Người con gái trên đồi sim

"Thỉnh thoảng người dân đảo lại thấy Thu leo lên Đồi Sim, đứng im như pho tượng hướng về phía biển. Gió từ ngoài khơi mang theo tiếng máy tàu đang đưa khách từ Hòn Rái vào, biết bao lượt người đặt chân lên cầu cảng mà bóng dáng người cô cần tìm vẫn bặt tăm."

Nhà văn trẻ Hồ Kiên Giang. Ảnh: Hồ Tĩnh Tâm
 
Thời gian gần đây, người ta thấy thỉnh thoảng Thu lên Đồi Sim đứng một mình ngó ra Hòn Rái. Đồi Sim nằm phía tây đảo, cao khoảng ba trăm mét so với mực nước biển. Cô đứng lặng yên từ khi trời còn nắng nhẹ đến khi chạng vạng, lúc người khách cuối cùng đi tàu từ Hòn Rái về bước lên cầu cảng thì cô lững thững quay về. Cô nghe gió thổi vù vù bên tai chờ đợi tiếng ai đó kêu tên cô và một hình dáng quen quen đi về phía quán. Nhiều người thắc mắc hỏi nhân viên quán, họ nói cô chủ ra đón người thân, nhưng đợi hoài mà không thấy.
 
Mấy năm trước, Thu khăn gói từ đất liền ra đảo dựng quán, nấu rượu sim bán. Đó là một cái quán nằm dưới chân ngọn đồi, cạnh con dốc ngoằn ngoèo lúc nào cũng đầy bụi đỏ mỗi khi có xe chạy qua. Không biết ai đặt cho nó tên Đồi Sim nhưng nghe người ta nói, do trên đồi sim mọc bạt ngàn thành rừng nên gọi vậy, riết thành quen. Nhờ thế mà không nhầm lẫn với Đồi Đá Dựng, Đồi Tiêu, Đồi Điều, Đồi Dông, vân vân. Và cái quán này cũng lấy nó đặt tên cho mình là “Đồi Sim Quán”!
 
Quán của Thu lúc nào cũng đông khách. Có khi khách đến cùng bạn bè, ngồi lai rai nói chuyện đời, bàn chuyện làm ăn. Có khi khách tới mua ít rượu sim về làm quà. Cũng có khi khách tới vì… Thu. Mới ngoài hai mươi tuổi, gương mặt sáng rỡ ràng, mắt đen láy, mũi dọc dừa, miệng lúc nào cũng cười tươi khoe lúm đồng tiền, tóc thả dài nửa lưng đong đưa theo từng bước đi, lại thường diện quần đen ống rộng, áo bà ba tím cổ tim khoét rộng trễ xuống, Thu làm người ta nhìn thèm chết đi được! Trong số những người khách đến quán, Thu đặc biệt chú ý đến một người đàn ông ngoài năm mươi tuổi, da ngăm, tóc muối tiêu, gương mặt cương nghị, đôi mắt lúc nào cũng ưu tư. Ông ta tới quán một mình, sau đó chọn bàn trong cùng, kêu xị rượu sim uống kèm với sò huyết rang me. Ông tự rót, tự uống. Mà kiểu uống của ông lạ lắm. Ông cầm ly rượu cụng đĩa sò cái “cốc” như cụng với người bạn rồi đưa lên miệng, chậm rãi uống nửa ly. Tiếp đó, ông chép chép miệng để thưởng thức hương vị của nó. Mỗi lần uống ông đều làm như vậy. Thu quan sát và nhớ từng động tác của ông. Còn một điều nữa là ông không hề buông lời tán tỉnh hay đùa giỡn với Thu, vì vậy mà cô có phần nể trọng ông ta. Cách hai ba ngày ông ta lại đến, nhưng cả tháng nay Thu không thấy ông xuất hiện. Tự dưng lòng cô bồn chồn đầy âu lo, mặt cô bần thần như xác không hồn. Lần cuối ông ta đến quán cũng là lúc câu chuyện kết thúc. Và ông ta nói sáng mai sẽ đi đảo Hòn Rái. Nhưng mãi đến giờ ông ta vẫn chưa tới, cô thấy thiêu thiếu một cái gì đó mơ hồ không rõ lắm.
 
