Hội thảo "Ứng dụng mô hình hóa thông tin công trình (BIM) trong quản lý hạ tầng kỹ thuật".
Sáng 18/04/2017, Cục hạ tầng kỹ thuật - Bộ xây dựng phối hợp với Hội tin học - tổng hội xây dựng Việt Nam tổ chức buổi hội thảo chuyên đề "Ứng dụng mô hình hóa thông tin công trình (BIM) trong quản lý hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP) thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà thầu, kỹ sư tham dự.
Dự Hội thảo, có ông Võ Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Tin học Xây dựng Việt Nam; đồng chí Tạ Quang Vinh - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, về phía các doanh nghiệp có ông Nguyễn Nhật Quang - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Công nghệ cao Hài Hoà, ông Đinh Nho Cảng - Giám đốc Công ty tư vấn và xây dựng quốc tế An Phúc, Ông Chinn Lim – Lead Strategist PublicSector – AUTODESK ASEAN, Ông Tạ Ngọc Bình – Viện Kinh tế Bộ Xây dựng, tham dự Hội thảo còn có sự góp mặt của các nhà khoa học, nhà thầu, kỹ sư … quan tâm về ứng dụng công nghệ BIM trong quy hoạch, thiết kế hạ tầng kỹ thuật.
Toàn cảnh Hội Thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại diện lãnh đạo Bộ xây dựng ông Tạ Quang Vinh cho rằng mô hình hóa thông tin công trình BIM là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các khâu thiết kế, xây dựng và vận hành của công trình. BIM đã được nhiều quốc gia áp dụng và được đánh giá sẽ là xu hướng công nghệ chủ đạo của ngành giao thông, xây dựng trong tương lai. Tại Việt Nam, với nhu cầu phát triển như hiện nay thì việc ứng dụng công nghệ BIM vào việc quản lý dự án công trình như là "hồ sơ bệnh án" trong suốt vòng đời của một công trình sẽ giúp nâng cao quản lý chất lượng cũng như hiệu quả chi phí và rút ngắn thi công công trình.
Tại hội thảo, ông Võ Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Tin học Xây dựng Việt Nam đã giới thiệu một cách tổng quan về công nghệ BIM, mô hình thông tin công trình (BIM) trong quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, xu thế công nghệ trên thế giới, các phần mềm phục vụ việc quy hoạch, thiết kế công trình và nhu cầu thực tế tại thị trường xây dựng và giao thông vận tải Việt Nam.
Theo đó, BIM là mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling), đã được ngành xây dựng của nhiều quốc gia và được các chuyên gia đánh giá đang và sẽ là công nghệ chủ đạo của ngành xây dựng trong nhiều thập niên sắp tới và có khả năng giúp lĩnh vực thiết kế, xây dựng và quản lý công trình giải quyết được các vấn đề lãng phí, năng suất thấp và thiếu hiệu quả đang tồn tại phổ biến hiện nay.
Mô hình ứng dụng Bim
BIM là quy trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các khâu thiết kế, xây dựng và vận hành của công trình. Với vai trò là một cơ sở dữ liệu bao trùm toàn vòng đời của công trình, BIM bao hàm các mối liên hệ logic về mặt không gian, kích thước, số lượng, vật liệu, và các đặc tích của các bộ phận công trình.
Có khả năng kết hợp thông tin các bộ phận công trình với các thông tin về định mức, đơn giá, tiến độ thi công, chế độ vận hành bảo dưỡng..., BIM mang lại những thay đổi mang tính cách mạng trong việc tạo ra, thể hiện và sử dụng thông tin của công trình xuyên suốt các quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành. Khả năng hợp nhất thông tin từ tất cả các công đoạn làm BIM ngày càng trở thành xu hướng tất yếu của ngành xây dựng để tối ưu hoá việc thiết kế, thi công và quản lý công trình.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực đang tích cực tiếp cận BIM để xây dựng các tiêu chuẩn và chiến lược quốc gia vì họ đã thấy được các lợi ích của BIM và coi BIM là một tiền đề quan trọng để tăng tính cạnh tranh cho ngành công nghiệp xây dựng cũng như gia tăng hiệu quả cho các hoạt động quản lý trong xây dựng.
Ông Chinn Lim đại diện của Autodesk cho hay, ngày nay, các chuyên gia thiết kế, kỹ thuật và xây dựng đang phải đối mặt với các thách thức kinh doanh phức tạp. Mô hình Thông tin Xây dựng (BIM) - một quá trình tích hợp được xây dựng trên sự phối hợp, thông tin đáng tin cậy về một dự án từ quá trình thiết kế đến xây dựng và quá trính đưa vào hoạt động -giúp các kiến trúc sư, kỹ sư và nhà thầu dễ dàng tạo ra thông tin và dữ liệu thiết kế kỹ thuật số phối hợp, sử dụng thông tin đó để có cái nhìn trực quan chính mô phỏng và chính xác hơn, và phân tích hiệu suất , và cung cấp dự án nhanh hơn, có hiệu quả kinh tế hơn, và giảm nguy cơ tác động xấu tới môi trường.
Cũng tại Hội thảo, Ông Đinh Nho Cảng - Giám đốc Công ty tư vấn và xây dựng quốc tế An Phúc giới thiệu một số kinh nghiệm về triển khai ứng dụng BIM trong thực tế. Để có thể triển khai thực tế được ứng dụng BIM hạ tầng thì cần phải có một đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm và tập hợp các kỹ sư trẻ tài năng đầy nhiệt huyết, quyết tâm; luôn xác định rõ mục tiêu, nâng cấP hệ thống phần cứng phù hợp phầm mềm và công nghệ sản xuất; và một điều không thể thiếu đó là cần có hành lang pháp lý.
Tại Việt Nam, việc áp dụng BIM trong thiết kế, xây dựng và quản lý vận hành công trình tuy còn hạn chế. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng đầu đánh giá BIM sẽ là một xu thế tất yếu của ngành hạ tầng xây dựng. Đây sẽ là một cơ hội đầy hứa hẹn đối với những lớp kỹ sư xây dựng tương lai, những người biết nắm bắt xu hướng và có những đầu tư nghiêm túc cho con đường sự nghiệp của chính mình.