Xứng đáng ở vị trí đứng đầu
Dù vất vả, khó khăn trong thời buổi kinh tế thị trường với những cạnh tranh gay gắt, và kể cả sự chuyển đổi hình thức doanh nghiệp thế nào TCTXDCTGT 1 vẫn luôn giữ vững thương hiệu của mình - xứng đáng là đơn vị hàng đầu trong ngành xây dựng công trình giao thông Việt Nam
Trên dưới chục năm trở lại đây, nền kinh tế Việt nam có nhiều thay đổi về cơ bản khác hẳn giai đoạn trứơc đây. Tính chất cạnh tranh mang yếu tố thị trường xuất hiện, sự thay đổi cơ cấu doanh nghiệp từ quốc doanh chuyển sang cổ phẩn hoá đã là một cuộc sàng lọc sòng phẳng để khẳng định chân giá trị của doanh nghiệp. Hoặc tiến lên, xây dựng thương hiệu chắc chắn để phát triển đương đầu với gian nan thử thách của thời thị trường, hoặc thoái hoá, teo tóp lại. Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi vừa tròn nửa thế kỉ thành lập đã bằng tất cả sự phấn đấu không ngừng của mình để trở thành một nhà thầu sáng giá trong giai đoạn mới.
Chúng tôi có may mắn suốt hơn ba thập niên chứng kiến sự trưởng thành của Cienco 1 trong quá trình đổi mới. Vào đầu thập kỉ 90 của thế kỉ 20, cùng với Cienco 8 đã thành công dự án quốc tế xây dựng đường 13 Bắc Lào khi làm chủ được công nghệ làm đường tiên tiến AASHTO. Và trong gần hai chục năm nay chúng tôi lại chứng kiến sự có mặt uy tín và ngày càng được các chủ đầu tư tin tưởng tại các dự án công trình cầu ở nước ta. Vài ba năm trở lại đây, Cienco 1 không chỉ nổi lên như một doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường xây dựng cầu tại hầu hết các địa phương trong cả nước mà còn trở thành một doanh nghiệp kiến tạo ra nhiều kỉ lục xung quanh những chiếc cầu doanh nghiệp này xây dựng. Kỉ lục về độ dài của cầu bắc qua sông Hồng như cầu Vĩnh Thịnh (Hà Nội). Kỉ lục về tinh thần tự lực trong thiết kế, thi công của công trình cầu ở địa điểm phức tạp về địa hình như cầu Rạch Miễu (Bến Tre). Kỉ lục về đòi hỏi kĩ thuật cao, hiện đại và là những công trình đạt thẩm mỹ cao được thế giới công nhận như cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý (Đà Nẵng)... mà còn là doanh nghiệp hiếm hoi gần như độc quyền khi xây dựng các công trình cầu tại một số địa phương như hệ thống cầu trên sông Hàn (Đà Nẵng), hệ thống cầu thuộc tỉnh Bến Tre...
Vào trung tuần tháng 7 vừa rồi chúng tôi được tới công trường xây dựng hàng loạt công trình cầu nằm trong dự án kết nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với toàn quốc. Tại gói thầu CW1B xây dựng cầu Cao Lãnh. Đây là chiếc cầu có chiều dài hơn 2 km bắc qua sông Tiền nối liền TP. Cao Lãnh với huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Cầu Cao Lãnh là cầu dây văng có khẩu độ nhịp chính dài tới 350 mét và cùng với cầu Vàm Cống thì hai trụ tháp dây văng giữa sông tạo nên một kỉ lục mới trong công nghệ xây dựng cầu Việt Nam khi đường kính khoan nhồi của trụ lên đến 2, 5 mét, cùng với 3 trụ neo nằm trên sông và 31 trụ nằm trên cầu dẫn đều có đường kính 1,5 mét. Mặc dù Công ty Cổ phần cầu 12 - một trong những đơn vị xây dựng cầu nổi tiếng, có truyền thống của Cienco 1 - đã từng xây dựng cầu Chương Dương chỉ là một nhà thầu phụ nhưng lại đảm nhận xây dựng những hạng mục khó, đòi hỏi kĩ thuật cao của cầu Cao Lãnh. Đó là hai trụ tháp có đường kính kỉ lục, hai trụ neo cùng toàn bộ hạng mục phía nam cầu bao gồm khoan nhồi, đúc 187 dầm SUPE T... Ông Trần Quang Tiến đội trưởng đội công trình 8 cùng với đội thi công 11 là hai đội thi công chủ lực của Công ty CP Cầu 12 tại công trường cầu Cao Lãnh cho biết. Tuy mới khởi công từ cuối tháng 3 đến tháng 7 chưa được 100 ngày trong tổng số thời hạn 1307 ngày thi công nhưng nhờ chủ đầu tư, địa phương tạo điều kiện trong biện pháp giải ngân và nhất là nhờ năng lực tay nghề của mình nên mặc dù mặt bằng chưa giải phóng hết và mùa mưa đã đến nhưng đội của ông đã triển khai được đồng loạt 4 mũi thi công, hoàn thành được 7 trên 176 cọc khoan nhồi... Và với kinh nghiệm đã từng thi công ở công trình cầu Gò Găng, Chà Và (Vũng Tầu), cầu X3 (Cần Thơ) thì lực lượng thi công cuả Công ty CP Cầu 12 sẽ hoàn thành hạng mục đảm bào đúng dự kiến về thời hạn và yêu cầu kĩ thuật...
