Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tham dự Hội thảo thường niên Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 10 về đường bộ cao tốc tại Nhật Bản
Nhận lời mời của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (Bộ MLIT), từ ngày 23-27/1/2018, đoàn Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông dẫn đầu sang thăm Nhật Bản và tham dự Hội thảo thường niên Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 10 về đường bộ cao tốc tại Nhật Bản.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Thứ trưởng Masafumi Mori đồng chủ trì Hội thảo đường bộ cao tốc Nhật Bản-Việt Nam lần thứ 10 tại Nhật Bản
Vừa tới Nhật Bản, ngay trong chiều ngày 23/1/2018, Thứ trưởng và đoàn công tác đã có buổi thăm và làm việc với Tập đoàn Korusawa về hợp tác trong lĩnh vực sản xuất vật liệu ngành GTVT.
Korusawa là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về cáp dự ứng lưc và đã thành lập Nhà máy sản xuất cáp đầu tiên của Nhật Bản tại tỉnh Đồng Nai, Việt Nam. Tháng 12/2017, Korusawa đã cho ra mắt sản phẩm cáp SC dự ứng lực cường độ cao không bọc epoxy-sản phẩm sản xuất thành công tại Việt Nam. Trước đây, sản phẩm cáp dự ứng lực của Korusawa đã được áp dụng trong xây dựng các công trình cầu như Đông Trù, Rạch Chiếc, Cổ Chiên. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng đánh giá cao Korusawa đã quan tâm đầu tư và lựa chọn Việt Nam là thị trường để sản xuất cáp công nghệ cao và Thứ trưởng mong muốn trong thời gian tới, Korusawa tiếp tục cho ra mắt những sản phẩm công nghệ cao, có tính ứng dụng hiệu quả để có thể áp dụng cho các công trình cầu trong điều kiện của Việt Nam.
Thứ trưởng làm việc với Tập đoàn Korusawa về hợp tác trong lĩnh vực sản xuất vật liệu ngành GTVT
Ngày 24/1/2018, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Thứ trưởng Masafumi Mori, (Bộ MLIT) đã đồng chủ trì Hội thảo đường bộ cao tốc Nhật Bản-Việt Nam lần thứ 10 tại Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng hai Bộ nhiệt liệt chào mừng sự tham dự đông đủ của các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực đường bộ cao tốc của Việt Nam và Nhật Bản.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông bày tỏ vui mừng được thay mặt Bộ GTVT Việt Nam tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo. Trong hơn 20 năm qua, kể từ khi Nhật Bản bắt đầu dành nguồn vốn ODA đầu tiên cho Việt Nam (từ năm 1992), Ngành GTVT luôn nhận được sự ưu tiên hỗ trợ đầu tư của Chính phủ Nhật Bản.
Phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng của Ngành GTVT Việt Nam đã luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, Ngành GTVT đã hoàn thành và đưa vào sử dụng mạng lưới hơn 800km đường cao tốc ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam của Việt Nam. Hiện Bộ GTVT đang triển khai 2 dự án cao tốc quan trọng có sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đó là Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng chiều dài 139,2km với tổng mức đầu tư hơn 1,6 tỷ USD, trong đó đoạn tuyến do JICA hỗ trợ vốn vay dài 65km (kinh phí khoảng 799 triệu USD) và Dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài 57,8km với tổng mức đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD, trong đó vốn vay từ JICA là 634,8 triệu USD. Các dự án hạ tầng GTVT do Nhật Bản tài trợ đều là các dự án lớn, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, giúp thay đổi diện mạo giao thông và làm đẹp thêm hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Tại Hội thảo, đoàn Bộ GTVT Việt Nam đã giới thiệu với các đại biểu, doanh nghiệp Nhật Bản tham dự Hội thảo về Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và một số Dự án cao tốc tiêu biểu như: tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc, hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam, hệ thống cao tốc vành đai các đô thị lớn... cũng như hiện trạng công tác quản lý, khai thác một số tuyến đường bộ cao tốc tại Việt Nam (Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, Bến Lức-Long Thành).
Đối với Ngành GTVT, vấn đề huy động vốn đầu tư luôn là thách thức lớn trong bối cảnh nguồn vốn NSNN cho đầu tư eo hẹp, nợ công cao trong khi cơ hội tiếp cận với các khoản vay ưu đãi từ các nhà tài trợ ngày càng giảm. Do vậy, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế triển khai dự án theo mô hình Đối tác công-tư (PPP) đang triển khai, đại biểu Việt Nam mong muốn các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong huy động vốn đầu tư, mô hình quản lý-khai thác cũng như các vấn đề về bảo trì hệ thống đường bộ cao tốc.
