Kỷ niệm 400 năm ngày mất của danh họa El Greco (1614-2014): Người khổng lồ từng bị khuất lấp
Nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 400 năm ngày mất của danh họa thời Phục hưng El Greco (1541-1614), ngoài các buổi hòa nhạc, hội thảo, kể từ ngày 14/3 tới ngày 14/6/2014, tại Bảo tàng Santa Cruz của Thành phố Toledo (Tây Ban Nha) sẽ diễn ra một cuộc triển lãm tranh qui mô nhất của Greco từ trước tới nay. Cuộc triển lãm sẽ giới thiệu với du khách hơn 100 họa phẩm, trong đó hầu hết đều được nhà danh họa vẽ ở Toledo từ cách đây nhiều thế kỷ. Theo dự kiến của Ban tổ chức, số lượng khách đến với cuộc triển lãm có thể lên tới con số 1 triệu lượt.
Được xếp vào hàng Di sản văn hóa thế giới, Toledo từng hai lần được chọn làm thủ đô của Tây Ban Nha (từ năm 567 đến năm 711 và từ năm 1085 đến năm 1561). Nằm cách thủ đô Madrid khoảng 70 cây số về phía Nam, thành phố cổ kính này mặc dù dân số chưa đầy 100 nghìn người song lúc nào cũng đông đúc náo nhiệt bởi lượng du khách đổ về đông hơn số dân bản địa tới cả chục lần. Du khách đến với thành phố Toledo trước nhất bởi các công trình kiến trúc độc đáo (thành phố này hiện còn giữ được gần như nguyên vẹn một số bức tường mang kiến trúc thời trung cổ) cũng như bởi các di tích tôn giáo - trong đó có Vương cung Thánh Đường Toledo với một bức tường cẩm thạch trang trí những bức tượng thạch cao tuyết hoa rực rỡ mô tả hai tác phẩm nổi tiếng của danh họa El Greco là "12 vị thánh tông đồ" và "Hành hình Chúa Jesus".
Thật ra, El Greco sinh ra ở Crete chứ không phải ở Toledo. Ông cũng không phải người Tây Ban Nha mà là người Hy Lạp. Tuy nhiên, Toledo là nơi Greco sống những năm tháng cuối đời và ghi được dấu ấn tài năng của mình trong nhiều kiệt tác nghệ thuật.
Bức tranh mà Greco thực hiện trong những năm đầu tiên chuyển đến sống ở Toledo là bức "Áo quần của Chúa Jesus". Bức tranh cao tới 3 mét này hiện vẫn được treo trong một nhà thờ ở Toledo và được các bậc thức giả ghi nhận là kiệt tác vĩ đại nhất của Greco. Mặc dù được làm theo đơn đặt hàng của các vị chức sắc tôn giáo song bức tranh với bố cục phóng khoáng, màu sắc ấn tượng đã tạo nên một sự cách tân so với giới hội họa thời đó.
Không phải đơn thuần mà sau này, cùng với các bức vẽ khác, Greco được xem là "hiện đại nhất" trong số các họa sĩ nổi tiếng của thế kỷ XVI, XVII và là người có ảnh hưởng nhiều tới các họa sĩ của những thế kỷ sau như: Manet, Cezanne, Picasso… (Picasso từng thổ lộ rằng, El Greco là vị thầy đầu tiên của ông, là người ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách nghệ thuật của ông. Các nhà nghiên cứu hội họa đã đưa ra dẫn chứng minh họa cho việc này: Bức tranh "Cậu bé dắt ngựa" của Picasso là bản mô phỏng từ bức "Thánh Martin và người hành khất" của El Greco).
Nói vậy không có nghĩa El Greco là người từng gặt hái được nhiều vinh hoa phú quý từ những bức vẽ của mình. Kỳ thực, đương thời, Greco là một tài năng bị khuất lấp. Đã có thời kỳ (sau khi theo học tại các trường hội họa ở Roma và Venice), Greco muốn được làm họa sĩ triều đình Tây Ban Nha trong cung điện El Escorial ở Madrid và ông đã tìm kiếm sự bảo trợ của Vua Felipe II. Song ước nguyện này của ông đã không được Vua Felipe II chấp thuận.
Chân dung danh họa El Greco (1541-1614).
Có tới mấy thế kỷ, tên tuổi Greco hầu như không được ai nhắc tới. Các tác phẩm của ông bị rơi vào quên lãng. Chúng ẩn khuất - hoặc ở trên cao trong một thánh đường Gothic, hoặc ở một tu viện hẻo lánh, hoặc trong một bảo tàng nào đó ở Tây Ban Nha. Phải tới đầu thế kỷ XIX, khi một số họa sĩ hiện đại hành hương tới Prado để nghiên cứu tranh vẽ của giới họa sĩ triều đình Velazquez, họ mới "phát hiện" ra Prado. Ngay lập tức, các bức tranh của nhà danh họa thời Phục hưng đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng, biểu hiện (và sau đó là các họa sĩ thuộc trường phái lập thể, trừu tượng).