 
Thu nhớ lần đầu tiên ông ta đến quán, khoảng đâu hơn năm trước, cô trực tiếp ra bàn hỏi ông:
 
- Anh đi mấy người để em cho nhân viên dọn chén đũa?
 
Ông giật mình ngước nhìn cô, đôi chân mày của ông giật giật, trán ông co lại rồi giãn ra. Cô hỏi lại lần thứ ba ông mới sực tỉnh:
 
- À… ừ… Tôi đi một mình!
 
Lúc đó, Thu nghĩ, ông ta cũng chả khác gì cánh đàn ông ngoài kia, tất cả đều… mất trí trước nhan sắc của cô. Cô chìa tờ menu về phía ông:
 
- Anh dùng món gì?
 
- Cô cho tôi một dĩa sò huyết rang me, một xị rượu sim nguyên chất.
 
- Anh đợi một lát sẽ có ngay ạ!
 
Ông ta nhoẻn miệng cười - kiểu cười cám ơn. Điều này thì khác với bọn đàn ông thường đến quán, cô tin như vậy. Rồi ông thường xuyên đến quán, vẫn đi một mình, vẫn ngồi ngay vị trí cũ. Và, Thu để ý đến ông từ đó.
 
Một lần, độ chín giờ tối, khách trong quán về gần hết, Thu chậm rãi bước đến bàn ông:
 
- Em ngồi đây nói chuyện với anh được chứ?
 
Ông nhìn cô thoáng bất ngờ, gật đầu.
 
- Anh uống một mình không thấy buồn à?
 
- Cũng có. Nhưng riết rồi… quen!
 
- Sao anh không rủ bạn bè đi cho vui?
 
Ông ta lắc đầu. Kiểu nói chuyện miễn cưỡng làm người đối diện khó chịu, nhưng cô lại thích. Ít ra ông ta không buông lời chọc ghẹo thô tục hay sàm sỡ với cô.
 
- Nhìn anh không giống người ở đảo?
 
Giọng cô tỏ vẻ quan tâm. Ông nhìn cô dò xét. Cô nhìn ông chờ đợi. Mãi một lúc sau ông thở dài, trả lời:
 
- Tôi tên Thịnh. Trước đây tôi ở đảo. Giờ tôi ra đây tìm người quen.
 
- Vậy, chị và các cháu ở trong đất liền hả? Ở đâu vậy? Quê gốc em cũng ở đất liền chứ không phải ở đây!
 
- Tôi… chưa vợ!
 
Cô bật cười. Tiếng cười giòn như bắp rang làm Thịnh giật mình trố mắt nhìn. Đôi mày ông nhíu lại, giật giật. Cô biết ông đang khó chịu vì thái độ của mình. Mặc kệ. Cười xong, cô tự tay rót đầy rượu vào ly của ông, rồi cầm ly giơ cao ngang mặt, đoạn đặt ngón tay cái giữa ly, ý sẽ uống một nửa với ông. Và cô uống đúng như vậy. Rất chậm rãi và điệu nghệ.
 
- Cô cười cái gì? - Ông hỏi.
 
- Thì lớn tuổi như anh mà nói chưa vợ. Ai tin?
 
Thịnh thở dài như vừa trút bỏ gánh nặng. Có lẽ, ông ta nghĩ cô cười vì chuyện khác, hóa ra chỉ là chuyện… lấy vợ.
 
- Thật ra thì tôi… đã có vợ. Hồi trước giải phóng lận. Nhưng bây giờ không biết cô ấy ở đâu.
 
