"Tan" giấc mơ ôtô Việt Nam?
Toyota Việt Nam đang lưỡng lự trước việc lắp ráp, sản xuất hay nhập khẩu xe nguyên chiếc khi thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN giảm còn 0% vào năm 2018
Thông tin này được ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam (TMV) chia sẻ tại cuộc họp báo ngày 2/4 rằng, đến nay TMV vẫn chưa có câu trả lời về vấn đề này.
Lý do của sự lưỡng lự này là vì đến nay các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước vẫn chưa có kế hoạch cụ thể từ sau khi Chiến lược tổng thể phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được thông qua.
Trong khi đó thời điểm giảm thuế nhập khẩu xuống 0% ngày càng đến gần khiến các doanh nghiệp băn khoăn việc tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhâp khẩu xe nguyên chiếc.
Ông Yoshihisa Maruta cho biết, thời điểm thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm về 0%, việc nhập khẩu linh kiện về để lắp ráp một mẫu xe còn tốn kém hơn khiến giá thành xe cao hơn so với nhập khẩu nguyên chiếc từ các thị trường Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.
Đó là với các doanh nghiệp nước ngoài, với doanh nghiệp trong nước chắc chắn sẽ khó khăn hơn gấp bội.
Các hãng xe nước ngoài đang có nhiều ưu thế với thị trường ô tô Việt.
Kết quả khảo sát VAMA cho thấy, hiện cả nước có hơn 20 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, nhưng thực tế số doanh nghiệp đầu tư bài bản và đang có những sản phẩm bán tốt trên thị trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Khả năng cạnh tranh yếu kém cùng với tình hình kinh tế khó khăn đã đẩy ngành sản xuất ô tô trong nước vào tình trạng khó khăn: Sản lượng bán xe giảm, thua lỗ, thậm chí rút lui khỏi thị trường.
Để cầm cự được trên thị trường, hầu hết các doanh nghiệp phải song hành “đứng trên 2 chân”, tức là vừa nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường và vừa sản xuất.
Tại Triển lãm ô tô năm 2013 được tổ chức mới đây tại TPHCM, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, thời điểm năm 2018 sẽ là một “cột mốc” lớn cho thị trường ô tô Việt Nam.
Xe nhập khẩu nguyên chiếc với ưu thế về giá và chất lượng có thể đổ bộ chiếm lĩnh thị phần những hãng xe sản xuất, lắp ráp ở thị trường nội địa. Lúc này, ngành sản xuất ô tô trong nước sẽ phải đối mặt với viễn cảnh tháo lui hoặc thu hẹp quy mô sản xuất đồng loạt.
Để bảo vệ nền công nghiệp ô tô Việt Nam, Bộ Công Thương đã đề nghị một lộ trình giảm thuế giữ nhịp cao đến năm 2017. Cụ thể: năm 2014 giảm còn 50%, năm 2015 vẫn giữ 50%, năm 2016 giảm còn 40%, năm 2017 giảm còn 30% và năm 2018 giảm về 0%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu các doanh nghiệp trong nước không nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá bán xe thì xe nội sẽ không thể cạnh tranh được với xe ngoại và các doanh nghiệp sản xuẩt và lắp ráp xe nội địa sẽ chuyển thành những nhà nhập khẩu.
Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh nhận định: "Hiệu quả của ngành công nghiệp ô tô sau bao nhiêu năm đề ra mục tiêu nội địa hóa, rõ ràng rất kém hiệu quả, thị trường ô tô trong nước thấp, nên hoàn toàn bị lép vế trước thị trường nước ngoài".
Vì vậy, theo ông Doanh cần phải xác định rõ mục tiêu cụ thể, xác định rõ con đường đi của ngành công nghiệp này, nhất là sau mấy chục năm cuối cùng vẫn chỉ là thợ ăn lương hàng tháng, làm chiếc trục khuỷu".