Quốc lộ 15A & Đường Hồ Chí Minh

2014/9/15 16:28 - Chu Đức Soàn

Lời mở đầu :

Được bắt đầu từ ngã ba Tòng Đậu, nơi giao với quốc lộ 6, tỉnh từ Hòa Bình, quốc lộ 15 đi qua các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và kết thúc tại thị trấn Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Cùng với các trục quốc lộ 12A, quốc lộ 14 rồi đến quốc lộ 15... tất cả đều men theo dải núi Trường Sơn đi xuống phía Nam, một trục đường đã có một bề dày lịch sử dựng nước và bảo vệ đất nước. 

Tuyến đường này nhiều đoạn được các vương triều nước ta đặt là đường Thượng đạo, trong chiến tranh chống Mỹ là tuyến đường Trường Sơn, đã được rất nhiều đơn Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông, để đưa những đoàn xe vận tải quân sự vô Nam, phục vụ cho cuộc kháng chống Mỹ, làm nên đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bây giờ phần lớn các trục tuyến quốc lộ 12A, 14 và đặc biệt là quốc lộ 15 trên, đã được xây dựng mở rộng thành đường Hồ Chí Minh, trong đó quốc lộ 15 trở thành một tuyến giao thông quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội phía Tây, thuộc các tỉnh phía Bắc miền Trung ven dải Trường Sơn...

Từ Ngã ba Tòng Đậu thuộc huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình), nơi đầu tuyến quốc lộ 15, nới giao nhau giữa quốc lộ 6 và quốc lộ 15, Đứng trên đỉnh Thung Khe trên dốc đường 6 nhìn xuống, ta sẽ nhìn thấy thị trấn Mai Châu rất đẹp với những mái nhà sàn và một màu xanh đồng ruộng.

Tại thị trấn Mai Châu ngày xưa trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nơi đây là một phố huyện nhỏ, với những mái nhà đơn sơ được gọi là phố Vãng. Phố có một dãy chạy dài từ theo trục đường bộ và cũng có bưu điện, có nhà bách hóa, có bệnh viện và có cửa hàng ăn uống, là điểm dừng chân của những đoàn xe vận tải đi vào chiến trường B, Nơi này vào những năm 1967, từ hướng Lào và Thái Lan xâm phạm bầu trời, đã giúp lực lượng tên lửa và không quân bắn hạ nhiều máy bay Mỹ trên vùng trời tổ quốc. Trong đó đặc biệt là bảo vệ vùng trời Hà Nội, trong chiến dịch đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng đường không, chủ yếu là máy bay B52 vào mùa đông năm 1972 tại Thủ đô Hà Nội...

Những năm đó đất Mai Châu, còn là nơi có đông dân tỉnhThái Bình lên đây khai hoang lập nghiệp. Tôi được biết nơi đây, từ ngày xưa cũng đã được xây một trạm thủy điện nhỏ, cung cấp điện sinh hoạt cho nhân dân và bộ đội đóng quân trong vùng.

Mai Châu hoang sơ xưa kia bây giờ đang tận dựng những lợi thế “trời cho” về nguồn tài nguyên rừng để làm du lịch và đã trở nên nổi tiếng.

Quốc lộ 15 đi qua xã Vạn Mai (Mai Châu). Tiếp theo quốc lộ đi qua ngã ba Co Lương. Từ đây quốc lộ 15 đi song song với suối Xìa, thượng nguồn sông Mã những vùng đất: Thạch Mai, đến khu vực Bản Đô, quốc lộ 15 thuộc huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), quốc lộ 15 được chia thành 2 nhánh: Nhánh 15A và nhánh 15C.

Nhánh 15C không dài lắm, bắt đầu tại xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa, đi qua địa phận Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa phận các huyện Bá Thước và Quan Hóa. Khu bảo tồn có hệ động thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại với 598 loài động vật thuộc 130 họ động vật có xương sống, trong đó có 51 loài quý hiếm.

Tuyến đường đến thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, qua cầu La Han bắc qua sông Mã, nối vào quốc lộ 217 và kết thúc tại đây.