Cô lại cười. Cười lớn hơn, giòn hơn, chảy cả nước mắt.
 
- Anh giỡn hoài. Vợ mình đi đâu mà không biết. Nè, bộ hai người giận nhau hả?
 
Thịnh lắc đầu:
 
- Chiến tranh loạn lạc, ly tán. Tôi đi bộ đội cũng nhờ cô ấy. Nhưng những trận chiến đấu cứ cuốn tôi đi. Sau giải phóng tôi đi tiếp sang bển, đến khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, tôi may mắn còn nguyên vẹn trở về. Tôi đã đi tìm khắp nơi nhưng không ai biết tin tức. Có người nói cô ấy ra đảo làm rượu sim bán. Tôi đi một số đảo nhưng hễ đến đảo này thì người ta nói cô ấy đã qua đảo khác. Như là bóng chim tăm cá vậy.
 
Thịnh thở dài. Động tác này của ông làm Thu cảm thấy xót xa. Cô nghiêm nét mặt, sửa lại tư thế ngồi, giọng đầy thông cảm:
 
- Em ra đây mở quán bán rượu sim cũng được dăm năm nên có biết một số người làm rượu sim. Nếu anh kể em nghe về chị nhà, biết đâu em sẽ giúp được anh!
 
- Chuyện này xảy ra lâu lắm rồi - Đôi mắt Thịnh nhìn ra cửa quán, đăm chiêu.
 
Rồi ông bắt đầu bằng chất giọng trầm buồn, chậm rãi kể. Hơn hai giờ sáng Thịnh mới rời khỏi quán, kêu xe đưa về khách sạn. Hôm nay ông uống khá nhiều. Bởi câu chuyện dài ra đến đâu thì tửu lượng tăng lên đến đấy. Thu ngồi im lắng nghe, thỉnh thoảng góp vào một vài câu. Đôi lần, cô tự tay rót cho mình một ly. Lần đầu tiên trong đời Thu uống nhiều đến thế, thứ rượu do chính tay cô nấu. 
*
 “Tôi và Hồng ngồi trên một phiến đá, cạnh chiếc ghe tam bản chất đầy vũ khí đã được ngụy trang cẩn thận. Chỉ còn một giờ nữa Hồng phải đi, phải xa hòn đảo nhỏ bé này - nơi tôi đã gắn bó từ thơ ấu cho đến giờ. Riêng Hồng thì hòn đảo này như một bến dừng mỗi lần cô chèo xuồng ra biển. Nói thiệt, tôi không nhớ chính xác lắm Hồng ghé đảo từ lúc nào, chỉ biết rằng từ mùa mưa năm trước. Hôm đó gió thổi mạnh, sóng dồn dập vào ghềnh đá phía tây, cả nhà tôi chạy sang phía đông tránh bão. Cô cũng biết những người ở quần đảo này thường có hai căn nhà ở hai phía để tránh bão. Khi chúng tôi mở cửa căn nhà cất tạm thì bị một họng súng từ bên trong chĩa thẳng vào chúng tôi kèm theo tiếng quát… lảnh lót: “Giơ tay lên!”. Dưới ánh đuốc lập lòe, tôi thấy đó là một “thanh niên” mảnh mai, mặc bộ bà ba đen, đầu quấn khăn rằn. Mắt “anh ta” đen láy nhìn chằm chằm chúng tôi. Hai đứa em tôi sợ quá ôm chặt tía má. Bỗng dưng tôi phì cười: “Cô à, tụi tui là ngư dân sống ở đây. Bữa nay có gió bão nên gia đình tui qua đây tránh bão… Nhà này của tui mà!” “Anh ta” nhìn một lúc rồi hạ súng xuống, lách mình sang bên cho chúng tôi vào nhà.
 
