Chương trình trao tặng Mũ bảo hiểm cho trẻ em năm 2018 với chủ đề “Giữ trọn ước mơ”

Mục đích của chương trình là nâng cao ý thức của nhân dân về việc chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cho trẻ em khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; Phấn đấu 100% học sinh lớp Một năm học 2018 – 2019 trên phạm vi toàn quốc được nhận Mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia.

Giữ trọn ước mơ cho con trẻ
 
Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; Kế hoạch số 16/KH-UBATGTQG ngày 09/01/2018 của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia về Năm an toàn giao thông 2018 với chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em” Ủy ban ATGT Quốc gia ban hành kế hoạch “Chương trình trao tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em năm 2018” với chủ đề: “Giữ trọn ước mơ”.
 
Mục đích của chương trình là nâng cao ý thức của nhân dân về việc chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cho trẻ em khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; Phấn đấu 100% học sinh lớp Một năm học 2018 – 2019 trên phạm vi toàn quốc được nhận Mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia.
 
UBATGT Quốc gia kỳ vọng chương trình được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng đối tượng tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Mũ bảo hiểm phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Để thực hiện yêu cầu này, sẽ tổ chức chiến dịch truyền thông trên phạm vi toàn quốc về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông nhằm tạo được sự quan tâm ủng hộ của toàn xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí. Đồng thời, tổ chức cao điểm kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm về việc chấp hành đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
 
Thời gian trao tặng Mũ bảo hiểm được thực hiện trong Lễ khai giảng năm học mới 2018 – 2019 tại tất cả các trường Tiểu học trên phạm vi toàn quốc.
 
Thông điệp truyền thông của chương trình là: Trẻ em phải được đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ; Đội mũ bảo hiểm để bảo vệ chính mình.
 
Về trách nhiệm thực hiện, UBATGT Quốc gia:
 
- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; Phó Thủ tướng Thường trực - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia về Kế hoạch thực hiện Chương trình trao tặng mũ bảo hiểm cho tất cả học sinh lớp Một năm học 2018 - 2019;
 
- Chủ trì, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công ty Honda Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện những nhiệm vụ:
 
+ Xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình trao tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em bước vào lớp Một năm học 2018-2019.
 
+ Triển khai các hoạt động của Chương trình.
 
+ Xây dựng và tổ chức các hoạt động, thông điệp truyền thông về Chương trình.
 
+ Tổ chức hoạt động khảo sát, kiểm tra, giám sát triển khai Kế hoạch tại các địa phương.
 
+ Tổ chức tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. 
 
- Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chương trình, gồm:
 
+ Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia – Trưởng ban.
 
+ Mời đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Báo Giao thông, lãnh đạo Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và lãnh đạo Công ty Honda Việt Nam làm thành viên Ban Chỉ đạo.
 
+ Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạovà triển khai mọi hoạt động theo đúng Kế hoạch; xử lý những tình huống phát sinh trong quá trình triển khai Kế hoạch.
 
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:
 
- Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo cấp Tiểu học trên toàn quốc tổ chức trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp Một tại lễ khai giảng năm học 2018 – 2019.
 
- Phân công lãnh đạo đạo cấp Vụ tham gia Ban chỉ đạo triển khai Chương trình.
 
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ cùng Văn phòng UBATGTQG và các cơ quan liên quan trong công tác triển khai thực hiện Kế hoạch.
 
- Chỉ đạo và quán triệt những nội dung, nhiệm vụ liên quan thuộc trách nhiệm Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai Chương trình tại địa phương.
 
- Cung cấp số liệu về số lượng trẻ em của cả nước đủ tuổi bước vào lớp Một hoặc kế hoạch tuyển sinh học sinh vào lớp Một toàn quốc năm học 2018 – 2019, tổng hợp gửi về Ủy ban ATGT Quốc gia trước ngày 10 tháng 5 năm 2018. 
'
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông trực thuộc Bộ tăng cường đưa tin về Chương trình và những hoạt động của Chương trình.
 
- Phối hợp cùng Ủy ban ATGT Quốc gia, Công ty Honda Việt Nam lựa chọn điểm trường và tổ chức sự kiện “Lễ khai giảng năm học mới và trao tặng Mũ bảo hiểm cho học sinh bước vào lớp Một năm học 2018-2019” tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
 
Đối với Bộ Công an, chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông: 
 
- Phối với Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các cơ quan liên quan trong việc triển khai Chương trình.
 
- Phân công lãnh đạo Cục tham gia Ban chỉ đạo Chương trình.
 
- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trên phạm vi toàn quốc, tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền phổ và xử lý vi phạm quy định pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trong tháng 9 năm 2018 theo Kế hoạch của Cục.
 
Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông:
 
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm, tăng cường đưa tin về các hoạt động của Kế hoạch; tăng cường thời lượng tuyên truyền về Chương trình trao tặng Mũ bảo hiểm cho học sinh bước vào lớp Một năm học 2018-2019, đặc biệt quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
 
Đối với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
 
- Phân công đồng chí lãnh đạo tham gia Ban chỉ đạo Chương trình.
 
