Ngành Giao Thông Vận Tải Đà Nẵng - Một chặng đường phát triển

2015/10/12 14:58 - Nguồn : Nguyễn Cửu Loan (thực hiện)
PV. Vừa qua Sở Giao thông – Vận tải TP. Đà Nẵng phối hợp với Ban Liên lạc cán bộ chiến sĩ Ban Giao vận Quảng Đà đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Là thế hệ trẻ trên cương vị chỉ huy ngành Ông có những nghĩ suy?
 
Ông Lê Văn Trung: Có thể nói đối với ngành Giao thông Vận tải TP. Đà Nẵng đây là trang sử đáng tự hào nhất.
 
 
Trong những năm tháng chiến tranh đầy khốc liệt nhất để giải phóng miền Nam, dưới những trận mưa bom, bão đạn triền miên và trong hoàn cảnh “đói cơm, nhạt muối” những thế hệ cha anh đi trước đã không ngại không quản hy sinh, gian khổ viết lên những trang sử hào hùng của ngành. Họ đã tích cực xây dựng, tổ chức khai mở những con đường giao thông vận tải để phục vụ  lâu dài cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hàng vạn tấn vũ khí đạn dược đã được đưa đến tận chiến trường đầy cam go thách thức. Họ là những con người không hề sợ gục ngã trước hàng trăm km đường đầy rẫy những hố bom, quả đạn của quân thù trút xuống nhằm ngăn cản bước tiến của chúng ta, làm suy yếu nhuệ khí của quân dân ta. Nhưng không ai ngờ rằng, sau những trận mưa bom cầy xới ấy lại lộ ra những con đường thênh thang thông suốt để đoàn quân giải phóng thẳng ra chiến trường tiến đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
 
Khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước hòa chung một nhà. Lúc ấy, chúng tôi phải tiếp quản một hệ thống giao thông không đồng bộ, giao thông nông thôn – miền núi vừa thiếu, vừa yếu, giao thông vùng kháng chiến và vùng tranh chấp bị tàn phá nặng nề; nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ngành lúc bấy giờ là khôi phục hệ thống giao thông, hàng trăm km đường lên các vùng cao, đi các huyện Hiên, Giằng, Phước Sơn, Hiệp Đức… rồi rà phá bom mìn, sửa chữa, mở rộng để đưa vào sử dụng. Ngoài ra, còn tổ chức tất cả các phương tiện hiện có trên địa bàn vào hoạt động để nâng cao năng lực vận chuyển hành khách, hàng hóa. Đi đôi với công việc mở đường thông tuyến là tiến hành xây dựng lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới với những bước đi phù hợp. Ngoài các đơn vị trực thuộc Sở, ngành đã vận động thành lập một số đơn vị liên doanh, hợp tác xã, đóng vai trò chủ lực trong hoạt động vận tải và sửa chữa ô tô – tàu thuyền.
 
Không chỉ phục vụ yêu cầu kinh tế – xã hội địa phương, ngành còn tổ chức hàng trăm chuyến xe chuyển quân, phục vụ chiến tranh biên giới Tây Nam, Campuchia, biên giới phía bắc, phục vụ Trường Sa; Xây dựng nhiều công trình dân sinh, tham gia xây dựng công trình Đại thủy nông Phú Ninh và xây dựng cầu tràn Xamía giúp nước bạn Lào; đóng tàu vận tải sông biển, viễn dương…; chủ động triển khai nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật như các giải pháp thay đổi công nghệ chuyển xe chạy bằng xăng sang chạy bằng hơi gas từ đốt than, chuyển đổi thắng dầu qua thắng hơi,… vừa giải quyết thiếu thốn về vật tư, nhiên liệu, vừa đáp ứng yêu cầu vận tải. Đặc biệt lần đầu tiên, ngành tổ chức thi công đồng bộ công trình nâng cấp, mở rộng đường Điện Biên Phủ trong thời gian ngắn; trong lúc, vừa giải phóng mặt bằng, vừa thi công, vừa đảm bảo giao thông đã mở đầu cho sự phát triển mới của ngành trong 10 năm đầu giải phóng. Đọc và ngẫm lại một chặng đường đã đi qua những thế hệ của ngành hôm nay không thể không tự hào.
 
