Vui xuân cùng các trò chơi dân dã

2016/1/29 11:6 - CHU MẠNH CƯỜNG

Dân gian ta chủ yếu làm nông nghiệp, quanh năm vất vả nên cứ đến xuân và các ngày Tết lại tổ chức thật nhiều trò chơi vui nhộn, vừa để xả đi những cơn nhọc mệt, biểu thị tình yêu cuộc sống, sự tin tưởng đoàn kết trong làng xóm, tinh thần thượng võ, yêu chuộng hòa bình vừa để cầu mong quóc thái dân an cùng nhiều quan niệm tốt đẹp.

Chọi gà

Do con trâu là sức kéo, phương tiện sản xuất quan trọng nhất tạo nên của cải, mọi làng quê đều có trò chơi về trâu, trẻ thì thi ghé, già thì chọi trâu. Vào xuân xưa kia, làng nào cũng có chọi trâu, sau này cả vùng mới tập hợp thành các hội thi quy tụ những ông trâu từ khắp nơi đổ về tỷ thỉ bằng sức mạnh đôi sừng nhọn và cú hích nghìn cân. Trong cả ba miền, miền Bắc là nơi có hội chọi trâu đông vui và mang nhiều sắc thái nhất. Do đây là nơi phát xuất nền văn minh lúa nước với tục thờ thủy thần và các trò thi cày bừa, chọi trâu từ thuở Hùng Vương. Ở đồng bằng châu thổ sông Hồng có rất nhiều giống trâu đực khỏe, thắng lớn trong các giải đua khu vực. Người miền Bắc cũng tin sâu sắc vào trò chọi trâu, ngoài để lấy vui, còn lĩnh tụ linh khí trời đất, mang lại may mắn, tài lộc và một năm mới thái hòa, hạnh phúc cho xóm làng. Dân gian thường tổ chức chọi trâu mỗi năm hai lần ứng với hai vụ trồng lúa và gặt hái. Lần đầu từ tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch, gọi là hội chọi trâu xuân và lần kế tiếp vào tháng tám, tháng chín (mùa thu). Chọi trâu xuân bao giờ cũng náo nhiệp hơn hẳn bởi các trận đấu diễn ra vào đúng dịp mừng năm mới.

Hội chọi trâu thường kéo dài nhiều ngày và kết thúc bằng trận chung kết với sự hò reo cổ vũ của vạn người. Để có một cuộc thi như vậy, trước đó hàng tháng, thậm chí hàng năm, các chủ trâu đã phải đi khắp nơi tìm tậu trâu tốt và huấn luyện chúng công phu. Những con trâu đạt chuẩn phải là trâu đực, mình dài, ngực nở, chân to, háng rộng, móng khép, sừng vểnh, trên trán có hai xoáy, lông tóc đen nhánh... đặc biệt trên sừng có những vết xước do sự va chạm hay chinh chiến. Thường ngày trẻ con đã dắt trâu ra đồng tập chạy và đọ sức với nhau, đến áp Tết người lớn sẽ trực tiếp huấn luyện kỹ hơn như cho húc đất, tập thế hổ lao, móc mắt, cáng hầu... Để chúng làm quen với không khí trận đấu (những tiếng la hét cuồng nhiệt), người chủ sẽ chùm lên mình chúng những manh vải đỏ dắt đi quanh làng, đồng thời gõ chiêng trống inh ỏi. Vào ngày hội, trâu chọi được tắm rửa sạch sẽ, khoác áo đỏ, khăn vàng, cờ hồng ra trước sân đình làm lễ xin thủy thần cho mở hội, từ đây chúng là ông trâu và được rước ra võ đài. Đoàn