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí trực thuộc tăng cường tuyên truyền về những thông điệp an toàn giao thông đặc biệt là quy định đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đồng thời có kế hoạch xây dựng tin, bài đồng hành cùng Chương trình.
 
Đối với Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam:
 
- Hỗ trợ công tác truyền thông cho chương trình.
 
- Phân công đơn vị phù hợp trong công tác phối hợp cùng Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch truyền thông và sản xuất những chương trình đồng hành truyền thông cho Chương trình.
 
Đối với Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
 
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo:
 
a) Sở Giáo dục và Đào tạo:
 
+ Thống kê số liệu trẻ em bước vào lớp Một cho Ban ATGT tỉnh, thành phố để gửi về Ủy ban ATGT Quốc gia theo thời hạn và những yêu cầu đã được quy định tại Kế hoạch. 
 
+ Chỉ đạo phòng Giáo dục và đào tạo cấp huyện thông báo, quán triệt đến các trường Tiểu học hoặc các cơ sở giáo dục có đào tạo cấp Tiểu học trên địa bàn tỉnh, thành phố phối hợp cùng các đơn vị liên quan trong việc thông báo, tuyên truyền về chương trình đến với phụ huynh học sinh, chuẩn bị phương án tiếp nhận, bảo quản và tổ chức trao tặng Mũ bảo hiểm theo chương trình chung; thực hiện việc tổng hợp, báo cáo và ký xác nhận theo những nguyên tắc thực hiện được quy định tại Kế hoạch, là đầu mối phân phối, điều chuyển bổ sung Mũ bảo hiểm theo số liệu học sinh lớp Một thực tế giữa các trường thuộc phạm vi quản lý.
 
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm trưởng Ban ATGT cấp Quận/Huyện:
 
+ Chỉ đạo các cơ quan thành viên Ban ATGT cấp huyện có liên quan tham gia thực hiện chương trình trên địa bàn;
 
+ Yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đôn đốc, kiểm tra việc tiếp nhận và trao tặng mũ tại địa phương; phân công đồng chí lãnh đạo xã, phường, thị trấn tham dự và trao tặng Mũ tại trường tiểu học thuộc địa bàn quản lý.
 
c) Ban An toàn giao thông: 
 
+ Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và các địa phương của tỉnh, thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện và và phối hợp cùng Ban chỉ đạo Chương trình trong việc triển khai Kế hoạch tại địa phương khi có đề nghị.
 
+ Có kế hoạch giám sát, kiểm tra quá trình triển khai, đánh giá kết quả thực hiện trên toàn địa bàn tỉnh, thành phố, nội dung đánh giá bao gồm: tỷ lệ học sinh lớp Một được nhận mũ bảo hiểm; tỷ lệ học sinh lớp Một đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện; những thuận lợi, khó khăn và bài học kinh nghiệm. 
 
+ Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình của tỉnh thường xuyên đưa tin về chương trình; tăng cường thời lượng tuyên truyền những quy định của pháp luật về bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện đặc biệt việc chấp hành đội mũ bảo hiểm cho trẻ em.
 
+ Tổ chức Hội nghị tập huấn, triển khai về Kế hoạch cho Ban ATGT cấp Quận, huyện; Tổ chức hoạt động trọng tâm phát động và triển khai Chương trình trao tặng Mũ bảo hiểm tại Lễ khai giảng của một trường có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh, thành phố.
 
Với Công ty Honda Việt Nam:
 
- Phân công Lãnh đạo Công ty tham gia Ban Chỉ đạo triển khai Chương trình.
 
- Phối hợp chặt chẽ cùng Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GD&ĐT, các địa phương và các cơ quan liên quan triển khai hiệu quả mọi nội dung của Kế hoạch.
 
- Cung cấp Mũ bảo hiểm, đảm bảo 100% học sinh bước vào lớp Một trên phạm vi toàn quốc được nhận mũ. Bảo đảm chất lượng Mũ bảo hiểm phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia của Việt Nam.
 
- Chịu trách nhiệm vận chuyển Mũ bảo hiểm tới tận các điểm trường theo danh sách Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GD&ĐT cung cấp.
 
- Hỗ trợ toàn bộ kinh phí sản xuất, vận chuyển Mũ bảo hiểm, kinh phí triển khai các hoạt động truyền thông về Chương trình.
 
- Chỉ đạo các đại lý được ủy quyền của Công ty Honda Việt Nam phối hợp cùng các địa phương, các cơ quan liên quan và các trường Tiểu học trên cùng địa bàn tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình. Nhiệm vụ cụ thể do Công ty Honda Việt Nam xác định và phân công.
 
- Phối hợp cùng Ủy ban ATGT Quốc gia, Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bàn bạc và triển khai phương án điều chuyển, bổ sung Mũ bảo hiểm sau khi đã có số liệu điều chỉnh theo thực tế.
 