PV. Từ khi xóa cơ chế bao cấp chuyển qua cơ chế thị trường. Ông đánh giá thế nào trong giai đoạn này
 
Ông Lê Văn Trung: Thật ra mà nói, thế hệ tiếp nối của chúng tôi có được đầy đủ những tiện ích cơ ngơi hôm nay đều nhờ vào những hy sinh thật vô cùng to lớn của những thế hệ đi trước. Do đó, đối với chúng tôi hằng năm đến ngày truyền thống của ngành đều tổ chức buổi gặp mặt tất cả các CBNV của Sở để nhắc lại những ngày tháng không bao giờ quên đó, nhằm nhắc nhở động viên anh em phấn đấu nhiều hơn nữa để không phụ lòng những người đi trước. Nói về giai đoạn từ bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường (1986) ngành đã chủ động vận dụng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Giao thông Vận tải, của Tỉnh ủy vào thực tế. Ngành đã nhanh chóng bắt kịp quá trình “đổi mới” thực hiện nhiều chủ trương để phát huy nội lực như: Tăng cường liên kết giữa các đơn vị thành viên trong ngành để phát huy hiệu quả đồng vốn, tạo việc làm, làm ra nhiều sản phẩm hơn cho ngành; Đa dạng hóa sản phẩm để tận dụng nguồn vốn, nguyên liệu từ bên ngoài; Trọng dụng lao động có tay nghề cao và khai thác tối đa tiềm năng khoa học kỹ thuật, cơ sở vật chất, máy móc thiết bị của ngành,…Đến cuối năm 1996, hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh cơ bản được liên thông, các tuyến đường đều được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, một số tuyến được nâng cấp, mở mới; 360/941km đường sông được nạo vét, khai thông. Phương tiện vận tải tăng nhanh và sản xuất cơ khí, vật liệu xây dựng có nhiều tiến bộ. Trong giai đoạn này ngành đã được tặng 01 Huân chương Độc lập hạng ba, 03 Huân chương Lao động hạng nhất, 05 Huân chương Lao động hạng nhì, 12 Huân chương Lao động hạng ba; nhiều Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, của Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; nhiều tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Bộ GTVT, Chủ tịch UBND tỉnh.
 
Cầu Trần Thị Lý về đêm
 
PV. Từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đô thi loại 1 cấp quốc gia. Ông có thể cho biết những nỗ lực và thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển
 
Ông Lê Văn Trung: Như chúng ta đều biết, Đà Nẵng từ xưa cho đến nay đều được xác định là trung tâm kinh tế, an ninh quốc phòng tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, bởi Đà Nẵng có vị trí địa lý thuận lợi hiếm nơi nào có được. Do đó, trải qua những thăng trầm của lịch sử, Đà Nẵng luôn được chọn làm thủ phủ cho bàn đạp chiến tranh của các đế quốc xâm lược và người ta thường gọi ở đây là một “đô thị quân sự” bởi cấu trúc đô thị là một hệ thống căn cứ không quân, hải quân và kho tàng phục vụ chiến tranh. Sau ngày giải phóng, thành phố đã được hình thành với nhiều giai đoạn lập đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố. Nhiều tuyến đường, quảng trường và các khu nhà ở mới ra đời. Đà Nẵng thực sự được “cởi trói” hình ảnh của một đô thị quân sự, bắt đầu đóng vai trò sứ mệnh mới với vai trò là một thành phố trung tâm của cả Vùng duyên hải miền Trung và là một thành phố lớn nhất trong 4 vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam.
 
Sau hơn 15 năm định hướng quy hoạch và chuẩn bị, đô thị Đà Nẵng đã được định hình qua việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển không gian đô thị Đà Nẵng của Chính phủ vào năm 1993. Năm 1995, quy hoạch chi tiết sử dụng đất của thành phố Đà Nẵng bước đầu được hoạch định và gương mặt tương lai của đô thị Đà Nẵng đã được phát họa.
 