Tại Hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản và đại diện Công ty Tư vấn Index đã có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án đường bộ cao tốc thu phí theo hình thức PPP cũng như các dự án nhượng quyền khai thác của tỉnh Aichi và tập trung vào một số nội dung phía Việt Nam quan tâm như: phương thức phân chia quyền lợi-chia sẻ rủi ro, chi phí giữa các bên (Nhà nước-Tư nhân), vai trò quản lý giám sát của Nhà nước, xây dựng chính sách áp dụng giá phí linh hoạt, thời gian nhượng quyền phù hợp, thiết lập mô hình vận hành dự án và cơ chế linh hoạt trong ứng phó đối với các tình huống bất thường (thiên tai, tai nạn giao thông,...), công tác bảo trì... cũng như đề xuất mô hình triển khai các dự án phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực phát triển đường bộ cao tốc tại Hội thảo rất hữu ích đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Hội thảo cũng sẽ là cơ hội để doanh nghiệp của hai bên tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong thời gian tới nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống đường bộ cao tốc trong tương lai. Trong thời gian tới, hai Bộ tăng cường trao đổi thông tin thông qua Hội thảo, họp nhóm kỹ thuật để cùng chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ, dịch vụ và qua đó phía Việt Nam sẽ có thêm sự lựa chọn nhằm phát triển hệ thống đường bộ cao tốc đồng bộ, hiện đại, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế chung của đất nước và tăng cường kết nối khu vực.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi hội đàm với Ngài Hideaki Omura – Thống đốc tỉnh Aichi
Ngày 25/1/2018, Thứ trưởng và đoàn công tác đã thăm một số công trình đường bộ cao tốc thực hiện theo mô hình PPP, hệ thống trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc và mô hình trung tâm điều hành giao thông trên cao tốc tại Nagoya.
Cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi hội đàm với Ngài Hideaki Omura – Thống đốc tỉnh Aichi. Thứ trưởng bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển kinh tế nhanh chóng với hệ thống cơ sở hạ tầng GTVT hiện đại của tỉnh Aichi, đặc biệt là các dự án được thực hiện theo hình thức PPP (PPP Aichi) mà tỉnh Aichi đã triển khai từ năm 2006. Thứ trưởng cho biết, thông qua những thông tin Công ty Index trao đổi tại Hội thảo cũng như thăm thực địa một số công trình giao thông của tỉnh Aichi, Ngành GTVT Việt Nam có thêm thông tin để lựa chọn một mô hình phù hợp để phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, đặc biệt trong thời gian tới là Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Thứ trưởng Masafumi Mori trao đổi về các nội dung liên quan đến triển khai nội dung Biên bản ghi nhớ Hợp tác trong lĩnh vực đường bộ cao tốc theo hình thức PPP
Trong chương trình công tác, đoàn Bộ GTVT đã có buổi hội đàm với Ngài Masafumi Mori, Thứ trưởng Bộ MLIT và tiếp xúc song phương với Ngài Masatoshi Akimoto, Quốc vụ khanh Bộ MLIT. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông bảy tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung cũng như giữa hai Bộ nói riêng. Thời gian qua, hai Bộ đã có sự hợp tác chặt chẽ và đã đạt được những kết quả cụ thể đã đóng góp rất lớn vào thành công chung trong phát triển hợp tác kinh kế và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông gửi lời cảm ơn Bộ MLIT, JICA đã dành nhiều hỗ trợ giúp Ngành GTVT Việt Nam trong công tác xây dựng thể chế, chính sách; tăng cường năng lực của các cán bộ ngành GTVT. Nhật Bản được đánh giá là quốc gia có công nghệ và kinh nghiệm hàng đầu thế giới trong thiết kế, thi công và quản lý vận hành đường bộ cao tốc. Trong lĩnh vực đường bộ, ngoài việc hỗ trợ triển khai số tuyến đường cao tốc tại Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản còn giúp Việt Nam tăng cường năng lực quản lý, bảo trì hệ thống công trình GTVT thông qua các Dự án hỗ trợ kỹ thuật như: Dự án xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh ITS cho mạng lưới đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc, Dự án tăng cường năng lực bảo trì đường bộ, Dự án tăng cường năng lực xây dựng thể chế ngành Đường sắt, Hỗ trợ nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam…
Thứ trưởng làm việc với Ngài Quốc vụ khanh
Thứ trưởng hai Bộ cũng trao đổi cụ thể về các nội dung liên quan đến việc triển khai nội dung Biên bản ghi nhớ Hợp tác trong lĩnh vực đường bộ cao tốc theo hình thức đối tác công-tư (PPP) ký tháng 6/2017 nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng Hội thảo lần này cũng là 1 trong các nội dung quan trọng nhằm triển khai nội dung của Bản ghi nhớ hợp tác hai Bộ đã ký, mở ra cơ hội, cơ chế trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai kêu gọi đầu tư, xây dựng và quản lý khai thác hệ thống đường bộ cao tốc.
Bên cạnh những dự án hai bên đang triển khai tích cực như dự án Nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, dự án tăng cường năng lực bảo trì đường bộ… một số dự án còn tồn tại như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hợp tác triển khai mô hình PPP trong xây dựng và quản lý khai thác một số tuyến đường bộ cao tốc, Thứ trưởng hai Bộ thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ MLIT, các Bộ, ngành liên quan phía Việt Nam đề xuất Chính phủ cơ chế giải quyết và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tích cực phối họp với phía Nhật Bản trao đổi thông tin và lựa chọn dự án, xây dựng phương án hợp tác phù hợp, báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ cho ý kiến.