Sau đó chúng tôi quen nhau. Và tôi biết rằng, trước Hồng, nhiệm vụ vận chuyển vũ khí tiếp tế đảo do anh Tuấn đảm nhiệm. Nhưng trong một chuyến đưa hàng ra đảo, xuồng bị sóng đánh lập úp, anh Tuấn nằm lại với biển. Khi Hồng xin nhận đi thay, tất nhiên là cấp trên không đồng ý, bởi không ai để cô gái mảnh mai một mình chèo xuồng vượt biển. Hồng thưa rằng, năm tuổi đã theo cha ra biển câu mực, lên mười tuổi chúng bạn từng gọi cô là “Hồng rái cá”. Hồng không sợ biển. Vào thời điểm đó, địch ruồng bố khắp nơi, việc xây dựng cơ sở rất khó khăn nên lực lượng còn mỏng lắm. Trước sự cương quyết của Hồng, cuối cùng cấp trên đồng ý nhưng với điều kiện, khi gặp tàu tuần tiễu địch phải tránh không được đụng độ, còn nếu không tránh được thì lật xuồng hoặc phá hủy vũ khí chứ không được để lọt vào tay giặc! Nghe Hồng kể mà tôi vừa phục, vừa xấu hổ. Con gái mà vậy đó, còn thanh niên trai tráng như tôi thì… Lần nào Hồng ghé xuồng vào đảo, Hồng đều khuyên tôi tham gia vận chuyển vũ khí tiếp tế cho các đơn vị bộ đội đóng quân trên các đảo nhưng tôi cứ do dự. Hồng bảo tôi là dân đi biển, quen sóng gió, có kinh nghiệm đoán biết thời tiết. Tôi có thể phân biệt được từ xa đâu là tàu đánh cá, đâu là tàu tuần tiễu. Nhưng tôi lấy lý do tía tôi bị cây ngã đè gãy chân không còn đi biển được, má thì già yếu vẫn phải đêm đêm cùng tôi ra biển câu mực bán lo cho gia đình năm miệng ăn nên không thể tham gia cùng Hồng được...”
 
Hớp ngụm rượu, Thịnh cười:
 
- Đó. Cô coi cái lý do của tôi có mắc cười không hả?
 
Thu nhíu mày:
 
- Sau đó anh có đi không?
 
Thịnh ngả người ra sau, vươn vai, thở dài rồi đặt hai tay lên bàn như cũ, chậm rãi kể tiếp:
 
“… Thật ra, đôi lúc tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có những thay đổi đột ngột và mau lẹ như vậy. Đêm đó chúng tôi đã không cưỡng lại cảm xúc và… Cô hiểu ý tôi chứ? Ừ. Nhưng khi Hồng chuẩn bị lên xuồng rời bến thì tôi xin đi theo. Tôi không biết làm như vậy đúng chưa, bởi có một ý nghĩ chợt đến nếu lỡ Hồng đi chuyến này sẽ không về? Đơn giản vậy thôi. Hồng vui mừng ra mặt. Cô đưa tôi ra đảo giới thiệu hướng dẫn nơi cất giấu, mật khẩu giao hàng… rồi đưa tôi về đất liền gặp cấp trên nhận nhiệm vụ.
 
Hóa ra, Hồng đã báo cáo chuyện của tôi nên ai cũng biết. Nhiệm vụ của tôi thực chất là thay cho công việc của Hồng, còn Hồng nhận nhiệm vụ khác. Lúc này tôi mới biết, hàng chuyển ra đảo không chỉ có đạn dược mà có cả thuốc men và dụng cụ y tế. Do đặc thù ở đảo giống như “độc lập tác chiến” nên rất cần sự trợ giúp từ đất liền. Nghe nói, anh em y tế ngoài đảo phải luân phiên cắt rừng vào dân mua hoặc xin từng lọ “bi”, từng ống “nước biển” về cứu thương binh; và trong hoàn cảnh này, hàng trăm lít dừa tươi cấp cứu thương binh rất hiệu quả. Có lúc địch phản công quyết liệt nên bộ phận y tế phải rút sâu vào rừng, chấp nhận nhiều tháng trời thiếu thốn, đói khát. Thậm chí, ngay chính anh em quân y ăn củ nần không quen cũng bị ngộ độc, ói mửa phải cấp cứu. Vì vậy, vũ khí cần để đánh giặc đã đành, nhưng thuốc men và dụng cụ y tế cũng rất cần cho anh em đằng mình.
 