rước ăn mặc kiểu tướng sĩ xưa, đi đầu là đội trống, cờ lọng rồi đến chủ trâu, từ hai cửa nam và cửa bắc sới chọi dẫn hai con trâu bước vào. Khi cách khoảng 20 mét, họ liền rút dây xỏ mũi, giải phóng cho chúng và chạy đi khi hai con vật đối mặt. Vừa nhìn thấy địch thủ, nhanh như chớp, chúng đã lao ình vào nhau. Hai đôi sừng cứ thế va chạm chan chát, rồi móc ngoặc, nghiêng ngả theo mỗi động tác xoay đầu của hai con vật. Con nào con ấy dùng hết sức đẩy đối phương thụt lùi hoặc ngã nhào, nhân tiện húc sừng vào sườn, hầu hoặc mắt nó. Tuy nhiên, bao giờ cũng có sự bất ngờ, có con vừa tiến được vài bước thì lại bị đẩy lùi. Có con rất dũng mãnh, táo tợn song bất thình lình vì một lý do nào đó quay đầu bỏ chạy, và con kia lập tức đuổi theo. Những con gục xuống hoặc bỏ chạy sẽ thua. Trước trận chung kết, các ông trâu đều được đấu loại trực tiếp đến khi chỉ còn hai con giỏi nhất. Để tăng sự hăng say, trước lúc đấu nửa tiếng, nhiều ông trâu đã được uống rượu giúp vào sân quyết liệt hơn. Một trong các bí quyết giúp trâu thắng hoặc ghi điểm ngay từ đầu là thế hổ lao. Nếu con vật có thể lực tốt, người chủ lại rút dây thừng đúng lúc nó sung và dữ nhất thì nó sẽ lao vào đối thủ với một cú trời giáng, đánh dập mặt khiến con kia choáng váng, gục ngã hoặc sợ hãi tháo chạy. Trong trường hợp đòn hổ này còn yếu hoặc kẻ thù né được thì vẫn còn có hai cách là dùng sừng để đâm thủng mắt và ngáng cổ gây nghẹt thở hoặc bẻ gãy sừng đối phương. Nhưng có những con rất kiên cường dù bị bị thương vẫn chống trả kịch liệt khiến đấu trường xôn xao. Khán giả cũng góp phần tăng sự dũng cảm, thiện chiến của nó khi hò reo, thúc đẩy con vật say đòn. Khi hai con vật vào sân đã lâu mà chỉ chạy loanh quanh, người chủ sẽ phải vào sới lần nữa để kéo chúng áp sát. Trâu thắng cuộc sẽ đem lại cho chủ một giải thưởng lớn bằng tiền bạc, thóc gạo và hơn thế ông này còn được làng cho phép mặc nhiễu đỏ phụ tế trong đình. Tất cả trâu thắng hay bại đều được mổ tế thần, làm cỗ khao làng. Thịt chúng sẽ được rải đều các mâm, ai gắp phải sẽ gặp may mắn cả năm. Chọi châu do vậy vừa là ngày hội vui, hâm nóng bầu không khí se lạnh của mùa xuân khiến bao con tim rạo rực. Vừa là dịp để nhân dân tưởng nhớ cội nguồn, với các cuộc chiến bảo vệ đất nước và các nghi lễ cầu mưa, cầu mùa vì trâu là biểu tượng của đất đai màu mỡ và là một sản phẩm văn hóa độc đáo thu hút du lịch. Tại miền Bắc, các địa phương có chọi trâu nổi tiếng, phải kể tới Phúc Thọ - Hà Nội, Lập Thạch - Vĩnh Phúc, Phú Sơn - Bắc Ninh, Phù Ninh- Phú Thọ, Quang Bình - Hà Giang, Mộc Châu - Sơn La, Nghĩa Lộ - Yên Bái, Hàm Yên - Tuyên Quang...

