Kỵ sĩ chân trần trên cao nguyên trắng
Nằm ở thượng nguồn dòng sông Chảy, mảnh đất Bắc Hà (Lào Cai) được mệnh danh là Cao nguyên trắng của đất trời Tây Bắc. Những ngày chấp chới sang xuân này, Bắc Hà ngát trắng hoa mận, hồng tươi hoa đào, thu hút bao du khách đến tìm vẻ đẹp mùa xuân.
Trong cảnh sắc tuyệt đẹp đó, không ít người đến đây để một lần được nếm loại rượu ngô cay nồng, ngắm những chú ngựa thong dong trên những con đèo bốn mùa mây phủ, và nhất là để một lần nhìn thấy những kỵ sĩ chân trần rạp mình trên lưng ngựa...
Những kỵ sĩ chân trần
Vàng Văn Quyết ngừng tay liềm cắt cỏ khi nghe tiếng người gọi. Ngẩng đầu lên chào, chàng trai người Tày có nụ cười hiền, ôm đống cỏ voi đi về phía chuồng ngựa để ở một góc rồi mời khách vào nhà.
Quyết bảo mấy hôm nay không có việc gì ngoài thị trấn nên ở nhà chăm sóc ruộng vườn, và cũng để chú ngựa “chân trắng” của mình được nghỉ ngơi bởi mấy hôm trước ngựa có biển hiện đau bụng khi trời chuyển lạnh.
“Phải ở nhà cho nó uống thuốc lá, ăn ngô thôi. Ngựa cũng như mình, làm nhiều mệt, đổ bệnh ra là khổ”.
Công việc hàng ngày của Quyết cùng chú “chân trắng” của mình là rong ruổi khắp thị trấn, rồi mùa nào thức nấy, tiện gì chở đó. Quyết bảo trông thế thôi chứ mỗi chuyến chú ngựa cũng kéo được cả tấn hàng trên xe.
Những kỵ sĩ trên Cao nguyên trắng
Dẫn khách ra sân, Quyết vào chuồng dắt ngựa ra khoe rằng con ngựa này mua hết 25 triệu đồng. “Cả gia tài nhà mình đó. Không yêu nó sao được, nhờ nó mà mình mới nuôi được vợ, được con mà” – Quyết khoe.
Cậu cán bộ của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bắc Hà tên Quang bảo: “Hắn là tay đua tham gia giải đua ngựa từ những ngày đầu khi giải đua ngựa được gây dựng lại cách đây 7 năm và đã vài lần đoạt giải”.
Quyết ngượng nghịu trước lời “quảng cáo” đó rồi giải thích cho khách nghe những yếu tố cần thiết để chú ngựa có được phong độ khi vào đường đua. Đó là mỗi buổi sáng hoặc chiều đều đưa ngựa ra suối tắm rồi cho nghỉ ngơi.
Việc làm chuồng ngựa cũng rất quan trọng. Mỗi con có một tính cách, nếu không phù hợp thì nó sẽ phá, lồng lộn, ảnh hưởng tới tinh thần thi đấu.
Thức ăn của ngựa ngày thường là cỏ, cám. Tuy nhiên, trước giai đoạn cho ngựa đi đua càng cần phải chú ý kỹ hơn đến khẩu phần ăn của ngựa. Lúc này phải cho ngựa ăn thêm ngô, thóc, đậu tương, trứng gà sống.
Tìm đến nhà Vàng Văn Huỳnh – Vô địch Giải đua ngựa năm 2012, 2013 – nhưng không gặp. Vợ Huỳnh cho biết chồng đang đi xây nhà thuê.
Qua điện thoại, Huỳnh bảo kinh nghiệm mà mình tích lũy được để có thể vượt qua hàng trăm đối thủ là lòng dũng cảm.
“Khi vào đua, ngồi trên lưng ngựa, em cố gắng hạ thấp trọng tâm cơ thể. Dùng chân điều khiển ngựa để ngựa bám cua và tăng tốc. Quan trọng là phải yêu ngựa, cảm nhận được tình yêu đó, chiến mã sẽ hết lòng gắng sức vì chủ” – Huỳnh chia sẻ.
Giống như Quyết và Huỳnh, Vàng Văn Cương cũng là tay đua “có số” ở xứ sở đua ngựa Bắc Hà.
Công việc hàng ngày của Cương cũng là lên nương, lúc rảnh lại cùng ngựa chiến rong ruổi dọc ngang mảnh đất này kiếm sống. Cương bảo ngựa ở đây rất khỏe, nhưng cái chất khí hậu khắc nghiệt, nhất là mùa đông khi sương muối nhiều thì càng phải chăm sóc ngựa chu đáo, cẩn thận.
Khi thấy ngựa dùng chân cào xuống đất, đứng lên nằm xuống liên tục là nó bị đau bụng. Hay khi thấy nó chảy nước mũi nhiều nghĩa là nó đang bị cúm, bị sổ mũi.
