TƯ DUY MỚI ĐỂ KHƠI THÔNG DÒNG VỐN ĐẦU TƯ HẠ TẦNG

2015/3/31 10:0 - Ngô Đức Hành

- Nhu cầu vốn đầu tư cho năm 2015 của các dự án giao thông theo mô hình công-tư khoảng 66.600 tỷ đồng, trong đó từ nhà đầu tư là hơn 57.000 tỷ đồng. Năm 2016, con số tổng mức khoảng 67.000 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư cần hơn 51.000 tỷ đồng.

- Theo dự thảo nghị định, lĩnh vực đầu tư bằng hình thức PPP đã được mở rộng đáng kể, như với hạ tầng giao thông bổ sung thêm các dự án về bến xe, bãi đỗ xe, nhà ga đường sắt, hệ thống xe buýt, xe điện ngầm... Nhà nước tham gia nhiều hơn trong việc đóng góp nguồn vốn thực hiện dự án như góp vốn hỗ trợ xây dựng công trình để tăng tính khả thi về tài chính, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư... Nhà đầu tư sẽ được phép thế chấp quyền tài sản, quyền sử dụng đất và quyền kinh doanh công trình, dự án.

Khi nhu cầu đầu tư cho hạ tầng giao thông (HTGT) ngày càng tăng lên mà ngân sách Nhà nước hạn hẹp, thì thu hút vốn xã hội hóa được xem là định hướng quan trọng trong thời gian tới. Mặc dù vậy, nhiều vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách đang được đặt ra để các dự án không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư mà còn bảo đảm sự hài hòa lợi ích chung của xã hội...

NHÀ ĐẦU TƯ BĂN KHOĂN TRƯỚC NHIỀU RỦI RO

Gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, với những gì tư nhân có thể làm được trong lĩnh vực hàng không, Nhà nước sẽ thoái hết vốn để tư nhân làm. Theo đó, năm 2015, ngành Hàng không tập trung vào việc thí điểm bán 100% vốn nhà nước tại sân bay Phú Quốc, nghiên cứu bán quyền khai thác có thời hạn một số cảng hàng không.

Tại cuộc họp về huy động vốn xã hội hoá đầu tư HTGT hàng không ngày 25/2/2015, Bộ GTVT yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) thí điểm bán dứt điểm quyền khai thác sảnh E sân bay quốc tế Nội Bài cho Vietjet Air. Theo đề xuất mua lại toàn quyền khai thác sảnh T1 sân bay này, xem xét bán có thời hạn 20 năm, hoặc 50 năm. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu bán một phần sân bay Đà Nẵng ở khu vực cũ để lấy vốn đầu tư nhà ga quốc tế.

Bán - mua quyền khai thác cảng hàng không đang là câu chuyện mới nhất ở ngành GTVT.

Theo ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Cienco 4- nhà đầu tư dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Vinh (Nghệ An)- Hà Tĩnh, để bảo đảm hiệu quả nguồn vốn bỏ ra, nhà đầu tư luôn phải cân nhắc khá nhiều rủi ro khi tham gia dự án hạ tầng giao thông. Đó là rủi ro do biến động giá, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, thay đổi chính sách, lượng phương tiện lưu thông thực tế có thể không được như kỳ vọng so với phương án đo đếm xe ban đầu, hoặc sau khi dự án hoàn thành phát sinh thêm đường song song, đường nhánh, rẽ...

Đối với các dự án BOT đang thực hiện ở nước ta hiện nay, nguồn vốn của nhà đầu tư ngoài vốn chủ sở hữu, đa phần là vay của các tổ chức tín dụng. Thông thường, vốn vay chiếm khoảng 85% tổng mức đầu tư dự án. Dự án HTGT thường có thời gian thu phí khoảng 20 đến 25 năm, trong khi nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn. Theo ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tasco (nhà đầu tư dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình), các ngân hàng thương mại trong nước hiện nay đang khó khăn vì thiếu nguồn vốn dài hạn. Ông đề nghị Nhà nước nên hỗ trợ nhà đầu tư tìm kiếm vốn tín dụng từ nước ngoài cho các dự án hạ tầng giao thông, trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, chính sách lãi suất hiện nay đang có nhiều bất cập, nhà đầu tư phải bù một phần lãi vay trong thời gian xây dựng, do quy định hiện hành chỉ chấp nhận lãi vay bằng 1,3 lần lãi suất của trái phiếu Chính phủ. Vốn chủ sở hữu không được tính lãi suất. Trong thời gian đầu khai thác, nhiều nhà đầu tư cho biết, nguồn thu phí chưa đủ để trả lãi.

