SỰ KIỆN VẤN ĐỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI NĂM 2014 ĐƯỢC XÃ HỘI QUAN TÂM

2015/2/2 9:30 - CHU ĐỨC SOÀN

Năm 2014 trên lĩnh vực giao thông vận tải trên cả nước, có nhiều sự kiện lớn diễn ra, trong đó có 10 sự kiện vấn đề lớn liên quan đến quốc kế dân sinh, được xã hội quan tâm. Sau đây là nội dung sự kiện vấn đề đó:

1. CHỌN PHƯƠNG ÁN BẢO TỒN CẦU LONG BIÊN

 

Từ năm 1998, quy hoạch Hà Nội đã xác định, tuyến đường sắt đô thị số 1 trùng với đường sắt quốc gia. Trước kia, có quan điểm giữ lại cầu Long Biên để bảo tồn nên Bộ Giao thông cũng đã nghiên cứu 4 phương án xây cầu mới tách xa hẳn cầu Long Biên 30m, 50m, rồi 186m về phía thượng lưu... và đã được Chính phủ phê duyệt.

 

Trong đó, phương án được cho là tối ưu nhất là xây mới và cách cầu cũ 30m, tuy nhiên phương án này cũng không nhận được sự đồng tình từ các chuyên gia do không đảm bảo yếu tố mỹ quan. Do đó, Bộ GTVT buộc phải quay lại nghiên cứu.

 

Tháng 2/2014, Bộ Giao thông Vận tải đã văn bản thông báo về 3 phương án xây dựng cầu đường sắt Long Biên cho tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, để xin ý kiến các bộ liên quan và UBND TP Hà Nội.

 

Theo đó, phương án tối ưu và cũng để đồng bộ với dự án tôn tạo cầu Long Biên là làm cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn.

 

Phương án 2 là xây cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại, có kết cấu nhịp dàn thép như thiết kế năm 1902 với kinh phí 9.100 tỷ đồng.

 

Phương án 3 là xây cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.

 

Ngay sau đó thông báo này đã nhận được nhiều ý kiến chưa đồng thuận vè các phương án mà Bộ đưa ra từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa và của người dân. Rõ ràng xây mới cầu tại tim cầu cũ là không thể đáp ứng được nhu cầu bảo tồn và phát triền. Giải pháp duy nhất là phải tách riêng, xây cầu mới.

 

Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo KHKT về các phương án xây dựng và bảo tồ cầu Long Biên

 

Sau các cuộc hội thảo, dựa vào đa số các ý kiến thống nhất, tháng 11, thành phố Hà Nội đã lựa chọn phương án 3 – xây dựng cầu đường sắt mới, cách cầu Long Biên 75m về phía thượng lưu. Tuy nhiên, các ý kiến cũng lưu ý, việc triển khai cần phải nghiên cứu kỹ hơn các yếu tố liên quan trước khi quyết định như: việc bảo tồn cầu Long Biên; kiến trúc cầu mới phải hài hòa với Long Biên, hạn chế ảnh hưởng đến khu phố cổ, phố cũ về cảnh quan, kiến trúc; chiều cao thông thuyền phục vụ giao thông thủy, an toàn đê điều; việc tổ chức giao thông khu vực phố Hàng Đậu và phải thông tin khách quan trước công luận.

 

2. KHỞI CÔNG CẦU VƯỢT BIỂN DÀI NHẤT VIỆT NAM

 

Ngày 15/2, tại thành phố Hải Phòng, đã khởi công Dự án đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện, là công trình cầu, đường vượt biển dài nhất Việt Nam và cũng là một trong những công trình cầu, đường vượt biển dài nhất Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại.

 

Dự án có chiều dài toàn tuyến trên 15,6 km với điểm đầu dự án tại nút giao Tân Vũ, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đi theo hướng Đông qua Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, vượt Kênh Nam Triệu sang đảo Cát Hải tại vị trí gần bến phà Ninh Tiếp và kết thúc ở điểm cuối dự án tiếp giáp với cổng cảng Lạch Huyện.