Tùy từng bệnh mà có loại thuốc riêng, như khi ngựa mắc bệnh viêm phổi, sổ mũi thì dùng thảo quả khô nghiền nhỏ pha với nước rồi cho ngựa uống vài lần, dùng lá thuốc xông mũi là khỏi.
Để chống cảm lạnh, chống rét cho ngựa trong mùa đông giá lạnh thì cần cho ngựa ăn thêm bã rượu ngô...
Lời giải cho những chiến mã xứ Bắc Hà
Bao đời nay, nổi danh với rượu ngô, Bắc Hà còn được biết đến với những con chiến mã, những cuộc đua khốc liệt.
Biết bao người tìm đến chợ phiên nơi đây vào mỗi sáng chủ nhật để tìm cho mình những con trâu, con ngựa ưng ý. Theo đó, trâu ngựa từ khắp nơi cũng tìm về “Ngã 5”, chọn đây làm chốn trao đổi, mua bán nổi tiếng ở xứ Lào Cai.
Ông lão Vàng Văn Nùng – một “chuyên gia” săn ngựa châm thuốc lào, rít một hơi thật mạnh kể cho khách nghe những câu chuyện về cái thời đi săn tìm ngựa đua khắp đất trời Tây Bắc thuở xưa.
Những mảnh đất tít xa như Yên Bái, Hà Giang hay cả Trung Quốc, đôi chân trần của ông cũng đã đến để tìm mua ngựa. Mua được rồi mang về chăm sóc cho đến khi lớn, khỏe mang bán rồi lại lên đường kiếm tìm ngựa khác.
Gần hai chục năm nay, tuổi cao, đôi gối không chịu nghe lời khi qua những con dốc cao chót vót, lão mới chịu ở nhà.
Mắt sáng lên, ông Nùng kể về kinh nghiệm chọn ngựa của mình. Ông bảo, cái giống ngựa chạy nhanh, kéo khỏe là ngựa đực, chọn con có dáng hình cao ráo, gân to, thịt săn chắc, chân thẳng và thon chắc, móng chụm, ngực nở, cổ vạm vỡ, răng trắng đều, bờm dày, lông đều.
Khi mua phải chú ý xem răng để thấy độ trắng, độ mòn răng mà đoán tuổi. Nhiều con trông đẹp lắm nhưng cũng không mua bởi coi kĩ thấy nó dữ quá. Ra chợ bán, khách tinh nhận ra, ảnh hưởng đến mình – ông chia sẻ.
Chợt nhớ câu chuyện hồi sáng với Quyết, nghe cậu kể rằng giờ có không ít người lên chợ ngựa Bắc Hà nhưng mua phải ngựa Trung Quốc. Cái giống ngựa ấy to hơn ngựa mình nhưng yếu, lại hay ốm. Nhiều người mua về, vài hôm ngựa lăn quay, mổ ra thấy thịt cứ vàng vàng, thớ thịt nhão.
Cuộc đua kì thú trên “Cao nguyên trắng”
Cuộc đua này mới được phục dựng lại sau mấy chục năm mất bóng. Trước đó, khi mảnh đất này là xứ tự trị, những cuộc đua được tổ chức mỗi độ xuân về ngay sát dinh của Vua Mèo Hoàng A Tưởng.
Khi đó, trên trường đua dưới chân núi Ba Mẹ Con, các tay đua xuất phát ngay sau tiếng súng nổ, rạp mình trên lưng ngựa.
Đến gần đích, kỵ mã đều nhảy thật nhanh xuống đất, nhằm bia bắn liền mấy phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa quay về điểm xuất phát. Ai vừa nhanh, vừa bắn súng trúng đích nhiều nhất là người chiến thắng. Người thắng cuộc, bên cạnh những phần thưởng lớn còn mang lại niềm vinh dự cho dòng tộc, cho bà con thôn bản mình thêm tự hào.
Bây giờ, khách du lịch tìm đến xứ sở này nhiều hơn. Bên cạnh việc tìm thấy nơi đây cảnh sắc phiêu bồng, thứ men say ngào ngạt, họ còn được chứng kiến những cuộc đua ngựa sôi nổi, hấp dẫn của những chàng trai đầy hào sảng.
Vốn thường ngày họ mang dáng vẻ rụt rè, ít nói, tới trường đua lại bỗng chốc hóa thành những chàng chiến binh can trường, dũng cảm, khéo léo điều khiển dây cương, thúc ngựa chạy đúng hướng, lao mình về phía trước với sự tập trung cao độ, ánh mắt sáng lên niềm hy vọng, tinh thần quyết tâm giành chiến thắng.
Ông Nguyễn Văn Chung – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bắc Hà cho biết, lễ hội đua ngựa đã được tổ chức lại từ năm 2007 sau mấy chục năm gián đoạn.
Điều đáng mừng là lần tổ chức năm sau đều to hơn năm trước cả về mức độ người tham gia, quy mô giải thưởng và thu hút thêm nhiều du khách đến thưởng ngoạn.
Và những kỵ sĩ chân trần đã trở thành một biểu tượng văn hóa độc đáo của Cao nguyên trắng Bắc Hà.
Sơn Bình