TRƯỜNG CÁN BỘ QUẢN LÝ GTVT – 35 NĂM XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN
Ngày 21/02/1979, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có Quyết định số 346/QĐ-TC thành lập Trường bổ túc Cán bộ quản lý - Tiền thân của Trường Cán bộ quản lý GTVT ngày nay. 35 năm qua (1979 – 2014) Trường đã thu được nhiều kết quả đáng tự hảo.
Trưởng thành từ gian khó
Từ đó đến nay, trải qua bao gian khó, thăng trầm, nhiều lần thay đổi tên gọi, tổ chức, nhiệm vụ nhưng Nhà trường luôn bám sát nhiệm vụ Bộ giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của ngành GTVT và một phần cho các ngành kinh tế khác.
Trong 35 năm qua Trường đã đào tạo, bồi dưỡng được 768 khóa học với 40.909 học viên. Trong đó, đào tạo giám đốc doanh nghiệp ngành Giao thông vận tải: 32 khóa với 1.311 học viên; bồi dưỡng cán bộ QLDN ngành GTVT: 168 khóa với 8.071 học viên; bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nghiệp vụ ngành GTVT: 21 khóa với 729 học viên; bồi dưỡng công chức nhà nước ngạch chuyên viên chính: 16 khoá với 1.042 học viên; bồi dưỡng công chức Nhà nước ngạch chuyên viên: 45 khóa với 2722 học viên; bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước ngành GTVT: 99 khóa với 3.893 học viên; phối hợp tổ chức các lớp cao cấp lý luận chính trị: 14 khóa với 1.494 học viên; bồi dưỡng trung cấp lý luận chính trị: 73 khóa với 5.756 học viên (trong đó có 21 khóa với 1.030 học viên trung cấp lý luận chính trị - hành chính); bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới: 14 khoá với 1.564 học viên; bồi dưỡng lý luận chính trị cho quần chúng ưu tú: 18 khoá với 2.310 học viên; bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ: 161 khóa với 9242 học viên; bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra giao thông: 21 khoá với 2.171 học viên; bồi dưỡng kiến thức hội nhập WTO: 6 khoá với 222 học viên; bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học: 45 khóa với 989 học viên; bổ túc văn hóa cho công nhân ưu tú: 06 khóa với 133 học viên.
Ngoài ra, Trường còn đào tạo và liên kết đào tạo tổng số 16 khoá với 4.440 Học sinh, sinh viên. Trong đó: Liên kết đào tạo đại học: 02 khoá với 150 sinh viên; liên kết đào tạo liên thông cao đẳng: 05 khoá với 297 sinh viên; đào tạo trung học chuyên nghiệp: 09 khóa với 3.993 học sinh. Nhà trường cũng đã trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học, tham gia và thực hiện thành công nhiều đề tài khoa học cấp Bộ.
Ghi nhận đóng góp của Nhà trường, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Trường nhiều phần thưởng cao quý, tiêu biểu là Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2013).
Những học viên tiêu biểu của Lớp CCCT Khóa 4 (2011 - 2013) do Trường tổ chức
Đổi mới để phát triển
Trong bối cảnh toàn ngành GTVT đang nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công Nghị quyết 13 NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI và các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về tạo bước đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý các cấp đang đặt ra cho toàn bộ hệ thống nhà trường trong Ngành, trong đó có Trường Cán bộ quản lý GTVT.
Theo Hiệu trưởng Vũ Đình Thắc, hiện nay Nhà trường không chỉ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và viên chức ngành Giao thông vận tải theo phân cấp trong hệ thống trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt mà còn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực về hội nhập quốc tế, chính trị, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, công chức, viên chức ngành GTVT theo phân cấp trong hệ thống đào tạo cán bộ, công chức, viên chức hiện hành; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về kinh tế, quản trị kinh doanh cho các cán bộ làm công tác quản lý và điều hành doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực GTVT....
Lớp học tiếng Anh thời hội nhập do Nhà trường tổ chức
Đây là những nhiệm vụ nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ trước ngành GTVT, góp phần cùng Ngành đổi mới và phát triển, Trường Cán bộ quản lý GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp tục phát triển.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trong Thư chúc mừng Trường đã chỉ đạo “Ban Giám hiệu Nhà trường cần chủ động và tích cực huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp trường sở, thiết bị, chương trình, giáo trình, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Các thầy cô giáo cần có ý thức tự nâng cao trình độ và chất lượng giảng dạy vì lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển chung của đất nước và ngành GTVT. Đặc biệt Nhà trường cần đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu với các tổ chức trong nước và nước ngoài về khoa học quản lý ngành Giao thông vận tải, khoa học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp đổi mới, đáp ứng tình hình, nhiệm vụ phát triển của ngành GTVT”.
Đây không chỉ là trách nhiệm trước mắt mà còn là sứ mạng lâu dài đối với Trường Cán bộ quản lý GTVT./.