Tịch thu xe của ‘ma men’: Không vướng về sở hữu

2015/3/9 14:38 - Nguồn : Báo GTVT

(Ảnh minh hoạ)

 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật - Sở Tư pháp TP.HCM, việc tịch thu ô tô trong trường hợp tài xế xỉn nặng có thể thực hiện bằng một nghị định của Chính phủ và không vướng quyền sở hữu tài sản của người khác như nhiều ý kiến lo ngại.

 

Xe bị sử dụng trái phép để vi phạm: Trả lại chủ

 

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), việc tịch thu phương tiện có liên quan trực tiếp đến VPHC được áp dụng đối với vi phạm nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức. Có ý kiến băn khoăn hiện không có văn bản nào hướng dẫn thế nào là vi phạm nghiêm trọng nên không có cơ sở để tịch thu xe?

 

Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Đúng là không có văn bản nào hướng dẫn thế nào là VPHC nghiêm trọng nhưng không vì thế mà khó thực hiện. Với Nghị định 81/2013 của Chính phủ, trong từng lĩnh vực cụ thể Chính phủ được quyền xác định các hành vi ̣̣(VPHC) nhẹ, nặng để kèm theo đó là mức xử phạt tương xứng. Chẳng hạn, đối với việc lái xe khi có uống rượu, bia, Nghị định 171/2013 (xử phạt vi phạm giao thông) đã xác định tính chất nghiêm trọng của hành vi căn cứ theo nồng độ cồn thấp, cao. Hành vi của người có nồng độ cồn trên 80 mg/100 ml trong máu hoặc vượt quá 0,4 mg/ml khí thở bị phạt nặng nhất (từ 10 đến 15 triệu đồng + tước bằng lái hai tháng). Nay nếu cho rằng mức phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe thì Chính phủ hoàn toàn có quyền xác định đây là hành vi VPHC nghiêm trọng để trên cơ sở đó áp dụng biện pháp tịch thu xe.

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp xe cho thuê, cho mượn… nên nhiều người đang lo ngại việc tịch thu sẽ xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp của chủ xe…

 

Bà Nguyễn Thị Kim Liên: So với pháp lệnh cũ thì Luật XLVPHC năm 2012 có đưa ra một hình thức xử phạt rất mới để không xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác, đó là “nộp tiền thay thế”.

 

Cụ thể, khoản 1 Điều 126 luật này quy định: “Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để VPHC thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện VPHC… thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước”.

 

Theo đó, nếu xe được cho thuê, cho mượn… tức không phải của người lái xe vi phạm và người chủ xe không hề có thỏa thuận cho thuê, cho mượn xe để VPHC thì xe được trả lại cho chủ sở hữu. Ngược lại, việc tịch thu xe được áp dụng nếu chủ xe đồng ý, chấp nhận cho người thuê, mượn… dùng xe ấy để VPHC. Như vậy, nếu không có lỗi đối với vi phạm thì chủ xe sẽ không bị tịch thu xe. Bấy giờ, người lái xe vi phạm sẽ phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá xe.

 

Phạt tù: Dễ làm hơn

 

Với phân tích như thế thì tịch thu xe có thể hiểu theo hai nghĩa là bị mất xe hoặc phải nộp tiền thay thế. Có điều nhiều người lái xe không có xe và cũng không có tiền, vậy có phạt nặng thì cũng như không!

 

Bà Nguyễn Thị Kim Liên: Tôi cũng cho rằng phải xem xét thêm tính khả thi trong đề xuất của Ủy ban ATGT Quốc gia vì sẽ có nhiều trường hợp người vi phạm không thể thực hiện được do họ không có tiền cũng như tài sản, trong khi giá trị của xe ô tô thường là rất lớn so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội ta hiện nay.

 

Theo tôi, đối với loại vi phạm nêu trên, trước mắt cứ tăng thời gian tước giấy phép lái xe lên 24 tháng (mức tối đa mà Luật XLVPHC đã quy định). Sau một thời gian áp dụng mà nhận thấy hình thức xử phạt này vẫn chưa có tác dụng răn đe, ngăn ngừa vi phạm thì Bộ GTVT có thể tham mưu Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi BLHS theo hướng xử lý hình sự cá nhân có các hành vi vi phạm giao thông có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho người khác. Cách chế tài này vừa nghiêm khắc mà cũng vừa dễ thực hiện hơn.

 

Xin cảm ơn bà!