Giống chọi trâu, đá gà cũng là một trò chơi phổ biến vào xuân. Vốn là một trò trẻ con, nhân tiện ở làng quê nhà nào cũng nuôi gà, sẵn những con gà mới lớn, các em nhỏ cắp nách mang sang nhà bạn cho đấu đá xem con nào chịu thua bỏ chạy, dần dà nó được nâng lên thành nghệ thuật ở các lễ hội. Trước đó ít nhất từ sáu tháng đến một năm, người chơi đã chọn nuôi các giống gà đặc biệt từ gà nòi hoặc gà hoang có tính hiếu chiến cùng các đặc điểm nổi trội về thể lực, cách phòng thủ, tấn công và chăm sóc, huấn luyện chúng cẩn mật với những ngón đòn hiểm hóc... Gà chọi thường có thân trường, cao ráo, đùi to, ngón thắt, cựa cứng, mỏ sắc, cổ trụi, da sần... dáng đi oai vệ, tiếng kêu rõng rạc, gặp đâu là đào bới, xổ sẻ đến đấy. Từ bé, những con gà nhiếp đã được chú ý, những con ngủ không nách mẹ, biết kiếm ăn tự lập, dáng đi ngật ngưỡng, khi ngủ xoải cánh tự do; gặp rắn, chuột, mèo đều không sợ... là những con tốt. Để gà rắn rỏi, nhiều người thường tập cho chúng mổ vào quả cứng, bay lộn trên các đống cao, đồng thời tỉa lông ức giúp chúng chịu đau vì khi thi đấu các con gà sẽ rỉa lông nhau. Họ cũng xoa rượu lên mình và cột gà ngoài nắng cho da dày, chịu say, nóng. So với chọi trâu, một sân đấu thường rộng vài trăm mét, ở chọi gà sới chọi chỉ rộng 1,5 đến 2 mét, cao 80 centimét, xung quanh quây liếp. Trên sân một lúc có thể có hàng chục điểm chọi gà. Từng đôi được đá với nhau. Thời gian đấu từ bảy đến 10 hiệp (hồ). Mỗi hồ ứng với một phần ba que hương cháy dở (15 phút), và giữa hai hồ có một kỳ giải lao ngắn năm phút. Nếu đấu giao hữu, trận đấu có tối đa năm hiệp. Hai con gà phải cùng cân nặng - kích cỡ, nếu chênh lệch thì con lớn phải buộc mỏ. Khi hai con gà vào sới, chúng liền bay lên, mổ tới tấp và đá liên hoàn vào nhau. Con nào cũng mặt đỏ au, xù lông, đập cánh, bay lượn phần phật. Khán giả reo lên thích thú trước vẻ thướt tha lẫn các đòn ác liệt giữa hai con vật. Chẳng hạn các kỹ thuật như đè mang (quặp hai tai kẻ địch mà mổ hoặc tìm cơ để đẩy), ôm đấm (quàng chặt và mổ vào lưng, cánh, cổ), đâm lườn (thúc vào sườn - bụng, móc lên), lùi tát (lùi lại đá), đá hầu (nhảy lên đá vào cổ họng), đòn xe (chống đỡ kiên trì, đợi khi đối thủ mệt thì đánh), chạy hồi (chạy quanh, thậm chí chạy thẳng rồi bất thình lình quay lại mổ)... Nhìn qua đã thấy võ biền, đó là lý do tại sao gà được xem tượng trưng cho võ thuật. Đồng thời là nhiều tình huống bất ngờ, gây cười. Như có con đang đá khỏe, hiên ngang mổ xuống - con kia sợ hãi cúi ngoằm, lăn ra đất thì chỉ vì một tiếng động xa xăm con khỏe bỗng nhiên dừng lại bỏ chạy. Con yếu bật dậy đuổi theo, người chủ từ lo lắng toát mồ hôi thì nay nở một nụ cười ròn rã, ôm gà đi lĩnh thưởng. Cũng có khi gặp kỳ phùng địch thủ, hai con vật đá mãi vẫn chưa phân thắng bại, họ phải tạm dừng cuộc vui. Các con gà thắng tùy theo mỗi trận đấu sẽ dành được nhiều danh hiệu mà lớn nhất là vương kê. Như đã nói có khá nhiều nơi tổ chức chọi gà ở Hà Nội một điểm chọi gà cũng đồng nghĩa với một loại gà nức tiếng là gà Nghi Tàm, thành phố Hồ Chí Minh gà Bà Điểm, Đồng Tháp gà Cao Lãnh, Khánh Hòa gà Phan Rang, Phú Yên gà Vạn Giã, Quảng Ngãi gà sông Vệ. Riêng Bình Định, xứ võ có nhiều giống gà nòi vô địch như Cát Chánh, Kim Giao... Tới đây, du khách sẽ được xem đá gà thoải mái- một trò chơi hấp dẫn vừa mang lại sự giải trí cao vừa giàu ý nghĩa nhân văn - như tinh thần tự cường, tự lập, gan dạ, dũng mãnh, văn võ song toàn và một lời chúc sức khỏe dồi dào.

