Quảng Ninh: Cần xử lý triệt để nạn xe dù, bến cóc

2019/9/26 20:22 - PV

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng các hình thức chạy tuyến cố định, xe khách hợp đồng, xe buýt. Ngoài các phương tiện, điểm dừng đỗ đã được cấp thủ tục theo đúng quy định thì vẫn còn nhiều xe dù, bến cóc đang ngang nhiên hoạt động từ nhiều năm nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT...

 

 Rất nhiều phương tiện dừng, đỗ đón trả khách ngay dưới biển cấm tại khu vực Kênh Liêm (TP Hạ Long).

Ngã tư Loong Toòng (TP Hạ Long) luôn là một trong những điểm nóng về hoạt động xe dù, bến cóc trên địa bàn tỉnh. Theo quan sát của phóng viên, vào các giờ cao điểm, lượng người đón xe để đi các tỉnh và phương tiện dừng đỗ đón khách rất đông. Trong khi đó, đây là nút giao thông chính của TP Hạ Long luôn có lưu lượng phương tiện lưu thông đông nên tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao.
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, lực lượng chức năng, gồm: CSGT, thanh tra giao thông cũng thường xuyên tuần tra, xử lý vi phạm ở nút giao thông này, thế nhưng khi có mặt lực lượng chức năng thì xe không đỗ đón khách, nhưng khi lực lượng này dời đi thì đâu lại vào đấy nên bến cóc Loong Toòng vẫn hoạt động kéo dài từ nhiều năm nay. Không chỉ ở khu vực Loong Toòng, các điểm như: Ngã ba Cứu Hỏa, cầu Kênh Liêm... các bến cóc cũng hoạt động rất nhộn nhịp.
 
Theo quy định, các phương tiện kinh doanh vận chuyển hành khách đều phải đăng ký với Sở GT-VT và được cơ quan chức năng cấp phù hiệu hoạt động. Tuy nhiên, nếu như thế sẽ đội thêm chi phí nên lái xe không muốn. Chính vì vậy, họ sẵn sàng chạy đón khách bên ngoài để không bị ràng buộc, đồng thời giảm chi phí trong quá trình hoạt động. Một trong những nguyên nhân khiến các bến cóc vẫn hoạt động được đó là ý thức chấp hành Luật giao thông của người dân còn kém nên các nhà xe vẫn có “đất sống”. Ngoài ra các xe dù lại rất thuận tiện trong việc đón, trả khách vì không bị quy định về mặt giờ giấc theo quy định của các bến xe.
 
Theo Thiếu tá Nguyễn Xuân Tiến, Đội trưởng Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Quảng Ninh thì các nhà xe đều có bộ phận theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng. Chỉ cần thấy lực lượng CSGT đi tuần là họ báo cho các phương tiện dời đi nên công tác xử lý rất khó khăn. Nhiều lúc lực lượng chức năng phải sử dụng xe mang BKS dân sự theo dõi mới bắt được một vài trường hợp để xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, hoạt động xe dù có diễn biến phức tạp, gồm các loại xe có phù hiệu nhưng bỏ bến, đón khách lẻ; xe không phù hiệu nhưng giấy đăng kiểm có kinh doanh; xe không phù hiệu và giấy đăng kiểm không kinh doanh... Xe không phù hiệu hoạt động khi bị lực lượng chức năng xử lý, thường giải thích “chở người trong gia đình”; xe hợp đồng có hành trình trùng lặp hàng ngày chưa có chế tài xử lý...
 
Ngoài những nguyên nhân trên, cũng phải nhìn nhận thực tế đó là bến xe Bãi Cháy (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) đặt quá xa. Để đi được đến bến người dân phải di chuyển bằng xe buýt chừng 30 phút, thậm chí có thể lâu hơn, còn đi xe taxi thì lại tăng thêm chi phí. Chính vì vậy, người dân vẫn duy trì thói quen tiện đâu đón đấy để thuận lợi cho quá trình di chuyển của mình.
 
Anh Nguyễn Văn Mai, lái xe khách chạy tuyến Quảng Ninh - Hải Phòng, cho biết: Quy định được đỗ đón khách trong các bến xe thường rất khắt khe nên hầu hết các lái xe, doanh nghiệp đều không muốn, chính vì vậy họ sẵn sàng bỏ lốt để ra ngoài thoải mái dừng, đỗ đón trả khách. Bên cạnh đó, hành khách họ cũng không thích ngồi trong bến chờ lâu mà ra ngoài đón xe đi cho nhanh, do vậy chúng tôi đều bỏ đăng ký không đỗ trong bến nữa mà đi ra ngoài tự do hơn.
 
Để chấm dứt tình trạng xe dù, bến cóc, bảo đảm trật tự ATGT, thời gian tới, các lực lượng chức năng cần tăng cường sự phối hợp, xử lý tận gốc, kết hợp nhiều biện pháp vừa tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, vừa xử phạt nghiêm theo đúng quy định. Đồng thời mỗi người dân cũng cần chủ động nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông đón xe trong bến để xây dựng “văn hóa giao thông” và bảo vệ an toàn cho chính mình.
 


GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...