Ký ức cung đường tơ lụa ở Kyrgyzstan
Những ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên xanh ngát, những cánh đồng hoa dại đủ màu trải dài qua các đồi cỏ dệt nên bức tranh tuyệt đẹp trên con đường tơ lụa từ Osh lên Bishkes của Kyrgyzstan.
Osh là thành phố lớn thứ nhì của Kyrgyzstan, nằm trong thung lũng Ferghana màu mỡ. Ẩn thoáng trong những hàng cây phủ xanh các con phố là những chung cư được xây cất theo kiến trúc Xô Viết của những năm 1980. Osh là điểm tập trung lớn trên con đường tơ lụa về phía nam của Kyrgyzstan. Ngày nay, Osh lại không nhộn nhịp như quá khứ từng có mà yên bình trên từng con phố và cũng là thành phố giàu văn hoá nhất của Kyrgyzstan, bởi nơi đây từng là kinh đô của vương triều Kurmanjan Datka hùng mạnh.
Cung đường tơ lụa Osh-Bishkes ngày nay.
Người Osh ung dung nhàn nhã. Buổi sáng với một bát súp sườn nấu khoai tây và xé nhỏ ổ bánh mì tròn bỏ vào súp, người ta vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Trà đen là nước uống “tinh thần” không thể thiếu của người Osh. Được nhập từ Ấn Độ, khi pha ra nước có màu vàng đậm pha lẫn chút sắc đen nên người Osh hay gọi là trà đen. Khi uống, người Osh sử dụng bát nhỏ bằng bát ăn cơm, thêm chút đường vào trà nóng, uống trước và sau các bữa ăn chính. Đôi khi, bát nước trà đen được sử dụng như là bát súp trong các bữa ăn. Xé nhỏ bánh mì và chấm vào trà là thói quen của người Osh. Trà có hương thơm nhẹ, một chút vị nhẩn trên đầu lưỡi và vị ngọt. Cùng với hương thơm của bánh mì, chúng hoà quyện làm cho hương vị lạ lẫm khó quên.
Bàn ăn trong các quán ăn ở Osh trông giống như một giường ngủ nhỏ. Những tấm thảm đầy màu sắc văn hoá Trung Á được lót trên giường. Bàn để thức ăn nhô cao ở giữa và cứ bốn người ngồi xếp bằng vào một bàn. Bánh mì là lương thực chính của người Osh, trên bàn ăn. Người Osh lại không vuốt mặt bằng hai tay từ trán xuống đến miệng sau bữa ăn như là sự tạ ơn Thánh Allah đã cho họ một bữa ăn như người ở phương Bắc.
Một khu chợ tại Osh
Osh tuyệt đẹp từ những đồi cỏ xanh biếc phủ lấm tấm hoa dại đủ sắc màu, cho đến những dòng suối xanh màu ngọc bích róc rách chảy qua những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng; rồi những cây hoa mơ, hoa mận nở trắng xoá một góc trời…
Không còn đoàn người với ngựa hay lạc đà rong ruổi cùng túi hàng gồ ghề trên lưng, con đường tơ lụa ngày nay là mạch huyết quản nối liền hai thành phố lớn nhất bằng những chú ngựa sắt. Cũng không còn hình ảnh đoàn người lặn ngụp giữa các ngõ hẹp trong lòng núi đá hay vượt đèo dốc qua những ngọn núi cao, chỉ còn lại những con đường phẳng lỳ, đồi dốc quanh co liên tục cùng những hầm chui qua núi. Cũng giống như ngày xưa, con đường tơ lụa ngày nay chỉ được sử dụng từ mùa xuân cho đến giữa mùa thu, bởi tuyết đã đóng phủ tất cả con đường vào mùa đông.
Hoa puppy dại nở rộ thành từng vạt trên cung đường tơ lụa.
Cũng không còn hình ảnh của đoàn người nộp mãi lộ khi qua vùng đất mới, mà thay vào đó là những anh công an liên tục xét xe và bắn tốc độ trên đường. Chỉ còn lại hình ảnh của những em bé địa phương vẫy tay chào bán các loại rau củ được trồng từ các trang trại gần đó cho những đoàn xe lướt qua, như tái hiện hình ảnh đoàn người trao đổi mua bán “đặc sản” với người địa phương trong quá khứ. Con đường tơ lụa mãi mãi sẽ là ký ức.