 

Dự án bao gồm 3 đoạn chính là: Phần đường dẫn phía Hải An, (từ nút giao Tân Vũ đến mố A1 dài 4,5 km), với mặt cắt ngang là 29,5m; phần cầu có tổng chiều dài 5,44 km (bao gồm cầu dẫn phía Hải An dài 4,43 km, cầu chính dài 490 m và cầu dẫn phía Cát Hải dài 519 m với mặt cắt ngang là 16m) và đường dẫn phía Cát Hải từ mố A2 tới điểm cuối tuyến dài 5,69 km với mặt cắt ngang là 29,5m.

 

Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với tổng mức đầu tư là 11.849 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay ODA của Nhật Bản là 10.049 tỷ đồng và phần vốn đối ứng của Việt Nam là 1.800 tỷ đồng. Thời gian thi công của Dự án là 36 tháng.

 

Dự án hoàn thành sẽ kết nối cảng Lạch Huyện với các khu vực đang phát triển tại phía Đông thành phố Hải Phòng, Khu công nghiệp Đình Vũ và đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đang được đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho thành phố Hải Phòng mà cho cả khu vực Bắc Bộ.

 

3. SẬP CẦU CHU VA 6 VÀ ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CẦU TREO TRÊN TOÀN QUỐC

 

Vụ tai nạn đứt cáp cầu treo sáng 24/2 ở xã Sơn Bình (Tam Đường, Lai Châu) làm nhiều người rơi xuống suối, trong đó ít nhất 8 người chết và hàng chục người khác bị thương.

 

Theo báo cáo của Tổ điều tra công tác hiện trường (Bộ GTVT) vụ sập cầu treo Chu Va, nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố là do việc chế tạo ắc neo tăng đơ có 2 sai sót lớn: không đúng thiết kế và không tuân thủ quy trình kỹ thuật. Cụ thể, về xử lý trách nhiệm, Bộ GTVT kiến nghị xử lý 4 đơn vị liên quan.

 

Đối với nhà thầu phải chịu trách nhiệm về nguyên nhân sự cố do thi công ắc neo tăng đơ không đúng kích thước thiết kế, công nghệ chế tạo dẫn đến không đảm bảo yêu cầu chịu tải, gây sự cố nghiêm trọng. Đối với tư vấn thiết kế, chịu trách nhiệm về các sai sót trong Hồ sơ thiết kế, không chỉ dẫn về mác thép đúc làm ắc neo tăng đơ, không thực hiện giám sát quyền tác giả đối với một số bộ phận công trình.

 

Đối với tư vấn giám sát, phải chịu trách nhiệm về việc không theo dõi, giám sát quá trình chế tạo, kiểm tra chất lượng, lắp đặt ắc neo tăng đơ dẫn đến sự cố,

 

Đối với Chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án, yêu cầu chịu trách nhiệm về việc để xảy ra sự cố nghiêm trọng trong dự án xây dựng cầu Chu Va 6.

 

Bộ Xây dựng, đề nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình cầu treo giao thông nông thôn trên địa bàn về các tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu công trình cầu treo giao thông nông thôn, nghiên cứu tăng cường sử dụng vật liệu mới, áp dụng công nghệ thi công phù hợp với điều kiện cụ thể của từng khu vực, vùng miền nhằm nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình.

 

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã chỉ đạo tư vấn rà soát và hoàn chỉnh Đề án xây dựng 188 cầu treo dân sinh. Các cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn thống nhất toàn quốc; các cấu kiện chính của cầu gồm hệ mặt cầu và các chi tiết khác được chế tạo theo thiết kế điển hình chung tại công xưởng nhằm giảm giá thành xây dựng và thời gian thi công, nâng cao chất lượng công trình. Tính đến cuối năm nay xây dựng xong 86 cầu, sang năm 2015 chính phủ đã quyết định ứng vốn để xây dựng tiếp 102 cầu treo dân sinh của 28 tỉnh với số tiền là 400 tỷ đồng.

 

4. VỤ HỐI LỘ QUAN CHỨC ĐƯỜNG SẮT

 

Cục Thuế khu vực Tokyo phát hiện, hãng tư vấn đường sắt JTC chi trả trái phép khoảng 40 lần với tổng số tiền 130 triệu yên (gần 26,7 tỷ đồng) từ tháng 2/2008 đến 2/2014, để nhận được hợp đồng cho 5 dự án ODA.

