Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp trong hệ thống báo chí LHHVN”
Ngày 18/6/2015, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) tổ chức Hội thảo: “Đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp trong hệ thống báo chí LHHVN” kết hợp gặp mặt các cơ quan báo chí nhân 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2015)
Ông Phan Tùng Mậu – PCT LHHVN
Tới dự hội thảo có ông Phan Tùng Mậu – PCT LHHVN, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các phóng viên, nhà báo trong và ngoài hệ thống báo chí LHHVN. Khai mạc chương trình hội thảo, ông Phan Tùng Mậu có bài phát biểu chúc mừng nhân kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Trong bài phát biểu, ông đã đánh giá cao sự phát triển và những đóng góp của các cơ quan báo chí cho LHHVN, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền Đại hội VII LHHVN. Bên cạnh đó, nâng cao đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp trong lĩnh vực báo chí hiện nay cũng là vấn đề cần được quan tâm hơn nữa.
TS Trần Mạnh Quảng
Các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí đã tham gia đóng góp ý kiến thông qua các bài tham luận tại hội thảo. TS Trần Mạnh Quảng cho rằng những bức ảnh báo chí chính là tài liệu lưu trữ những khoảng khắc, do vậy, nhà báo, phòng viên khi tác nghiệp cần nắm bắt, tận dụng thời cơ để có được những bức ảnh chân thực, chất lượng. Ngoài ra, người làm báo cũng cần phải lưu ý ghi chú, chú thích ảnh để người đọc có thể nắm được nội dung ảnh. Điều này thể hiện sự trân trọng độc giả của người làm báo.
PGS-TS. Phạm Bích San
PGS-TS. Phạm Bích San có bài tham luận về đề tài “Đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp và vai trò của kiến thức khoa học”. Theo ông, nghề báo là “nghề nguy hiểm” do vậy đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức là những điều kiện cần của người làm báo chân chính. Bên cạnh đó, để hoàn thành tốt công việc của mình, các nhà báo, phóng viên cũng cần có được những điều kiện đủ là định hướng phù hợp, khung pháp lý chặt chẽ và sự bình đẳng trong cạnh tranh để bảo vệ những người làm báo.
Nhà báo Nguyễn Minh Quang
Những hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực báo chí được dư luận phản ánh gần đây là đề tài nhận được nhiều sự quan tâm. Nhà báo Nguyễn Minh Quang - TBT báo Khoa học & Đời sống, báo điện tử Kiến thức chia sẻ những kinh nghiệm của ông về “cách rèn đạo đức người làm báo tại báo Khoa học & Đời sống”. Theo ông, vi phạm đạo đức của người làm báo thường thường là bẻ cong ngòi bút để dọa nạt doanh nghiệp hoặc che giấu tiêu cực cho doanh nghiệp để đổi lại lợi ích về kinh tế. Để hạn chế tình trạng này, báo Khoa học & Đời sống đã xây dựng quy chế làm việc chặt chẽ, phóng viên đi điều tra phải cố gắng đi đến đích cuối cùng và phải có đầy đủ hồ sơ chứng cứ, phải gặp cả 2 phía để có phản biện rõ ràng. Ngoài ra, Tổng thư ký tòa soạn và Tổng biên tập rất sát sao trong việc theo dõi công tác điều tra của phóng viên cũng như quá trình duyệt bài.
TS. Phạm Việt Long - TBT tạp chí Văn Hiến
Đồng quan điểm với nhà báo Nguyễn Minh Quang, TS. Phạm Việt Long - TBT tạp chí Văn hiến điện tử có bài tham luận “Đôi điều trăn trở về đạo đức người làm báo thời nay”. Bài tham luận thể hiện sự lo ngại về hiện tượng một số phóng viên hiện nay dùng cách dàn dựng, cắt xén các phát ngôn… để tạo ra tin bài theo ý chủ quan của mình. Những hành động nói trên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người dân với người làm nghề báo chí.
PGS.TS Phạm Văn Hảo - Phó TBT tạp chí Ngôn ngữ
Bài tham luận của PGS.TS Phạm Văn Hảo - Phó TBT tạp chí Ngôn ngữ thể hiện suy nghĩ của ông về việc sử dụng ngôn ngữ trên báo chí hiện nay còn nhiều điểm chưa hợp lý. Trong đó, nổi lên các vấn đề như lỗi chính tả, việc sử dụng chêm xem tiếng Anh và “ngôn ngữ tuổi teen”. Theo ông, báo chí cần đi đầu trong việc chuẩn hóa ngôn ngữ và chữ viết .
TS.Mai Thu - Tổng Thư ký TS Báo điện tử Tầm nhìn
TS.Mai Thu - Tổng Thư ký TS Báo điện tử Tầm nhìn chia sẻ về “Giải pháp:Thiết lập nội dung tôn chỉ mục đích và kiên định về mục tiêu và phương pháp triển khai thực hiện của Báo điện tử Tầm Nhìn”. Bài tham luận chỉ ra những khó khăn, áp lực mà người làm báo gặp phải, đặc biệt là thiếu lành mạnh và công bằng trong cạnh tranh. Các giải pháp được đề ra để khắc phục những khó khăn này là các báo cần có kế hoạch tự chủ về tài chính; có cơ cấu tổ chức nhân sự chuyên nghiệp tập hợp những người làm báo có tâm, có tầm; hoàn thiện khâu tác nghiệp báo chí và xử lý thông tin báo chí; đảm bảo tính định hướng và kiên định về mục tiêu của từng tờ báo; Cần củng cố và hoàn thiện khối đoàn kết giữa các báo trong hệ thống báo chí LHH VN.