Theo hướng dẫn của Hồng, để tránh tàu tuần tiễu của địch, tôi chỉ đi vào ban đêm. Ban ngày, tôi tấp ghe vào một hòn đảo, mang vũ khí lên chôn giấu, giả dạng ngư dân đánh bắt cá. Tối đến lại chất vũ khí lên ghe tiếp tục hành trình. Cũng nhờ vùng biển này nhiều đảo, nào là Hòn Tre, Hòn Thơm, Hòn Rái, Hòn Đồi Mồi, Hòn Giông, Hòn Nghệ, Hòn Ớt, Hòn Khoai… nên dễ dàng dừng chân lánh nạn qua ngày trong quãng đường mấy chục hải lý. Mỗi lần rời một hòn đảo là bắt đầu bước vào cửa ải mới, khi đến một hòn đảo khác mới thở phào yên tâm mình đã vượt qua an toàn. Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào cũng trót lọt và đưa hàng đến nơi. Một lần, tôi chở hàng tiếp tế cho đảo, khi còn cách Hòn Nầng một đỗi thì trời hưng hửng sáng. Không phải mình đi muộn hay tính toán không kỹ, mà do gió thổi mạnh quá, sóng cứ đập vào mạn xuồng làm nó trôi ngược. Tôi cố chèo thật nhanh để tìm nơi trú ẩn thì bất ngờ gặp tàu tuần tiễu chạy tới. Chúng bắc loa kêu dừng lại để kiểm tra. Đã chuẩn bị tinh thần rồi, khi còn cách tàu địch vài trăm mét tôi liền cho ghe lật úp. Súng đạn chìm hết. Phao lưới trôi lều bều. Tôi một tay vớ phao, một tay giả bộ giơ cầu cứu. Bọn chúng quan sát một lượt rồi cho tàu vọt đi, bỏ mặc tôi lênh đênh trên biển…”
 