 

Ngày 21/3, Giám đốc Cty JTC đã thừa nhận trả tiền lại quả cho một số công chức Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan, để nhận được hợp đồng cho các dự án ODA ở ba nước này, nhật báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun.

 

Cụ thể, JTC đã lại quả 80 triệu yên (khoảng 16,4 tỷ đồng) cho một dự án ODA trị giá 4,2 tỷ yên (khoảng 862,8 tỷ đồng) ở Việt Nam. JTC bị cho là đã trả tiền lại quả cho 5 quan chức, trong đó có một người công tác ở đơn vị quản lý dự án của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam.

Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, JTC có mặt ở hầu hết các dự án liên quan đến đường sắt như các dự án an toàn giao thông đường sắt Bắc - Nam, xử lý cầu yếu, dự án đường sắt đô thị và cả dự án nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

 

Chủ đầu tư các dự án này đều là Tổng Cty ĐSVN. Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam đối với 4 cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) liên quan đến cáo buộc Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đưa hối lộ.

 

Đây là vụ tai tiếng thứ hai của các công ty tư vấn Nhật Bản liên quan các dự án ODA trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông. Sau vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó GĐ Sở GTVT TPHCM, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây bị kết án 20 năm tù vì nhận hối lộ để công ty PCI Nhật Bản thắng thầu dự án xây dựng tại đại lộ Võ Văn Kiệt ở TPHCM năm 2008.

 

5. VIỆT NAM CHỦ ĐỘNG VÀ TÍCH CỰC THAM GIA TÌM KIẾM MÁY BAY MALAYSIA MẤT TÍCH

 

Vào lúc 2h40 phút (giờ địa phương ) khoảng 3h40 phút giờ VN ngày 8/3, chiếc Boing 777-200 số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã mất toàn bộ liên lạc sau khi cất cánh từ Kuala Lumpua cách đó một giờ. Chuyến bay chở theo 239 người, trong đó phi hành đoàn là 12 người, 154 người Trung Quốc, một người Đài Loan, còn lại mang quốc tịch Canada, Pháp, Mỹ...

 

Theo dự đoán ban đầu, máy bay có thể đã rơi ở vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và Malaysia, cách đảo Thổ Chu, Phú Quốc (Kiên Giang) khoảng 153 hải lý (khoảng 300km).

 

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Việt Nam Đinh La Thăng cho biết, máy bay đã mất tích trước khi vào vùng thông tin bay (FIR) của TP HCM. Vùng gần nhất của máy bay trước khi chuẩn bị nhận bàn giao là tỉnh Cà Mau.

 

Ngay sau khi nhận được tin báo nạn (lúc 9 giờ 25 phút ngày 8/3), thực hiện sự chỉ đạo của Chính Phủ, Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã thông báo cho các bộ, ngành liên quan; điều tàu SAR 413 đến hiện trường bắt đầu công tác tìm kiếm và đề nghị Bộ Quốc phòng điều động máy bay, các tàu đến phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu và các quân chủng, binh chủng quán triệt và thực hiện ngay chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong vòng 8 ngày (từ 8 đến 15/3), Việt Nam đã huy động 2.395 người, 11 máy bay các loại, 10 tàu và 1 bộ radar tìm kiếm trong 12.589 hải lý. 815 tàu đánh cá với 6.505 người cũng được kêu gọi phối hợp tìm kiếm 24/24 giờ; tổ chức sở chỉ huy tiền phương tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang do đồng chí Phạm Quý Tiêu - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì.

 

Trong thời gian tìm kiếm máy bay MH370, Việt Nam đã cấp phép kịp thời cho 12 máy bay, 19 tàu của 5 nước, vùng lãnh thổ là Malaysia, Singapore, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đài Loan vào vùng biển Việt Nam cùng tham gia tìm kiếm.

 

Tùy viên quốc phòng các nước đã đánh giá cao hoạt động tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia mất tích trong những ngày qua, thể hiện thái độ, trách nhiệm của Việt Nam đối với việc thực hiện các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam với cộng đồng quốc tế cũng như tinh thần nhân đạo của Việt Nam trong việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn quốc tế khi có sự cố, tai nạn, thiên tai. Dư luận đánh giá cao sự chỉ đạo nhanh nhạy, kịp thời của Chính phủ, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao và năng lực ứng phó của Việt Nam trong công tác tìm kiếm máy bay MH370.

