9 THÁNG ĐẦU NĂM: NGÀNH GTVT ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU KẾT QUẢ NỔI BẬT

2016/9/29 10:49 - TB

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương và sự quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Bộ GTVT đã triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2016 với phương châm hành động “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng” thông qua các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ; quyết tâm khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ công tác 9 tháng năm 2016 trên nhiều lĩnh vực.

44 công trình, dự án để đưa vào khai thác, đồng thời hoàn tất công tác chuẩn bị để triển khai thi công 13 công trình, dự án.

 

9 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã hoàn thành 44 công trình, dự án để đưa vào khai thác, đồng thời hoàn tất công tác chuẩn bị để triển khai thi công 13 công trình, dự án. Kết quả thực hiện các dự án ước đạt trên 39 nghìn tỷ đồng, đạt 50,74%; giải ngân ước đạt gần 39.300 tỷ đồng, đạt 51,12% kế hoạch năm 2016. Các cơ quan, đơn vị đã lập, trình duyệt quyết toán 680 công trình, dự án hoàn thành, đạt 88% kế hoạch; hoàn thành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 670 công trình, dự án, đạt 94% kế hoạch năm 2016. Trong đó, đã lập, trình duyệt quyết toán 29/53 dự án BOT, BT hoàn thành và đã hoàn thành thẩm tra, thỏa thuận, phê duyệt quyết toán 17 dự án.

 

Đồng thời, Bộ GTVT đã tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy định về nâng cao trách nhiệm bảo hành đối với các dự án xây dựng công trình KCHTGT đường bộ; ban hành quy định tạm thời về việc sử dụng thông tin công bố hàng năm về kết quả thực hiện của các nhà thầu xây lắp và tổ chức tư vấn xây dựng.

 

Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã tập trung nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020. Khẩn trương hoàn thành các thủ tục để khởi công các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ còn dư của các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên... Đối với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phương án thi tuyển kiến trúc nhà ga đang được đánh giá xếp hạng và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 10/2016; Bộ cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan tập trung nghiên cứu và xây dựng cơ chế đặc thù về công tác GPMB cho Dự án, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành thẩm định.

 

Công tác quản lý vận tải, bảo đảm TTATGT tiếp tục được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tiếp tục kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương.

 

Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 9 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 15/16 dự thảo văn bản QPPL và đề án, hoàn thành 93,8%. Các cơ quan, đơn vị đã trình Bộ trưởng Bộ GTVT 30 dự thảo thông tư và 10 đề án, đạt 100% kế hoạch. Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) đã được Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra và đang được tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV trong tháng 10/2016.

 

Công tác quản lý vận tải và dịch vụ vận tải tiếp tục được triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Lãnh đạo và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tiếp tục chủ động đối thoại với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ, vận tải biển, cảng biển, đường thủy nội địa, các hãng hàng không, nhờ đó kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Sản lượng vận tải 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt 937,6 triệu tấn hàng và 2.710 triệu lượt hành khách, tăng 9,8% về sản lượng vận tải hàng hóa và 9,6% về hành khách so với cùng kỳ năm 2015.

 

Công tác bảo đảm trật tự ATGT đã được Bộ GTVT triển khai kịp thời, theo sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, nhất là trong các đợt cao điểm, dịp nghỉ lễ, Tết. Đồng thời, Bộ GTVT triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện thủy nội địa tham gia hoạt động hàng hải; tăng cường quản lý các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo. Công tác phòng, chống ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các thành phố lớn được coi trọng và xử lý quyết liệt.

 

Tình hình TNGT 9 tháng năm 2016 tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015, cả nước xảy ra 15.411 vụ, làm chết 6.440 người, làm bị thương 13.473 người. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 7,64% số vụ, giảm 2,02% số người chết và giảm 11,48% số người bị thương.

 

Tiếp tục tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải phát triển.