Từ thời Lý, đã có trò chơi đá chim do nước ta có đến 850 loài chim, nơi đâu cũng gặp chim ca hót, chành chọe nên mọi người đã tổ chức thi thả chim và đá chim, trong đó nổi bật là chim họa mi, sơn ca, chích chòe, chìa vôi, chào mào, cuốc, đa. Những loài này vào xuân thường bay nhảy lanh chanh và tấn công mọi kẻ thù khi có ý định tiếp cận với tổ hoặc chim cái do đó là biểu tượng của tình yêu, sự an vui, trí dũng. Chim đá phải lựa ngay từ nhỏ, chim có tướng tốt là những con có đầu xà, mắt sắc, mỏ thanh, chân dài, móng mèo, lông ngắn, hay bay nhảy. Chúng được nuôi trong hai lồng - một cao để luyện bay nhảy, treo người, móc đá giúp chân chắc khỏe và một thấp để làm quen với bay lượn chớp nhoáng. Đến ngày thi, người chơi cho chúng vào trong lồng thấp, phủ khăn kín cho nó nghỉ ngơi toàn diện. Khi đưa vào sới, hai lồng chim đực được đặt áp cửa chuồng nhau. Ở mỗi lồng hoặc tại lồng chung, có một mảnh gỗ che cho chúng khỏi thấy đối phương, đỡ nháo nhào mất sức và khi có hiệu lệnh thì hai chủ rút chốt trên cho hai con chim xông pha. Có con chim bay ngay sang mổ đối phương, cũng có con ngó nghiêng một lúc mới phóng qua. Nói chung, con nào mà nhảy sang trước ba lần mà đối thủ không sang thì sẽ thắng.

Trò chơi chọi chim trong tranh Đông Hồ

Hai con chim chọi cũng rất ác liệt, chúng dùng mỏ, móng vuốt và cả sức đẩy đè bẹp kẻ thù. Để trận đấu thêm sôi nổi, người chơi thường đặt bên cạnh mỗi lồng chim đực một lồng chim mái, cho nó hót cổ vũ bạn tình đá hăng hơn. Nó sẽ quan sát mà hót lúc khoan lúc nhặt, theo đó con đực sẽ lao vào đá hay nghỉ đúng lúc. Trong trò này, không chỉ có việc cho chim đấu chọi mà còn phải chăm sóc và thuần hóa chúng rất cầu kỳ với thời gian kéo dài cả năm, kể từ khi bắt được chim non hoặc ấp trứng nở bởi khác với gia cầm, chim là con vật hoang dã rất khó sống trong môi trường nuôi nhốt. Chim càng già thì càng khó nuôi, thường nhịn ăn hoặc cắn lưỡi mà chết, cũng rất sạch sẽ và chỉ ăn các thức ăn quen thuộc. Vì thế, phải có từng loại lồng và thức ăn riêng cho chúng cùng chế độ tắm rửa và hong nắng giữ sức khỏe và đưa chim về gần thiên nhiên. Tại miền Bắc, các điểm đá chim lôi cuốn là phố Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nghi Tàm, Yên Phụ - Hà Nội, Kỳ Lừa - Lạng Sơn, Mường Khương - Lào Cai, Đồng Văn - Hà Giang...

