Hội KHKT Cầu đường Việt Namvà Cục ĐBVN đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2023 – 2025.
2023/1/6 21:25 - Nguồn : Tin PV. Ảnh: Đoàn Văn Bửu
Tham dự Lễ ký kết, về phía Hội KHKT CĐVN có ông Ngô Thịnh Đức, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT, PGS.TS. Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Hội; Đoàn Văn Bửu, Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng và lãnh đạo một số ban chuyên môn, Tạp chí CĐVN. Về phía Cục ĐBVN có ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng; Nguyễn Xuân Thắng, Phó Cục trưởng; lãnh đạo Văn phòng Cục và Trưởng, phó một số phòng ban chuyên môn.
Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam và Cục trưởng Cục ĐBVN ký chương trình phối hợp. Ảnh: Đoàn Văn Bửu
Tại buổi lễ, sau khi lãnh đạo Hội KHKT CĐVN và Cục ĐBVN đã soát xét lại các nội dung phối hợp công tác; ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội và ông Nguyễn Xuân Cường, Cục trưởng, thay mặt lãnh đạo hai đơn vị đã ký kết chương trình phối hợp. Theo đó:
I. Về các nội dung phối hợp có tính chất thường xuyên, kế thừa các chương trình phối hợp đã thực hiện ở các giai đoạn trước đây, có các nội dung:
1. Về tổ chức hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ:
- Hội cử chuyên gia của Hội cùng với các công chức của Phòng KHCN, MT&HTQT, Phòng Pháp chế - Thanh tra, Phòng LBTKC hạ tầng giao thông (HTGT) và Chi cục Quản lý đầu tư XDĐB thuộc Cục ĐBVN để tham gia soạn thảo văn bản về hướng dẫn thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về: Xây dựng và hoàn thiện chỉ dẫn về cắm biển báo hiệu đường bộ phù hợp với đặc điểm Việt Nam và thông lệ quốc tế. Tổng kết và hệ thống lại các giải pháp bảo trì sửa chữa công trình đường bộ, đánh giá mức độ phù hợp của từng giải pháp đối với các tình huống cụ thể trong thực tế từ đó xây dựng chỉ dẫn áp dụng.
- Cục ĐBVN chỉ đạo phòng QLBTKC HTGT đề xuất yêu cầu, thời gian và nội dung các chương trình tập huấn, phổ biến kiến thức, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới liên quan đến lĩnh vực xây dựng và bảo trì đường bộ để Hội và Cục ĐBVN thống nhất, phối hợp triển khai thực hiện. Trong trường hợp cấp thiết Thường trực TW Hội sẽ trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Cục những nội dung cần tập huấn, phổ biến để hai bên phối hợp tổ chức thực hiện.
- Thường xuyên giới thiệu và đăng tải thông tin về hoạt động, sự kiện, tình hình phát triển khoa học công nghệ của Cục ĐBVN trên Tạp chí CĐVN. Mở chuyên mục “Đường bộ Việt Nam” nhằm phản ánh và làm rõ những vấn đề xã hội, ngành GTVT quan tâm, trong công tác quản lý đường bộ trên Tạp chí CĐVN, Trang Web của Hội và của Cục ĐBVN.
2. Về tham gia tư vấn và phản biện:
- Hội cử chuyên gia của Hội đồng khoa học, Ban KHCN tham gia Tổ chuyên gia để đánh giá, lựa chọn giải pháp xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông do tư vấn thiết kế các dự án lập, trình duyệt. Các dự án cụ thể do Cục ĐBVN cung cấp;
- Cục ĐBVN phối hợp với Hội thành lập Tổ chuyên gia (Hôi - Cục ĐBVN - Viện KHCN GTVT) để kiểm tra về cầu yếu, đường xuống cấp; Về điểm ùn tắc hoặc điểm đen có quy mô lớn, giải pháp xử lý phức tạp để điều tra, lấy số liệu đánh giá và cùng đề ra biện pháp khắc phục trên cơ sở tư vấn, phản biện của Hội;
- Cục ĐBVN xây dựng kế hoạch về nhiệm vụ, kinh phí thực hiện cho từng dự án cụ thể, chương trình phối hợp kiểm tra thực hiện đã thống nhất với Hội, tạo điều kiện để Hội hoạt động;
- Cục ĐBVN xem xét đề nghị Hội KHKT Cầu đường Việt Nam góp ý, tư vấn, phản biện đối với các bản dự thảo văn bản pháp quy, dự thảo các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn, các Đề án quy hoạch, các Đề án về KHCN, các dự án quan trọng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành.
