Vụ hỏng cầu 420 tỷ: Sự cố hỏng cầu đường bộ đầu tiên ở Việt Nam
Đó là nhận định của ông Bùi Tô Hoài - Phó Cục Quản lý đường bộ III tại Đà Nẵng, sau khi kiểm tra thực tế sự cố dịch chuyển cầu Đà Rằng mới trên quốc lộ 1 thuộc địa phận TP Tuy Hòa (Phú Yên) chiều ngày 6/3.
Thực tế kiểm tra tại hiện trường của Cục Quản lý đường bộ III cho biết: Tấm gối cầu bằng cao su bị xoay và trôi ra ngoài, gây dầm sụp lún xuống hơn 50cm; trụ T27 và 2 tấm gối cầu bằng cao su dày 50cm kê trên đầu dầm số 1 và số 2 (tính từ thượng lưu) của nhịp số 28 bị dịch chuyển ra khỏi đá kê gối khoảng 60cm. 1/2 mặt cầu xe chạy bên phải tuyến phía nam trụ T27 bị lún thấp hơn mặt cầu phía bắc 3cm, lan can tay vịn ống thép bị xô lệch, nghiêng hở. Hiện 2 tấm gối cao su kê trên đầu dầm nhịp số 27 cũng bị trôi lệch ra ngoài. Mặt cầu có những vết nứt rộng hơn 1cm.
Điểm tiếp nối giữa nhịp cầu bị dịch chuyển
Lan can cầu bị lệch
Kiểm tra hiện trường cầu Đà Rằng mới bị hư hỏng
Theo nhận định của đoàn công tác, mức độ nguy hiểm đối với toàn cây cầu chưa nghiêm trọng, bởi dầm cầu vẫn tì lên phần lớn tiết diện gối cao su nên khả năng trôi dầm ra hai phương dọc và ngang là rất khó. Vị trí hư hỏng cầu chỉ lệch một bên, trong khi mặt cầu Đà Rằng mới rộng 12,5m nên không quan ngại về ách tắc giao thông. Đây là sự cố hư hỏng cầu chưa từng xảy ra đối với ngành giao thông. Tuy nhiên cần cấp bách sửa chữa, đề phòng gây hư hỏng kết cấu làm nứt mặt cầu và phá vỡ nhịp cầu.
Hiện nay, Cục Quản lý đường bộ III đang điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố để xử lý; đồng thời kiểm tra toàn bộ 5 khe co giãn trên cầu.
Ông Hoài cho biết thêm, rất có thể phải thuê các chuyên gia hàng đầu trong ngành giao thông đưa ra giải pháp tối ưu để khắc phục triệt để, bảo an toàn công trình. “Theo tôi, biện pháp xử lý là kích dầm lên, đưa gối cao su trở về đúng vị trí cũ; đồng thời gông giữ vị trí dầm cầu để chống xoay, trôi gối cao su. Tuy nhiên, Cục Quản lý đường bộ III cũng đã yêu cầu Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 làm tư vấn thiết kế xử lý sự cố này”.
Trước mắt, ngành đường bộ Phú Yên đã phân luồng cấm xe tải hạng nặng qua cầu để đảm bảo an toàn
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên cho hay, trước mắt bố trí lực lượng kiểm tra, theo dõi thường xuyên mọi hư hỏng phát sinh của cầu để kịp thời đề xuất hướng xử lý. Hiện đoạn cầu hư hỏng bị rung lắc mỗi khi có xe tải trọng lớn đi qua, an toàn giao thông không đảm bảo. Nếu sự phát sinh mất an toàn công trình, phải phân luồng giao thông qua cầu Đà Rằng cũ hiện đã xuống cấp. Tuy nhiên, chỉ cho phép xe ô tô con, xe khách dưới 16 chỗ và phương tiện thô sơ qua cầu Đà Rằng cũ. Còn xe tải trọng lớn sẽ phân luồng qua cầu Hùng Vương (TP Tuy Hòa), hoặc đi theo các trục đường quốc lộ 26 và quốc lộ 14.
Như Dân trí đã thông tin, cầu Đà Rằng mới dài 1525,7m, mặt rộng 12,5m, gồm 36 nhịp, là cây cầu trọng yếu dài nhất miền Trung trên quốc lộ 1 qua địa phận tỉnh Phú Yên, do Ban quản quản lý dự án PMU 18 thuộc Bộ GT-VT làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 420 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA, thi công trong 12 tháng và hoàn thành vào cuối năm 2004. Tuy nhiên, cầu đưa vào sử dụng đã bị sự cố dịch chuyển tấm cao su gối về phía tây nên cầu bị rung, lún thấp khoảng 3cm, khiến lan can cầu bị xô lệch, đứt gãy.