Nhiều nhà nghiên cứu đã ngạc nhiên khi nhận thấy: Mặc dù Greco có hấp thụ phong cách vẽ của các bậc thầy trong thời đại của mình như Michelangelo, Titian, Tintoretto và Paolo Veronese, nhưng ông lại không thuộc một trường phái nào rõ ràng. Không những vậy, với cá tính độc đáo, ông được coi là một họa sĩ tiên phong của trường phái biểu hiện và ấn tượng.
Từ đây, bắt đầu một cuộc tìm kiếm ráo riết các họa phẩm của Greco, người sinh thời được biết đến với cái tên khai sinh là Domenicos Theocopoulos…
Một đặc điểm để các nhà sưu tầm tranh có thể ít nhiều căn cứ vào đó xác định đâu là tranh của Greco là Greco thường hay vẽ những gương mặt và chân tay thon dài, màu sắc tươi sáng. Đó chính là sự phối hợp truyền thống nghệ thuật Byzantine với hội họa Tây Âu, cũng là đặc điểm ta có thể dễ dàng bắt gặp trong tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng thế kỷ XX như Cezanne, Picasso hay Jackson Pollock.
Tháng 10 năm 2004, bức họa "Niềm hạnh phúc của Thánh Francis" của El Greco được những người cai quản một nhà thờ nhỏ ở miền đông Ba Lan phát hiện ra trong một lần họ kiểm tra những đồ vật cổ của nhà thờ. Tuy nhiên, vì muốn giấu nó làm của riêng nên phải 40 năm sau, bức họa mới có cơ hội xuất hiện trong một cuộc triển lãm ở Ba Lan.
Cũng tại Ba Lan, cùng thời gian diễn ra cuộc triển lãm nói trên, bức họa "Lễ rửa tội của Chúa" của El Greco đã được tìm thấy trong một bì thư ở Tây Ban Nha. Đây là một bức tranh thờ được thực hiện bằng chất liệu sơn dầu trên gỗ, có kích cỡ 23,7cm x 18cm. Bức tranh được phát hiện khi một người đàn ông sống trong một căn hộ nhỏ ở miền tây Tây Ban Nha nhận lời với một công ty quảng cáo đề nghị thẩm định nghệ thuật. Bức tranh sau đó được bán với giá 500.000 bảng Anh. Người chủ cuộc bán đấu giá nhận định rằng, bức tranh ra đời trong một khoảnh khắc xuất thần của El Greco và thời gian nhà danh họa thực hiện bức tranh có thể là từ năm 1567 đến năm 1570.
Cách đây ít tháng, vào ngày 4/7/2013, tại Nhà đấu giá Sotheby's ở Thủ đô London (nước Anh), hai kiệt tác nghệ thuật của El Greco đã được bán với giá 19,21 triệu USD.
Đó là bức tranh vải "Lời nguyện cầu của Thánh Dominic" (bán với giá 13,8 triệu USD, cao hơn giá dự tính của Ban tổ chức tới 3 lần), và bức "Chúa Jesus bị đóng đinh trên thánh giá" được bán với giá 5,2 triệu USD. Hai bức họa này là một phần trong bộ sưu tập nổi tiếng của một bác sĩ - đồng thời là một nhà từ thiện - người Đức Gusta Rau. Bác sĩ Rau đã tặng hai bức tranh quý này cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Đức và lãnh đạo Quỹ này đã quyết định đưa hai bức tranh quý ra bán đấu giá. Số tiền thu về được đưa vào quỹ tài chính dài hạn phục vụ cho chương trình của UNICEF về bảo vệ sức khỏe trẻ em ở khu vực phía đông Congo.
Không chỉ được qui ra tiền, nhiều họa phẩm của Greco - đặc biệt là những tác phẩm có chủ đề tôn giáo của ông hiện được giới chức Tây Ban Nha nói chung và thành phố Toledo nói riêng coi như báu vật, như "đặc sản" của mình. Đơn cử một ví dụ: Hồi tháng 8 năm 2011, tại Madrit diễn ra Đại hội Giới trẻ thế giới. Để quảng bá cho những tinh hoa văn hóa của xứ sở mình, Ban tổ chức đã cho in trên huy hiệu của các đại biểu tham dự Đại hội Giới trẻ năm đó những tác phẩm có đề tài tôn giáo của các họa sĩ Tây Ban Nha nổi tiếng, trong đó có Greco.
Ngoài một số bức tranh nổi tiếng của Greco như "Nhà quý tộc với bàn tay trên ngực" và "Lễ an táng bá tước Orgaz" hiện vẫn được treo trong các tu viện và nhà thờ ở Toledo thì - theo như tiết lộ của Gregorio Maranon, Trưởng ban tổ chức Lễ kỷ niệm El Greco kỳ này - hầu hết các bức tranh được trưng bày tại cuộc triển lãm ở Bảo tàng Bảo tàng Santa Cruz đợt tới đã bị đưa khỏi Toledo từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, trong đó, bức "Lòng kính Chúa" hiện được lưu giữ tại Phòng Trưng bày Quốc gia London; bức "Đức Chúa trên cây thánh giá được ngưỡng mộ bởi hai tín đồ" được lưu giữ tại Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp) và bức "Toàn cảnh Toledo" hiện được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ)