Yêu cầu Bộ trưởng Thể làm rõ việc bán DN lớn chỉ bằng căn nhà phố cổ

2018/5/29 8:45 - Hiếu Công

Không đồng tình với giải trình việc cổ phần hóa được cho là rất thành công các doanh nghiệp ngành GTVT, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Bộ trưởng Thể kiểm tra lại 2 dự án.

Chiều 28/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016.
 
Phát biểu giải trình thêm, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cung cấp tới các đại biểu Quốc hội về tình hình cổ phần hóa các doanh nghiệp trong lĩnh giao thông vận tải.
 
Ông Thể khẳng định hầu hết doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành giao thông sau cổ phần hóa đều có lãi, tình hình tài chính tốt.
 
Doanh nghiệp ngành GTVT sau cổ phần hóa đều hoạt động hiệu quả
 
Bộ trưởng cho biết giai đoạn 2011-2016, có 18 tổng công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần, tuy doanh thu tăng chỉ 15%, nhưng lãi sau thuế đã tăng 194%, nhờ tiết giảm được chi phí (bình quân mỗi năm tăng trên 40%); thu nhập người lao động tăng 32% trong 4 năm.
 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội. Ảnh: Quân Minh.
 
Cũng trong giai đoạn 2011-2016, Bộ GTVT có 137 doanh nghiệp được cổ phần hoá thành công, vượt 67 đơn vị so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Các doanh nghiệp này khi niêm yết và bán cổ phần lần đầu ra công chúng đều được giá cao.
 
Theo đó, có 12 tổng công ty Nhà nước giá trị định giá ban đầu là 2.153 tỷ đồng, nhưng khi bán vốn thu về được 2.785 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn lại thuộc các tổng công ty, ban đầu giá trị được xác định 4.184 tỷ đồng, như khi bán vốn đã tăng thêm 1.280 tỷ đồng.
 
"Hầu hết doanh nghiệp ngành GTVT sau cổ phần hóa đều hoạt động hiệu quả, ngày càng tốt hơn. Bộ Giao thông chủ trương những lĩnh vực nào tư nhân làm được, làm tốt thì đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, chỉ giữ lại những lĩnh vực liên quan tới an ninh, quốc phòng", ông nói.
 
"Cổ phần hóa như vậy Nhà nước, nhân dân được gì không?"
 
Tranh luận sau phần phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) hoài nghi sự thành công về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp GTVT mà Bộ trưởng Thể báo cáo. Ông yêu cầu làm rõ 2 trường hợp cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành GTVT.
 
Dự án đầu tiên Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhắc đến là việc cổ phần hóa Tổng công ty vận tải thủy Việt Nam (VIVASO). Ông nhấn mạnh doanh nghiệp này trước khi cổ phần hóa nắm trong tay rất nhiều tài sản như đất, tàu thuyền… nhưng chỉ được bán với giá 327 tỷ đồng. Ông ví giá đó chỉ bằng một căn nhà tại phố cổ Hà Nội.
 
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc cổ phần hóa VIVASO còn nhiều bất cập. Ảnh: Báo Giao Thông.
 
“Việc cổ phần hóa rẻ như vậy khiến nhiều người bức xúc. Người đâm đơn tố cáo chính là đồng chí Giám đốc Cảng Hà Nội. Tài sản bị hạ giá thấp, một số tài sản thì để ra ngoài không đưa vào định giá như là quỹ đen vậy. Mà người mua doanh nghiệp đó chính là người mua xí nghiệp điện ảnh Việt Nam với giá bèo”, đại biểu Nhưỡng nói trước Quốc hội.
 
Doanh nghiệp thứ 2 đại biểu Nhưỡng nói đến là Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV). Ông đặt câu hỏi tại sao đi cổ phần hóa những công ty đang làm ăn tốt. Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp lại phải bỏ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để thuê lại chính tài sản của mình. Việc cổ phần hóa khiến cán bộ, lãnh đạo doanh nghiệp rất bất ngờ.
 
“Cổ phần hóa như vậy Nhà nước có được gì hay không, nhân dân có được lợi gì hay không”, đại biểu Nhưỡng thẳng thắn.
 
Ông đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xem xét lại vấn đề cổ phần hóa của 2 doanh nghiệp trên. Đồng thời đề nghị Thủ tướng xem xét lại vấn đề cổ phần hóa tại các doanh nghiệp này.
 
Theo Thanh tra Chính phủ, công dân đã có đơn tố cáo, phản ánh cho rằng quá trình cổ phần hóa tại VIVASO thiếu khách quan, minh bạch; làm thất thoát tài sản Nhà nước giá trị lớn, có dấu hiệu móc ngoặc tham nhũng, làm bần cùng hóa người lao động VIVASO….

Sau khi nhận được đơn, Thanh tra Chính phủ đã chủ động giao Ban Tiếp công dân Trung ương phối hợp với Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo khu vực I nắm tình hình và đề xuất phương hướng xử lý. Vào tháng 2/2017, Thanh tra Chính phủ nhận được phiếu chuyển đơn của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, và thấy rằng trong quá trình giải quyết, Bộ GTVT mới dừng ở mức trả lời đơn mà chưa xử lý theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo.
 

Ngày 2/6/2017, Bộ GTVT đã có Quyết định số 1620/QĐ-BGTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông ký, về việc thụ lý giải quyết tố cáo và thành lập đoàn xác minh tố cáo đối với vụ việc cổ phần hóa tại VIVASO. 



GỬI Ý KIẾN
Quyết liệt giải tỏa vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực gầm cầu

Trong tháng 11 năm 2023, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức phối hợp kiểm tra, xử lý, giải tỏa vi phạm lấn chiếm tại các khu vực gầm cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội với các vi phạm như: xây dựng nhà tạm, tập kết vật liệu xây dựng, họp chợ…