Nếu người lớn có các trò đấu chọi nặng ký thì trẻ em lại có nhiều trò chơi nhẹ nhàng mà điển hình là đá dế và chọi cá. Mùa xuân, dế thường chui ra khỏi tổ kiếm ăn và các em nhỏ lại đi bắt dế. Chọn con dế to, lực lưỡng, thường là dế than (dế đen), dế dầu (dế nâu đen), dế lửa (dế nâu vàng), to chừng lóng tay, đầu vuông, bụng thon, cánh xòe, râu dài lúc lắc. Thả chúng vào một ống bơ, với tính hung hăng ngay lập tức chúng sẽ phóng đến đá và cắn nhau. Con dế không có mỏ và móng vuốt nhưng hàm răng và đôi càng lởm chởm rất sắc, có thể cắt phăng cả đầu, chân và râu địch thủ trong nháy mắt. Vì thế, đấu dế cũng phải tuân theo quy ước trọng lượng. Choai đấu với choai (dế khoảng ba tháng tuổi). Cụ với cụ (sáu tháng tuổi). Tùy đặc tính và cân trọng, có thể đoán được chiều hướng cuộc thi như dế than thì lầm lì, chịu đòn đến khi địch thù mệt mới đánh trả; dế lửa thì tinh ranh, luôn đứng xa nghiêng ngó rồi bất thần bổ tới cắn gáy. Trước khi đấu một ngày, bọn trẻ thường để dế nhịn đói và tại cuộc thi lấy que chọc, thổi hoặc giật dây, buộc tóc vào chân con dế xoay cho hăng rồi thả ra sân. Thường trận đấu chỉ kéo dài dăm, mười phút khi có một con chạy tháo thân hoặc nằm chỏng vó. Để cổ vũ trước mỗi lần chúng búng càng song phi, là bọn trẻ hò reo náo nhiệt, làm cho hai con vật thêm say. Con dế thắng được bắt lại và cưng chiều từ đó, như được ở trong một cái lồng bằng nan đẹp mang đi chơi xuân. Với nhà nông, dế (chui lên từ đất, ăn cỏ) chính là một biểu tượng của đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi và mùa vụ bội thu cũng như một gia đình đông con, hạnh phúc do chúng sinh sản nhiều, một tổ dế có thể chứa cả chục con. Ngày xuân, ngoài bắt dế xem đấu đá, mọi người còn thích nghe dế gáy - cất tiếng kêu ngân nga từng chuỗi cơ rich, iii thật êm ái. Tiện qua kênh mương, các em nhỏ cũng đơm cá về chọi. Có rất nhiều loại cá chọi như săn sắt, rô đồng, thia lia... đều là loại cá ăn thịt dữ tợn, luôn tấn công con khác để bảo vệ lãnh thổ. Sau khi bắt, trẻ sẽ om cá trong chỗ tối, và khi cho đấu thì thả vào chậu nơi chỗ sáng, hoặc sóc con cá khi còn đựng trong chai lồng lộn mới đổ vào chậu. Vừa nhác thấy hình, chúng đã xông tới rỉa tới tấp. Có thể đấu đôi hoặc ba con cùng lúc. Ở trò này, không quy định thời gian, và kết thúc bất kỳ khi có một con cá trốn chạy hoặc bị cắn te tua hoặc có người xót cá xin dừng trận đấu. Bởi vì ngoài tài cắn xé, các loại cá chọi đều có bộ cánh và màu sắc đẹp mắt, khi đấu cũng là lúc chúng phồng mang, trợn mắt, khoe diễu vây đuôi uốn lượn bồng bềnh, có con khoe đuôi củn như cái chổi xể, có con lại khoe đuôi rẻ quạt, mạng lưới, cây lược, tam giác, bán nguyệt... cùng đó là vô số màu sắc, ít nhất từ ba đến bảy màu cùng các hoa văn. Do cá sống dưới nước, trò chơi là mong ước về một năm mới tiền của dồi dào, dư giả. Tại miền bắc, các vùng ven sông hồ đều có hội chọi cá như