NHÀ NỔI - NƠI Ở TƯƠNG LAI

2016/6/23 17:7 - CHU MẠNH CƯỜNG

Từ xưa, con người đã biết tận dụng mặt nước gồm sông hồ, biển cả để phục vụ cho nhu cầu ăn ở, đi lại. Đến nay, người ta vẫn sống trên mặt nước, thậm chí còn xây dựng nhà cửa bồng bềnh. Có nhiều lý do để làm như vậy, thứ nhất vì lối sống thủy canh và di trú trên nước. 

Thứ hai vì điều kiện đất đai chật hẹp mà nước, trong đó có nước biển lại chiếm phần lớn diện tích trái đất, là chốn cho ta nhiều không gian thừa thãi, ở đâu tùy thích và cuối cùng vì biến đổi khí hậu dẫn đến các trận lũ lụt mà chỉ có một cách sống còn là trú ngụ trên các vật thể trôi nổi được. Thật ra, sống trên nước cũng có nhiều điểm thú vị như có thể ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, không ai làm phiền và luôn ở trong nhà mình. Chính vì thế, sống trên nước được xem là một xu thế sẽ thịnh hành trong tương lai. Các đô thị đều có hoặc đang có những dự án phát triển nhà ở trên nước, và các công ty cũng đang cố gắng tạo ra các vật liệu siêu nhẹ, nổi được, chịu được sự va đập và ăn mòn của thời gian.

nhà nổi ở Hà Lan (ảnh: internet)

Thế giới đã có thuật ngữ nhà thuyền và nhà nổi từ lâu dựa trên các nơi ở đã quen thuộc với người dân vùng biển và sông hồ hàng trăm năm - đó là con thuyền và nhà sàn. Từ một con thuyền đơn sơ với một cái mui cao che nắng, người ta đã cải tiến nó thành các khoang, tầng có thể chứa đồ, làm chỗ nấu nướng, ăn ngủ... và tạo nên các ngôi nhà thuyền là tiền thân của du thuyền cỡ lớn hiện nay với sức chứa nghìn người. Cũng từ nhà sàn với các cọc đóng vào lòng sông, họ đã cải tiến để mái và vách có thể chịu được thấm dột, mưa bão cũng như nổi trên mặt nước. Nhà nổi là một sự thoát ly của cả hai dạng trên khi mà mặt sàn được giải phóng khỏi con thuyền, cho trải rộng trên mặt nước, đồng thời có hình dạng và chức năng như trên mặt đất.