Tuy từ lâu, Đà Nẵng đã được xác định là đô thị hạt nhân của miền Trung nhưng trong thực tế cho đến năm 1996, Đà Nẵng vẫn chỉ là một thành phố cấp huyện về mặt quản lý hành chính với trung tâm gồm một số phường thuộc quận Hải Châu ngày nay. Khu vực 3 mà nay là hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn vẫn còn là vùng nông thôn bán đô thị, bộ mặt của các đường trục chính có dáng dấp một thị tứ hơn là thành phố.
 
Từ khi được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương (1.1.1997), đến ngày 30.12.2003 Đà Nẵng được Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại 1. Chỉ hơn 7 năm qua, Đà Nẵng đã thực sự thay đổi nhanh chóng. Hạ tầng kỹ thuật thay đổi, các trục đường mới như đường Nguyễn Văn Linh, đường 2-9, đường Nguyễn Tất Thành; Phạm Văn Đồng; Trần Cao Vân; Đống Đa; Nguyễn Tri Phương; Lê Độ; Nguyễn Hữu Thọ; Điện Biên Phủ; Trần Hưng Đạo; Bạch Đằng; Ngô Quyền; Lê Duẩn… Đã được nâng cấp và mở rộng theo hướng quy hoạch đã được duyệt. Những khu đô thị mới Thạc Gián – Vĩnh Trung, Bạch Đằng Đông, Liên Chiểu – Thuận Phước, Khuê Trung – Hòa Cường,  là những công trình làm cho thành phố thay da đổi thịt từng ngày.
 
Có đường là có phố. Các phố mới, khoác lên mình bộ cánh mới đa dạng và duyên dáng. Nhiều nhà cao tầng mọc lên. Các khách sạn, trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, nhà ở… đua nhau mọc lên với tầng cao hơn, vật liệu mới tốt hơn, đẹp hơn. Đặc biệt phải nói rằng về đêm, Đà Nẵng càng đẹp hơn bởi những dãy phố được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng mới. Hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp nước, thoát nước, đường xá… Đã được nâng cấp để Đà Nẵng thực sự trở thành đô thị hiện đại. Cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Cẩm Lệ, Tuyên Sơn, nối hai khu vực thành phố tạo cho hai quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn có sức sống mới, hứa hẹn quá trình đô thị hóa nhanh hơn, hoàn chỉnh hơn. Công trình cầu Rồng cùng với cầu Trần Thị Lý không chỉ là những cây cầu kết nối giao thông hai bờ sông Hàn, ngoài độc đáo về ý tưởng thiết kế mà còn mang trong mình vẻ đẹp mê hoặc, hiện đại khi đêm về, đã tạo lập biểu tượng mới cho Đà Nẵng; những con đường ven biển, ven sông, đường vành đai phía Bắc, phía Nam đã mở đường cho việc mở rộng lòng sông và kéo dài bờ biển. Cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Khuê Đông và đường Võ Chí Công kết nối trung tâm thành phố với khu vực Đông Nam thành phố Đà Nẵng đã mở rộng không gian đô thị về phía Nam, lập nên trục giao thông chính, quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Đà Nẵng trong phát triển kinh tế và xã hội. Nếu như vào năm 1997, chiều dài mạng lưới đường bộ trên địa bàn chỉ có khoảng 420km, phần lớn các tuyến đường có chất lượng kém do nhiều năm không được trùng tu, thậm chí 20,87% đường đô thị là đường đất, đường tỉnh chỉ khai thác mùa khô và chỉ có 9/96km được rải nhựa và có 2 cầu với tổng chiều dài 569m, thì đến năm 2015, chiều dài mạng lưới đường bộ là hơn 1.200km và có 25 cầu với tổng chiều dài 4000m.
 