ở Hà Nội là Nghi Tàm. Ngoài xem con vật tỷ thí, mọi người cũng đích thân đùa nghịch với chúng. Một trò nổi bật là trò đuổi lợn gắn liền với nghi lễ hiến tế đầu năm. Từ mồng bốn Tết trở đi, các làng quê đều có tục mổ lợn làm cỗ dâng thành hoàng. Trước đó vài tháng, các giáp đã được phân công nuôi các “ông” lợn, vỗ cho thật béo đến ngày lễ tắm rửa thật sạch, thả vào sân đình hay bãi đất đầu làng thành hội đuổi bắt. Sau lễ tế, trai tráng từng xóm sẽ luân phiên vào bắt lợn (nặng 40, 50 kilôgam). Người xem gõ trống liên hồi khiến con lợn sợ chạy cuống cuồng và cuộc đuổi bắt sẽ khó khăn, gay cấn. Bắt lợn to nếu không có mẹo rất tốn sức. Thủ thuật là phải tóm thật nhanh hai chân sau và vật ngửa nó ra trói lại. Nếu đuổi mãi không được thì trai xóm này phải nhường cho trai xóm khác. Cuộc thi kéo dài đến khi có năm trai làng bắt được năm con lợn của năm xóm vì thế có khi tới tận đêm. Ở nhiều nơi trong làng đồng thời diễn ra cuộc thi bắt lợn dành cho trẻ con và phụ nữ. Chỉ khác là con lợn nhỏ hơn, chỉ là lợn sữa nặng hơn chục cân và người bắt phải bịt mắt lại để tóm nó, giải thưởng chính là con vật. Tuy rằng ai cũng mệt đứt hơi song vui vì lợn được xem là con vật có giá trị kinh tế cao nhất trong ngũ súc, cũng là biểu tượng cho sự ăn ngon, ngủ yên, an nhàn. Hội thi bắt lợn là trò chơi rất thịnh hành ở Bắc Bộ, trong đó có các địa phương như làng Cầu, Gia Lâm, Phú Diễn - Bắc Từ Liêm - Hà Nội, Hà Thạch, Tích Sơn - Hưng Hóa - Phú Thọ, Yên Đổ - Bình Lục - Hà Nam... Song song với bắt lợn, quanh làng cũng thấy trò bịt mắt bắt dê - một trò chơi có tính phồn thực và gây cười nhiều nhất bởi người chơi bị bịt mắt, không thấy gì dẫn đến sự vồ trượt, vồ nhầm hay té ngã. Dân gian thật khéo khi để một nam một nữ cùng vào đuổi bắt con vật. Do không nhìn thấy, chỉ dựa theo tiếng kêu be be của con dê, cũng có khi là sự mách nước của khán giả, họ sẽ phải tính toán khoảng cách gần nhất để vồ con vật, mà phần nhiều là vồ trượt mà lại vồ đúng nhau, khiến cả làng buồn cười và hai anh chị đỏ mặt, gượng gùng. Từ 10 đến 15 phút, nếu ai bắt được con dê thì con vật sẽ thuộc về người đó hoặc được đổi bằng phần quà giá trị. Có khá nhiều làng quê chơi bắt dê từ miền xuôi đến miền ngược như Thuận Thành - Bắc Ninh và Hoàng Su Phì - Hà Giang. Một trong trò chơi đẹp mang tính trí tuệ cao, được nhiệt liệt hưởng ứng là trò chơi thả chim câu. Từ xưa, chim câu đã là biểu tượng của cuộc sống thanh bình - no ấm, cũng là loài vật báo xuân, đem lại sự chuyển mình của trời đất vì thế từ mồng hai Tết đến hết rằm tháng giêng đều có hội thả chim. Khi ấy, những nhà nuôi chim trong các xóm đều náo nức mang chim đi thi, không chỉ tại địa phương mà còn đến các tỉnh bạn góp vui. Vào ngày thi, dân làng tập trung quanh sân đình, chùa. Các lồng chim được đánh số và xếp hàng gọi tên. Đến tên ai thì mang lồng chim, lên đặt trên bàn giữa sân khấu.

