Nhớ lần nâng cấp đường lên Điện Biên
Mùa Xuân năm 1984, tôi và đồng đội có vinh dự được thi công, nâng cấp QL6A, con đường mà cha anh chúng ta đã hành quân lên giải phóng Điện Biên Phủ.
Thi công, nâng cấp QL6A
Đóng quân ở một bản nhỏ dưới chân đèo Pha Đin (cuối tỉnh Sơn La, đầu tỉnh Lai Châu), nhiệm vụ của Công ty chúng tôi lúc đó là đảm bảo giao thông êm thuận: Láng nhựa bán thâm nhập từng đoạn xung yếu trên toàn tuyến QL6A, để phục vụ Lễ kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đoạn đường Thuận Châu - Pha Đin dài gần 20km bị hư hỏng do mưa lũ, nhiều đoạn phải gần như làm mới. Chúng tôi làm việc 2 ca, 3 ca liên tục để kịp phục vụ nhân dân thăm chiến trường xưa.
Những chàng trai, cô gái Thái Bình, Hà Tây, Nam Hà, tuổi 19 đôi mươi đang sức ăn, sức ngủ “vào chiến dịch” liên tục, người cũng “sọm” lại. Nhưng được động viên kịp thời, họ đã đốt lửa lên nấu những thùng nhựa đường sôi sùng sục, tưới đều trên mặt đá. Với đôi tay dẻo dai, họ “rải” đá bù phụ mặt đường. Các thợ “lu” những đường xe lu đều, thẳng tạo ra những “siêu cao”, “múi luyện” đúng như thiết kế. Tình hình thi công lúc đó, tiến độ được tính từng ngày để công trường về đích vào ngày 1/5, sớm 6 ngày so với thời hạn quy định 7/5.
Vì đây là công trình trọng điểm nên chúng tôi được Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng CTGT 2 ưu tiên cấp cho một xe “Stec” chở nước từ hồ Thuận Châu về cho các bếp ăn. Nước hồ 100%, thế mà vẫn phải dùng để ăn, để tắm, mà phải lên lịch phân phối chứ không được dùng thỏa thích. Nước phải dùng dè xẻn, bể phải khóa kỹ... khổ nhất là chị em phụ nữ và anh em đội nghiền đá. Đi làm về, bụi đá phủ trắng xóa, vậy mà vẫn phải chia nhau từng xô nước để tắm qua loa. Cánh thợ mặt đường có sướng hơn: Đi làm đem theo quần áo, tranh thủ lúc giải lao ào xuống khe suối, hồ nước một lúc là xong.
Dù khó khăn nhưng những ngày lễ 1/5, 19/5 vẫn có thi đấu giao hữu bóng chuyền, bóng đá, biểu diễn văn nghệ với các đơn vị bạn hoặc với thanh niên địa phương. Giải thưởng có khi chỉ là cây bút máy, chiếc khăn tay. Thế mà trận đấu vẫn diễn ra quyết liệt, có lúc dưới trời mưa, cả cầu thủ và người xem đều ướt như “chuột lột” mà vẫn “vui như Tết”.
Ngày ấy “quanh năm chiến dịch”, “4 mùa chuyển quân”, vậy mà người lao động vẫn hồ hởi với công việc, làm việc hai ca liên tục, nhiều khi bốc đá túa cả máu đầu ngón tay. Tiêu chuẩn ba tháng một đôi găng tay, do yêu cầu của chiến dịch, công trường phát mỗi tháng một đôi vậy mà anh chị em ở các tổ bốc đá, nghiền đá dùng chỉ một tuần đôi găng đã rách tan. Về nhà ăn ca hai, ca ba ăn qua quýt vừa đặt lưng xuống giường đã ngáy khò khò. Nhưng khi kẻng báo thức vang lên, thì lập tức đội hình lại sẵn sàng “vào trận”.
Đợt thi đua kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm ấy, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động, Bộ trưởng Bộ GTVT tặng Bằng khen. “Qua miền Tây Bắc, núi ngút ngàn trùng xa” - câu ca ấy mãi ngân vang hòa quyện cùng điệu “Hò kéo pháo” nhắc nhở và vẫy gọi chúng ta trở lại với Tây Bắc xây dựng những công trình mới.