Cuối năm, thí điểm 3 trạm thu phí tự động trên QL1, 14

2014/4/15 14:59 - GTVT

Bộ GTVT đang đẩy nhanh việc tự động hóa thu phí trên các quốc lộ và đường cao tốc. 3 trạm thí điểm sẽ hoạt động cuối năm nay trên QL1 và 14, để cuối 2015 thu phí tự động trên toàn tuyến.

Lưu thông nhanh hơn trên tuyến quốc lộ

Sáng 14/4, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và các nhà đầu tư BOT QL1 và QL14 để triển khai chủ trương của Bộ GTVT về việc thống nhất thực hiện hiện đại hóa thu phí đường bộ.

Theo Thứ trưởng, trước đây công nghệ thu phí 2 dừng đã gây ùn tắc xe tại các trạm thu phí, ô nhiễm môi trường và đặc biệt làm giảm tốc độ lưu thông chung của dòng phương tiện trên các tuyến quốc lộ.

 

Xa lộ Hà Nội (TP HCM) đã triển khai thu phí tự động rất được dư luận hoan nghênh

 

Công nghệ thu phí 1 dừng thay thế gần đây, cũng còn nhiều khiếm khuyết. Điều dễ thấy nhất là vẫn phải đầu tư tốn kém cho thu phí: Chi phí xây dựng trạm rất đồ sộ, chi phí nuôi bộ máy thu phí, vẫn còn ùn tắc, ô nhiễm và phải dừng xe mua vé làm tăng thời gian lưu thông của phương tiện.

Nay chủ trương của Bộ GTVT là phải nhanh chóng hiện đại hóa công tác thu phí, triển khai công nghệ thu phí tự động không dừng xe trên toàn bộ các tuyến quốc lộ và cao tốc. Trước mắt triển khai thu phí tự động trên tuyến QL1 và 14 ngay khi 2 tuyến đường này hoàn thành đầu tư mở rộng.

Với công nghệ thu phí tự động, dòng xe lưu thông được một mạch liên tục trên quốc lộ, không phải dừng mỗi khi qua trạm thu phí. Điều này sẽ đặc biệt làm tăng tốc độ lưu thông của dòng xe trên đường, rất tiện lợi cho chủ xe, và đặc biệt có tác dụng tích cực đối với nền kinh tế. Trạm thu phí tự động lúc này chỉ bao gồm 1 giá long môn trên đường, có gắn các thiết bị tự động ghi nhận thông tin về phương tiện, truyền về trung tâm kiểm soát để tính phí đường bộ cho từng phương tiện đi qua trạm. Như vậy các khoản chi phí cho xây dựng trạm, nhà trạm, trả lương cho nhân viên thu phí cũng không còn. Tình trạng ô nhiễm không khí, ATGT được cải thiện.

Về tiến độ, Bộ GTVT yêu cầu triển khai ngay việc xây dựng thiết kế mẫu (tiêu chuẩn kỹ thuật và kiến trúc trạm) đồng loạt cho tất cả các trạm, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, triển khai ngay xây dựng thí điểm 2 trạm trên QL1 và 1 trạm trên QL14 để cuối năm 2014 hoàn thành, sẽ thu phí tự động. Đầu năm 2015 triển khai xây dựng đồng loạt trên 2 tuyến QL này để cuối năm 2015 bắt đầu thu tự động.

Thứ trưởng chỉ đạo: Các trạm xây dựng tới đây sẽ phải áp dụng ngay tiêu chuẩn kĩ thuật và kiến trúc mẫu, có 1-2 cổng thu phí tự động. Các trạm đã xây dựng cũng phải cải tạo để có cổng thu phí tự động. Để cuối 2015 thu tự động là thu qua tất cả các trạm trên 2 QL này.

Từ nay đến trước năm 2020 sẽ kết hợp tại mỗi trạm cả thu phí 1 dừng và thu tự động. Sau đó, trên QL và cao tốc chỉ còn thu phí tự động, thu 1 dừng chỉ còn trên các đường địa phương.

Vừa thu phí vừa cân xe

Theo yêu cầu của Bộ GTVT, trên tất cả các trạm thu phí được xây dựng, sẽ đồng thời đầu tư lắp đặt hệ thống cân tự động để kiểm soát tải trọng xe. Toàn bộ xe phải qua cân để xác định không chở quá tải mới được qua trạm thu phí để đi vào tuyến đường BOT.

Đây là hệ thống cân động tự động, được đặt ngay trên mặt đường quốc lộ. Xe lưu thông qua đây bình thường. Giai đoạn 1, cân tự động phát hiện xe quá tải sẽ báo trên màn hình để xe vào cân tĩnh, đặt ở gần đó – để được cân tĩnh kiểm tra quá tải, dỡ tải mới được lưu thông tiếp. Giai đoạn 2 sẽ sử dụng ngay kết quả của cân động trên đường, tiến hành xử phạt nguội xe quá tải.

Chủ đầu tư nói 2020 mới bỏ thu phí một dừng là muộn

Tại cuộc họp, các nhà đầu tư đều đồng tình với chủ trương của Bộ GTVT. Ông Võ Minh Hoài – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trường Thịnh phát biểu, cho rằng Bộ GTVT nên cho triển khai sớm hơn việc thu phí đường bộ tự động trên toàn bộ các tuyến quốc lộ, toàn bộ các cổng thu phí. Công nghệ này các nước trên thế giới đã áp dụng, không có gì là khó cả, nên trong nước cũng không phải để tới tận năm 2020.

Ông Hoài cũng cho rằng việc lắp đặt trạm cân động trước khi xe qua trạm thu phí cũng rất cần thiết cho nhà đầu tư. Xe chở quá tải lớn như lâu nay thì toàn bộ kế hoạch đầu tư bị phá vỡ hết, không có đường nào đạt được tuổi thọ như dự án đã đề ra cả. Bắt buộc các xe trước khi đi vào tuyến đường đều phải cân, xe quá tải phạt gấp 5 -7 lần tiền.

Toàn bộ thời gian chuẩn bị, làm sao cả tuyên truyền trong dân, xây dựng trạm, đến 2016 là xong. Tuyến đường mới sẽ hoạt động theo một văn hóa mới, tiêu chuẩn mới.

Bộ GTVT khẳng định, từ nay đến kết thúc Dự án đầu tư mở rộng QL1 và 14 cũng sẽ hoàn tất mọi công tác để thu phí BOT bằng công nghệ hiện đại và tích hợp giám sát tất cả xe qua trạm thu phí, gồm kiểm soát loại xe, biển số xe, kiểm soát thu phí, kiểm soát tải trọng.

Để thực hiện, cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên Báo Giao thông và các phương tiện thông tin đại chúng, đến các doanh nghiệp, các chủ xe, trong toàn xã hội, về chủ trương hiện đại hóa thu phí của Bộ GTVT, bao gồm thu phí tự động và kiểm soát tải trọng xe tự động trên các tuyến đường bộ cả nước. Trước mắt đến đầu 2016 thực hiện trên QL1 và 14.

(Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường)



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...