Nhánh chính vẫn đi song song với thượng nguồn sông Mã, qua Hồi Xuân và trung tâm huyện Quan Hóa, đi qua cầu Na Sài, trên sông Mã và men theo sông Mã. Đến thôn Bá Lộc, xã Thiết Kế, quốc lộ 15 đi trùng với quốc lộ 217 và giao với quốc lộ 217 tại thị trấn Đồng Tâm, thuộc huyện Quan Hóa.

Tại nơi xa xôi và hẻo lánh này vào những năm 2000 Công ty Cầu 1 Thăng Long thuộc Tổng công ty xây dựng Thăng Long đã xây 2 cầu Hồi Xuân và Na Sài, bắc qua dòng sông Mã tạo điều kiện phát triển kinh tế các huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa.

Quốc lộ 15 tiếp tục đi lướt qua phía đông huyện Lang Chánh và giao với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc.

Nơi này ngày xưa là vùng đất cổ của cư dân cư trú thời đại đá mới (thuộc văn hoá Hòa Bình).Vào thời văn hoá Đông Sơn, Đến đầu công nguyên Ngọc Lặc thuộc vùng đất Đô Lung.Thời thuộc Hán, Ngọc Lặc thuộc huyện Võ Biền. Thời thuộc Tuỳ - Đường (581 - 905) miền đất Ngọc Lặc thuộc huyện Di Phong rồi huyện Trường Lâm đến tận thời Đinh - Tiền Lê - Lý. Cũng từ vùng đất Ngọc Lặc nghĩa quân Lam Sơn dấy binh khởi nghĩa đánh thắng quân Minh xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc lập nên triều đại hậu Lê, một triều đại phong kiến thịnh trị nhất so với các triều đại phong kiến Việt Nam. Nên vùng đất Ngọc Lặc được các triều đại phong kiến Việt Nam ví như một viên ngọc quý phải lấy lụa và gấm vóc bọc chặt để cất kỹ hay viên ngọc quý phải được cất giữ như nhà vua cất giữ “triện” trong một cái ẩm. Tên gọi huyện Ngọc Lặc được xuất xứ từ đấy.

Bắt đầu từ đây, quốc lộ 15 được gọi là đường Hồ Chí Minh và qua các vùng đất: Thọ Xuân, Thường Xuân, Như Xuân (Thanh Hóa).

Tại vùng đất phía Tây Xứ Thanh này, nơi có quốc lộ 15 song trùng với trục đường Hồ Chí Minh, có nhiều di tích lịch sử trong các chiến tranh bảo vệ tổ quốc, trong đó lớn nhất là khu di tích Lam Kinh (Lam Sơn).

Thành Lam Kinh nơi bắt đầu của thời kỳ hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với bản anh hùng ca đánh đuổi giặc Minh, thu giang sơn về một mối. Lam Kinh nằm trên đất xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 51km về phía tây. Được xây xựng bởi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), thành Lam Kinh còn có tên là Tây Kinh.

Nơi đây có lăng Lê Thái Tổ và bia Vĩnh Lăng mô tả ngắn gọn, cô đọng toàn bộ sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi biên soạn. Ngày xưa Lam Kinh rất hoang sơ nhưng gần đây sau khi xây dựng đường Hồ Chí Minh qua đây và xây cầu Lam Kinh được xây mới thay cho cầu Mục Sơn, trên đường 15 cũ, khu di tích này mới được phục dựng.

Xin bổ sung rằng cầu Lam Kinh trên trục Hồ Chí Minh do Công ty Cầu 1 Thăng Long xây dựng.

Đến khu di tích Lam Kinh, quốc lộ 15 lại được tách từ đường Hồ Chí Minh, rồi đi qua cầu Mục Sơn, qua thị trấn Lam Sơn, giao với đoạn cuối cùng quốc lộ 47 và lại nhập với đường Hồ Chí Minh ở phía Nam nhà máy đường Lam Kinh... Nơi này cách sân bay Sao Vàng chừng độ 15km. Đây là một sân bay quân sự, đã từng xuất kích những chiếc máy bay Mic 21, bắn hạ nhiều máy bay tiêm kích và B52 của không quân Mỹ trong chiến tranh. Bây giờ sân bay Sao Vàng mới được đầu tư để có thể hạ cất cánh được máy bay thân lớn như A320 để sử dụng thành sân bay dân dụng

Từ đây quốc lộ 15, đi chung với trục đường Hồ Chí Minh và đi tiếp qua Nghĩa Đàn và đến thị xã Thái Hòa thuộc tỉnh Nghệ An.

