Câu chuyện cuộc đời con trai một người lính Pháp ở Điện Biên
2014/5/5 17:55 - Nguồn : Hữu Nghị
Theo những gì mẹ ông Đăm kể, bố mẹ đã yêu nhau trong một thời gian ngắn rồi sinh ra ông. Khi ông Đăm cất tiếng khóc chào đời, cũng là lúc bố ông không còn ở Điện Biên nữa. Lúc này, cái nghèo, sự đơn độc đã khiến mẹ ông có ý định bỏ đi đứa con mới lọt lòng có màu da đen khác biệt. Nhưng rồi ông đã gặp may, ông được làm người.
Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi, cho đến hôm nay những người biết về câu chuyện của ông Đăm lần lượt ra đi hết, để ngỏ bí mật về cuộc đời ông trong những mảnh vụn kí ức mơ hồ. Nhưng có một điều chắc chắn ông chưa bao giờ thấy bố, gọi tên bố. Và ở đâu đó, bố ông cũng không bao giờ biết mình có một đứa con trai người Việt.
Ông Lường Văn Đăm sinh năm 1953, đang sống tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Tên Đăm tiếng Thái có nghĩa là đen. Khi được hỏi về người bố của mình, ông chỉ nói: "Khi ông ấy ở đây thì mình còn trong bụng mẹ".
Mẹ ông là người dân tộc Thái. Bà đơn độc khi sinh ông Đăm tại nhà, nhưng may mắn được bộ đội và hàng xóm biết được chạy đến giúp đỡ. Khi ấy ông Đăm rất đặc biệt bởi nước da màu đen của mình.
Theo ông Đăm thì mẹ ông và người lính Pháp có làm đám cưới, sau đó bố ông cũng thường hỗ trợ vật chất cho hai mẹ con.
Ông Đăm đã có gia đình và đang sống trong ngôi nhà sàn đặc trưng của người Thái. Bố ông ngày trước là lính Pháp đóng quân ở chân đồi A1. Trước khi Chiến dịch Điện Biên mở màn, bố ông nói về Hà Nội học tập khoảng một tháng nhưng sau đó không trở lại nữa.
Gia đình ông Đăm có 6 người con, hiện tại vợ chồng ông sống với 2 con gái. Mọi người cho rằng ông rất giống bố vì có nước da đen.
Vợ ông Đăm là Lò Thị Dóm người dân tộc Thái, bà hơn ông 2 tuổi hiện đang bị liệt. Ông không được mẹ kể nhiều về bố, chỉ nghe hàng xóm nói lại nhưng cũng chẳng nhớ được là bao. Kỷ vật duy nhất của bố ông còn lại cho đến nay là một chiếc linh đồng.
Chiếc linh đồng này bố ông mua cho hai mẹ con để nấu cơm ăn, được đánh dấu đặc biệt. Hiện tại gia đình ông Đăm vẫn đang sử dụng và nó vẫn còn rất tốt.
Cô con gái út của ông Đăm và các cháu. Các con và các cháu ông Đăm đang có một cuộc sống bình thường, ít khi nhắc đến người ông là lính Pháp chưa bao giờ thấy mặt.
Khi bố ông về Hà Nội rồi không trở lại nữa, ông vẫn để lại một vài bộ quần áo lính được mẹ ông giữ cẩn thận cho đến khi ông Đăm lấy ra mặc. Ông đoán bố mình cũng không cao lớn lắm bởi quần áo của bố ông mặc rất vừa.
Ông Đăm kể, ai cũng nói bố ông yêu mẹ ông lắm. Nếu không có chiến tranh thì bố đã đón mẹ ông đi rồi… Hỏi sao không tìm bố, ông nói, còn cái gì mà tìm, số phận mình đã thế rồi, mình phải chịu.