XUÂN VỀ HỒI TƯỞNG MỘT CÂY CẦU

Xuân sắp sang và Tết sắp về, lòng tôi cũng đôi chút xốn sang chờ đón ngày đầu Xuân, ngắm hoa đào nở, hoa sen chúm chím cười. Con người ta thật lạ, đã ở tuổi xưa nay hiếm và gần đất xa trì, đâu phải như thời còn trẻ háo hức đón xuân về và vấn vương với Tết. Thời gian không ngừng trôi, tuổi cũng cao và trí nhớ cũng giảm sút nhiêu, nhưng nghĩ về một thời đã qua nhiều thì vẫn còn mãi mãi.

Quê tôi có một cây cầu tên là cầu Lủ. Cái tên mộc mạc gắn liền với thôn Kim Lũ, làng Lủ xưa, một làng quê văn hóa một thời với nhiêu người trong làng đỗ đạt cao, làm quan triều đình từ thời Lê, Trịnh, Nguyễn. Cây cầu mở đường giao lưu cho các làng ở 2 bên bờ sông Tô. Bên kia là Định Công, Khương Hạ, Khương Trung và Đại Từ. Bên này là 3 thôn mang họ Kim: Kim Lũ, Kim Giang, Kim Văn. Và ngược lên trên là Hạ Đình, Thượng Đình, xuôi xuống dưới là Thịnh Liệt, quê hương Cụ Chu Văn An. Kim Giang nổi tiếng từ lâu với khu tập thể được xây dựng khá sớm của Hà Nội. Cầu Lủ thời xưa có phong cách hình hài không giống như cầu bây giờ. Đó là một công trình gạch và bê tông nửa cầu, nửa cống. Bên dưới là mấy vòm cống xây bằng gạch bên trên đổ xi măng bê tông thay cho bản mặt cầu. Nước chảy qua cống mang theo cả những chiếc thuyền nan bằng tre và bên trên cầu người, xe qua lại. Xe chủ yếu là xe tay do người kéo lạch cạch qua cầu. Những ngày mưa to nước dưới sông dềnh lên, chảy siết mang theo những khóm bèo xanh xanh suôi về sông Đáy. Mấy bác nông dân tranh thủ đặt vó bên miệng cống đẻ đón lõng những chú cá từ hồ Tây tung tẩy về suôi.

Đầu cầu bên kia sông là một cái chợ với mấy cái quán gạch xây hẳn hoi trên bãi khá rộng, và mấy túp lều lợp lá có mái mà không có vách để bán hàng. Chợ cũng mang tên chợ Lủ. Như vậy, cầu, làng, chợ cùng mang một tên gọi, kể cũng tiện. Nông dân các làng hai bên bờ sông mang hàng hóa đến bán tự do, chủ yếu là ngồi ngày trên bãi, còn các quán gạch dành riêng cho những người buôn bán thường xuyên hàng ngày. Đáng chú ý là mấy hàng xén ngồi riêng thành một dãy. Mấy cô nàng ăn mặc khá chỉnh trang, đầu chít khăn đen mỏ quạ, áo lụa dài che lấp lửng chiếc yếm đào và quần đen lấp lánh. Các cô bán đủ thứ nhu yếu phẩm từ cái kim băng, đôi tất, khăn mùi xoa, kim chỉ vá may, dây xà tích, vòng cổ, khuyên tai dành cho lũ trẻ...

Ngoài hàng xén, còn có hàng vải, hàng quà bánh thôi thì bún ốc, bún riêu, bánh đúc mắm tôm... Tôi nhớ những ngày giáp Tết, được theo mẹ đi chợ mua đồ chuẩn bị Tết và cúng gia tiên. Mẹ không quên mua cho tôi vài mét vải chúc bâu trắng để may quần áo diện Tết. Chợ thường chỉ họp vào buổi sáng. Khi mặt trời lên đến đỉnh đầu thì chợ cũng tan, ai về nhà nấy, chỉ còn quán gạch, quán lá siêu vẹo hắt hiu quạnh quẽ.

Những ngày giáp Tết lại khác, chợ họp kéo dài đến chiều, mọi người đổ ra chợ, đông vui tấp nập. Cây cầu vì thế cũng vui hơn ngày thường.

Bên kia cầu là một dãy cửa hàng tư gia, hàng hóa hạn chế nhưng bán cả ngày và có cả quán nước bên gốc da già, không rõ bao nhiêu tuổi. Như vậy vô hình cây cầu Lủ là cầu nối của “Hai trung tâm thương mại” của làng quê, vinh dự biết bao.

Trải qua năm tháng cầu Lủ bị hư hỏng, xuống cấp. Mỗi khi mùa mưa, rác từ đầu nguồn trôi xuống làm tắc cống, nước sông Tô dềnh lên ngập cầu. Người dân đi lại khó khăn. Được sợ tài trợ của Liên hiệp quốc cải tạo sông Tô Lịch, cầu Lủ mới được xây dựng lại như hôm nay các bạn thấy. Và hai bên bờ sông vẫn còn chợ và nhưng dãy hàng quán nhưng bây giờ khang trang và đẹp hơn ■



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...