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai
 
 TRÌNH TỰ THỰC HIỆN

a) Bước 1:

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thống kê số lượng trẻ em đủ tuổi bước vào lớp Một năm học 2018 – 2019 của từng địa phương cấp huyện và tổng số của cả tỉnh, thành phố; tổng hợp và gửi về Ủy ban ATGT Quốc gia thông qua Ban ATGT tỉnh, thành phố trước ngày 15/5/2018. 

b) Bước 2: 

Lập danh sách chi tiết các trường tiểu học, địa chỉ trường, thông tin hiệu trưởng nhà trường (họ và tên, số điện thoại, số chứng minh thư nhân dân), số lượng học sinh lớp Một theo chỉ tiêu tuyển sinh hoặc số lượng tuyển sinh thực tế của từng trường năm học 2018 – 2019; thông tin về địa chỉ xã, phường mà trường trực thuộc, bao gồm: địa chỉ Ủy ban nhân dân xã, phường; thông tin cá nhân của đồng chí Chủ tịch UBND phường, xã (họ, tên và số điện thoại), số liệu trẻ em đủ tuổi bước vào lớp Một thuộc địa bàn xã, phường. Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố tổng hợp danh sách gửi về Ủy ban ATGT Quốc gia trước ngày 20/6/2018.
 
 Đối với những trường có nhiều điểm trường, chỉ lấy thông tin điểm trường chính. Đề nghị các trường cung cấp thông tin bằng bản mềm theo Mẫu và gửi về địa chỉ email: mubaohiem@honda.com.vn trước ngày 20/6/2018.

c) Bước 3:  

- Công ty Honda Việt Nam vận chuyển và bàn giao mũ bảo hiểm đến từng trường theo thông tin được tổng hợp tại “Bước 2”. Thời gian bàn giao mũ trong tháng 8/2018.

- Đối với những trường Tiểu học trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở và có nhiều điểm trường, Mũ bảo hiểm dành tặng học sinh của trường sẽ được chuyển về địa điểm trường chính; hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm tiếp nhận và chuyển đến các điểm trường.

- Đối với các trường hoặc xã chưa có đường bộ hoặc không đủ điều kiện để Công ty Honda có thể vận chuyển Mũ bảo hiểm đến tận nơi, đề nghị Ban ATGT Huyện chịu trách nhiệm tiếp nhận và bàn giao Mũ cho các trường.

d) Bước 4: Tổ chức tiếp nhận, trao tặng Mũ bảo hiểm tại trường

- Hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm tiếp nhận, ký nhận Mũ bảo hiểm, có phương án bảo quản Mũ và chỉ đạo tổ chức phát Mũ bảo hiểm đảm bảo đầy đủ số lượng, đúng đối tượng cho học sinh lớp Một của trường năm học 2018-2019.

- Chủ tịch xã, phường chịu trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc tiếp nhận, tổ chức trao Mũ bảo hiểm tại các trường Tiểu học trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; tham dự trao mũ tại buổi lễ khai giảng. Chỉ đạo công tác tuyên truyền về chương trình tại những khu vực đông dân cư trên địa bàn.

- Các trường tổ chức tuyên truyền về Chương trình và những thông điệp truyền thông của Chương trình trong tháng 9/2018.

- Tổ chức trao tặng MBH và phát động tháng “An toàn giao thông cho trẻ em đến trường” tại Lễ khai giảng năm học mới 2018 – 2019.

đ) Bước 5:

Nhà trường lập danh sách chi tiết số lượng học sinh được nhận mũ, có chữ ký xác nhận (hoặc dấu hiệu xác nhận) và thông tin của phụ huynh của học sinh thuộc đối tượng được nhận mũ, tổ chức ghi hình (video hoặc chụp ảnh) buổi lễ trao Mũ của trường; Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố tổng hợp và báo cáo về Ủy ban ATGT Quốc gia trước tháng 11 năm 2018 đồng thời gửi bản mềm (file mềm) về địa chỉ email: mubaohiem@honda.com.vn.

e) Bước 6:

Các trường lập báo cáo số liệu điều chỉnh số lượng học sinh lớp Một thực tế của trường sau khai giảng. Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố tổng hợp báo cáo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia. 

- Trường hợp số Mũ đăng ký thấp hơn số lượng thực tế sẽ được cấp bổ sung.

- Trường hợp số lượng Mũ đăng ký cao hơn số lượng thực tế phải hoàn trả lại để phục vụ công tác điều chuyển, bổ sung khác; tuyệt đối không được sử dụng vào mục đích khác.

f) Bước 7: 

- Phòng Giáo dục Quận/ Huyện căn cứ vào số lượng đăng ký nhận Mũ và số lượng học sinh lớp Một của từng trường (sau khai giảng) trên địa bàn để thực hiện việc điều chuyển Mũ bảo hiểm giữa các trường.

- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp cùng Công ty Honda và các đại lý Ủy quyền của Honda tại các địa phương chịu trách nhiệm đề ra phương án điều chuyển, bổ sung tiếp theo. 
 

 



GỬI Ý KIẾN
Quyết liệt giải tỏa vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực gầm cầu

Trong tháng 11 năm 2023, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức phối hợp kiểm tra, xử lý, giải tỏa vi phạm lấn chiếm tại các khu vực gầm cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội với các vi phạm như: xây dựng nhà tạm, tập kết vật liệu xây dựng, họp chợ…