Loại “công chức cắp ô” bằng... cơ chế!

2015/4/16 8:46

Nhiều người khi đã vào được công chức là chây ỳ không chịu làm việc, có tâm lý an vị. Bởi vậy, đã đến lúc cần có cơ chế đào thải những công chức lười nhác, yếu kém, không đáp ứng yêu cầu.

Để tiết kiệm chi phí, Bộ Nội vụ cần nghiên cứu thay đổi quy trình làm thủ tục liên quan đến hồ sơ,

giấy tờ để thi tuyển công chức (Ảnh minh họa)

Ngày 15/4, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Nội vụ. Tại cuộc họp, nhiều lãnh đạo Bộ, ngành đã thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong việc tuyển dụng công chức thời gian qua.

Tâm lý “vào được công chức là xong”

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đánh giá, hiện nay ở nước ta còn tình trạng nhiều người cứ vào được công chức là “ỳ ra không chịu làm việc”, không có sự cạnh tranh. Theo bà Mai, sở dĩ có tình trạng đó là do cơ chế kỷ luật, đưa một công chức ra ngoài rất khó. “Do vậy, cần nghiên cứu đưa ra các biện pháp tăng sự năng động của công chức, viên chức. Hoặc nếu nói khó do luật thì cần phải sửa luật sao cho hợp lý để có cơ chế cắt giảm công chức chây ỳ không chịu làm việc”, bà Mai đề xuất. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cũng nhận định, chính sách liên quan đến thi tuyển công chức vào bộ máy hành chính như hiện nay là đúng, nhưng việc đào thải công chức không đáp ứng được yêu cầu còn nhiều bất cập. Vì vậy, mới dẫn đến tâm lý nhiều công chức có tâm lý an tâm với vị trí của mình.

Liên quan đến vấn đề tổ chức thi tuyển công chức, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhìn nhận, công tác quản lý việc cải cách TTHC còn “dậm chân tại chỗ”. “Quá trình thi tuyển công chức hiện nay còn rất nhiều thủ tục rườm rà, do đó cần phải cắt giảm những thủ tục không cần thiết để tránh lãng phí cho thí sinh”, ông Ngọc nói và cho rằng, về cơ chế tuyển thẳng thí sinh là học sinh xuất sắc của các trường đại học trong nước và loại giỏi ở nước ngoài vào bộ máy Nhà nước, nên phân cấp trực tiếp cho các Bộ, ngành, địa phương chứ không phải chờ Bộ Nội vụ thông qua như quy định hiện nay.

Không cải cách sẽ bị dân oán trách

Trước những ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ sẵn sàng ủy quyền, phân cấp cho các Bộ, ngành địa phương trong thi nâng ngạch công chức. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc đó sẽ có bất cập là các Bộ, ngành, địa phương đã được ủy quyền thì thí sinh nộp hồ sơ đi thi là đỗ hết. “Thi bao nhiêu, đỗ hết bấy nhiêu thì phải kiểm tra lại chất lượng kỳ thi. Cứ đi thi là đỗ hết thì làm sao đảm bảo chất lượng, khách quan trong chế độ công chức, viên chức? Như Bộ Nội vụ chúng tôi chấm thi phải qua “ba tay” để đảm bảo khách quan, công bằng”, ông Tuấn nói và cho rằng, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ thì sẽ tạo kẽ hở, để lọt những người có mối quan hệ thân thiết với người chịu trách nhiệm tuyển dụng.

Đánh giá về công tác cải cách TTHC của Bộ Nội vụ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công khai các thủ tục thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của mình... Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cần nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém, bởi dư luận xã hội vẫn còn kêu ca về Bộ Nội vụ như tập trung nhiều thẩm quyền, chưa phân cấp cho Bộ, ngành, địa phương,…

Sau khi nghe các Bộ, ngành báo cáo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong cải cách TTHC, trách nhiệm của Bộ Nội vụ rất nặng nề. “Nếu không cải cách thì tụt hậu càng xa hơn. Không cải cách, để tình trạng quan liêu, xa dân thì dân sẽ oán trách chúng ta. Không cải cách, không công khai minh bạch sẽ dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, mọi cấp, mọi ngành phải tự cải cách, tự đổi mới, trong đó Bộ Nội vụ phải làm gương”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, để tiết kiệm chi phí, Bộ Nội vụ cần nghiên cứu thay đổi quy trình làm thủ tục liên quan đến hồ sơ, giấy tờ để thi tuyển công chức. “Hiện nay, theo quy định, người dự tuyển thi vào công chức, viên chức phải nộp rất nhiều thứ giấy tờ khác nhau từ giấy khai sinh, lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe, lý lịch bản thân, các loại bằng cấp…, thế nhưng chưa chắc đã có người đọc rà soát tất cả các loại giấy tờ này. Vì thế, hồ sơ thi tuyển chỉ cần yêu cầu một loại giấy tờ, chứ không phải cả tập hồ sơ nộp vào như hiện nay, khi trúng tuyển thì mới yêu cầu nộp đầy đủ, như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Nguồn: baogiaothong



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...