Cầu Long Biên trong mỹ thuật đương đại
Hình tượng cầu Long Biên đi vào trong các tác phẩm mỹ thuật thực sự phong phú, đa dạng về phong cách, chất liệu, kích thước...
Hình ảnh cây cầu này được các họa sĩ khai thác ở mọi khía cạnh, góc nhìn, cách đặt vấn đề cho tác phẩm. Không chỉ khai thác vẻ đẹp bề ngoài, vẻ đẹp kiến trúc độc đáo,hình dáng rồng bay và cả vết hoen gỉ in dấu tháng năm, nhưng có lẽ vượt lên hơn cả là qua hình tượng cây cầu khắc họa những câu chuyện xưa, những sự kiện đi vào lịch sử, từng ghi dấu trong hai cuộc chiến tranh ác liệt mà oai hùng của dân tộc, hoặc những hình ảnh thân quen ta thường bắt gặp hàng ngày trên cây cầu trăm năm tuổi.
Mỗi tác phẩm vẽ cây cầu có thể mang thông điệp về một thời đạn bom, một thời hòa bình, về buồn vui kiếp người... Thông qua những tác phẩm vẽ cầu Long Biên, người nghệ sỹ đãbày tỏ quan điểm nghệ thuật của mình, gửi những thông điệp, những tình cảm cũng như trách nhiệm của người nghệ sĩ với cây cầu huyền thoại. Như vậy có thể nói rằng trong dòng chảy của mỹ thuật Thủ đô nói riêng, mỹ thuật cả nước nói chung thì hình tượng cây Cầu Long Biên đã chiếm một vị trí trong các đề tài sáng tác của các nghệ sĩ. Mảng đề tài cầu Long Biên cũng chiếm được cảm tình, sự trân trọng của công chúng yêu nghệ thuật.
Tại sao đề tài cầu Long Biên lại được các họa sĩ dành nhiều tình cảm đến như vậy? Có lẽ bởi công trình kiến trúc độc đáo in bóng xuống dòng sông Hồng, những con thuyền nhỏ nhoi, những dãy phố cổ tạo nên một không gian đầy mỹ cảm, vì vậy có thể khai thác được nhiều yếu tố tạo hình nên đã cuốn hút các họa sĩ? Cũng chưa đủ.
Phải chăng ký ức thời gian, vết tích của hai cuộc chiến tranh còn hằn trên những nhịp cầu đã thôi thúc họa sĩ? Nhưng thế cũng chưa đủ. Nếu như cây cầu Long Biên nó chỉ giành cho tàu hỏa qua lại không có làn đường cho người đi bộ và làn xe hai bên? Hẳn nó thiếu một mối liên hệ giữa con người và cây cầu, sẽ khuyết vắng những kỷ niệm vui buồn, những nhịp sống đời thường của biết bao con người, dẫu chỉ một đôi lần đi qua! Những yếu tố trên nó chính là phần hồn của cây cầu, chỉ những ai yêu cây cầu này thì mới giải mã được những ẩn chứa trong cái xập xệ, hoen gỉ của cây cầu, đó là những câu chuyện một thời đạn bom giờ thành cổ tích.
Cây cầu vẫn còn đó, vẫn lặng lẽ ghi lại những câu chuyện đương thời chảy dài theo năm tháng.Tất cả đã tạo nên một Cầu Long Biên, nó luôn là những day dứt, trăn trở trong mỗi tác phẩm của họa sĩ. Mong rằng nó mãi tồn tại với thời gian mãi là nhân chứng lịch sử của dân tộc Việt Nam và là một tuyệt tác nghệ thuật sống huyền thoại theo năm tháng.
Mảnh đất Thăng Long lưu dấu khá nhiều công trình kiến trúc xưa như: Cầu Thê Húc, Tháp Rùa, Ô Quan Trưởng, Nhà Hát lớn, tháp nước Hàng Đậu, khu phố cổ, cầu Long Biên... những hình ảnh đóđược các họa sĩ vẽ và khai thác rất đa dạng và phong phú, nhưng có lẽ cầu Long Biên là một đề tài được nhiều họa sĩ quan tâm và thành công với tác phẩm của mình.