CHUYỆN CON DÊ VÀ CUỘC ĐỐI ĐẦU TRÊN HỆ THỐNG CẦU ĐƯỜNG

2015/3/31 10:31 - KS. VŨ ĐỨC THẮNG

Trên hệ thống cầu đường Việt Nam chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Mùi từ 27 đến mùng 5 tết, đã xẩy ra 536 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 317 người, bị thương 509 người..Trong số tai nạn đó, có rất nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và thảm khốc gây nhiều thương vong lớn bởi xe đâm nhau đối đầu trực tiếp, do dành đường, lấn làn, chạy ẩu, chèn ép người đối diện đến nỗi cả hai cùng chịu tổn thương thiệt hại.

Đáng tiếc là chuyện hai “Con dê đối đầu nhau” đã bị lãng quên, bị xem là chuyện của trẻ con mẫu giáo, thì nay chính người lớn lại mắc phải nặng hơn và trả giá bằng tính mạng nhiều hơn.

Ngẫm kỹ thêm, ta lại thử đặt vấn đề ngược lại, nếu hai con dê trên cầu ấy đều có học thức, có thông minh và biết rút kinh nghiệm qua bài học này thì tình hình qua cầu sẽ ra sao?

Có thể chúng khiêm tốn nhường nhau đến nỗi chẳng con nào chịu đi trước thì giao thông lại bế tắc, hoặc sẽ lại phát sinh thêm nhiều hệ lụy mới. Vì vậy chuyện con dê, ngày nay cũng nên được nhắc lại đầy đủ và cảnh báo thường xuyên để giảm bớt các cảnh đụng độ đối đầu trên hệ thống cầu đường.

1. NHÌN LẠI ĐẦY ĐỦ PHIÊN BẢN GỐC CHUYỆN “CON DÊ ĐỐI ĐẦU NHAU”

Chuyện con dê có rất nghiều phiên bản khác nhau mà qua nhiều lần kể, đến nay đã bị bỏ bớt nhiều chi tiết. Truy ngược thời gian, ta thấy văn bản sớm nhất và đầy đủ nhất của truyện này có lẽ từ thế kỷ 17, trong bài thơ ngụ ngôn của La phông ten (1612-1695). 

Cũng từ năm Kỷ Mùi (1919), nhà thơ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) đã dịch bài này ra tiếng Việt.

Qua đó ta thấy từ thời xưa đã có những tình huống và căn bệnh tai hại trong văn hóa giao thông và văn minh đô thị, và còn rộng hơn nữa là trong ứng xử trên con đường danh lợi như sau:

- Tình huống đồng thời chiếm hữu: Bên nào cũng nhận mình là kẻ đầu tiên đặt chân lên trước để xác lập quyền chiếm hữu phương tiện và khai thác lợi ích.

- Tình huống áp đảo đối phương: Bên nào cũng phô trương súc mạnh và quyền hạn, lừ lừ tiến đến chiếm lấy thế thượng phong.

- Tình huống hiếu chiến thích đối đầu bạo lực: Bên nào cũng chẳng cần lắng nghe đối phương, cứ dơ đầu đối kháng trước, tranh thủ ra đòn trước. Trong nguyên bản, tác giả còn ví hình ảnh đối đầu này như hai ông vua thời xưa đang lâm vào tình huống ngoại giao căng thẳng.

- Tình huống kiêu căng coi thường kẻ khác.

- Tình huống phô trương khoe khoang đẳng cấp lý lịch con ông cháu cha, cậy thế có dòng dõi cháu phượng con tiên. Trong nguyên bản tiếng Pháp, con dê nào cững phô trương mình là dòng dõi loài dê quý tộc, cũng thuộc nòi đáo để cũng thuộc vai anh hùng, có lịch sử đáng khoe, có công lao to lớn gắn với tên của Polyphème, Galathée, Amanthée, Jupiter trong thần thoại Hy-La. Còn trong bản dịch tiếng Việt thì Nguyễn Văn Vĩnh diễn nghĩa theo phong cách phương đông: bên thì cậy là cháu nhà tông, có Bách Lý là ông sáu đời, bên thì khoe là kế truyền nòi giống cao sang, có tổ tiên ngũ đại là dê Tô Vũ trong tích tuồng “Tô Vũ mục dương”.

