Nữ TNXP ga Núi Gôi dũng cảm ngày ấy, bây giờ

2013/9/3 18:39 - Tiến Mạnh

Trong những thời khắc ác liệt nhất của chiến tranh, các nữ thanh niên xung phong (TNXP) vừa mới nhập ngũ đã bất chấp đạn bom, xông vào cứu những thùng hàng đang trên đường vận chuyển ra tiền tuyến.

Những thùng hóa chất cực độc bất ngờ nổ tung, rò rỉ khiến nhiều người hy sinh, bị nhiễm độc đến sùi bọt mép. 23 người đã hy sinh tại chỗ, 256 người bị nhiễm độc để lại những di chứng nặng nề. Khúc tráng ca bi hùng ấy 47 năm sau đã được Đảng, Nhà nước ghi công và ghi danh là Đội quân Anh hùng.    
 
Sư thầy Thích Đàm Đoán
 
Tóc dài viết huyết thư  ra trận
 
Bà Đỗ Thị Hương - một cựu nữ TNXP nay đã ngoài sáu mươi, nét mặt vẫn còn đầy vẻ dạn dày của một người lính trở về sau chiến tranh. Cứ có thời gian, bà lại đạp xe đến thăm hỏi và động viên những đồng đội cũ. Bà Hương bảo, hơn 40 năm trôi qua nhưng không khí của những ngày cả nước hướng ra tiền tuyến ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tim.
 
Đó là những ngày mùa đông năm 1965, những cô gái đang độ mười tám đôi mươi ở vùng chiêm trũng Hưng Hà (Thái Bình) tình nguyện viết thư xin đi TNXP. Có những người như cô em út Bùi Thị Đoán khi ấy mới 18 tuổi, khám sức khỏe không đủ cân đã viết đơn bằng máu để xin đi. Lúc ra tập kết tại sân kho hợp tác xã, được phát ba lô, có cô  cứ lúng túng không biết khoác thế nào. Người dốc ngược ba lô xuống, người thì lộn ngược ba lô ra ngoài khiến người thân và bạn bè đi “tiễn quân” cười rơi nước mắt.  Sự trong trắng, ngây thơ ngày ấy càng thêm quyết tâm cho những cô gái sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Đảng và Đoàn giao phó.
 
Từ nòng cốt là những nữ TNXP ấy, Đại đội 895 TNXP tỉnh Thái Bình được thành lập, gồm 187 đội viên, đều có quê ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đại đội được giao nhiệm vụ phục vụ chiến đấu, bảo vệ, duy tu tuyến đường sắt đi qua ga Núi Gôi, xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ở thời điểm này, Núi Gôi chỉ là một ga xép nhưng đây là khu tập kết hàng hóa lớn để chuyển vào chiến trường. Chính vì thế, Núi Gôi thành một trọng điểm oanh tạc của máy bay Mỹ. Cũng từ một trận mưa bom của giặc Mỹ ấy đã viết lên tên tuổi của một đơn vị anh hùng. 
 
Ga Gôi ngày nay
 
Buổi chiều oanh liệt
 
Ga Núi Gôi bây giờ thật bình lặng, thỉnh thoảng mới có những chuyến tàu lướt qua, nhưng thời chiến tranh, đây là một nơi tập kết hàng hóa lớn để vận chuyển vào chiến trường. Ở đây giờ vẫn còn tấm bia đá ghi: “Nơi đây ngày 20/8/1966, CBCS C895 TNXP cùng CBCNV Đường sắt khu ga Núi Gôi và nhân dân địa phương đã dũng cảm cứu chữa đoàn tàu hàng bị cháy trong trận ném bom của máy bay giặc Mỹ. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh. Hàng trăm người bị thương nặng. Tinh thần chiến đấu quên mình của các đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo”.
 
Đó là buổi chiều ngày 20/8/1966, một tàu quân sự vừa tập kết xong mấy trăm tấn hàng, chủ yếu là vũ khí đạn dược, lương thực, hóa chất chuẩn bị vượt cầu Ninh Bình vào Thanh Hóa - Vinh để chi viện cho chiến trường thì bất ngờ máy bay Mỹ ập tới bắn tên lửa, thả hàng chục quả bom vào ga và đường sắt. Tàu bị trúng bom. Một số toa bốc cháy, hàng hóa vỡ tung tóe.
 
Chỉ lệnh được đưa ra, phải bốc dỡ hết hàng ra khỏi các toa tàu. Cả đại đội lao ra trận địa để chia cắt đám cháy, không để cháy lan sang các toa khác. Sau một giờ dập tắt lửa, phần lớn hàng hóa được chuyển ra khu vực an toàn. Tuy nhiên đến toa cuối cùng gần đầu máy, những thùng hóa chất phát nổ, bốc lửa, cột khói màu cam ùn lên. Khói bom đạn ngột ngạt, thêm lửa cháy từ các thùng hóa chất mù mịt, trùm cả toa tàu... Ngọn lửa nhanh chóng được khống chế nhưng không khí cả khu vực loãng ra, mùi hóa chất nồng nặc.
 