Ở mỗi nước ít nhiều đều có một số nhà thuyền, nhà nổi. Tại Trung Quốc, nhà thuyền tập trung ở khu cảng Aberdeen - Hồng Công. Từ xưa, dân chài nơi đây đã sống trên các con thuyền mui cao, mỗi thuyền chứa một gia đình. Có tất thảy 600 nhà thuyền gồm 6.000 người nay đây mai đó. Tại Ấn Độ, nhà thuyền phổ biến hơn, không chỉ dừng lại vài cụm mà rải khắp các kênh rạch của bang Kerala, sông Jhelum (Punjab), hồ Dal - hồ Nagin (Srinagar-Kashmir) với cả nghìn chiếc. Chúng như những cái bè trôi chậm, trước kia dùng để chở thóc lúa, gia vị thì nay phục vụ du lịch. Mỗi nhà thuyền thường dài 21 đến 30 mét, rộng năm, sáu mét, thân làm từ gỗ Anjili buộc dây dừa, mái tre lợp cọ. Tất cả phết dầu hạt điều chống thấm. Tại Lào, Việt Nam, nhà thuyền được thấy trên nhiều đoạn sông Mekong, chảy qua các thành phố như Sanvannakhet, Luang Prabang, Houayxay, Mỹ Tho, Châu Đốc, Bến Tre... Tại Đức, Anh, Hà Lan và nhiều quốc gia châu Âu, nhà thuyền tụ tập trên các con kênh nội đô ra tới ngoại vi thành phố, vừa là chốn ở vừa là quán xá, câu lạc bộ. Đặc biệt tại Hà Lan, một đất nước có địa thế dưới mực nước biển, rất nhiều nhà dân đều là nhà thuyền. Mỗi nhà thuyền đều được cấp địa chỉ hẳn hoi như nhà trên cạn. Có đến 2.400 cái nhà nổi ở Amsterdam, làm nên những thị trấn hoặc phố chợ trên kênh. Trong đó thị trấn Maasbommel và chợ Bloemenmarkt là hai khu nhà nổi đầu tiên tiếp cận với điện và nước sạch. Tại Canada và Mỹ, nhà thuyền nằm dọc các sông của bang Brittish Columbia, Ontario, Quebec, Florida, Kentucky, Massachusetts... Nhờ có nhiều sông hồ nên nhà thuyền ở Canada rất phát triển. Mỗi cái đều được gắn động cơ chạy nhanh và có nội thất tốt hơn cả nhà thường. Chúng cũng tập trung thành các thị trấn mà Sicamous trên hồ Shuswap, BC được mệnh danh là thủ phủ của nhà nổi. Tại Mỹ, nơi phát xuất đầu tiên nhà nổi là các sông hồ của thành phố Seatle và hồ Cumberland - Kentucky. Mỗi nhà có nhiều cỡ khác nhau, nhỏ dài chín mét, lớn dài 20 mét với diện tích 200 mét vuông. Ngoài để ở, từ năm 1940, chúng còn phục vụ giải trí. Như nhà thuyền (có nơi gọi nhà thuyền là nhà nổi), nhà nổi là một cấu trúc có thể nổi trên mặt nước nhờ dưới nền đặt các vật liệu nhẹ, xốp, chứa khí như hệ thống các phao và thùng rỗng. Kiến trúc của nó cũng thường bằng gỗ, nhôm, nhựa mỏng, được nối với nhau bằng các hành lang và có thể tháo dỡ, kéo đi bất kỳ. Ngoài những lợi ích đối với môi trường, chúng còn thích ứng với từng điều kiện thời tiết, thủy triều lên xuống và là một giải pháp cư trú tối ưu trong điều kiện mưa lũ kéo dài.