- Cuối cùng, tác giả nhắn nhủ chuyện này chẳng mới mẻ gì, chẳng là chuyện riêng về tai nạn giao thông của dê, mà trên bước đường danh lợi của con người cũng từng xẩy ra giống y như vậy.

Chuyện con dê không chỉ đơn giản là chuyện khuyên bảo trẻ con phải nhường nhịn nhau như trong một số phiên bản vắn tắt. mà suy rộng ra còn nhiều chuyện khác về văn hóa giao thông, văn minh ứng xử của con người trong môi trường giao thông và trong cộng đồng dân cư đô thị là nơi luôn có xung đột quyền lợi, luôn phải đấu tranh sao cho hợp tình hợp lý để đưa con người và xã hội đi lên.

2. CHUYỆN CON DÊ TRÊN CÁC TUYẾN CẦU ĐƯỜNG

Trước hết xin được nhắc lại một tai nạn giao thông kinh hoàng khủng khiếp đã xảy ra mồng 4 tết năm 2011, chẳng khác gì chuyện hai con dê trong thơ ngụ ngôn. Ta cứ tưởng chuyện con dê chỉ để cảnh tỉnh trẻ con, nhưng chính người lớn lại mắc sai lầm y hệt.

Đó là chuyện trên cầu Ghành qua sông Đồng Nai ở Biên Hòa, một cây cầu vòm thép dài 225m, đi chung ôtô với tầu hỏa tại Km 1872+851 trên Đường sắt Hà Nội vào Tp Hồ Chí Minh.

Cây cầu hẹp chỉ có 1 làn xe 4m, chỉ đủ cho một luồng đơn lưu chuyển, khi thì chỉ dành cho 1 hướng đường tầu hỏa, lúc thì chỉ cho 1 luồng ô tô thay phiên nhau mỗi lần mỗi loại được chạy một chiều từng đợt theo tín hiệu chỉ huy điều khiển. Dường như còn say men ngày tết, hai chiếc xe tắc xi bất chấp đèn tín hiệu cứ tranh đường tiến thẳng vào cầu và đối đầu nhau ở giữa cầu.

Hai vị tài xế cũng mạt sát nhau, đổ lỗi cho nhau, đe dọa nhau bằng đủ lý lẽ, ai cũng cho là mình có quyền đi tới, đòi bên kia phải lùi xe. Bấy giờ không ai chịu biết đến bài học hai con dê đối đầu trên cây cầu nhỏ. Chỉ phút chốc các xe khác theo hiệu ứng tâm lý đám đông cứ nối đuôi theo thành hai dòng kẹt cứng trên cầu.

Nhân viên gác cầu hoảng hốt lúng túng chỉ đành bất lực. Giữa lúc đó, đoàn tầu hỏa SE2 lao tới. Khi người lái đầu máy D19E-951 nhận ra tình huống nguy nan thì không còn khoảng cách để hãm kịp, cứ thế lao vào cả đoàn ôtô kẹt cứng trên cầu. Lúc ấy thì không còn phân biêt sang hèn, đẳng cấp, dòng dõi, phải trái, được thua, đoàn xe chơi tết bị ép bẹp thành đống sắt méo mó, kéo lê trên dọc dầm cầu trong tiếng va đập rầm trời, làm 2 người bị chết và 22 người bị thương.

Trong đám sắt thép hỗn mang bẹp gí đó vẫn còn một may mắn lớn lao kỳ lạ, như có được số mệnh hồng phúc nhiều đời phù trợ là dầm cầu không bị sập. Cái may hiếm có là dù cho tầu hỏa ép nát đoàn xe dữ dội như vậy mà vẫn không bị trật bánh bật khỏi đường ray như các cuộc đụng độ thông thường khác. Và cũng không có một khối thép nào văng ra chen gẫy các thanh dầm cầu, hoặc cài vào khe ray làm cầy nát mặt cầu. Đồng thời, cũng nhờ cây cầu đã già nua trăm tuổi vẫn được bảo dưỡng tốt, vẫn còn đủ khỏe mạnh cho nên mới có thể chịu được những xung động quá tải đến thế. Nếu không được vận may ấy thì dầm cầu sụp xuống sẽ còn kinh hoàng ngoài sức tưởng tượng của con người.

