Đào tạo có địa chỉ nâng chất lượng nhân lực ngành GTVT
Đào tạo theo địa chỉ, gắn kết với cơ sở kinh doanh, tổng công ty, doanh nghiệp… sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành GTVT.
Ông Trần Bảo Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, năng lực đào tạo của hệ thống các trường thuộc Bộ GTVT hàng năm khoảng 52.000 người, về cơ bản có thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công nhân kỹ thuật trong ngành GTVT và xã hội. Tuy vậy, công tác đào tạo hiện nay đặt ra nhiều thách thức. Nhu cầu đội ngũ cán bộ KHKT, cán bộ quản lý có trình độ đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý ngày càng tăng. Trong khi đó đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật và cán bộ quản lý hiện được đào tạo vẫn chưa theo kịp với công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý tiên tiến.
Theo ông Phạm Xuân Dương - Phó hiệu trưởng ĐH Hàng hải VN, các doanh nghiệp thường “chê” sản phẩm đào tạo của các trường không sát thực tế, tuy nhiên kể cả các trường quốc tế ở Mỹ, Nhật cũng cần có quá trình thực tập mới bắt tay được vào nghề. Vì vậy, doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường thực tập ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường.
Ông Dương cho biết, từ năm 2008, Trường đã áp dụng 5 chuẩn đầu ra: Chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, sức khỏe và tác phong công nghiệp. Tới khóa học tới, sinh viên ra trường vào năm 2017 sẽ phải đạt thêm chuẩn nữa là Tin học văn phòng quốc tế. Quan điểm đào tạo của Trường là đào tạo theo hình chóp chứ không theo hình trụ. Trường chấp nhận sẽ có tỷ lệ nhất định sinh viên không đạt chuẩn và sẽ không bao giờ ra trường được. Đây cũng là chủ trương đào tạo để đáp ứng yêu cầu chất lượng nhân lực của doanh nghiệp.
Cienco 4 là một trong số ít doanh nghiệp đã có cái “bắt tay” chặt với các trường trong công tác đào tạo. Vài năm gần đây, Cienco 4 đã phối hợp với các trường đào tạo thạc sỹ hay trực tiếp tài trợ học bổng cho sinh viên loại giỏi. Ngoài ra, Tổng công ty cũng hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ cho các sinh viên tại nhà trường.
Ông Ngô Trọng Nghĩa - Phó Tổng giám đốc Cienco 4 cho biết, để đào tạo một công nhân, Cienco 4 dành khoảng 7 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, Tổng công ty còn đầu tư đào tạo các vị trí then chốt, đào tạo lại để cán bộ đáp ứng yêu cầu, chi học bổng để tuyển chọn được những sinh viên giỏi về đầu quân. Tính chung, mỗi năm Cienco 4 dành trên dưới 10 tỷ đồng để đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, ngành GTVT giai đoạn nào cũng luôn phải đi tiên phong. Để thực hiện được điều này, một trong những giải pháp quan trọng là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hình thức quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành là đào tạo theo địa chỉ, gắn kết với cơ sở kinh doanh, tổng công ty, doanh nghiệp… để làm sao gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu xã hội. “Lâu nay chúng ta vẫn có tư tưởng đào tạo để biết nhưng nay phải chuyển sang đào tạo để làm và làm việc có hiệu quả” - Thứ trưởng nhấn mạnh