 

6. TỔNG KIỂM TRA XỬ LÝ XE QUÁ KHỔ QUÁ TẢI TRÊN CÁC TRỤC QUỐC LỘ TRÊN TOÀN QUỐC

 

Xác định xe chở hàng hóa quá khổ, quá tải quy định cho phép của cầu đường là một trong những nguyên nhân chính gây hư hỏng cầu đường và gây TNGT. Hiện tượng chở hàng quá tải đã trở thành phổ biến trên toàn quốc, Do đó công tác KSTTX đặt ra yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các nghành, các địa phương và sự đồng thuận của cả xã hội.

 

Bắt đầu từ ngày 1/4, các địa phương trên cả nước đồng loạt tổng kiểm tra xử lý xe quá khổ quá tải các trục quốc lộ trên toàn quốc.

 

17 địa phương đã tích cực triển khai hoạt động 24h/24h là Hà Nội, Nghệ An, Phú Yên, Lâm Đồng, Phú Thọ, Hưng Yên, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Hà Nam, Nam Định, Thái Nguyên, Thanh Hóa. Trong đó, điển hình có 06 địa phương làm tốt do có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và cả hệ thống chính trị, cụ thể: Hà Nội, Phú Thọ, Hà Nam, Lâm Đồng, Yên Bái, Nghệ An.

 

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau 7 ngày đồng loạt kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc lực lượng liên ngành đã kiểm tra 4.122 xe có dấu hiệu vi phạm và phát hiện 750 xe vi phạm.

 

Sau 15 ngày triển khai kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ trong cả nước, có 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai kiểm soát tải trọng xe; số lượng xe vi phạm chở quá tải đã giảm đáng kể so với trước.

 

Để tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, Bộ Giao thông Vận tải có công văn đề nghị các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, chỉ đạo các đơn vị, doanh nghệp thuộc quyền, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xếp hàng hóa trên xe và có biện pháp kiểm soát chặt việc xếp hàng hóa lên xe ôtô ngay tại khu vực đầu nguồn hàng do mình quản lý, kiên quyết không để xảy ra tình trạng xếp hàng hóa lên xe vượt quá trọng tải thiết kế của xe và yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô không nhập khẩu loại xe quá khổ thùng, xi-téc chở hàng.

 

Đề nghị: Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và công an các tỉnh, thành phố, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các địa phương tổ chức thực hiện kiểm soát tải trọng xe; Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tại các cửa khẩu, các khu vực thông quan hàng hóa không giải quyết thủ tục thông quan nhập cảnh, thủ tục kẹp chì hải quan đối với trường hợp xe ôtô chở hàng hóa vượt quá trọng tải thiết kế được ghi trong giấy đăng ký của xe.

 

Duy trì hoạt động của trạm cân xe 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần; tập trung kiểm soát trên các tuyến quốc lộ trọng điểm; nghiên cứu bố trí camera ghi hình toàn bộ hoạt động của các trạm cân xe lưu động...

 

Tuy nhiên việc việc Kiểm soát tải trọng xe đến cuối năm vẫn là cuộc chiến cam go. Bộ GTVT đã triển khai nhiều biện pháp mạnh như: Hạ tải, cắt bỏ thùng xe cơi nới, xe ra vào cảng chở quá tải, cảng biển sẽ bị thu giấy phép kinh doanh, hoặc sẽ bị thu giấy phép thông mở cảng, không cho tàu vào cảng, tăng mức xử phạt, huy đông thêm lực lượng cảnh sát cơ động tham gia v v...

 

7. BẮT ĐẦU THI TUYỂN CHỨC DANH CÁN BỘ CẤP TRƯỞNG

 

Bộ Giao thông vận tải đã quyết định thi tuyển chức danh Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo Đề án thí điểm thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Việc thi tuyển sẽ mang tính cạnh tranh cao, qua đó lựa chọn những cán bộ xuất sắc, đảm bảo đủ phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn để đóng góp cho sự phát triển của ngành Đường bộ Việt Nam.

