Việt Nam tăng 16 bậc xếp hạng hạ tầng giao thông

2014/12/11 15:15

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo xúc tiến thương mại toàn cầu. Theo báo cáo này, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng tới 16 bậc so với năm 2012. Điều này cho thấy những nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã có kết quả tích cực, được thế giới ghi nhận.


Hạ tầng giao thông tốt sẽ cải thiện hình ảnh và năng lực của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài (Cầu Nhật Tân)

 

Ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế

 

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa có Báo cáo xúc tiến thương mại toàn cầu (Enabling Trade Index - ETI) năm 2014 thực hiện tại 138 nước cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2014 tăng 16 bậc, đứng ở vị trí 74 so với vị trí thứ 90 năm 2012 và 103 năm 2010.

 

Trong số 8 nước ASEAN được WEF lựa chọn để so sánh, thứ hạng của Việt Nam cao hơn 4 nước là Campuchia (113), Myanmar (đứng cuối 138), Philippines (96), Lào (91). Bảng chỉ số ETI được thực hiện hai năm một lần, trong đó, WEF sẽ xem xét mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng dựa trên bốn phương thức giao thông chính: Đường bộ, hàng không, đường sắt và đường biển. Ngoài ra, WEF cũng xem xét khả năng liên kết của hàng không cũng như liên kết đường biển để đưa ra kết luận trên.

 

"Báo cáo của WEF là sự ghi nhận rất khách quan. Nó phản ánh đúng thực tế vừa qua và đặc biệt trong một hai năm gần đây trong việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Tất cả những điều này nằm trong chủ trương chúng ta đã làm, đang làm và còn làm tiếp. Đó là, đòi hỏi tất yếu của một đất nước trong thời kỳ cất cánh, tiến lên hiện đại. Điều này cũng cho thấy một giai đoạn mới mà chúng ta đang dần dần hình thành. Đó là giai đoạn đã có một hạ tầng cơ sở tốt thì các điều kiện kinh tế - xã hội sẽ tốt hơn”.

 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

 

Nhận định về đánh giá này, ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết: “Những nỗ lực trong lĩnh vực phát triển của hạ tầng giao thông tại Việt Nam không chỉ được WEF đánh giá cao mà thực tế thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)... trong các cuộc tiếp xúc, trao đổi cũng có những đánh giá rất tích cực.

 

“Năm 2014, ngành GTVT dự kiến giải ngân được mức cao kỷ lục, khoảng 100 nghìn tỷ đồng. Những công trình được hoàn thành đều đạt chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của người dân”, ông Sanh nói.

 

Nhận xét về báo cáo của WEF, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Đây là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế Việt Nam bởi đánh giá trên không chỉ góp phần khẳng định sự cố gắng của chúng ta mà còn giúp cho các nước và các nhà đầu tư trên thế giới thêm tin tưởng. Với đánh giá này, Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn trong con mắt nhà đầu tư thế giới để từ đó tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài”.

Hạ tầng giao thông tốt sẽ cải thiện hình ảnh và năng lực của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài (Đại lộ Thăng Long)

 

 Hạ tầng giao thông thay đổi từng ngày

 

Là chuyên gia luôn quan tâm theo dõi những chuyển biến trong công tác xây dựng hạ tầng giao thông, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN cho rằng, với những kết quả về giải ngân và huy động vốn cho phát triển hạ tầng giao thông mấy năm qua, đặc biệt là việc giải ngân nguồn vốn ODA, đánh giá của WEF là hoàn toàn xác thực, phản ánh đúng thực tế trong lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông.

 

“Một nền kinh tế muốn phát triển, cần phải có sự liên kết về mặt không gian, giao thông phải đi trước một bước. Rất mừng khi mấy năm nay, hàng loạt các công trình giao thông lớn được đầu tư và hoàn thành đúng tiến độ. Điều này thấy rõ không chỉ đối với giao thông đô thị mà còn cả nhiều tuyến quốc lộ trọng điểm”, TS. Liêm nhận xét và cho rằng, chỉ cần nhìn Đà Nẵng hay Hà Nội là thấy những hiệu ứng tích cực từ việc phát triển hạ tầng giao thông.

 

Tại Đà Nẵng, sau khi có thêm hàng loạt những cây cầu bắc qua sông Hàn, bộ mặt của thành phố này đã thay đổi nhiều. Hay tại Hà Nội, nhiều công trình giao thông lớn như: đường trên cao, cầu Nhật Tân hay cả hệ thống cầu nhẹ… đang làm thay đổi bộ mặt thành phố. Việc đầu tư nhiều tuyến cao tốc đã khiến cho những địa phương trước đây được coi là vùng sâu, vùng xa, nay trở thành những khu vực nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. “Vì thế tôi cho rằng, đánh giá của WEF đã phản ánh đúng thực tế”, ông Liêm nói.

 

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ kết nối các nhà lãnh đạo trên thế giới để kiến tạo các quan hệ hợp tác, từ đó thực hiện các mục tiêu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và khu vực.

 

WEF được biết đến nhiều nhất qua việc tổ chức cuộc họp thường niên vào mùa đông ở Davos với sự tham gia của 2.500 các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, lãnh đạo các nước, học giả và phóng viên trên thế giới để thảo luận những vấn đề thời sự quốc tế, bao gồm các lĩnh vực y tế và môi trường.

 

Ngoài các cuộc họp quốc tế thường niên và nhiều cuộc họp khu vực khác, Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng xuất bản các kết quả nghiên cứu như Báo cáo cạnh tranh toàn cầu, Báo cáo rủi ro toàn cầu, Báo cáo xúc tiến thương mại... và khuyến khích các thành viên cùng thực hiện các sáng kiến mang lại lợi ích cho toàn thế giới.

 

Cũng đồng tình với đánh giá trên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, trong ba năm qua, hạ tầng giao thông tại Việt Nam đã thay đổi vượt bậc. Số lượng công trình cũng như tiến độ và chất lượng được nâng lên nhiều. Với các doanh nghiệp và người dân, những công trình giao thông được đầu tư, xây dựng và về đích sớm là điều rất đáng mừng bởi khi đó việc kinh doanh, đi lại thuận tiện hơn.

 

“Việc thực hiện chiến dịch kiểm soát tải trọng xe vừa qua cũng góp phần bảo vệ chất lượng công trình giao thông. Đối với các doanh nghiệp vận tải dù có những ảnh hưởng bước đầu nhưng về lâu dài, sự chấn chỉnh này đang tạo ra những xu hướng phát triển lành mạnh và bền vững hơn”, ông Liên cho biết.

 

Là một lái xe container chuyên nghiệp, anh Trần Văn Trường ở Quận Lê Chân (Hải Phòng) cảm nhận rõ nhất những thành quả của quá trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: “Tôi thường chở hàng từ cảng Hải Phòng đi cửa khẩu Lào Cai.

 

Trước đây hành trình mất 7-9 giờ thì nay có tuyến cao tốc thời gian lưu thông giảm một nửa. Bởi vậy, cứ mỗi khi có một tuyến đường mới được hoàn thành là cánh lái xe chúng tôi lại khấp khởi mừng vui vì như vậy sẽ đỡ vất vả, lái xe an toàn hơn”, anh Trường chia sẻ.

 

Cũng theo anh Trường, mấy năm nay, nhiều tuyến đường được khai thác với tốc độ cao hơn là điều không chỉ doanh nghiệp mà lái xe rất vui mừng bởi được đi đường đẹp, tốc độ khai thác lớn hơn, khả năng quay vòng của phương tiện cũng cao hơn.

Theo giaothongvantai.com.vn



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...