 

Trong 9 tháng đầu năm, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước. Bộ GTVT đã thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, phê duyệt đơn vị tư vấn và thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đối với hai bệnh viện và hai trường học thuộc Bộ. Đồng thời, Bộ GTVT đã hoàn thành quyết toán, bàn giao vốn nhà nước sang công ty cổ phần đối với 12 công ty cổ phần; phê duyệt nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Cảng Hàng không VN và cổ đông chiến lược của Tổng công ty Hàng không VN; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các Tổng công ty như: Vinalines, VEC, Cửu Long theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

 

Đặc biệt, Bộ GTVT đã hoàn thành thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Cienco 6, TEDI, Tổng công ty vận tải thủy, Vinamotor và thoái 23,18% vốn điều lệ tại Cienco5 với tổng giá trị thu nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại SCIC trên 2.000 tỷ đồng, bằng 134% giá trị mệnh giá. Ngoài ra, Bộ GTVT đã hoàn thành việc chuyển giao quyền đại diện sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Thăng Long sang SCIC và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển giao đối với 3 tổng công ty: Cienco 5, Cienco 8, Tổng công ty Xây dựng đường thủy; Công ty Tracimexco và 8 Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, Bộ GTVT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2016 vẫn còn một dự thảo Nghị định phải xin lùi thời gian trình do có nhiều nội dung mới cần thêm thời gian nghiên cứu. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng lớn từ sự cố sập cầu Ghềnh vào cuối tháng 3/2016 nên sản lượng vận tải đường sắt sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015. Tình hình TNGT vẫn đang có diễn biến phức tạp, số người chết vì TNGT vẫn ở mức cao. Tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đầu tư đạt thấp so với kế hoạch đề ra, nhất là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tại một số dự án, nhất là các dự án BOT, công tác quyết toán còn chậm.

 

Nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2016

 

Về các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh các cơ chế, chính sách về các lĩnh vực GTVT phù hợp với thực tế, đặc biệt là các cơ chế, chính sách thông thoáng, đặc thù để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển KCHTGT.

 

Tập trung hoàn thiện dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 12 dự thảo văn bản QPPL; trình Bộ trưởng ban hành, phê duyệt theo thẩm quyền 29 văn bản QPPL và 05 đề án. Khẩn trương xây dựng chương văn bản QPPL và đề án năm 2017, để kịp thời triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2017.

 

Tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh các cơ chế, chính sách về các lĩnh vực GTVT phù hợp với thực tế, đặc biệt các cơ chế, chính sách thông thoáng, đặc thù để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển KCHTGT. Hoàn thiện dự thảo về việc giao nhiệm vụ và ủy quyền cho Ban QLDA trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án do Bộ làm chủ đầu tư. Tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; chấn chỉnh, nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; rà soát để loại bỏ ngay các nhà thầu có năng lực yếu kém ra khỏi các dự án của ngành.

 

Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án, nhất là các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP mà đặc biệt là các dự án sử dụng vốn dư của các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Hoàn thành đảm bảo chất lượng, tiến độ để đưa vào khai thác 31 công trình, dự án; hoàn tất các thủ tục cần thiết để khởi công 14 công trình, dự án. Quyết liệt, đẩy nhanh việc hoàn thành quyết toán các dự án, đặc biệt là các dự án BOT. Tập trung xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi Giai đoạn 1 Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cầu treo dân sinh giai đoạn 2.

 

Ngoài ra, Bộ GTVT tiếp tục thực hiện các giải pháp siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; đẩy mạnh triển khai các đề án kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải, nhất là vận tải đường thủy nội địa và đường sắt, giảm áp lực cho vận tải đường bộ; tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT các lĩnh vực trên toàn quốc,... Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT. Tăng cường công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ, đường sắt và phối hợp với các địa phương thực hiện việc xử lý đền bù, giải tỏa hành lang ATGT đường bộ, đường sắt.

 

Bên cạnh đó, Bộ GTVT tiếp tục triển khai, thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương; thực hiện, hoàn thành quyết toán và bàn giao vốn Nhà nước sang công ty cổ phần đối với các doanh nghiệp đã hoàn thành cổ phần hóa. Đẩy mạnh thoái vốn nhà nước, thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC theo quy định. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị kết quả thực chất tái cơ cấu SBIC, xây dựng đề án tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2016-2020.

 

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương trên lĩnh vực GTVT; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng GTVT. Tập trung hoàn tất thủ tục nội bộ để Lãnh đạo Bộ thay mặt Chính phủ ký kết, gia nhập một số điều ước quốc tế theo kế hoạch.



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...