 

Đã có 4 ứng cử viên tham gia thi tuyển gồm các ông: Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đương bộ, Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Ban quản lý Dự án 2, Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI).

 

Ngày 28/4, Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện, đạt điểm cao nhất, gồm: Thi viết 82,43 điểm; Thi bảo vệ chương trình hành động (thực hành): 86,90 điểm. Tổng điểm ông Huyện đạt 169,33 điểm. Ông đã trúng tuyển vào vị trí Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam.

 

Như vậy, ông Huyện là Tổng cục trưởng đầu tiên sẽ được bổ nhiệm không thông qua quy hoạch, điều chuyển. Đây cũng là chức vụ cao nhất trong bộ máy Nhà nước được bổ nhiệm thông qua thi tuyển đến thời điểm này.

 

Chiều 29/4, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức trao Quyết định của Bộ trưởng Đinh La Thăng về việc điều động, bổ nhiệm ông Huyện giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam kể từ ngày 1/6.

 

Từ kết quả này, Bộ GTVT tiếp tục tổ chức thi tuyển các chức danh: Vụ trưởng: Vụ vận tải, vụ trưởng vụ an toàn giao thông, cục trưởng Cục đường thủy nội địa, chủ tịch Tổng công ty quản lý bay Việt Nam và vụ quản lý doanh nghiệp. Sang năm 2015, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các chức danh khác do Bộ quản lý.

 

Thông qua các đợt thi tuyển các chức danh lãnh đạo này Bộ Nội vụ đã đánh giá: Bộ GTVT là một trong số ít những đơn vị tiên phong trong đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý theo chủ trương của Đảng, qua đó cũng rút ra các bài học kinh nghiệm để Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham khảo để đề xuất đổi mới công tác cán bộ. “Đánh giá một cách khách quan, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng là người quyết đoán, mạnh dạn khi thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo.

 

8. KHÁNH THÀNH CẦU BÊ TÔNG VĨNH THỊNH VÀ ĐƯỜNG CAO TỐC DÀI NHẤT VIỆT NAM

 

Cầu Vĩnh Thịnh, cầu vượt sông dài nhất nước, kết nối thủ đô với các tỉnh tây bắc, được khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 8/6. Cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 2C, nối thị xã Sơn Tây (Thành phố Hà Nội) với huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc).

 

Cầu rộng 16m với 4 làn xe, dài 5,4 km (phần cầu dài 4,4km và đường dẫn hai đầu dài một km). Điểm đầu với giao quốc lộ 32 tại tuyến tránh thị xã Sơn Tây, điểm cuối kết nối với quốc lộ 2C. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; có chiều dài 5.487m (trong đó cầu dài 4.480m và đường hai đầu cầu dài 1.007m), mặt cầu rộng 16,5m gồm 4 làn xe chạy, tốc độ thiết kế 80km/h; với tổng mức đầu tư là 137 triệu USD, được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác Phát triển Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây là dự án đầu tư đầu tiên mà EDCF dành cho phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Dự án thể hiện tình hữu nghĩ giữa Việt Nam - Hàn Quốc, được nâng lên tầm đối tác chiến lược của hai quốc gia.

 

Đây là cầu bê tông cốt thép dự ứng lực có tổng mức đầu tư 137 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Cầu kết nối 2 trục hướng tâm quốc lộ 32 và quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài - Lào Cai tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm thủ đô với các tỉnh phía tây bắc. Đây cũng là cầu kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao của thủ đô Hà Nội, nối Hà Nội với Vĩnh Phúc trên vành đai 5, là dự án giao thông quan trọng, là niềm ước mơ nhiều đời nay của người dân Hà Nội và Vĩnh Phúc.

 

Ngày 21/9, tuyến cao tốc dài nhất, hiện đại nhất Việt Nam, dài 245km đi qua 5 tỉnh thành phía Tây Bắc bộ, từ Hà Nội lên Lào Cai và tiếp giáp với Trung Quốc đã khánh thành thông xe.