Chúng ta ai nấy đều vui mừng và thật sự xúc động khi nhìn thấy những xóm nhà chồ ở phía Đông sông Hàn, những khu nhà ổ chuột ở bàu Thạc Gián – Vĩnh Trung, ở vùng đầm Thuận Phước, hay những chiếc phà cũ kỳ đưa khách qua lại trên dòng sông Hàn trong nỗi lo âu đã lùi dĩ vãng. Thay vào đó là những con đường mới, những chiếc cầu mới, những khu dân cư mới khang trang, sạch đẹp, hàng loạt hẻm kiệt cũng được bê tông hóa, có điện chiếu sáng, có hệ thống cấp, thoát nước, đã xóa đi cảnh nắng bụi mưa lầy của một thời dai dẳng, triền miên.
 
Cùng với việc xây dựng đồng bộ các tuyến đường bộ theo quy hoạch, hệ thống phao tiêu, biển báo đường sông, hệ thống giao thông nông thôn và kiệt hẽm cũng được quan tâm đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, ngành đã tham mưu, giúp UBND thành phố phối hợp với các cơ quan Trung ương đầu tư xây dựng các công trình Hầm đường bộ Hải Vân, mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A , xây dựng đường tránh Nam Hải Vân, nâng cấp cảng Tiên Sa giai đoạn 1, đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn – Túy Loan) và triển khai các dự án: nâng cấp cảng Tiên Sa – giai đoạn 2, nâng cấp mở rộng Sân bay Quốc tế Đà Nẵng.
 
Ngành GTVT đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm Thành phố giao. Các lĩnh vực vận tải, đào tạo, sát hạch lái xe có nhiều tiến bộ, nhất là đã đẩy mạnh việc xã hội hóa đào tạo lái xe, đầu tư đổi mới phương tiện vận tải thân thiện với môi trường và tổ chức các tuyến xe buýt không trợ giá. Đã quản lý, khai thác tốt các công trình, từng bước giải quyết các bức xúc về giao thông đúng cam kết với HĐND thành phố; tổ chức tốt các hoạt động phục vụ các dịp lễ, tết trình diễn pháo hoa quốc tế và đón các đoàn khách, Hội nghị cấp cao quốc tế; thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
 
Đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời hướng dẫn thực hiện các quy định mới của Nhà nước, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, ban hành nhiều quy định quản lý chuyên ngành GTVT trên địa bàn thành phố và tăng cường công tác thanh tra kiểm tra. Đồng thời Ngành đã đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp thành phố, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong toàn ngành. Thông qua thực tiễn, cán bộ và người lao động trong ngành đã học tập, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ, tiếp cận với cách làm mới theo thông lệ quốc tế, xây dựng được phong cách tư duy năng động, sáng tạo ra bước nhảy vọt về tổ chức, đổi mới công nghệ, trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc. Đây chính là nền tảng quan trọng cho sự phát triển, phát huy hết được sức mạnh của toàn ngành để bước vào giai đoạn phát triển mới.
 
Sông Hàn - thành phố và những cây cầu
 
PV.Những cảm nhận của ông cho một chặng đường đã đi qua?
 
Ông Lê Văn Trung:  Bản thân tôi nói riêng và toàn thể đội ngũ nói chung của ngành rất tự hào về những trang  sử vẻ vang được làm nên bởi các thế hệ cha anh. Từ thực tiễn hoạt động sôi động sau ngày Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, với tinh thần phát huy truyền thống “đi trước”, “mở đường” và tinh thần dấn thân mạnh mẽ, đội ngũ cán bộ, người lao động ngành Giao thông vận tải Đà Nẵng hôm nay đầy lòng tự tin bước vào thời kỳ đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết số 33 –NQ/TW và Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, tiếp tục đổi mới”
 
Các thế hệ cán bộ, người lao động ngành Giao thông Vận tải Đà Nẵng mãi mãi ghi nhớ những truyền thống cách mạng vẻ vang của ngành để thấm sâu hơn nữa những lý tưởng cao đẹp  qua đó, ngày càng nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng hiện đại, văn minh.
 

PV. Cảm ơn Ông!