- Hội KHKT Cầu đường Việt Nam đề xuất và xây dựng mới một số Tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến bảo trì, khai thác các tuyến đường bộ còn chưa cập nhật.
3. Về xây dựng đề án, đề tài nghiên cứu khoa học gắn với thực tế tình hình quản lý giao thông đường bộ năm 2023-2025.
- Cục ĐBVN mời và có kế hoạch cụ thể giao cho Hội trực tiếp đề xuất một số đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu thực tế liên quan đến lĩnh vực đường bộ trong giai đoạn 2023-2025.
- Cục ĐBVN có kế hoạch cụ thể đề nghị Hội tham gia kiểm tra, đánh giá an toàn công trình các công trình cầu lớn, chú trọng các công trình cầu có kết cấu phức tạp, nhịp lớn, các cầu đã xuất hiện hư hỏng, xuống cấp.
- Cục ĐBVN đề nghị Hội cử chuyên gia phối hợp với Phòng QLBTKCHTGT để kiểm tra hiện trường, góp ý kiến phản biện giải pháp xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông do tư vấn thiết kế các dự án lập, trình duyệt; Nghiên cứu áp dụng công nghệ mới trong xử lý, gia cố mái taluy khắc phục bão lũ; khi có điểm đen phức tạp hoặc khi có sụt lở lớn;
- Lãnh đạo Hội phân công Ban KHCN và các chuyên gia của Hội đồng khoa học tham gia điều tra nghiên cứu xây dựng danh mục:
+ Giải pháp sửa chữa và chống xuống cấp mặt đường bê tông xi măng.
+ Nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ: sơn vạch kẻ đường, dán vạch hướng dẫn phân làn, gia cố đất ở nền đường yếu... (nội dung cụ thể, Cục ĐBVN giao cho Phòng KHCN, MT&HTQT, Phòng QLBTKC HTGT phối hợp cụ thể với Ban KHCN của Hội cùng nghiên cứu).
+ Hoàn thiện và nâng cao một bước Công nghệ hiện đại trong chẩn đoán trạng thái kỹ thuật (Sức khỏe) của các công trình cầu nhằm không ngừng nâng cao độ an toàn và độ bền khai thác của các công trình cầu nhằm không ngừng nâng cao độ an toàn và độ bền khai thác của các cô trình cầu, đặc biệt là các công trình cầu lớn, có kỹ thuật phức tạp.
+ Thử nghiệm và đánh giá tính phù hợp của chỉ dẫn cắm biển báo hiệu đường bộ ở một số tuyến đường bộ.
+ Phối hợp triển khai hệ thống kiểm soát chất lượng khí thải trong các hầm giao thông đường bộ, tổ chức hội nghị khoa học cùng với tư vấn của tổ chức JICA.
+ Phối hợp nghiên cứu triển khai một số giải pháp tăng cường an toàn giao thông trên đường bộ như hệ thống hộ lan, biển báo, thiết bị phản quang...
Trao đổi văn kiện ký kết
II. Các nội dung phối hợp trọng tâm cần ưu tiên thực hiện, giai đoạn 2023 – 2025; bao gồm các nội dung:
1. Xây dựng và hoàn thiện chỉ dẫn về cắm biển báo hiệu đường bộ.
Xây dựng và hoàn thiện chỉ dẫn về cắm biển báo hiệu đường bộ phù hợp với đặc điểm Việt Nam và thông lệ Quốc tế. Thử nghiệm và đánh giá tính phù hợp của Chỉ dẫn cắm biển báo hiệu đường bộ ở một số tuyến đường bộ.
2. Hoàn thiện và nâng cao một bước công nghệ hiện đại trong chẩn đoán trạng thái kỹ thuật (sức khỏe) của các công trình cầu.
- Tập trung vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), mạng nơron nhân tạo (ANN), mạng nơron tích chập (CNN) trong chẩn đoán trạng thái kỹ thuật (sức khỏe) của các công trình cầu, trước mắt thử nghiệm cho một số cầu lớn.