Phần lớn các ngôi nhà nổi hiện nay đều có một, hai tầng nhỏ do một số đơn vị cá nhân làm. Mới nhất phải kể đến ngôi nhà trên hồ Huron, Ontario, Canada do công ty MOS thiết kế, có diện tích 186 mét vuông. Đầu tiên, nó được dựng trên băng sau đó hạ thủy trên giàn phao sắt. Một ngôi nhà nữa là nhà nổi trên sông Amstel, Amsterdam, Hà Lan do công ty +31Architects thiết kế, có kiến trúc như một căn hộ hiện đại, hai tầng với 200 mét vuông. Và nhà nổi - trôi trên sông Thames, London Anh do kiến trúc sư Steve và Nick Tidball, công ty quảng cáo TBWA thiết kế với hình dạng của một biệt thự hai tầng song chỉ có một tầng gồm hai phòng ngủ, một phòng tắm, một phòng khách và một khu vườn, được chắp từ sáu công te nơ lớn, bên ngoài bọc gỗ và kéo từ xa bằng một canô cách 30 mét nên trông có vẻ trôi một mình. Tuy nhiên, người ta cũng bắt đầu xây dựng các khu nhà nổi quy mô. Như tại Hà Lan, vào năm 2014 đã triển khai làm một chung cư nổi đầu tiên của thế giới - một khu căn hộ cao cấp có đầy đủ nhà cửa, vườn tược, lối đi như một thành phố nhỏ trên nước. Công trình do công ty ONW/BMG GO thực hiện và đặt tên là Citadel, được nối với đất liền bằng một cây cầu phao mỗi khi cần tiếp đất hoặc có người ra đó. Tại Anh, cũng đang xây dựng ngôi làng nổi đầu tiên của nước này ở cảng hoàng gia London Royal Docks. Được biết các nơi như Boston, Sydney, Helsinki và Maldives cũng đang có các công trình tương tự. Chúng đều được tính toán để làm sao khi nước dâng thì nhà cũng dâng và di chuyển nhanh với hệ thống động cơ, thay vì đứng ỳ cho các tàu kéo như trước. Có những dự án cũng rất tiềm năng như dự án của kiến trúc sư người Bỉ Vincent Callebaut. Vào năm 2008, ông đã đưa ra bản mẫu của công trình này, gọi là thành phố sinh thái ecopolis Lilypad nổi trên nước dành cho việc di trú vì biến đổi khí hậu trong tương lai. Ai cũng biết gần đây khí hậu của trái đất biến đổi rất thất thường, gây giông bão, lở đất, lũ lụt tại nhiều quốc gia. Trước tình hình nhiệt độ ngày càng tăng, băng tan ở hai đầu cực rất dễ dẫn tới trận đại hồng thủy như trong truyền thuyết, việc đóng một con thuyền Noah để sẵn là một việc làm cần thiết, và Lilypad chính là một bản mẫu cho con thuyền này. Theo như tác giả thì đây chính là một hòn đảo trôi trên biển với hình dáng như một bông hoa huệ đang nở (biểu trưng của vẻ đẹp và sự khai trí), gồm có ba cánh đồng nghĩa với ba dãy núi và ở giữa là một vịnh nước với nhiều cây xanh đảm bảo những tiểu khí hậu hết sức đa dạng. Cùng đó là nơi ở cho hơn 50 nghìn người. Đây là một công trình bền vững, đáp ứng được bốn tiêu chí khắt khe của tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển OECD là khí hậu, sự đa dạng sinh học, nước ngọt và sức khỏe cho mọi người. Lớp vỏ ngoài của công trình này được làm hai lớp và từ các sợi polyester phủ titanium dioxide ) có tác dụng phản ứng (TiO2 với tia tử ngoại, khử độc và làm trong sạch bầu không khí. Hòn đảo cũng chỉ dùng các nguồn năng lượng sạch nên không có khí thải CO2 hơn thế nữa còn xuất ra điện nhiều hơn tiêu thụ. Dự tính, nó sẽ được xây bên cạnh bờ biển trên khắp thế giới, từ đường xích đạo lên vùng biển bắc, nơi có dòng nước ấm. Một dự án nữa là của kiến trúc sư người Italia Luca Curci về một thành phố nổi màu xanh tự dưỡng bằng thái dương năng. Đó là một tòa tháp 18 tầng có hình mô đun, 58 nghìn mét vuông, gồm nhiều hạ tầng, nhà ở, công viên, khu spa, khu thiền cho 2500 người. Tất cả đều trồng cây xanh và có các ô điều sáng và khí tự nhiên. Mọi nguồn năng lượng nuôi sống tòa tháp đều lấy từ điện mặt trời. Khả năng thế giới có những ngôi nhà cộng đồng trôi nổi trên nước là rất lớn. Hứa hẹn một tương lai mới của nền kiến trúc hiện đại, đi vào khám phá các tầng không gian đại dương và vũ trũ. Không chỉ thỏa mãn nhu cầu ăn ở phiêu lưu mới lạ, mà còn đảm bảo cho sự an toàn, cơ hội phát triển của mỗi chúng ta.



GỬI Ý KIẾN
Quyết liệt giải tỏa vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực gầm cầu

Trong tháng 11 năm 2023, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức phối hợp kiểm tra, xử lý, giải tỏa vi phạm lấn chiếm tại các khu vực gầm cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội với các vi phạm như: xây dựng nhà tạm, tập kết vật liệu xây dựng, họp chợ…