Tuổi thọ thiết kế của cầu treo dân sinh tối thiểu phải 25 năm
Chiều 17/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan về dự thảo Thông tư hướng dẫn công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh do Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì xây dựng.
Tại cuộc họp, TS. Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu các vấn đề liên quan, xây dựng dự thảo Đề cương của Thông tư và trình Bộ GTVT xem xét, chấp thuận. Trên cơ sở Đề cương chi tiết được Bộ chấp thuận cũng như tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của các đơn vị, chuyên gia và qua các cuộc họp, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoàn thiện Dự thảo (lần 5) của Thông tư bao gồm 3 điều kèm theo Hướng dẫn thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh gồm 4 chương, 31 điều và 5 phụ lục.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì cuộc họp
Theo dự thảo Thông tư, yêu cầu chung về thiết kế cầu treo dân sinh phục vụ giao thông nông thôn được phân làm 4 loại I, II, III và IV tùy theo lưu lượng giao thông qua cầu, khổ cầu của cầu và tuổi thọ thiết kế của cầu treo dân sinh là 25 năm. Đối với cầu treo dân sinh loại I, loại II có thể cho xe thô sơ súc vật kéo; khi đó cầu chỉ cho phép xe lưu thông theo một chiều, qua cầu từng chiếc một nên phải có biển cảnh báo và đảm bảo tầm nhìn khi xe ra vào cầu. Đối với cầu treo dân sinh loại III chủ yếu phục vụ người dân đi bộ, xe đạp, xe máy qua sông. Đối với cầu treo dân sinh loại IV chỉ xem xét xây dựng phục vụ người dân đi bộ, xe đạp, xe máy qua sông ở vùng hẻo lánh (phục vụ số hộ gia đình <5 hộ).
Cũng theo dự thảo Thông tư, đối với cầu treo dân sinh loại I, loại II và loại III, xét tải trọng đoàn người đi bộ rải đều trên đơn vị diện tích mặt cầu là 3kn/m2 (300kg/m2), có kiểm toán với 1 tải trọng tập trung đại diện cho xe máy (không xét xung kích) là 50kn (500kg). Khi tính toán cầu treo dân sinh loại IV chỉ xét tải trọng đoàn người đi bộ rải đều trên đơn vị diện tích mặt cầu là 2,0kn/m2 (200kg/m2), có kiểm toán với 1 tải trọng tập trung đại diện cho xe máy (không tính xung kích) là 50kn (500kg). Hệ số xung kích của xe lấy bằng 1,0; hệ số vượt tải của xe và người lấy bằng 1,75.
Tuổi thọ thiết kế của cầu treo dân sinh tối thiểu phải 25 năm. Ảnh minh họa
Về nội dung này, ông Đỗ Hữu Thắng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho rằng, việc phân loại cầu treo dân sinh là cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn cao. Theo Phó Viện trưởng Đỗ Hữu Thắng xem xét có thể gộp III và IV vào làm một loại. Các cầu treo dân sinh cho giao thông nông thôn là cầu bán vĩnh cửu, vì vậy nên được quy định có tuổi thọ khoảng 30 năm. “Việc đề xuất tải trọng người đi bằng 3kn/m2 sẽ làm cho quy mô của cầu là khá lớn, các cầu treo dầm mềm hiện nay được thiết kế hầu hết là tải trọng người là 1kn/m2” - Phó Viện trưởng Đỗ Hữu Thắng nhấn mạnh.
Liên quan đến yêu cầu vật liệu và cấu kiện, ông Lê Thanh Hà - Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông lưu ý, việc kiểm soát chất lượng vật liệu thép, kiểm soát quá trình gia công, chế tạo các bộ phận cáp chủ, dây treo, tăng đơ, neo cáp, yên đỡ cáp… đóng vai trò quan trọng, quyết định chất lượng, tuổi thọ và an toàn trong quá trình khai thác của công trình. Do đó cần thiết phải có các yêu cầu về vật liệu thép dùng cho các bộ phận kết cấu; các yêu cầu về công tác gia công chế tạo, kiểm tra chất lượng, thí nghiệm, thử tải (nếu cần) đối với các bộ phận trên. Tuyệt đối nghiêm cấm các biện pháp chế tạo thủ công như thổi nhiệt tạo lỗ…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam sắp xếp, bố cục lại một số nội dung của Thông tư; làm rõ các nội dung liên quan đến đường, cầu giao thông nông thôn, đặc biệt là việc thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh thuộc hệ thống đường giao thông nông thôn, phục vụ cho dân sinh. Thứ trưởng thống nhất thiết kế cầu treo dân sinh gồm 3 loại (gộp loại III và IV vào làm một loại), tuổi thọ thiết kế của cầu tối thiểu là 25 năm.