 

Toàn tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thông xe và đưa vào khai thác là bước đột phá lớn của ngành giao thông vận tải, các phương tiện lưu thông trên cao tốc 4 làn xe sẽ được chạy với vận tốc tối đa 100km/h (đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái) và 80km/h trên đoạn cao tốc 2 làn xe (từ Yên Bái đi Lào Cai), giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai còn 3,5 tiếng so với 7 tiếng như trước đây. Dự án có tổng mức đầu tư (giai đoạn1) là1.464 triệu USD, bao gồm vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) 236,21 triệu USD, vay thông thường OCR (ADB) 1.034,5 triệu USD và vốn đối ứng là 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng (GPMB). Dự án thực hiện thi công nhiều hạng mục lớn nhất so với các tuyến đường cao tốc khác, bao gồm: 120 cầu lớn nhỏ (trong đó có 2 cầu lớn là cầu Sông Hồng và Sông Lô với chiều dài 1,68km, rộng 16,5m); 1 hầm xuyên núi dài 530m, cao 9m, rộng 14m...

 

Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dự án thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông, đó là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc. Dự án triển khai góp phần thực hiện thành công thoả thuận cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Trung Quốc về xây dựng, phát triển hai hành lang và một vành đai kinh tế trọng điểm, bao gồm: Hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng; Vành đai kinh tế duyên hải vịnh Bắc bộ.

 

9. SỰ CỐ MẤT QUYỀN ĐIỀU HÀNH BAY LÀ "CHƯA TỪNG CÓ TRÊN THẾ GIỚI"

 

Trưa 20-11, nhiều chuyến bay trong nước và quốc tế không thể hạ cánh được vì thiếu thông tin dẫn đường từ đài kiểm soát không lưu. Lý do, sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM bị mất điện.

 

Tại thời điểm xảy ra sự cố có 54 máy bay trong khu vực trách nhiệm của ACC HCM và trong thời gian xảy ra sự cố có tổng số 92 máy bay bị ảnh hưởng. Nhiều máy bay trong Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh và các FIR Hà Nội, Sanya, Pnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn cất cánh tại sân, quay trở lại hạ cánh sân bay khởi hành, hoặc hạ cánh tại sân bay dự bị.

 

Các chuyên gia trong ngành hàng không cho rằng sự cố mất điện tại đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất là “quá sức nguy hiểm” và “thế giới không bao giờ có chuyện sân bay mất điện lâu thế”.

 

Sự việc xảy ra lần này không phải là lần đầu tiên sân bay Tân Sơn Nhất bị mất điện, nhưng sự cố mất điện lần này chưa từng có trong lịch sử của ngành hàng không Việt Nam lẫn lịch sử hàng không thế giới. Việc mất kiểm soát vùng thông báo bay không chỉ là vấn đề kinh tế, uy hiếp trực tiếp đến an ninh hàng không mà còn ảnh hưởng đến cả hình ảnh, thương hiệu của đất nước.

 

Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tạm thời đình chỉ các cán bộ, nhân viên kỹ thuật, kíp trưởng kíp trực nguồn điện để phục vụ công tác điều tra sự cố và đã thành lập đoàn điều tra sự cố với thành phần là các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật và kiểm soát không lưu, có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tổ chức điều tra, xác minh và làm rõ nguyên nhân sự cố, đề xuất các biện pháp hiệu quả để đảm bảo an toàn hoạt động bay, báo cáo trước ngày 29/11/2014.

 

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, Bộ Giao thông đã yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan và xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Bước đầu, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam xác định nguyên nhân sự cố là do kíp trực thực hiện sai thao tác kỹ thuật.Như vậy 2 năm gần đây, hàng không việt Nam liên tiếp để xảy ra nhiều vụ mất an toàn an ninh, uy hiếp đến an toàn bay như các vụ: Máy bay của Vietnam Airlines rơi lốp, đường băng có động vật, hạ cánh nhầm sân bay, hai máy bay suýt đụng nhau trên vùng trời Tân Sơn Nhất và sự cố máy bay Airbus 321 của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nội Bài đêm 16-12 là do phi công đặt sai tần số.

