Bộ GTVT tiếp tục siết kinh doanh vận tải đường bộ

2014/6/12 15:49 - GTVT

Quy định tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô cũng như trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải sẽ được “siết” chặt hơn khi sửa đổi Thông tư 18 và Thông tư 55. Đây là những "cây gậy" quản lý Nhà nước để ngành chức năng chấn chỉnh hoạt động vận tải bằng đường bộ hiện đang bộc lộ nhiều tiêu cực, vi phạm.

Quy định tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô sẽ được "siết" chặt hơn

khi sửa đổi Thông tư 18 và Thông tư 55

Lái xe bắt buộc phải khám sức khỏe

Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Khuất Việt Hùng cho biết, điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 18/2013/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải là đã bổ sung yêu cầu tổ chức khám sức khỏe cho lái xe và sử dụng lái xe đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

“Sau khi Hải Phòng tổ chức khám sức khỏe lái xe, phát hiện 217 lái xe không đủ điều kiện sức khỏe, trong đó nhiều lái xe có phản ứng dương tính với chất ma túy, theo yêu cầu của Bộ GTVT, nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành công tác này. Đến nay, đã phát hiện gần 500 lái xe có mẫu xét nghiệm dương tính với ma tuý. Đây là điều rất đáng báo động. Do đó, việc bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải tổ chức khám sức khỏe cho lái xe và sử dụng lái xe đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế không ngoài mục đích tăng cường trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải nhằm ngăn chặn những vụ TNGT do lái xe không đủ sức khỏe. Hơn nữa, đơn vị kinh doanh vận tải tổ chức khám sức khỏe cho lái xe cũng là bảo vệ tài sản, thương hiệu và uy tín của mình” - ông Hùng nói.

Một điểm mới khác trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 18 là việc quy định ô tô phải niêm yết các thông tin về tên đơn vị, số điện thoại của đơn vị vận tải hàng hoá bên cánh cửa xe. Riêng đối với xe ô tô, sơ- mi rơ-moóc còn phải niêm yết thêm khối lượng hàng được chở và khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông theo quy định.

Trao đổi với PV - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, qua thực tế kiểm tra tải trọng xe thời gian qua tại các địa phương, lực lượng TTGT và CSGT đều kiến nghị phải niêm yết rõ những thông tin trên. Thứ trưởng Thọ cũng nhấn mạnh đây không phải là quy định mới. Trước đây, chúng ta đã có quy định song không làm ráo riết, nên các doanh nghiệp thực hiện gây khó khăn cho quản lý cũng như tăng cường giám sát.

Dự thảo thông tư cũng bổ sung quy định trách nhiệm của người vận tải hàng hóa phải phổ biến cho lái xe không được tổ chức bốc xếp và vận tải hàng hóa quá khối lượng được chuyên chở; Chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng, khổ giới hạn của phương tiện, chịu trách nhiệm nếu xe thuộc quyền quản lý của mình và phải cung cấp hợp đồng vận tải hoặc giấy vận tải cho lái xe để lái xe xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu với các thông tin về lộ trình, hàng hóa chuyên chở, số lượng, thông tin về chủ hàng, lái xe…

Tài xế không đủ sức khỏe dễ gây TNGT

Tăng cường trách nhiệm quản lý vận tải

Đối với Thông tư 55/2013/TT-BGTVT Quy định về trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đang được sửa đổi, cơ quan soạn thảo bổ sung thêm Điều 24 về xử lý vi phạm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, người đại diện vốn Nhà nước, người đại diện theo pháp luật của đơn vị hoặc giám đốc, chủ nhiệm hợp tác xã, chủ đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.

Theo đó, tùy theo đối tượng và mức độ vi phạm, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước hoặc người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước có liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ bị xử lý theo quy định. Sở GTVT có văn bản nhắc nhở và thông báo tới chính quyền địa phương tên đơn vị, họ tên và chức danh của người đại diện theo pháp luật của đơn vị vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trong một số trường hợp vi phạm cụ thể quy định rõ tại dự thảo Thông tư sửa đổi.

Hiện nay, Bộ GTVT đang trình Nghị định sửa đổi Nghị định 91 về điều kiện kinh doanh vận tải. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục sửa đổi các thông tư hướng dẫn để thực hiện tốt các điều kiện kinh doanh vận tải cũng như kiểm soát tải trọng xe.

Ông Lưu Huy Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Hoàng Hà:

Còn lái xe nghiện, còn mất an toàn

Liên quan đến việc kiểm tra sức khỏe lái xe, sàng lọc tài xế nghiện, ông Lưu Huy Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Hoàng Hà khẳng định đây là một trong những điểm đặc biệt quan trọng với doanh nghiệp vận tải.

“Còn lái xe nghiện là còn mất an toàn. Phải mất bao nhiêu năm một doanh nghiệp mới xây dựng được thương hiệu vận tải, mới tạo niềm tin, ấn tượng tốt với hành khách để họ chọn xe của mình. Chỉ cần một vụ tai nạn xảy ra thôi, tất cả sẽ tiêu tan hết” - ông Hà nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hà, giao xe cho tài xế nghiện là quá dại dột. Không một doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính nào muốn thế. Cho nên, dù Bộ GTVT có quy định hay không, từ nhu cầu nội tại, chúng tôi đã luôn coi trọng việc kiểm tra sức khỏe lái xe. Ngoài việc kiểm soát tài xế nghiện, ông Hà cho biết, công ty ông cũng đặc biệt chú ý đến việc kiểm tra tình trạng sức khỏe khác của tài xế liên quan đến huyết áp, thị lực… Đây là những bệnh nghề nghiệp nhiều tài xế thường gặp phải và cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc đảm bảo lái xe an toàn.

Ông Nguyễn Quang Lượng- Thanh tra Sở GTVT Hà Nội:

Giảm thời gian khi xử lý vi phạm

Quy định niêm yết công khai khối lượng hàng được chở và khối lượng toàn bộ lên cánh cửa ô tô sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm. Thực tế, thời gian qua, khi kiểm tra tải trọng xe, nhiều chủ xe đôi co với Thanh tra về khối lượng xe được chở. Bình thường, có thể kiểm tra giấy tờ đăng kiểm để làm rõ điều này. Tuy nhiên, cũng có trường hợp xe bị thu giữ giấy tờ đăng kiểm…

Hơn nữa, thực tế thời gian qua, khá nhiều xe sơ-mi rơ-moóc sản xuất trong nước và nhập khẩu có tải trọng thiết kế (của nhà sản xuất) lớn hơn tải trọng cho phép tham gia giao thông. Không ít trường hợp, vì nhiều nguyên nhân, cùng một kiểu loại phương tiện nhưng các đơn vị đăng kiểm lại xác định khác nhau về giá trị tổng trọng tải cho phép tham gia giao thông. “Nếu những thông tin nói trên được làm rõ trên thành xe, cánh xe thì lực lượng chức năng sẽ giảm được rất nhiều thời gian khi xử lý vi phạm” - ông Lượng nói.



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...