Muốn biết dân ở Hà Nội, xin cứ ra đường…
Ngoài việc chen lấn, xô đẩy lúc tắc đường, vượt đèn đỏ, phóng nhổ bừa bãi khi đi xe… không ít người đã phải chứng kiến nhiều chuyện không hay khác khi đi trên đường phố Thủ đô.
Dạy con nhỏ phá hoa nơi công cộng lúc còn bé
“Dính vào đám nhà quê chỉ tổ rách việc”.
Tôi tốt nghiệp đại học ở Đà Nẵng nhưng lại ra Hà Nội làm việc vì tin mảnh đất Thủ đô sẽ có nhiều cơ hội để mình lao động, sinh sống. Tuy nhiên, sống được 2 năm ở đây tôi thật chán ngán và chỉ muốn từ bỏ ý định gắn bó ở đây.
Đó là một lần đi làm về, tôi bị chiếc taxi vượt lên ngoặt đầu sang đường. Xe không xinnhan khiến tôi loạng choạng và ngã xuống đường. Cú ngã mạnh khiến tôi gãy 2 răng cửa, máu từ miệng loang lổ khắp mặt mày.
Vừa đau vừa bất ngờ nên tôi ngồi bất động ngay tại chỗ ngã. Lúc này anh taxi nhảy từ trên xe xuống chạy ra phía sau xem xét xe anh ta, sau đó chỉ tay vào mặt tôi khi đó đang ngồi thẫn thờ với cái mặt bết máu: “Đi đứng kiểu gì vậy? xước hết xe tao rồi?”.
Sau khi liếc biển xe của tôi, anh ta hét lên tiếp: “Dân tỉnh lẻ đi như…”. Tôi quá bất ngờ, thay vì hỏi han, giúp tôi đứng dậy thì anh ta lại chỉ lo cho cái xe.
May mắn lúc đó có những người dân (xe ôm, bà bán nước…) xung quanh nhìn thấy taxi đi sai đường nên đã xúm lại, bênh vực tôi. Một bác đi chợ về lên tiếng: “Mày xem mặt nó như thế không đưa nó đi cấp cứu còn to tiếng cái gì?”.
Chỉ đến khi CA phường có mặt anh ta mới đưa tôi đến phòng cấp cứu, băng bó vết thương. Những ngày sau đó mặt tôi sưng vù, không ăn nổi cơm, phải dùng vòi hút để uống cháo xay. Bố mẹ ở quê nghe tin tôi gặp tai nạn cũng bắt xe tức tốc ra trong đêm.
Tại CA phường, anh taxi hôm nọ liên tục cãi chày cãi cối là tôi đi sai đường, đến khi có chứng cớ rành rành anh ta lại xuống nước xin giảm tiền đền bù (tiền viện phí, tiền sửa xe máy của tôi đã bị hỏng gần hết).
Bố tôi kể lại, suốt mấy lần gặp ở CA phường anh ta không một lần hỏi thăm sức khỏe tôi (lúc này tôi vẫn phải ở trong bệnh viện). Tin nhắn đầu tiên anh ta gửi cho tôi cũng chỉ nội dung là năn nỉ tôi bảo gia đình bớt tiền đền bù.
Lần gặp đưa chi phí, sau khi xong việc, anh ta và cô vợ quay đi còn buông một câu “Dính vào đám nhà quê chỉ tổ rách việc”. Mặc dù bố mẹ tôi đã tạo điều kiện chỉ lấy số tiền tượng trưng cho tôi thuốc thang, sửa xe và không một đòi hỏi nào khác.
(Ghi theo lời kể của chị L.A, TP Vinh, Nghệ An)
“Họ nhảy xổ vào giật tiền của tôi…”
Ảnh minh họa
Cũng như chị L.A, chị Hà (Hà Đông, Hà Nội) cũng gặp chuyện đáng sợ ngay giữa Thủ đô. Chuẩn bị dắt xe máy đi làm việc, chị Hà cầm ít tiền cùng điện thoại bỏ vào túi áo khoác. Do vội đi làm nên chị cũng không kéo khóa áo lại cứ thế lên xe và đi thẳng.
Khi đi đến đoạn gần khu vực Ngã Tư Sở thấy có điện thoại rung chị vội lôi điện thoại ra khỏi túi áo. Tuy nhiên, lúc chị lấy điện thoại ra thì 2 tờ 500 nghìn và 100 nghìn cũng bị bay ra theo và rơi xuống đất.
Phát hiện tiền rơi chị Hà giảm tốc độ rồi rẽ sang bên lề đường để quay lại nhặt tiền. Lúc này, từ phía sau chị Hà, một cô gái trẻ đẹp quần áo sang trọng đi xe tay ga cũng dừng xe lại chỗ tiền bị rơi. Từ phía bên đường một ông xe ôm đứng chờ khách cũng nhìn thấy và lao đến. Cả hai người này nhảy vào nhặt tiền của chị Hà tuy nhiên cô gái trẻ đã nhanh tay hơn. Điều bất ngờ là thay vì tìm người trả lại cô này lại định phóng xe bỏ đi.
Thấy vậy chị Hà lại gần và nói "Tiền của chị làm rơi, em nhặt được cho chị xin lại với". Cô gái quay ngoắt bảo: 'Tiền nào? Tôi có nhặt được tiền gì của chị đâu?". Nói xong cô gái phóng xe đi thẳng.
Tiếc số tiền trên, chị Hà lấy xe máy đi theo, khi đuổi kịp cô gái sành điệu chị vẫn nhỏ nhẹ: "Chị nhìn thấy em nhặt rồi, em cho chị xin lại đi". Trước sự khẩn nài của chị Hà, cô gái kia vẫn phớt lờ.
Khi thấy chị Hà cứ phóng xe theo mình cô này còn cao giọng: "Chị cứ đi kè kè theo xe tôi thế này tôi sẽ la làng lên là chị định giật túi xách của tôi đấy".
Một lát sau đến khúc quanh cô gái rẽ xe vào và mất hút trong dòng người tấp nập đi làm buổi sáng sớm.
(Ghi theo lời kể của chị Hà, Hà Đông, Hà Nội)