 
- Tôi nhớ trước một chuyến đi tôi được gặp Hồng… - Thịnh hớp một ngụm rượu, giọng vui vui - Cô cũng biết rồi đó. Hai người yêu nhau mà lâu ngày gặp lại nhau thì… Chúng tôi đã ngồi bên nhau lặng lẽ. Rất lâu sau, Hồng hỏi tôi: “Chuyến này anh đi bao lâu?” “Anh chưa biết. Tùy theo tình hình, có khi gặp tàu giặc không trở về nữa cũng nên…” “Chưa chi anh đã nói bậy rồi. Em cấm nghen! Nè, anh cầm chai rượu sim này theo uống cho ấm bụng, em tự làm đó.” “Sao em biết làm?” “Em được lệnh ra hoạt động hợp pháp thì phải kiếm nghề gì làm cho… hợp pháp chứ! Mà nè, uống ít thôi, tuy nó ngọt nhưng hễ say là lâu lắm mới tỉnh.” “Nhằm nhò gì. Bụng anh phải chứa tới hai lít! Anh uống rượu còn nhiều hơn uống nước mắm.”  “Í ẹ. Uống rượu sim chứ có phải uống nước dừa đâu!” “Chưa chi em đã dặn rồi. Mai mốt hòa bình, anh cưới em về cho em bán rượu sim chắc là… lỗ vốn!” “Hứ. Với tay nghề của em có thể mở quán không cần mướn người mời chào khách nhưng khách vẫn tới nườm nượp”…Chúng tôi ngồi nói với nhau những chuyện không đâu vào đâu như vậy đó. Tôi nói đến cái chết thực ra là để làm nũng Hồng thôi. Rồi chúng tôi lại nói chuyện tương lai nhưng trong lòng ai cũng hiểu phía trước còn rất nhiều khó khăn và thử thách. Có thể lần chia tay này là cuối cùng, nhưng nghĩ làm gì, buồn lắm, cứ nghĩ đến chuyện bán rượu sim cho nhẹ người. Nước lên xâm xấp, tôi lui ghe khỏi bến, chèo dưới những tán đước trên dòng Rạch Vẹm. Hồng đứng trên bờ, giữa rừng sim bạt ngàn đen thẫm trong sương đêm, vẫy theo. Tôi ngó Hồng xa dần, xa dần cho đến khi bóng Hồng lẫn vào dáng đồi sừng sững dưới vầng trăng chênh chếch. Gần nửa tháng sau tôi đến Bắc Đảo. Bàn giao vũ khí xong thì có lệnh tôi phải ở lại cùng anh em chuẩn bị chiến đấu giải phóng đảo…” 
*
Bà ngoại kể: Gia đình ông bà ngoại sống ở miệt Giang Thanh làm nghề đương đệm. Ông ngoại tham gia cách mạng từ hồi chống Pháp. Còn bà ngoại hàng ngày đi cắt bàng về phơi, đương đệm, sau đó chở qua Nam Vang bán, cũng là dịp để móc nối, chuyển tài liệu cho cơ sở cách mạng. Khi cấp trên chỉ thị cho má ra hoạt động hợp pháp, ông bà ngoại nhận má làm con nuôi. Ngoại khai từ nhỏ má ở với dì út bên Nam Vang, giờ lớn rồi bắt về gả chồng. Ngoại biết bọn giặc không tin, vì chúng thường kiếm cớ tới nhà mua rượu sim, chủ yếu là dọ thám tình hình.Từ ngày má về, má thay bà ngoại chở đệm bàng qua Nam Vang bán, xuôi ngược chuyển công văn, tài liệu. Để tránh bị nghi ngờ, bà ngoại và má chèo xuồng lên đồi Đá Trai hái sim về làm rượu. Đó là một loại cây dại mọc tràn lan quanh đồi, cao bằng nửa thân người lớn, tán xoè rộng như cây mua, thân nhỏ có nhiều nhánh nhưng chắc, người ta thường gọi là sim mua. Có điều, trái của hai loại này có điểm khác nhau. Trái mua nhỏ bằng ngón tay út, da màu xanh, khi chín ngả sang màu hồng đỏ, ruột đặc quánh những hột nhỏ li ti, ăn hơi ngọt và chát. Phía cuối trái có năm vỏ mỏng như móng tay úp vào nhau, đó là do năm cánh hoa mua khoe hương sắc teo tóp lại mà thành. Còn trái sim thì lớn hơn một chút, da đen bóng, ruột nước sền sệt, có vị ngọt và rất thơm. Ban đầu, bà chẳng để ý đến loại cây dại này, nhưng khi ăn thử thấy mùi vị có nó hay hay nên hái về ăn chơi cho vui. Ông ngoại thấy vậy nói: “Coi chừng cây độc ăn chết thấy mồ tổ nghen!” “Tôi thấy mấy con bò ăn không sao không lẽ mình bị à. Tôi cũng ăn cả chén rồi có hề hấng gì đâu. Mà hình như tôi có cảm giác quầng quầng, say say, giống như uống nước thốt nốt. Nè, ông ăn thử coi!” Bà dứt lời đẩy rổ sim về phía ông. Ông cầm một trái cắn nửa rồi chép chép, ngẫm nghĩ xem nó thuộc loại nào. “Cũng được hén! Vừa đương đệm vừa ngậm trái này cũng vui miệng.. Ông khen vậy thôi. Nhưng bà nghĩ khác. Bà đem rổ sim rửa sạch, sau đó cắt đầu cắt đuôi bỏ vào keo, cho thêm mấy muỗng đường rồi đậy chặt nắp. Độ mười ngày sau, bà thấy trái sim xẹp xuống còn khoảng hai phần ba keo, nước lưng lửng một màu tím ngọt ngào, say cả mắt, nhìn thôi đã thấy thèm. Bà rót uống thử, nhấm nháp từng chút một để tận hưởng hương vị của nó. Trong vị cay cay có vị chát ngan ngát của vỏ, vị ngọt đậm đà của ruột, và mùi thơm phưng phức của hàng vạn hột li ti nữa. Trong bữa cơm, bà rót cho ông một ly đầy. Uống xong ông cũng có cảm giác như vậy, nhưng ông nói: “Hình như bà để đường hơi nhiều nên thiếu vị cay của rượu. Thứ này chỉ để đàn bà con gái uống chứ dân nhậu tụi tôi ai uống!” Bà cười tủm tỉm. Lần ngâm sau bà cho thêm nửa lít rượu gốc. Khi đã đủ độ để uống, ông mời chú Khải qua uống rượu sim. Chú cười: “Ba cái thứ quỷ đó ai mà uống chú ơi. Nó mọc thành rừng bỏ hoang đó có ai làm rượu đâu!” Nói vậy nhưng chú cũng qua. Mới uống một ngụm thôi chú đã khen lấy khen để. Và từ đó, bà bắt đầu “nghiên cứu” chế biến rượu sim, chú Khải rao bán khắp nơi, chủ yếu là tụi lính đồn Giang Thanh.
 
