6 tháng đầu năm các tuyến đường cao tốc VEC đầu tư, quản lý đã phục vụ 95 triệu lượt phương tiện an toàn và thông suốt.
Theo thống kê, tính đến tháng 6/2017, các tuyến đường cao tốc VEC đầu tư, quản lý đã phục vụ 95 triệu lượt phương tiện an toàn và thông suốt, với lưu lượng trung bình hiện tại đạt 85.000 - 100.000 lượt phương tiện/ngày đêm.
Trong tổng số 750km đường bộ cao tốc trên toàn quốc đã đưa vào khai thác, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đóng góp gần 50% với 3 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai và TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Các tuyến cao tốc do VEC đầu tư, quản lý khai thác không chỉ là đòn bẩy cho phát triển kinh tế-xã hội các địa phương, hỗ trợ giao thông suốt, nhanh chóng, mà còn giúp giảm thiểu tai nạn, sự cố giao thông, hướng tới phát triển xã hội theo hướng bền vững hơn.
Theo thống kê, tính đến tháng 6/2017, các tuyến đường cao tốc VEC đầu tư, quản lý đã phục vụ 95 triệu lượt phương tiện an toàn và thông suốt, với lưu lượng trung bình hiện tại đạt 85.000 - 100.000 lượt phương tiện/ngày đêm. Năm 2016, tổng lưu lượng và doanh thu thu phí tăng trên 30% so với năm trước đó. Riêng trong nửa đầu năm nay, đã có 18,44 triệu lượt phương tiện qua lại các tuyến cao tốc VEC quản lý, tăng 26% về lưu lượng và trên 20% về doanh thu so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đón 6,57 triệu lượt phương tiện, tăng 35% so cùng kỳ năm ngoái. Con số tương ứng trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai là 4,3 triệu lượt, cao hơn cùng kỳ 25%; có 7,57 triệu lượt phương tiện được phục vụ trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, vượt xa lưu lượng cùng kỳ năm ngoái (6,4 triệu lượt).
Trong 6 tháng đầu năm 2017, do lưu lượng phương tiện tăng cao trên cả 3 tuyến cao tốc VEC quản lý nên ghi nhận có 40 vụ tai nạn, làm 05 người thiệt mạng (không tăng so với cùng kỳ 2016) và 64 người bị thương, một số tài sản đường cao tốc bị hư hỏng. Có được kết quả trên là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, thường xuyên tăng cường và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT trên tuyến, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm luật giao thông.
Hiện tại, hệ thống kiểm soát tải trọng phương tiện đã được VEC đầu tư, lắp đặt trên cả 3 tuyến cao tốc và tổ chức thực hiện 24/24h, đảm bảo kiểm soát tất cả các phương tiện quá tải, góp phần tăng cường trật tự an toàn giao thông, bảo vệ sự bền vững của kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc cũng như nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả khai thác dự án.
Sáu tháng đầu năm 2017, VEC đã kiểm tra tải trọng 1.374.650 lượt phương tiện, qua đó từ chối phục vụ 23.000 phương tiện vượt tải trọng. Giữ kỷ lục về chiều dài tuyến, cao tốc Nội Bài – Lào Cai cũng là tuyến có lượng phương tiện qua cân nhiều nhất - 897.429 lượt phương tiện, theo đó có 15.370 phương tiện buộc phải quay đầu, với tỷ lệ xe quá tải trung bình 13,33%. Đặc biệt, số lượng phương tiện quá tải tại đầu ra trên tuyến Nội Bài – Lào Cai đã giảm mạnh, cho thấy công tác kiểm soát tải trọng phương tiện thời gian qua đã đạt được kết quả nhất định.
Cùng với tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc, thực hiện từ chối phục vụ phương tiện quá tải theo quy định, VEC tiếp tục thực hiện từ chối phục vụ phương tiện dừng, đỗ đón trả khách; đi ngược chiều, cố tình vượt trạm khi bị phát hiện quá tải; phương tiện sang tải trên đường cao tốc. Sáu tháng đầu năm 2017, VEC thực hiện từ chối phục vụ 52 phương tiện vi phạm quy định khi lưu thông trên các tuyến đường cao tốc. Các phương tiện vi phạm quy định khi lưu thông trên các tuyến đường cao tốc VEC quản lý chỉ được phục vụ trở lại khi cam kết không tái phạm.
Đề cập đến hiệu quả kinh tế-xã hội các tuyến đường cao tốc mang lại, chỉ riêng Lào Cai đã có bước tăng trưởng gần 200% về nhiều lĩnh vực; hàng loạt các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã và đang được triển khai kết nối với tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, như Dự án cầu Bách Lẫm kết nối Quốc lộ 37, hay đường nối Quốc lộ 32C với cao tốc, đường nối nút giao IC12 với xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên…, sẽ giúp giao thương của tỉnh Yên Bái thuận lợi hơn, phát huy tối đa hiệu quả KTXH của tuyến cao tốc dài nhất cả nước; giúp tỉnh Yên Bái có đủ điều kiện để thành lập các điểm thông quan nội địa, có thêm nguồn thu và cơ hội thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh Vĩnh phúc trong 6 tháng qua cũng đã đón trên 2,2 triệu lượt khách, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có gần 16.000 lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch tăng 13% so với cùng kỳ 2016.
Tỉnh Đồng Nai, là địa phương có tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đi qua, có tổng sản phẩm quốc nội trong 6 tháng đầu năm tăng 7,26%, thu ngân sách vượt 12% so với cùng kỳ năm trước. Sáu tháng qua, đã có 21 dự án có vốn đầu tư trong nước được cấp mới và 4 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn bổ sung 604 tỷ đồng, đạt 86,8% kế hoạch năm, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài cho 37 dự án đăng ký cấp mới là 227 triệu USD và 51 dự án tăng vốn 413 triệu USD, đạt 64% kế hoạch năm; đã có 1.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 1,6% so với cùng kỳ.
Từ khi các tuyến đường cao tốc được đưa vào khai thác đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương có tuyến cao tốc đi qua nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời là một trong những “đòn bẩy” thu hút đầu tư. Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà các tuyến đường cao tốc mang lại khi rút ngắn đáng kể khoảng cách và thời gian, giúp phương tiện lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn. Đặc biệt, khi hệ thống đường cao tốc được kết nối, còn tiết giảm chi phí đầu tư các cơ sở hạ tầng khác; giúp giảm thiểu 85 – 95% số sự cố và tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ nằm gần kề đường cao tốc… Những giá trị to lớn mà các tuyến đường cao tốc do VEC đầu tư, quản lý mang lại đã chắp cánh cho ước vọng kết nối và hoàn chỉnh toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông dọc theo chiều dài đất nước.