Đó là bài học khủng khiếp khiến ngành giao thông còn phải nhắc mãi, và đầu tư nhiều kinh phí để cứu vãn ngăn ngừa. Đồng thời, trên khắp nẻo đường, tình huống con dê đối đầu vẫn còn diễn ra nhiều bệnh chẳng khác chuyện xưa:

- Bệnh lấn đường lấn tuyến, tranh quyền chiếm dụng đường

Các xe gây tai nạn thường là chạy lấn làn lấn tuyến của xe khác. Trên đường đi đã phân rõ phần đường cho từng người từng luồng, nếu cứ đường ai nấy đi thì chắc chắn chẳng bao giờ húc nhau hay va quệt. Khí có va chạm thì mới đo đường và bao giờ cũng phát hiện được có một bên chiếm đường của bên kia.

Bức ảnh dưới đây là tai nạn hy hữu xẩy ra tại Cao Bằng 30/1/2015. Chiếc xe sang trọng này vượt khỏi làn xe đang chạy, lấn sang làn xe khác, đâm chết 3 người rồi lao vào kẹt cứng trong một gốc cây ven đường, là điển hình cho tình trạng an toàn giao thông đã bị vi phạm đến mức kinh hoàng.

Trong luật pháp đã xác định rõ quyền ưu tiên và phân làn cụ thể, nhưng việc chạy sai tuyến, chạy ngược chiều là căn bệnh phổ biến thường xuyên xẩy ra mọi lúc mọi nơi với tần suất đáng sợ khi không có bóng cảnh sát giao thông.

- Bệnh coi thường, ăn hiếp bạn đồng hành

Ta còn thấy rất nhiều người cầm vào tay lái là coi mình như chúa tể, mọi người phải chạy dạt ra xa. Chẳng những xe lớn ép xe bé, mà ngay cả xe bé cũng nghênh ngang cản mũi xe khác. Còn nhiều trường hợp xe chạy chậm không chịu nhường đường cho xe sau vượt lên khiến cho nếu nhẹ thì cả dòng xe bị chặn, và khủng khiếp hơn thì đâm vào sườn nhau bẹp dúm hoặc lật nhào.

Bênh coi thường bạn đồng hành cũng dẫn đến tai họa tùy tiện, người không có bằng cũng dám lái xe, say rượu cũng chạy xe, buồn ngủ cũng cầm lái là nguyên nhân của rất nhiều tai nạn thảm khốc nhiều xe điên, nhất là trong tết vừa qua.

- Bệnh hung hăng đối đầu

Vẫn còn nhiều trường hợp có va chạm là nhẩy xuống hung hăng chửi bới xông vào đánh nhau ngay, dùng sức mạnh bạo lực để trấn áp nhau bất cháp tình lý thế nào. Tình trạng lạm dụng cơ bắp thay cho tình lý đã diễn ra ngày càng trầm trọng ngay trong tết năm dê để lại nhiều hậu quả xấu.

- Bệnh kiêu căng phô trương khoe mẽ

Rất nhiều người còn coi phương tiện giao thông là vật phô trương đẳng cấp khoe mẽ trên đường. Từ đó dẫn đến nhiều biểu hiện xấu như, tự ý cải tạo thay đồi đặc trưng xe gốc, kết đèn chói mắt, xoáy nòng đôn dên, trang bị còi xe gầm rú kỳ quái, bóp còi nẹt ga inh ỏi, chạy đua tốc độ, đổi hướng ngoặt ngoẹo lạng lách trên đường. Cũng từ đó nẩy ra thảm họa do nhiều tiền nhưng ít kiến thức, do chưa đủ kỹ năng lái xe, chưa đủ trình độ lấy bằng lái cũng ngồi lên xe thử tài chạy ẩu, đâm chết hàng loạt người và xe khác đã xẩy ra khá nhiều ngay dịp tết vừa qua.

- Bệnh cậy thế con ông cháu cha

Trong các tai nạn giao thông có nhiều trường hợp tai nạn xẩy ra do người điều khiển phương tiện có bệnh tự huyễn, hoang tưởng uy danh, tưởng mình là con ông cháu cha dù chỉ có họ hàng xa lắc xa lơ, cũng lộng quyền giao thông, phóng bừa phóng ẩu, đứng trên luật pháp. Có những người có chút tiếng tăm địa vị nào đó là bắt người lái xe tránh ra khỏi ghế để nhẩy lên nắm tay lái điều khiển xe rồi không làm chủ tay lái gây ra tai nạn.