Một lần, má đi giao tài liệu ở Ton Hon về thì bị lính của thằng trung úy Liêm, đồn trưởng, chặn xuồng khám xét. Đứng trên bờ, thằng Liêm hất hàm hỏi: “Xuồng chở gì đó em?” Má đáp cụt ngủn: “Sim. Bộ đui hả?” Nó cười giả lả: “Có mấy thúng nhỏ xíu thì bán được bao nhiêu tiền?” “Bao nhiêu cũng bán. Không bán thì lấy gì ăn!” “Sao không bán đi còn chở về?” “Bán hết lấy gì ngâm rượu bán cho đám lính, hả?” Hắn nổi cáu: “Mẹ mày! Chứ không phải mày mang tài liệu cho Việt cộng hả? Tụi bây đâu, xuống bưng hết thúng sim lên cho tao.” “Khoan đã. Mấy ông xét nhưng dập sim của tôi ai chịu? Tôi hái mấy ngày trời mới được bao nhiêu đó.” Hắn cười: “Tưởng gì, em muốn bao nhiêu anh đây cũng chìu. Tụi bây đâu, lẹ lên.” Má cười: “Nếu ông trung uý không có tiền thường thì phải cho lính ra đồi Đá Trai hái trả lại cho tôi nghen!” Thằng Liêm nghĩ má giấu tài liệu nên hù dọa hắn, nào ngờ trong thúng chỉ toàn sim và sim. Hắn đực mặt nhìn má, hạ giọng: “Cô chèo xuồng về đi. Mai tôi đem tiền tới thường cho.” Má mỉm cười: “Nói thì nhớ đó. Bằng không tôi bỏ thuốc chuột vô rượu sim uống chết cả đồn chứ không giỡn đâu!” Hôm sau, quả nhiên hắn cùng hai tên lính mang tiền tới trả kèm theo lời xin lỗi. Có lẽ bọn chúng đã nghi ngờ má nên chú Khải đưa ông bà ngoại và má xuống căn cứ U Minh, luôn tiện chờ ngày sinh con. Lúc đó, cái bụng má lùm lùm rồi, sợ bọn chúng truy xét! Sinh con được năm tháng, má gởi con cho ngoại chăm sóc, sau đó cùng đoàn giao liên lên miệt Ton Hon vận chuyển vũ khí từ Trung ương cục về cứ. Năm 1972, khi xuồng của má vượt qua biên giới thì bị địch phát hiện. Má đã hủy xuồng, chạy lên đồi sim Giang Thanh. Nhưng một viên đạn của kẻ thù xuyên qua ngực má đang căng sữa, má ngã xuống giữa đồi sim đang mùa hoa nở, những cành hoa lả ngọn trong gió đêm!
 