- Để thực sự nâng cao chất lượng, độ chính xác và tin cậy của công tác kiểm định đánh giá chất lượng một số công trình cầu, Hội và Cục ĐBVN sẽ thành lập tổ chuyên gia, phối hợp với Viện KHCN GTVT để nghiên cứu, lựa chọn các công nghệ chẩn đoán trạng thái kỹ thuật (sức khỏe) cầu hiện đại, phù hợp với yêu cầu quản lý của Cục ĐBVN để triển khai áp dụng.
- Đề nghị Cục ĐBVN giao cho Viện KHCN GTVT kiểm định một số công trình cầu lớn do Cục ĐBVN quản lý để Tổ chuyên gia của Hội, Cục và Viện kiểm chứng các công nghệ hiện đại trong chẩn đoán trạng thái kỹ thuật (sức khỏe) của các công trình cầu được nghiên cứu, ứng dụng.
3. Phối hợp triển khai hệ thống kiểm soát chất lượng môi trường không khí trong các hầm giao thông đường bộ (Chú trọng các vấn đề chất lượng khí thải, nồng độ bụi tĩnh điện, khả năng phòng cháy nổ…)
4. Ưu tiên xây dựng và mở rộng phổ biến thông tin liên quan đến công tác quản lý đường bộ trên Tạp chí CĐVN.
Phối hợp cung cấp thường xuyên và đầy đủ thông tin về những vấn đề xã hội, ngành GTVT quan tâm trong công tác quản lý đường bộ để đăng tải trên chuyên mục của Tạp chí CĐVN, trang Web của Hội và của Cục ĐBVN.
Toàn cảnh buổi Lễ. Ảnh: Đoàn Văn Bửu
III. Về tổ chức thực hiện
Trên cơ sở chương trình phối hợp đã ký, Cục ĐBVN giao cho các Khu QLĐB và các Phòng chức năng chịu trách nhiệm trao đổi cụ thể với Trung ương Hội về các công việc có thể mời Hội tham gia và sau đó chịu trách nhiệm lập văn bản báo cáo Cục ĐBVN để có kế hoạch và quyết định giao nhiệm vụ cho Hội thực hiện, chậm nhất vào Quý IV hàng năm;
- Cục ĐBVN và Hội cam kết phối hợp và tạo điều kiện cho các Phòng chức năng của Cục ĐBVN; Ban KHCN, các chuyên gia, nhà Khoa học của Hội cùng thực hiện chương trình phối hợp về KHCN đã ký kết năm 2023-2025;
- Cục ĐBVN giao Phòng KHCN, MT&HTQT; Hội cử 01 đồng chí thuộc Ban Lãnh đạo thường trực Hội là thường trực, đôn đốc triển khai thực hiện chương trình phối hợp;
- Cục ĐBVN căn cứ đề tài, đề án và khả năng tài chính năm 2023-2025 để bố trí kinh phí tổ chức thực hiện;
- Hội có trách nhiệm giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc, các nhà khoa học và chuyên gia có trách nhiệm, nghiêm túc nghiên cứu thực hiện đúng theo tiến độ và chất lượng đã ký kết. Định kỳ 06 tháng/lần báo cáo kết quả thực hiện với Lãnh đạo Cục ĐBVN, Hội, Bộ GTVT.
- Hội chủ trì, chủ động tiếp cận, vận động các tổ chức quốc tế tạo điều kiện tài trợ cho hai bên thực hiên tốt các cam kết này.
- Thành lập Tổ chuyên gia hỗn hợp gồm thành viên là các chuyên gia của Hội, Cục ĐBVN và Viện KHCN GTVT để thực hiện các nội dung nghiên cứu trọng điểm trong giai đoạn 2023 đến 2025.
- Trên cơ sở Chương trình 2023-2025, hai bên sẽ thống nhất kế hoạch chi tiết hàng năm để thực hiện. Cục giao cho phòng KHĐT, phòng KHCN, MT & HTQT, phòng QLBTKCHTGT... Hội giao cho Ban KHCN xây dựng kế hoạch, trình lãnh đạo hai bên thống nhất ký kết thực hiện.
Buổi lễ đã diễn ra thành công tốt đẹp, vì mục tiêu chung phát triển ngành GTVT Việt Nam./.