 

10. CỤM CÔNG TRÌNH GỒM: CẦU NHẬT TÂN, ĐƯỜNG VÕ NGUYÊN GIÁP, NHÀ GA HÀNG KHÔNG T2 ĐÃ HOÀN THÀNH CƠ BẢN. NHÀ GA T2 BẮT ĐẦU ĐÓN NHỮNG HÀNH KHÁCH ĐẦU TIÊN

 

Những ngày cuối năm, cụm công trình phía Bắc thủ đô Hà Nội gồm:: Cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài đã hoàn thành về cơ bản chờ ngày khánh thành. Đây là cụm công trình được coi là có quy mô lớn nhất Việt Nam tại thành phố Hà Nội.

 

Sáng ngày 25/12, nhà ga hành khách T2 Nội Bài chính thức đón những hành khách đầu tiên trên chuyến bay VN661 từ Hà Nội đi Singapore của hãng hàng không quốc gia VN Vietnam Airlines. Tại nhà ga mới hiện đại nhất cả nước này, vào buổi chiều, hãng hàng không giá rẻ Vietjet cũng sẽ khai thác chuyến bay đầu tiên VJ 901 từ Hà Nội đi Bangkok.

 

Những ngày tiếp theo, các hãng hàng không cũng sẽ chuyển dần các chuyến bay quốc tế đi và đến sân bay quốc tế Nội Bài sang khai thác tại nhà ga mới T2.

 

Việc nhà ga mới T2 Nội Bài được đưa vào khai thác mang một ý nghĩa quan trọng đối với Vietnam Airlines khi hãng đang nỗ lực triển khai các chương trình xây dựng chất lượng sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao vào năm 2015.

 

Nhà ga T2 Nội Bài - ga hàng không lớn nhất Việt Nam, có tổng vốn đầu tư 75,5 tỷ Yen - Được thiết kế theo hình cánh chim - biểu tượng của thiên nhiên, nhà ga tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng. Công trình gồm khối nhà chính 4 tầng (không kể tầng hầm), diện tích sàn 139.000 m2, hai cánh dài 996 m.

 

Nhà ga T2 có 17 cửa ra máy bay, được đánh số từ 20-36 và 29 vị trí đỗ máy bay, 22 vị trí tra nạp nhiên liệu ngầm hiện đại lần đầu tiên đưa vào sử dụng tại sân bay Việt Nam. Nhà ga T2 được xây dựng nhằm giải quyết tình trạng quá tải của nhà ga T1, tạo diện mạo mới cho sân bay quốc tế Nội Bài. Công suất nhà ga mới đạt 10-15 triệu hành khách/năm. Nhà ga có 96 quầy làm thủ tục và 10 kios check-in tự động cho khách, các dịch vụ thu đổi ngoại tệ; thông tin du lịch; bưu điện, bách hóa, lưu niệm, ăn uống giải khát, quầy vé giờ chót, dịch vụ khách thương gia; phòng y tế được bố trí đầy đủ.

 

Theo công suất thiết kế, mỗi năm nhà ga T2 sẽ phục vụ khoảng 10 triệu lượt khách tính đến năm 2020 và 15 triệu lượt khách tính đến năm 2030.

 

Tiếp theo từ ngày 26-30/12, Vietnam Airlines sẽ triển khai khai thác các chuyến bay quốc tế từ Hà Nội đi Singapore; Cao Hùng, Đài Bắc (Đài Loan) và Kuala Lumpur (Malaysia) sang khai thác tại nhà ga mới T2.

 

Đến ngày 31/12, hãng này sẽ triển khai tất cả các chuyến bay quốc tế đi/đến sân bay quốc tế Nội Bài tại nhà ga T2. Liên quan tới hàng không, vào ngày cuối năm, Bộ GTVT đã có chỉ thị yêu cầu doanh nghiệp cảng hàng không, các hãng hàng không khai thác tại Việt Nam bổ sung các đối tượng hành khách là người có công với cách mạng vào đối tượng khách được phục vụ ưu tiên, làm thủ tục hàng không (check in) tại các quầy riêng, lối đi riêng để vào làm thủ tục soi chiếu an ninh và lên tàu bay, cho các đối tượng là khách hạng thương gia, Sky boss... tại các cảng hàng không Việt Nam. Điều này phù hợp với tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ vận tải hàng không trên thế giới, nhằm tôn vinh và tri ân những người có công với cách mạng, nâng cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam ■



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...