Một số ý kiến đề xuất, Chính phủ có thể nghiên cứu lập quỹ bảo lãnh hạ tầng, tập trung cấp bảo lãnh cho các dự án thực hiện bằng vốn xã hội hóa có tính khả thi cao, chất lượng, thông qua kiểm soát quy trình thực hiện. Bên cạnh vốn tín dụng, còn có kênh huy động vốn khác chưa được khai thác như quỹ hưu trí bảo hiểm xã hội hay thông qua thị trường chứng khoán. Một yếu tố quan trọng khác là cơ quan quản lý Nhà nước cần tích cực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, giúp dự án sớm hoàn thành, giảm rủi ro cho nhà đầu tư.

CHÍNH SÁCH THU HÚT VỐN CẦN ỔN ĐỊNH, DÀI HẠN

Các dự án đầu tư phát triển HTGT bằng nguồn vốn xã hội hóa hiện nay thường được nhắc đến với tên gọi Hợp tác công-tư (PPP). Trong vài năm gần đây, lượng vốn xã hội hóa tập trung vào hạ tầng giao thông đạt con số lớn nhất từ trước đến nay. Chỉ riêng năm 2013 đã huy động được 24 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 68.500 tỷ đồng. Năm 2014, lượng vốn thu hút được là hơn 42.000 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng-Trưởng ban Quản lý các dự án PPP (Bộ GTVT), mặc dù đã huy động được lượng vốn “khổng lồ” từ xã hội hóa nhưng việc thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn. Vốn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đường bộ, nhà đầu tư tham gia đều ở trong nước, năng lực tài chính chưa mạnh, ít kinh nghiệm, chưa tìm kiếm được nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư là do thể chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đưa ra danh mục các dự án đầu tư rõ ràng, minh bạch để các nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu là một trong những giải pháp thu hút vốn mà Bộ GTVT đang triển khai. Đáng chú ý, vốn góp từ ngân sách Nhà nước sẽ tăng lên, thể hiện sự cam kết, tham gia tích cực của Chính phủ vào các dự án. Định hướng theo từng lĩnh vực, đường bộ sẽ chú trọng vào trục cao tốc Bắc- Nam, cao tốc hướng tâm, các tuyến quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn....

Một trong những vấn đề về cơ chế, chính sách thu hút được nhiều sự quan tâm hiện nay là dự thảo Nghị định về Hợp tác công- tư (PPP) đang được hoàn thiện và chuẩn bị được Chính phủ ban hành. Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Nghị định về PPP sắp được Chính phủ ban hành sẽ tạo thay đổi lớn, thúc đẩy mạnh mẽ thu hút nguồn vốn PPP vào giao thông.

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, yếu tố quan trọng hàng đầu là các dự án PPP phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Nếu chỉ có lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư thì người dân không chấp thuận, không đóng phí, không thể hoàn vốn cho dự án. Lãnh đạo Bộ GTVT nhìn nhận, việc đầu tư dự án trong thời gian dài sẽ có rủi ro, vì vậy, chính sách của Nhà nước cần phải ổn định, lâu dài, tiếp thu tinh hoa của thông lệ thế giới, áp dụng phù hợp vào điều kiện đặc thù cụ thể của Việt Nam. Tiền đầu tư cho HTGT dù từ nguồn vốn xã hội hóa cũng đều là tiền của dân đóng góp qua thu phí hoàn vốn.

Do vậy, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, cần tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, bảo đảm chặt chẽ, suất đầu tư, định mức phải hợp lý, được công khai, minh bạch cho người dân biết, cùng tham gia giám sát .



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...