Thái Hòa xưa kia là thủ phủ của Phủ Quỳ, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An.

Là địa phương nổi tiếng về tài nguyên thiên nhiên phong phú, có vùng đất đỏ bazan rộng lớn. Thái Hòa lâu nay được biết đến bởi nhiều sản phẩm từ cây công nghiệp như chè, cao su, cà phê Phủ Quỳ, cam Thái Hòa... Với hệ thống giao thông thuận tiện với 2 trục quốc lộ đi qua Thị xã Thái Hòa đang xây dựng để trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, tài chính - ngân hàng của vùng tây bắc Nghệ An và trở thành thành phố loại 3 của vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Tại đây quốc lộ 15 được tách ra tại phường Quang Tiến trên quốc lộ 45, để đi xuống phía Nam song song với tuyến đường Hồ Chí Minh. Đến đầu xã Nghĩa Đông, quốc lộ 15 chia thành 2 nhánh, sau đó cả 2 nhánh này lại nhập với nhau và giao cắt với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Tân Kỳ Nghệ An và đi theo dọc huyện Tân Kỳ.

Ngày xưa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tại thị trấn miền núi Tân Kỳ, hay còn có tên là thị trấn Lạt thuộc huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Nơi đây là nơi khởi đầu của tuyến vận tải vào miền Nam trên đường Trường Sơn, trong chiến tranh chống Mỹ. Hiện tại thị trấn vẫn còn cột mốc số Km0 để kỷ niệm những năm tháng hào hùng đó. Qua Tân Kỳ, đường Hồ Chí Minh đi tiếp sang phía Tây và giao với quốc lộ 7 tại xã Khai Sơn, phía Tây huyện thị trấn Đô Lương. Còn quốc lộ 15 đi tiếp đến phía Đông thị trấn Đô Lương (huyện Đô Lương) và cũng giao với quốc lộ 7 và giao cắt với quốc lộ 46 tại thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn (Nghệ An).

Nam Đàn là nơi sinh thành danh nhân Việt Nam: Vua Mai Hắc Đế, nhà yêu nước Phan Bội Châu. Nơi còn di tích thành Vạn An, nằm trên núi Đụn thuộc thị trấn Sa Nam. Vao năm 722, Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đường. Từ đây cách khoảng 4km theo quốc lộ 46 là đến làng Kim Liên, xã Kim Liên là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Quốc lộ 15 từ Nam Đàn, đi qua sông Lam, rồi men theo phía bờ Tây sông Lam, qua xã Khánh Sơn (Nam Đàn), đến phía Nam xã Trường Sơn vượt qua sông La tại cầu Tri Lễ và đi tiếp theo hướng Đông và Đông Nam qua các địạ danh các xã Tùng Ảnh, Đức Long, Đức Lâm, Đức Dũng... rồi giao với quốc lộ 8 tại thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh).

Quốc lộ 15 đi tiếp qua xã Phú Lộc, rồi đến ngã ba Đồng Lộc. Tại xã Đồng Lộc giao với tỉnh lộ 2. Ngã ba Đồng Lộc là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc Hà Tĩnh, một trong những điểm giao thông quan trọng trên tuyến vận tải chiến lược trên đường mòn Hồ Chí Minh, xuyên qua dãy núi Trường Sơn trong chiến tranh giải phóng miền Nam, cho nên không quân Mỹ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế của đồng bào và nhân dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Bây giờ nơi đây tại ngã ba Đồng Lộc, đã là khu di tích lịch sử gắn liền với sự hy sinh của một tiểu đội với 10 nữ thanh niên xung phong phong, trẻ, tuổi từ 17 đến 22 đều cùng quê Hà Tĩnh, có nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe khi bị bom phá trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau nhiều giờ không quân Mỹ đánh phá ngã ba này, vào 16 giờ chiều ngày 24 tháng 7 năm 1968, như mọi ngày 10 cô ra làm nhiệm vụ, một trận bom lại dội xuống Đồng Lộc, 1 quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô đang tránh bom.

