Một số kinh nghiệm chuẩn bị đi xe an toàn khi trời mưa tuyết

2016/1/25 16:45 - Nguồn : BT

Ảnh minh họa

Những vật dụng cần thiết cần mang theo xe khi đi vào vùng mưa tuyết: Bình xăng đầy; nước Anti Freeze (nước Coolant) dự trữ; Lốp xe dự trữ đủ hơi, bộ kích xe,dây câu bình sạc điện, dây kéo xe, dụng cụ sửa xe thiết yếu; Xẻng, chổi, dao, dụng cụ cào tuyết; Một túi muối, cát, hoặc rơm lót; Túi cứu thương, kéo, dây thừng, diêm, compass; Đền pin đủ điện cùng pin dự phòng; Chất đốt khô (nến, cồn khô); Đồ ăn khô, nước uống, nước dinh dưỡng; Găng tay, áo ấm, chăn.

Việc có một chiếc xe hoàn hảo trước khi ra đường luôn là một việc cần thiết; tuy nhiên, với thời tiết có băng/tuyết, việc chuẩn bị cần kĩ càng hơn nữa đối với phanh, lốp xe (đủ độ bám, ta-lông còn dày), vì khi mặt đường đóng băng, lốp dễ mất ma-sát dẫn đến trượt bánh, mất kiểm soát. Ngoài ra, nếu đường có tuyết dày (hoặc bùn lầy lẫn băng đá) hãy nghĩ đến việc xì bớt lốp xe, điều ngày giúp chiếc xe tăng thêm độ bám, nhưng hãy cẩn thận với việc này nếu bạn không có bơm dự phòng trong xe, cần bỏ loại lốp đã mòn hay quá nhẵn, dành cho đường mùa hè, thay vào đó là loại có nhiều rãnh, gai để tăng độ bám đường.

Tầm nhìn khi có mưa tuyết thường bị hạn chế, do đó kính chắn gió trước mặt lái xe, gương chiếu hậu là những bộ phận cần sạch sẽ. Đối với kính chắn gió, không những mặt ngoài mà mặt trong cũng phải sạch, không bị đọng hơi nước. Kiểm tra và thay thế loại cần gạt nước tốt khi tới mùa mưa tuyết. Có thể sử dụng thêm loại nước rửa kính có tác dụng chống đóng băng. Khi ra ngoài lâu, nên rũ sạch tuyết ở trang phục như giày, quần áo trước khi vào trong xe bởi lượng tuyết có thể chuyển thành hơi nước làm mờ kính.

Với điều kiện trời mưa, tuyết nên để đèn pha ở chế độ chiếu gần (cos) cùng với đèn sương mù. Ngoài ra, để cẩn thận hơn, có thể dán thêm những miếng đề can phản quang ở trước, sau và hai bên thân xe. Khi lên xe, cần kiểm tra các tính năng hỗ trợ an toàn chủ động (nếu có) để đảm bảo chiếc xe của mình sử dụng hết các tính năng vốn có: hệ thống ổn định thân xe điện tử (ESP, VSC…), hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS), hệ thống kiểm soát chống trượt (ASR)…

Hầu hết những chiếc xe đời mới nếu có hệ thống này có cách bố trí khác nhau; luôn bật trong hệ thống phần mềm hoặc kích hoạt bằng nút bấm, điều này bạn cần chắc chắn để không bỏ phí một công cụ hỗ trợ đắc lực cho mình.

Để chắc chắn không phải dùng quá nhiều phanh, nên giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, xa hơi so với điều kiện thời tiết bình thường. Bước vào xe, bạn hãy nổ máy khoảng năm phút trước khởi hành, bật hệ thống điều hòa không khí (nóng - đương nhiên), kiểm tra xem điều này có làm đọng nước hay dính hơi nước trên kính lái hay không, nếu có bạn cần xử lí ngay bằng nút sấy kính, đừng để trường hợp đang lái xe lại phải cuống quýt đi tìm cách xử lí.

Trên đường đi, bạn nên hé mở một cửa sổ xe để tránh hiệu ứng thở không khí khu trú trong xe, hoặc khí lạnh tràn đột ngột vào xe khi mở cửa. Nếu dừng xe thì trong khoảng 1 giờ đồng hồ cần mở máy trong vòng 10 phút để tránh ống bô bị tuyết băng đóng kín.

Chúc bạn lái xe an toàn, đi đường may mắn!