Thông cầu Nhật Tân, đường Phạm Văn Đồng giảm 30% phương tiện
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) cho hay, từ khi đưa tổ hợp đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân vào hoạt động, lưu lượng trên đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt đã giảm mạnh.
Sáng 7/1, trong buổi họp bàn phương án tổ chức giao thông trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, cầu Nhật Tân, thượng tá Nguyễn Ngọc Mẽ (Phó trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt) cho hay, tình hình giao thông ở những tuyến đường trên đang khá lộn xộn và phức tạp.
Cầu Nhật Tân là một điểm nhấn về kiến trúc của thành phố Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.
Lãnh đạo CSGT thành phố kiến nghị sắp xếp lại biển báo giao thông hai bên cầu, các điểm giao cắt với khu dân cư. Bởi từ khi có cầu Nhật Tân, 30% lưu lượng phương tiện trên tuyến Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt lại dồn về Xuân La, Lạc Long Quân, Cầu Giấy. Tuyến vành đai 3 trên cao, lượng phương tiện tham gia giao thông chưa giảm.
Về tình trạng người dân lên cầu tham quan cầu Nhật Tân quá đông, Đại diện Ban Quản lý dự án 85 thông tin, đơn vị này đã phải giảm chiếu sáng mỹ thuật. Trong thiết kế, cầu không có người đi bộ và người đi xe đạp. Hơn nữa, tốc độ lưu thông qua cầu cao, nguy cơ tai nạn rất lớn nếu người đi bộ và xe đạp lên cầu. Vị này kiến nghị thành phố cấm tuyệt đối hai đối tượng trên lên cầu Nhật Tân.
Phát biểu chỉ đạo, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã giao các cơ quan liên quan tổ chức lại giao thông toàn tuyến đường cũng như cầu Nhật Tân, cắm biển báo, phân luồng, bổ sung biển báo chỉ dẫn.
Việc phân luồng sẽ cho toàn bộ xe tải từ các tỉnh Đông Bắc Bộ đi Tây Bắc theo đường 5 kéo dài, qua cầu Đông Trù, đi Nhật Tân, không cho qua cầu Thanh Trì vào vành đai 3 để giảm lưu lượng phương tiện đi vào thành phố.
Trước đó, theo phương án tổ chức giao thông được thực hiện từ 1/4 của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, người đi bộ, xe súc vật kéo bị cấm qua cầu. Xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện chỉ được phép hoạt động từ 22h đến 5h sáng, theo làn tuyến quy định và được khuyến cáo không qua cầu khi gió cấp 6 trở lên.