Có những người cậy có ô dù, con ông cháu cha nghênh ngang phạm luật, bị tuýt còi lại coi thường dọa dẫm xúc phạm cảnh sát giao thông thậm chí chống người thi hành công vụ. Có những người chẳng có vị thế gì nhưng cậy quen biết với cảnh sát giao thông, khi phóng nhanh vượt ẩu cứ tưởng lầm nếu gây ra tai nạn thì có thể chạy chọt xin sỏ cho thoát khỏi hình phạt của pháp luật.

Những căn bệnh trên đây đã được hệ thống giáo dục đào tạo và luật pháp chỉ ra đích danh kèm theo hình phạt tương xứng, nhưng vẫn còn phát sinh tai hại. Đó là do con người trong giao thông chưa được xây dụng đủ tầm. Vì vậy việc nhắc nhở, cảnh báo và lên án của dư luận và xã hội là rất cần thiết để nâng cao tinh thần tự giác chấp hành pháp luật.

3. CHUYỆN CON DÊ THÔNG MINH VÀ NHIỀU MƯU KẾ

Cách ứng xử và giải quyết tình huống đối đầu trên cầu đường đã tốt hơn xưa, nhưng vẫn còn rơi rớt lại những tiêu cực luôn luôn phải đấu tranh uốn nắn. Khi các hoạt động trên hệ thống cầu đường mở ra theo kinh tế thị trường thì cũng phát sinh thêm nhiều chuyện mới. Thương trường luôn có thể là chiến trường, một chiến trường mà hai bên đối tác vừa muốn diệt nhau vừa phải khóac vai thân ái, thì chuyện con dê càng trở nên hiện thực và tính thời sự không bao giờ mất. Người viết xin được nói rõ “con dê” ở trong bài này là một hình tượng văn học ẩn dụ, mang một ngụ ý so sánh với chuyện đời, không nhằm nói xấu riêng ai cũng như ám chỉ xúc phạm một người nào cụ thể. Nếu ngẫu nhiên có ai đó thấy mình có tình tiết giống con dê này, xin hiểu cho đây chỉ là ngẫu nhiên bất ngờ trùng hợp, người viết chuyện chân thành xin lỗi vì chỉ đề cập đến những tốt xấu thường tình trong thiên hạ.

Dê ngày nay tất nhiên là có học thức thông minh và tài trí hơn hai con dê khờ dại mấy trăm năm trước. Tuy vậy vẫn có nhiều chuyện hai dê cạnh tranh nhau quá mức chẳng những gây tổn thất cho cả hai đối thủ mà còn làm hại cả cuộc sống an ninh đô thị.

Ví dụ như bất cứ trong cuộc kẹt xe nào thường thấy xẩy ra hàng ngày tại đô thị cũng khởi nguồn từ hạt nhân là có hai dê đối đầu nhau, lấn chiếm quyền ưu tiên của nhau, nhất là ở ngã rẽ và nơi đường hẹp hoặc nơi có kẻ gây ra chướng ngại. Từ hạt nhân đó kéo theo cả đám đông lấn tới làm cho lượng xe đối đầu tăng vọt, nút lại tràn ngập mặt cắt lưu thông, trở thành ách tắc kẹt xe. Nghệ thuật giải tỏa ách tắc giao thông là phải có các nhân viên đủ quyền lực bắt buộc các xe phía đuôi ở luồng bên trái lùi lại, lùi mãi từng cái, cho đến khi lộ ra các cặp dê cuối cùng đang đối đầu cản mũi nhau, đó chính là hạt nhân cuộc kẹt xe.

Chỉ việc bắt từng cặp dê này phải lùi lại, để lộ ra mỗi chiều một làn riêng trước mặt. Lúc đó thì luồng của ai người nấy đi, trật tự được thiết lập như lúc chưa có đối dầu tranh cướp phần đường. Suy cho cùng, vấn đề tự giác của con người chính là nhân tố quan trọng để ngăn ngừa phát sinh hạt nhân đầu tiên gây kẹt xe.

