Cục Hàng không Việt Nam vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

2016/1/11 15:9

Nhằm giáo dục truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, đồng thời động viên các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Hàng không dân dụng VN, sáng nay (10/1), tại Hà Nội, Cục HKVN đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Hàng không dân dụng VN (15/01/1956 – 15/01/2016).

Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư Đảng công sản Việt Nam; Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hoàng Trung Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội; Đinh La Thăng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT; Nguyễn Bắc Son, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.... cùng các đồng chí Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; các đồng chí lão thành ngành GTVT, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Hàng không dân dụng VN

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Hàng không dân dụng VN Tại buổi Lễ, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục HKVN cho biết: Gần tròn 60 năm trước, với tầm nhìn chiến lược sâu rộng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, ngày 15/01/1956, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Nghị định số 666/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục Hàng không dân dụng, đặt nền móng cho sự ra đời, trưởng thành và phát triển bền vững của hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN).

“Trải qua chặng đường 60 năm đầy hào hùng và bi tráng, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, HKVN đã xây đắp lên những thành tích, chiến công ghi vào bề dày lịch sử vẻ vang của đất nước, của quân đội, của Ngành GTVT, để lại bài học cao quý, những kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc và những kết tinh phất chất cao quý “Anh bộ đội Cụ Hồ””, ông Thanh nhấn mạnh.

Bước vào thế kỷ 21, ngành HKDDVN đã có những cơ hội thuận lợi để tiếp cận và ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của hàng không thế giới. Từ đó, có những bước phát triển nhanh chóng và mang tính đột phá trên nhiều lĩnh vực. Đến nay, 4 hãng hàng không bao gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VietJet Air và Vasco khai thác 125 tàu bay với độ tuổi trung bình là 5,6 tuổi, khai thác 48 đường bay nội địa; 52 hãng hàng không nước ngoài và 3 hãng hàng không VN khai thác 95 đường bay quốc tế nối 6 Cảng HK quốc tế của VN tới 28 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh ôn lại truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển của ngành HKDD Việt Nam

Năm 2015, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không VN đạt 62 triệu lượt hành khách. Sản lượng điều hành bay đạt 640 nghìn lần chuyến. Vietnam Airlines đã thực hiện hàng trăm chuyến bay chuyên cơ đảm bảo tuyết đối an toàn. Ngành đã hoàn thiện và duy trì tốt hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.

Việc đầu tư xây dựng mạng cảng hàng không, sân bay được đặc biệt chú trọng, cùng với sự ra đời của Tổng công ty Cảng hàng không VN năm 2012 trên cơ sở hợp nhất 3 Tổng công Cảng HK miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Việc sáp nhập 3 Tổng công ty CHK miền Bắc, miền Trung, miền Nam đã góp phần tập trung nguồn lực của doanh nghiệp vào đầu tư nâng cấp hệ thống cảng hàng không, sân bay. Trong vòng 3 năm qua kể từ khi thành lập, Tổng công ty CHKVN đã phát huy mạnh mẽ nguồn lực ưu thế của mình để tận dụng khai thác đạt hiệu quả tối ưu trên các mặt. Do chủ động điều tiết nội lực của Tổng công ty CHKVN cho đầu tư phát triển hệ thống mạng cảng hàng không, sân baytoàn quốc, năng lực cạnh tranh chung của các cảng hàng không, sân bayViệt Nam đối với khu vực được tăng lên...

Về đầu tư kết cấu hạ tầng, trong giai đoạn 2001-2015, tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay là 55.016 tỷ đồng, chiếm 38,5% trong tổng vốn đầu tư toàn ngành hàng không.

“Việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng hàng không đã tăng cường cơ bản năng lực phục vụ của các Cảng hàng không và điều hành bay, đáp ứng phần lớn nhu cầu phát triển của thị trường vận tải hàng không trong nước cũng như thế giới, đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đất nước, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp và vị thế của hàng không Việt Nam trên trường quốc tế,”Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết.

Tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho Cục HKVN vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2010 - 2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất cho Cục Hàng không Việt Nam

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trải qua 60 năm xây dựng chiến đấu, trưởng thành của cán bộ chiến sỹ, công nhân viên lao động Hàng không dân dụng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập Hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự trưởng thành vượt bậc, những đóng góp to lớn của Hàng không dân dụng trong 60 năm qua cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong giai đoạn phát triển mới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tới những thời cơ hết sức to lớn nhưng cũng nhiều thử thách, điều kiện cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, vấn đề an ninh chủ quyền, tình hình địa-chính trị, xung đột sắc tộc, tôn giáo, các cuộc chiến tranh cục bộ, đặc biệt là hoạt động của các tổ chức khủng bố trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh năm mục tiêu chính của hàng không dân dụng Việt Nam

“Trước tình hình đó, ngành hàng không dân dụng cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, nhất là rà soát, điều chỉnh hệ thống quy hoạch, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về giao thông hàng không; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành, huy động mạnh mẽ các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển theo định hướng hiện đại, hội nhập, bền vững; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức trong quá trình tự do hóa hàng không của khu vực và thế giới” - Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh 5 mục tiêu chính của ngành Hàng không là đột phá về xây dựng, nâng cấp hệ thống cảng hàng không, sân bay hiện đại, đặc biệt là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, góp phần phát triển thị trường hàng không Việt Nam đứng trong tốp 4 của ASEAN; Đột phá về vận tải hàng không với đội tàu bay trẻ, hiện đại, hạ giá thành sản phẩm, cải tiến chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, mở rộng và phát triển mạng đường bay nội địa, đường bay quốc tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào nguồn thu của Nhà nước; Bảo đảm song hành cùng cộng đồng hàng không quốc tế trong việc thực hiện Kế hoạch không vận mới của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, không được để tụt hậu về công nghệ và năng lực quản lý, điều hành bay; Tìm mọi nguồn lực nhằm phát triển công nghiệp hàng không, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả kinh doanh của ngành cũng như nền khoa học công nghệ của đất nước; Chú trọng nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo chuyên ngành, đặc biệt là lĩnh vực đào tạo nhân viên hàng không chuyên môn cao như phi công, kiểm soát viên không lưu, thợ kỹ thuật.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành Hàng không cần hoàn thiện hệ thống bảo đảm an ninh, an toàn hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế, không được để xảy ra các tai nạn, sự cố đặc biệt nghiêm trọng. Coi đây là lương tâm, trách nghiệm, nghĩa vụ của toàn bộ hệ thống chính trị mà trước hết là của ngành hàng không dân dụng, Bộ Giao thông vận tải.

Bên cạnh việc phát triển kinh doanh, hàng không dân dụng Việt Nam được xác định là lực lượng dự bị của quốc phòng, liên quan trực tiếp đến quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Hệ thống sân bay, quản lý điều hành bay phải được kết nối hiệu quả với hệ thống phòng thủ đất nước, hệ thống cảnh giới vùng trời quốc gia; hệ thống an ninh hàng không là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống bảo đảm an ninh quốc gia. Ngoài ra, đây phải là một trong những ngành đi đầu trong việc góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng, địa phương, đặc biệt là miền núi, hải đảo.

Phó Thủ tướng cũng tin tưởng, ngành Hàng không sẽ phát huy mạnh mẽ, ngày càng trưởng thành tiếp tục đổi mới, hội nhập toàn diện có những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước, mãi mãi xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son ký, đóng dấu phát hành bộ tem

Nhân dịp này, Bộ TT&TT và Bộ GTVT đã phối hợp phát hành chính thức Bộ tem “Kỷ niệm 60 năm Ngành Hàng không Dân dụng Việt Nam (1956 - 2016)”.

Bộ tem gồm 1 mẫu, được thiết kế không tràn lề theo khuôn khổ 46 x 31 mm, do họa sĩ Tô Minh Trang, Tổng công ty Bưu điện VN thiết kế. Bộ tem có giá mặt 3000đ có thời hạn cung ứng trên mạng lưới từ 10/1 - 31/12/2017.

Từ sân bay Lũng Cò, phi trường Gia Lâm đến nhà ga T2, tháp điều khiển sân bay Tân Sơn Nhất, hình ảnh tàu bay của 3 hãng hàng không tiêu biểu Vietnam Airlines, Jestar Pacific, Vietjet Air đã được họa sĩ sắp xếp và bố cục hợp lý, thể hiện sự phát triển, trưởng thành vững mạnh của hàng không dân dụng Việt Nam. Mẫu tem bố cục đơn giản, thanh thoát nhưng vẫn toát lên cảm giác sống động của sự vươn lên, bay xa trong xu thế hội nhập và phát triển của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.

Nguồn: Bộ GTVT



GỬI Ý KIẾN
Quyết liệt giải tỏa vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực gầm cầu

Trong tháng 11 năm 2023, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức phối hợp kiểm tra, xử lý, giải tỏa vi phạm lấn chiếm tại các khu vực gầm cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội với các vi phạm như: xây dựng nhà tạm, tập kết vật liệu xây dựng, họp chợ…