Mãi sau chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, ông bà ngoại mới đưa con trở về quê cũ. Ngoại tiếp tục làm rượu sim bán để đợi cha con. Nhưng đợi hoài, đợi đến khi ông bà ngoại qua đời vì tuổi già mà tin tức vẫn bặt tăm! Con đã làm theo nguyện vọng của má và ông bà ngoại là ra đảo, mở một quán rượu sim, biết đâu sẽ gặp cha con? Vậy là sao? Thu thật sự không hiểu? Một tấm hình của cha không có, lý lịch cũng không? Thu chỉ nghe ngoại nói: “Đó là một chiến sĩ đặc biệt. Từ nhỏ đã sống ở đảo nên đi biển rất giỏi. Uống rượu sim giỏi hơn nước mắm.” Có phải ông Thịnh không? Má tên Bé Hai hay tên Hồng? Còn cô là ai, ngọn nguồn thân phận từ đâu? Không thể trả lời được. Nhức đầu quá rồi…Thu giật mình. Một chút bần thần thoáng qua rồi cô chợt nhớ sáng nay ông Thịnh đi Hòn Rái. Cô vụt đứng dậy ào ra cửa. Cô băng qua cánh rừng sim còn đọng sương sớm, những nhánh sim quét vào chân đau rát. Cô men theo triền đồi dốc thoai thoải, trượt ngã lại đứng dậy. Cô leo lên những phiến đá lô nhô lên đỉnh Đồi Sim. Cô đứng đó, đối diện với biển. Một khoảng không bao la với những con tàu đánh cá như đang trôi. Xa ngoài kia là Hòn Rái mờ mờ, nhỏ như chiếc nón úp. Gió từ biển thổi vù vù làm cô rùng mình.
*
Thương hiệu rượu sim ở “Đồi Sim Quán” đã vang đi khắc nơi. Khách kéo tới quán ngày càng đông hơn. Tiền thu về cũng khá hơn. Nhưng hình như Thu không màng đến điều đó, không nghĩ nhiều đến điều đó. Hàng ngày cô vẫn ngồi ở cái bàn góc trong cùng - nơi ngày xưa ông Thịnh đã từng ngồi. Ai hỏi gì cô chỉ trả lời cho qua chuyện. Cô ít cười hẳn, mà nếu có thì đó là một nụ cười gượng gạo. Bám vào chút hy vọng mong manh cuối cùng, biết bao lần Thu đã gởi đăng tin nhắn trên báo, đài nhưng tin đi mà chẳng có tin về. Nhiều người giúp cô hỏi thăm tin tức về người đàn ông tên Thịnh mà cũng như không. Có người thấy Thu tiều tụy, hốc hác hỏi khẽ nhân viên của quán thì được trả lời: “Cô chủ đang đợi người thân. Đợi hoài mà không thấy họ trở lại.” Đợi hoài? Mà đợi cái người chi mới được chớ? Cầu trời cho cô đừng giống ông bà ngoại cô ngày xưa!
 
Thỉnh thoảng người dân đảo lại thấy Thu leo lên Đồi Sim, đứng im như pho tượng hướng về phía biển. Gió từ ngoài khơi mang theo tiếng máy tàu đang đưa khách từ Hòn Rái vào, biết bao lượt người đặt chân lên cầu cảng mà bóng dáng người cô cần tìm vẫn bặt tăm.

Đã hơn năm rồi vẫn vậy!  

 

Nguồn: vanvn.net

 



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...