Nếu chuyện hai con dê được cảnh báo đầy đủ từ đầu, thì hạt nhân kẹt xe sẽ không hình thành và chẳng bao giờ có thể kẹt xe được. Bằng chứng là gặp tình huống đường có chướng ngại vật, chỉ còn lại một làn xe mà có nhân viên công lực điều tiết thì có bao giờ kẹt xe đâu, cùng lắm chỉ bị chậm lại thôi. Còn trên những con đường mở rộng to đẹp sang trọng tốn hàng ngàn tỷ mà hiển nhiên vẫn cứ thấy những vụ kẹt xe do vắng cảnh sát tuần tra. Điều đó cho thấy người đô thị cần có chuyển biến mới từ bài học con dê để tự thân góp phần chống kẹt xe.

Ngoài chuyện đối đầu trên cầu đường, thì trên thương trường vẫn còn chuyện đối đầu nhau kịch liệt đến nỗi cả hai không tồn tại được, phải bán cả cơ nghiệp cho công ty nước ngoài thôn tính. Khi tham gia đấu thầu còn có khi cả hai bên chê nhau dìm nhau đến nỗi rơi vào tay nhà thầu ngoại quốc còn kém hơn người mình. Nhiều con dê ngày nay thông minh sáng kiến hơn, có nhiều bài bản biến thể mới hơn để thoát khỏi đối đầu và loại bỏ đối phương một cách êm đềm ngoạn mục.

Trước hết dê sẽ không bao giờ cực đoan nhường nhau đến nỗi không ai chịu đi trước, để cầu trống vắng hoài hoài như những giả định duy lý. Dê sẽ thoát khỏi đối đầu bằng cách tìm kiếm ô dù mạnh hơn, hoặc thương lượng để tìm ra lối thoát, hoặc luân phiên nhau qua cầu rồi bù đắp cho nhau bằng những quyền lợi từ các điều khoản phụ ngon lành khác, hoặc cam chịu theo lời an ủi tránh voi lui lại là hơn, hoặc cố nén trong tim để nhường nhau rồi găm lại mối hờn: “hãy đợi đấy”. Tuy nhiên đáng lưu ý là nhiều chuyện bản cũ soạn lại tài tình hơn và nhiều thủ pháp cao cường hơn:

- Dê đặt chân lên cầu trước, xí phần chiếm thế thượng phong

Dê này thậm chí có thể không có đồng xu mẻ nào trong túi, nhưng cứ đi rảo khắp đô thị cố tìm lấy được những mảnh đất đẹp, vị trí tốt, có thể còn đang bỏ hoang chưa ai đầu tư, rồi lập dự án hoành tráng, bịa ra rằng mình đang có nguồn vốn cực lớn thậm chí đến cỡ tỷ phú, rồi xin cấp đất đầu tư lớn.

Xin được điều chỉnh quy hoạch, được giấy phép rồi, tức là đuợc quyền bước chân lên cầu trước, các dê khác đều phải chào thua. Chiếm được thế thương phong rồi, dê mới quảng cáo rùm beng, đem giấy phép thế chấp để dụ đối tác cho vay vốn, gom tiền về túi.

Cũng vậy dê đi ngắm xem nơi nào có dòng sông đẹp, có dân mong muốn, có chỗ mở được cầu đường, liền khoe khoang đang có nguồn vốn lớn để xin làm chủ đầu tư, Cứ chạy mánh sao cho đươc quyền được phép rồi để đó tính tiếp, gọi là thuật “đón gió chờ thời”. Phép thuật này khiến cho các nhà đầu tư chân chính có vốn kinh doanh trong túi cũng phải chịu thua vì dê đã chễm chệ trên cầu không cách gì qua được.

Nhiều vụ đến nhà nước cũng phải bó tay, đành chịu cùng với các nhà đầu tư có thực tâm ngậm ngùi chờ đợi cho đến đủ ngày đủ tháng dê phải lộ ra chân tướng không tìm được ra nguồn tài chính thì mới thu hồi được mảnh đất đẹp bị phơi nắng gió nhiều năm cỏ hoang mọc hoang tàn thậm chí ngay giữa trung tâm đô thị.

Cũng nhiều dê khôn hơn tìm được người để bán lại quyền ưu tiên lấy tiền lời, khiến cho nhiều công trình phải thay chủ đầu tư nhiều đợt. Các nhà đầu tư chân chính có thực tâm đành tự an ủi: thôi thì thí cô hồn cho nó, đời ta ba mươi đời nó, có đáng là bao... để bỏ thêm tiền mua lại quyền được qua cầu thủ tục. Thế là “dê đã trúng mánh, mọc cánh thành cò.”