Công trình cầu Vàm Cống (gói thầu CW3A) được xây dựng ở địa điểm khá phức tạp về thổ nhưỡng và khí hậu vì ảnh hưởng gió lốc nơi ngã ba sông Hậu nối tỉnh Đồng Tháp với tỉnh An Giang. Cầu Vàm Cống là cầu dây văng lớn với chiều dài gần 3 cây số, chiều rộng quy mô 6 làn xe cơ giới. Khẩu độ nhịp chính lên đến 450 mét. Cùng với trụ cầu Cao Lãnh thì cọc khoan nhồi của cầu Vàm Cống cùng đạt kỉ lục đường kính 2,5 m với độ khoan sâu cũng lần đầu tiên xuất hiện ở ngành xây dựng cầu nước ta là 120 mét. Độ cao tháp lên đến 449 mét. Để xây dựng được cầu Vàm Cống thì người thợ cầu ở công trình này phải làm chủ được ngoài kĩ thuật khoan nhồi đường kính kỉ lục với lồng cốt thép 142 tấn với máy khoan S600 công nghệ khoan tuần hoàn nghịch kết hợp với cần cẩu có sức nâng 500 tấn để hạ lồng thép cùng với cần cẩu phụ trợ 150 tấn đặt trên ụ nổi 4000 tấn. Để đảm bảo được yêu cầu kĩ thuật khi thi công tháp có chiều cao gần nửa cây số, lắp đặt dầm thép mà mỗi đốt nặng từ 78 - 85 mét trong vùng gió lốc là cả một sự tính toán kĩ lưỡng, thận trọng, hợp lý trong thi công. Lực lượng thi công của Cienco 1 tại cầu Vàm Cống có thể nói là các đơn vị thiện chiến, có truyền thống. Đó là Công ty Thi công cơ giới 1, Công ty Cầu 17, Công ty Cầu 18... Những đơn vị đã từng làm nên chiến tích tại cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý - Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng), cầu Rạch Miễu (Bến Tre)... Với xấp xỉ 400 người trong đó có 50 kĩ sư lành nghề. Và tất nhiên như ở nhiều công trình cầu khác mặc dù chỉ là nhà thầu phụ nhưng lực lượng thi công của Cienco1 ở đây vẫn đảm nhận phần việc tại các hạng mục đòi hỏi kỹ thuật cao và khó khăn nhất. Tại công trường thi công cầu vàm Cống chúng tôi gặp lại người quen. Đó chính là kĩ sư Nguyễn Duy Thắng. Khi ở cầu Rồng ông còn ở cương vị là trưởng phòng kĩ thuật của Cvienco 1, chàng kĩ sư trẻ đang ở độ tuổi 40 này đã từng là yếu nhân khi đưa ra giải pháp kĩ thuật quyết định cho sự thành công về tiến độ và kĩ thuật thi công cây cầu nổi tiếng trên sông Hàn.
Đến với cầu Vàm Cống, Duy Thắng, chàng kĩ sư vừa thành lập gia đình và chuẩn bị đón con trai đầu lòng lại đảm nhận trọng trách của vị Phó TGĐ kiêm GĐ dự án cầu Vàm Cống của Cienco1. Vẫn bộ lộ sự yêu nghề và nhiệt tình trong công việc vị phó TGĐ này cho chúng tôi biết. Lực lượng thi công của đơn vị ông ở đây có nhiệm vụ lớn là làm sao tìm ra biện pháp thi công phù hợp cho yêu cầu kĩ thuật của cầu Vàm Cống. Làm sao kết hợp để tạo ra sức mạnh tổng hợp của các đơn vị của Cienco1 trong thời điểm quyết định. Công trình cầu Vàm Cống khởi công tháng 9 nhưng thực chất bắt tay thực hiện vào cuối tháng 11 năm 2013. Vậy mà tính đến tháng 7 năm 2014 lực lượng thi công của Cienco1 đã thực hiện một khối lượng công việc đạt giá trị hơn 300 tỉ tức là khoảng 7% so với tổng khối lượng. Về tiến độ công trinh vị PTGĐ trẻ của Cienco 1 khẳng định. Hết năm 2014 này lực lượng thi công của đơn vị ông sẽ hoàn thành xong toàn bộ cọc khoan nhồi phần hạ bộ 25 cọc cho trụ tháp. 20 trụ cả bệ và thân. Đúc 200 phiến dầm SUPE T và tạo được 9 nhịp cầu...