Tất cả đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa lập gia đình. Bây giờ Khu di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình kiến trúc đặc biệt như: Khu mộ 10 nữ TNXP, Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, Sa bàn chiến đấu, Nhà bảo tàng, Tháp chuông Đồng Lộc và nhiều công trình văn hóa tâm linh khác đang được đầu tư xây dựng Khu di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc là địa chỉ đỏ giáo dục đạo đức truyền thống, cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, là điểm du lịch tâm linh thu hút được sự quan tâm của đồng bào cả nước và du khách quốc tế.

Quốc lộ 15 chạy men theo sông Ngàn Sâu, đi tiếp và giao với đường Hồ Chí Minh tại giáp gianh 2 xã Hương Long, Hương Thủy, rồi lại tách ra và qua thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh), đến xã Hương Trạch, quốc lộ 15 và đường Hồ Chí Minh lại đi chung với nhau, đến đầu ga Tân Ấp lại tách ra. Đường Hồ Chí Minh đi theo hướng Tây Nam, còn quốc lộ 15 đi song song với tuyến đường sắt Bắc Nam. Đến thị trấn Đồng Lê, huyện lị của huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, quốc lộ 15 giao với các quốc lộ 12A và 12 mới, được khởi đầu từ quốc lộ 1A, tại thị trấn Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Từ đây quốc lộ 15 đi chung với quốc lộ 12A và đi theo hướng Tây, qua thị trấn Quỳ Đạt, nhập với đường Hồ Chí Minh tại xã Yên Phong, huyện Hướng Hóa, Quảng Bình. Trước đây khi chưa xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh, thì quốc lộ 15 chính, hay còn gọi là đường Trường Sơn vẫn từ ga Tân Ấp, đi theo hướng Tây và đến Hướng Hóa như hiện nay. Sau khi xây xong đường Hồ Chí Minh, sau năm 2010, tên gọi quốc lộ 15 cũng bị phai nhạt, tuyến đường Hồ Chí Minh gần như hoàn toàn thay thế quốc lộ 15 cũ và đến Khe Gát đường Hồ Chí Minh tức quốc lộ 15 cũ, tức đường Trường Sơn trong chiến tranh, được chia thành 2 nhánh: Nhánh Đông và nhánh Tây.

Tuy nhiên, để tôn trọng lịch sử của một tuyến đường, đã từng làm nên những kỳ tích trong những năm vệ quốc vĩ đại, từ chính quyến các địa phương, cho đến người dân ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, đặc biệt là nhân dân trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông từ các xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch Quảng Bình đến thị trấn Cam Lộ, Quảng Trị vẫn còn nhớ và vẫn nhắc tới quốc lộ 15A. Quốc lộ 15 - Đường Trường Sơn hay là đường Hồ Chí Minh, nhánh Đông: Nhánh Đông từ Vĩnh Sơn qua cầu Xuân Sơn.

Ngày xưa trong chiến tranh là một bến phà bị không quân Mỹ đánh phá ác liệt và được ví như “túi bom” của vùng chảo lửa trên đường Trường Sơn. Tuy bị đánh phá ác liệt cả ngày lẫn đêm nhằm nung chảy cái yết hầu của vùng “cán xoong”, trên đường Trường Sơn Đông và đường 20 Quyết Thắng nối đường Trường Sơn Đông với tuyến đường Trường Sơn Tây, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta và đã có nhiều người hi sinh, bao chuyến hàng bị cháy nhưng ý chí của cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong vẫn vững vàng... Hơn 40 năm đã trôi qua, cảnh vật còn đó, bến phà còn đây, dòng sông Son bình dị vẫn đong đầy bao kỉ niệm không thể nào quên.