- Dê quảng cáo phô trương sức mạnh lấn án đồng nghiệp đối phương

Dê quảng cáo một tấc đến trời để khoe khoang năng lực chèn ép đối phương. Khi tham gia đấu thầu, dê lập hồ sơ thổi phồng năng lực khoe khoang thành tích ảo, kê khai cả máy móc và chuyên gia thuê mướn tạm của cơ sở khác vào thành tài sản và trí tuệ của mình. Có dê chỉ tham gia bán chút ít cát đá nhựa đường phụ liệu, bán vài thanh dàn giáo tạm cho công trình lớn mà được dự lễ khánh thành, rồi về dám khoe là đã tham gia xây dựng công trình cầu đường hoành tráng trong ghi nét và cho in hình cầu đường ấy vào danh mục quảng cáo của mình. Thành thử trong hồ sơ dự thầu của dê có rất nhiều quảng cáo thổi phồng tay nghể và năng lực ảo. Khoản này bên A cũng biết nhưng chẳng cần nói ra khiến dê tưởng là ai nấy đều nể phục.

- Dê đối đầu cạnh tranh không lành mạnh

Luật cạnh tranh của ta chưa đầy đủ, dê tìm ra rất nhiều kẽ hở để loại đối phương ngoạn mục. Dê tham gia đấu thầu tìm mọi cách đối đầu một mất một còn để dành giật công trình gạt bỏ đối phương. Trong muôn vạn thủ thuật cạnh tranh trực diện, nổi bật nhất là hạ giá thành thật thấp để trúng thầu. Sau khi trúng được công trình vào tay, dê gạt bỏ hết đối thủ rồi, dê mới ung dung một mình một cỗ, tìm cách chia chác mua chuộc xin sỏ để nâng giá thành công trình, khiến chủ đầu tư lâm vào cảnh đâm lao phải theo lao. Kết quả là một số công trình phải đội giá thêm tiền, không thì cứ để đó phơi mưa.

- Dê núp bóng con ông cháu cháu cha

Khi dòng dõi thành tích của nhà dê chưa có gì làm ai nể sợ, thì dê bèn đến các cuộc hội thảo để cố len vào chụp ảnh với các người nổi tiếng bề trên. Đem ảnh ấy về phóng to, tô điểm bằng văn thơ mòn sáo, treo lên khoe thiên hạ, thậm chí quảng cáo trên báo, khoe mình giao du với những người to lớn, bịa ra là được nghe kể hết bí mật thâm cung và nhũng chủ trương chưa công bố. Từ đó tạo ra hào quang giả để dụ người bỏ tiền liên kết liên danh cho dê đại diện dự thầu công trình trong thế thượng phong. Còn có dê khôn hơn, mua vé đi du lịch nước ngoài, tìm vài công ty nhỏ nào đó có tên nghe kêu rổn rảng, thậm chí là cả những công ty ma, chụp vài tấm ảnh trước nhà lầu người khác, đem về in vào hồ sơ dự thầu để khoe mình có quốc tế bảo lãnh, để dành thêm điểm chấm thầu.

- Dê rút ruột công trình hạ giá để thắng thầu

Bước đường danh lợi của dê thành công nhờ ở sự chạy theo lợi nhuận bằng bất cứ cách nào. Mà đã chót hạ giá để thắng thầu thì dê phải rút ruột công trình đề chịu được giá thấp. Đến lúc quen thành cáo rồi thì dù dê chẳng bị ép giá bỏ thầu cũng cứ rút ruột công trình để đạt cái tiéng là làm công trình có vỏ ngoài sơn phết đẹp với tiến độ nhanh đáng nể, và cái lợi là có tiền bỏ túi làm giầu, húc bay các dê khác ra ngoài.

4. KẾT CHUYỆN

Chuyện con dê tưởng nhỏ và cũ như chuyện trẻ con từ mấy trăm năm trước, nhưng hóa ra ngày nay vẫn cứ diễn lại với nhiều biến hóa phong phú theo thời thế mới. Vì vậy chuyện con dê không chỉ được nhắc nhở riêng trong năm con dê, mà là chuyện mãi mãi có thể suy ngẫm để biến đối đầu thành đối tác, đoàn kết xây dựng cuộc sống an toàn và công trình bền vững.



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...