- Một khối lượng lớn như vậy trong hơn 4 tháng cuối năm. Lại thêm thời tiết và những khó khăn khách quan? Ông có thể cho biết bí quyết để hoàn thành
Kĩ sư Nguyễn Duy Thắng,vị PTGĐ trẻ trầm tĩnh gật đầu với vẻ chủ động:
- Sau thành công của cầu Rồng, chúng tôi nhận ra một điều là phải dồn lực đúng lúc và phải có tìm ra biện pháp thi công phù hợp, sáng tạo. Có như vậy mới chủ động được tiến độ và vượt qua khó khăn luôn luôn phát sinh trong thi công.
Rời Vàm Cống chúng tôi vượt chặng đường gần 200 cây số qua Đồng Tháp, Kiên Giang đến cồn Thành Long xã Thành thới A, huyện Mỏ Cày nổi tiếng trong chiến tranh vệ quốc của tỉnh dừa Bến Tre, nơi đang là công trường xây dựng cầu Cổ Chiên. Nhìn dòng sông Cổ Chiên ngút ngát, mênh mông sóng dồi và gió cả. Ông Hồ Minh Đường Đội phó đội công trình 2 thuộc Công ty cơ giới 1 của Cienco 1 cho biết mực nước sông Cổ Chiên sâu tới từ 12 đến 20 mét. Nơi xây dựng cầu lại gần với cửa sông nối ra biển nên sóng lớn và dòng chảy xiết chúng tôi ít nhiều đã lường trước những khó khăn của người thợ cầu ở đây. Nếu cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh là hai gói thầu nằm trong dự án “kết nối đồng bằng sông Cửu Long” thì cầu Cổ Chiên nằm trong dự án kết nối phía đông miền tây Nam bộ với khu vực ven biển.
Giá trị đầu tư dành cho cầu Cổ Chiên là xấp xỉ 2000 tỷ thì lực lượng thi công của Cienco1 ở đây chỉ chiếm 26% (khoảng 195 tỉ). Nhưng cũng như ở nhiều công trình có nhiều đơn vị thi công thì ở cầu Cổ Chiên vẫn đảm nhận phần hóc búa nhất về kĩ thuật làm cầu. Đây lại là chiếc cầu đầu tiên xây dựng trên sông Cổ Chiên nên hầu như không có kinh nghiệm của người đi trước. Bù lại đội Công trình 2 lại là đơn vị xây dựng cầu dày dạn kinh nghiệm khi đã từng là lực lượng quan trọng xây dựng cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh), cầu Chợ Lách (Quốc lộ 5), và hàng loạt cầu của tỉnh Bến Tre như cầu Hàm Luông, cầu Bến Tre 1, cầu dẫn Tân Điền... nên trước khối lượng được giao là một mố (kết cấu mố trụ A1) và 8 trụ ở nơi hóc hiểm, trung tâm. Kết cấu của các hạng mục này là bê tông, cốt thép với cọc khoan nhồi đường knhs 1,5 mét và chiều sâu 79 mét. Đội phó Đường cho biết với 45 người trong đội của ông, ngay từ khi bắt tay vào thi công vào tháng 10 năm 2013 đến tháng 7 đội 2 đã thực hiện được 80% khối lượng. Với đà này thì đến tháng 11 năm 2014 này đội công trình 2 sẽ hoàn thành khối lượng được giao của cầu Cổ Chiên...
Chỉ với lát cát từ ba công trình cầu mà các đơn vị thi công của Cienco 1 đang thực hiện trên khu vực các tỉnh miền tây Nam bộ, chúng tôi có thể thêm một lần khẳng định. Dù vất vả, khó khăn trong thời buổi kinh tế thị trường với những cạnh tranh gay gắt, và kể cả sự chuyển đổi hình thức doanh nghiệp thế nào TCTXDCTGT 1 vẫn luôn giữ vững thương hiệu của mình - xứng đáng là đơn vị hàng đầu trong ngành xây dựng công trình giao thông Việt Nam