Bến phà Xuân Sơn giờ đã có cầu Xuân Sơn của thời kì CNH - HĐH, nhưng di tích lịch sử “Bến phà Xuân Sơn” vẫn trường tồn cùng sức sống của non sông, đất nước. Tại bến phà trên quốc lộ 15 này chứa đựng nhiều dấu ấn của lịch sử của tuyến đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vào tháng 5 năm 2000, được phép của Thủ Tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, được bắt đầu tại Hòa Lạc (Hà Tây cũ) bây giờ là nút giao đại lộ Thăng Long (Hà Nội) đến Bình Phước và xây dựng cầu Xuân Sơn qua dòng sông Son.

Cầu Xuân Sơn gần với điểm đầu đường 20 quyết thắng, là cầu lớn nhất trên dự án đường Hồ Chí Minh, do Công ty công trình giao thông 510 thi công. Công trình được áp dụng công nghệ thi công cầu tiên tiến nhất tại Việt Nam: Móng cọc khoan nhồi, dầm dầm hộp 30m đúc hẫng liên tục. Khi hoàn thành cầu Xuân Sơn được chứng nhận công trình chất lượng tiêu biểu. Như vậy bắt đầu từ đây tuyến đường Hồ Chí Minh có nhiều đoạn song trùng với quốc lộ 15 tại miền Trung được xây dựng. Bây giờ nơi đây nhờ có giao thông thuận tiện, Động Phong Nha - Kẻ Bàng và tiếp đến là các động Thiên Đường và Sơn Đoòng... đã trở thành một điểm du lịch khám phá nổi tiếng của Việt Nam.

Quốc lộ 15 cũ nhánh Đông đi tiếp qua các địa danh: Dũng Cảm, Thắng Lợi, Long Đại, Mỹ Sơn, Mỹ Cương, Kiến Giang, (huyện Lệ Thủy), Đá Mọc, Bến Quan và giao với quốc lộ 9 tại Cam Lộ rồi đi chung với quốc lộ 9 đến tại thị trấn Cam Lộ tỉnh Quảng Trị. Sau đó quốc lộ 15 lại nhập và đi chung với quốc lộ 9 tới điểm đầu quốc lộ 14 tại Ka Lu, thuộc huyện Cam Lộ Quảng Trị. Cam Lộ là một vùng đất cổ đã được các vương triều phong kiến khai phá xây làng, lập doanh trại đồn trú. Cam Lộ là địa phương có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi ngang qua: Quốc lộ 1A, Đường Hồ Chí Minh, Đường 9, tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, đường xuyên Á từ Lào về cảng Cửa Việt là điểm kết thúc quốc lộ 15 và cũng là là điểm đầu của quốc lộ 14. Như vậy quốc lộ 15 có tổng chiều dài 706 km, trước đây mặt đường rộng từ 3,5 m đến 5 m, chạy qua vùng rừng núi, nhiều đèo, dân cư thưa thớt. Trên đường có 107 cầu (tải trọng từ 8 tấn đến 30 tấn), có 33 ngầm và đập tràn. Đây là nền móng của đường Hồ Chí Minh hiện nay và hầu hết đã được cải tạo mở rộng nâng cấp giai đoạn 1, với mặt đường rộng được thảm bê tông nhựa, hầu hết các cầu trên tuyến đều đã được xây dựng mới.

Toàn bộ tuyến đường Hồ Chí Minh hiên nay từ Hà Nội đến vùng núi Quảng Trị, trong đó có nhiều đoạn tuyến trùng với quốc lộ 15, đều đảm bảo kỹ thuật an toàn giao thông, việc đi lại êm thuận và thông suốt.



GỬI Ý KIẾN
  • Chế Trung Hiếu ( chetrunghieu@gmail.com )

    Bài viết hay nhưng sai hai chỗ: 1/ Cầu Lam Kinh không phải là cầu Mục Sơn, cầu Lam Sơn nằm trên Đường HCM còn Mụ Sơn Nằm trên đường QL15 2/ QL 15 vượt sông La tại cầu Linh Cảm (nổi tiếng) chứ không phải là cầu Tri Lễ

Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...