đầu tư đã rút gọn quy mô cảng Long Thành trong giai đoạn đầu xuống còn một đường cất hạ cánh và nhà ga với công suất 17 triệu khách mỗi năm. Thế nhưng, Hội đồng thẩm định chưa rõ lý do vì sao báo cáo lần này lại xác định quy mô giai đoạn một như vậy?
 
Giao thông kết nối với sân bay Long Thành tiếp tục là quan ngại mà Hội đồng yêu cầu giải trình rõ thêm sau hai phiên. Dù báo cáo liệt kê một số tuyến đường bộ và đường sắt (cả đang xây lẫn có kế hoạch xây) kết nối với Long Thành như cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành, đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành... "nhưng chưa làm rõ được việc sân bay này đạt đến công xuất khai thác như mục tiêu từng giai đoạn thì gắn với đó giao thông kết nối đến đâu, hiện tại đáp ứng đến đâu, cần xây thêm gì từ đó đưa ra kiến nghị đẩy đủ chuẩn xác cho hệ thống giao thông kết nối".
 
Hội đồng thẩm định một lần nữa yêu cầu chủ đầu tư cần rà soát lại các dự án giao thông trọng điểm liên quan để có kiến nghị phù hợp đảm bảo công suất khai thác và sử dụng hiệu quả.
 
Điểm băn khoăn thứ ba là về huy động vốn cho dự án. Dù báo cáo chỉ ra 5 nhóm với từng khoản mục cụ thể sẽ được huy động từ nguồn nào, như chi phí đầu tư cho đường trục vào sân bay, khu máy bay cất hạ cánh, sân đỗ, đường lăn hơn 2 tỷ USD dự kiến dùng vốn ODA hay chi phí ga hành khách sân đỗ ô tô hơn 1,6 tỷ USD... Tuy nhiên lại chưa tách riêng biệt chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Điều này khiến Hội đồng cho rằng "việc xem xét tính hợp lý của tổng mức đầu tư không thực hiện được".
 
Thêm vào đó, dù phân tích các phương án huy động vốn, trong đó nhấn mạnh vốn ODA, vốn tư nhân... nhưng giải pháp huy động vốn cụ thể chưa được nêu ra, do đó, theo cơ quan này, chưa có cơ sở để phân tích tính khả thi của các phương thức huy động vốn.
 

Do những tồn tại nêu trên, Hội đồng cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hoàn thiện những vấn đề còn quan ngại trước khi Bộ Giao thông thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo Quốc hội.