Ban tổ chức đứng ở hai điểm cách xa nhau, gồm chịch ngoại tại sân khấu và chịch nội cách đấy 400 mét, thông báo với nhau bằng loa. Khi ban chịch ngoại đánh ba tiếng trống thì chủ chim rút cửa lồng cho đàn chim bay lên, xoay một vòng chào người xem, cũng có nơi quy định ba vòng, rồi cất lên trời theo các đội hình chiến thuật khói hương, diệp cày hoặc chữ chi... Mỗi đàn phải có 10 con bởi đây là số thể hiện cho sự viên mãn, trọn vẹn cũng là số đẹp trong võ học. Cả đàn bay với cự ly đều, lượn tròn hẹp, thẳng và cứ thế bay cao, chụm thành một vòng rồi đến khi mất hút, sau đó bay về theo đúng thời gian quy định. Ban chịch nội đứng ở trên cao, cầm một cái gương hoặc một thau nước trong để quan sát đàn chim. Đàn nào xuất hiện được trong thau thì ghi điểm - lúc đó sẽ đánh một tiếng trống báo hiệu. Nếu bay vào rồi lại lượn ra thì bị lỗi tiểu tràng - bị một tiếng cắc trừ điểm, bay quanh chưa vào vòng trong là lỗi tiểu biên và nếu đủ ba tiếng cắc bị loại. Nếu được hai tiếng tùng tùng thì được khen đã vào tầng hạ (thấy hình khối song chưa rõ đầu đuôi), ba tiếng tùng tùng tùng - vào tầng trung (thấy hình song chưa thấy cánh), bốn tiếng - tầng thượng (chim đã bay xa, song còn rời rạc) và năm tiếng - tầng phúc thượng (cả đàn là một chấm nhỏ đạt chuẩn) và nếu đọng được trong thau lâu từ ba đến năm phút thì hoàn hảo. Mỗi đàn chim chỉ thi trong dăm phút song để có một cuộc biểu diễn ngắn, người chơi phải cất công tập luyện đội hình, cách bay cho đàn chim rất nhiều năm, thậm chí cả đời nên trò chơi này thường được dành cho người cao tuổi. Đầu tiên phải nuôi chim từ nhỏ, sau khi có hàng chục con mới chọn ra được các con chim khôn, dáng vẻ linh hoạt, thể thao mà thường nhất là có màu ghi đá, mắt đen tuyền, ức nở, dáng thon, đuôi cụp và chỉ nặng bằng 2/3 trọng lượng chim nuôi thịt. Hàng ngày dạy chúng tập bay. Mới đầu, lùa chim lên mái, lấy sào khua cho chúng bay lên... cứ thế nhiều hôm rồi cho ra đồng rèn luyện. Phải tập vào lúc gần trưa, trời ấm tránh chim bị nhiễm lạnh do sương sớm, cũng là lúc trời quang dễ quan sát. Nơi thả là chỗ rộng rãi không vướng cây và trong ngày hội là các ruộng nương, ao cá, sân đình. Đàn chim phải cùng nhau lượn được nhiều vòng, không bay tỏa, bay giăng đàn (lỗi đại tràng), không bay cắt hay có con bay vượt trước (lỗi tiên hành), không bay về trước thời gian quy định (lỗi trung khứ) và trong phạm vi 400 mét phải chụm đàn đến khi chỉ còn chấm nhỏ. Do đó, đây là một trò chơi hết sức tao nhã thể hiện cho trí tuệ, tinh thần đoàn kết - hiệp lực, khát vọng tự do, yêu đời và một cuộc sống an lành, thịnh vượng của toàn dân. Tại miền bắc, các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm - Hà Nội, Vĩnh Phúc, Vĩnh Phú, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng... là những nơi đi đầu thú nuôi chim và thả chim câu



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...