Những người vào sâu, tiếp cận với hóa chất ai cũng ngạt thở, mặt mày tái nhợt, nôn mửa, nhiều người ngất xỉu, ngã khụy. Người này ngã, người kia xông lên, vừa dập lửa, vừa cứu người, cứu hàng. Số người bị nhiễm độc tăng lên chóng mặt, nằm ngồi la liệt trên sân ga.
 
Bà Trần Thị Xuyến bấy giờ cũng là đội viên Đại đội C895 nay là Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Quỳnh Phụ nhớ lại: “Lúc ấy vừa chạy vào đến sân ga, một hình ảnh kinh hoàng đập vào mắt khiến tôi sững sờ. Rất nhiều người nằm la liệt từ trong kho hàng ra đến sân ga. Họ đều đã bị nhiễm độc nặng. Nhiều người đã hy sinh. Có người sùi bọt mép nằm thoi thóp trên nền sân. Người dân địa phương đến ứng cứu, vận chuyển toàn bộ lên sân đình thôn Phú Thứ rồi đưa đến bệnh viện. Đến sáng hôm sau thì 23 người hy sinh, còn lại 256 người bị nhiễm độc nặng phải đưa đi cấp cứu... Việc cứu người còn kéo dài suốt mấy ngày đêm. Một không khí tang thương bao trùm...”.
 
Vui sao nước mắt lại trào
 
Trở về sau chiến tranh, họ vẫn kiên cường chống chọi với bệnh tật. Di chứng sau trận chiến oanh liệt ngày 20/8/1966 để lại là những cơ thể bị nhiễm độc nặng. Trong số 143 người của Đại đội 895 sống sót trở về, có thêm 11 người nữa tử vong. Nhiều chị em phải sống trong cảnh đơn chiếc vì biết mình đã bị nhiễm độc nặng, không thể làm vợ, làm mẹ. Sau này, nhiều người bị suy giảm sức khỏe nghiêm trọng, không dám lập gia đình.
 
Chúng tôi đến chùa Văn (Hưng Nhân - Hưng Hà - Thái Bình) trong một buổi chiều. Sư thầy Thích Đàm Đoán đang ngồi tụng kinh, tấm áo nâu sòng đã ngả màu, chẳng mảy may để ý đến sự xuất hiện của người lạ. Bà Nguyễn Thị Kiều từng là đồng đội với sư thầy tâm sự: “Mới ngày nào, cô em út của Đại đội C895 Bùi Thị Đoán luôn hồn nhiên, nhí nhảnh giữa mưa bom bão đạn mà giờ đây đã là một sư thầy rũ bỏ hết mọi sự đời, quanh năm tụng kinh gõ mõ, ăn chay niệm Phật, vui cảnh chùa để quên đi nỗi cô đơn, bệnh tật…”. Chờ mãi rồi cuối cùng sư thầy cũng quay ra tiếp chuyện. Trong câu chuyện, chúng tôi biết, những đồng đội và những ngày tháng ác liệt thời bom đạn ấy vẫn luôn hiển hiện trong tâm trí của người phụ nữ đã xuất gia, tu hành nơi cửa Phật.
 
Bà Nguyễn Thị Kiều kể: “Trở về sau chiến tranh, tuổi đã lỡ làng lại thấy trong người đầy bệnh tật do bị nhiễm độc nặng nên bà Đoán không lập gia đình. Chị em đồng đội cũng động viên nhưng cô ấy bảo, cứ thấy những đồng đội có gia đình, sinh ra những đứa con tật nguyền là lại kinh hãi. Một thời gian sau, khi đã làm tròn chữ hiếu với các bậc sinh thành, cô ấy xin vào nương tựa cửa Phật...”.
 
Thu người nhỏ lại trong chiếc áo tu hành, sư thầy Thích Đàm Đoán bình thản kể: “Cứ thỉnh thoảng tôi lại ngã vật ra, sùi bọt mép. Sức khỏe yếu nên đã hai lần bị tai biến...”. Nói đến đây, sư thầy như khựng lại: “Mình không có gia đình, con cái gì còn đỡ. Chỉ khổ mấy chị em như chị Nguyễn Thị Lương sinh được 3 người con thì cả 3 đều đau yếu, bệnh tật. Người con cả nặng nhất di truyền sang cả hai đứa cháu đang bị thiểu năng trí tuệ. Có lần đến thăm, chị ấy cứ ôm hai đứa cháu vào lòng mà giàn giụa nước mắt, không nói thành lời...”.
 

Chúng tôi gặp lại những nhân vật lịch sử vào ngày 23/7/2013 khi Đại đội C895 và liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi - Nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 895, TNXP tỉnh Thái Bình được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Trong ngày vinh quang ấy, những người được tôn vinh là Anh hùng đã không cầm được nước mắt bởi những chiến công, những hy sinh, mất mát tưởng chừng như vô hạn cuối cùng cũng đã được ghi nhận, tôn vinh. Gặp lại nhau trong ngày vui nhưng những người Anh hùng vẫn chưa thể nguôi ngoai những ký ức buồn và cả những đớn đau, dằn vặt của những đồng đội vẫn mang trong mình những di chứng nặng nề của chiến tranh. 

Tags:

anh hùng,

  

tnxp,

  

ga gôi,

  


GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...