Cách nào khai thác hiệu quả đường cao tốc?
Việt Nam đã đưa vào khai thác hơn 700km đường cao tốc, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế đất nước...
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây
Tuy nhiên, gần đây, việc quản lý, vận hành các tuyến cao tốc này bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải sớm sửa luật để khai thác hiệu quả.
Nhiều bất cập trong quản lý
Ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, thời điểm xây dựng Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008, Việt Nam chưa có km đường cao tốc nào. Luật GTĐB năm 2008 cũng chỉ có một điều quy định về đường cao tốc. Đến nay, Việt Nam có trên 700km đường cao tốc. Đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên khoảng 2.000km. Hiện, các quy định liên quan đến quản lý đường cao tốc chủ yếu được đề cập ở các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư. Nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ khó quản lý, khai thác hiệu quả.
Đại diện cho người trực tiếp tham gia giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị Diễn đàn Otofun cho rằng, chúng ta chưa có quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan quản lý, bảo trì, vận hành đường cao tốc. Có không ít vụ TNGT xảy ra trong khi đơn vị quản lý, vận hành chăm sóc cây ở dải phân cách mà chưa được quy trách nhiệm cụ thể. Việc quản lý thiếu chặt chẽ khiến tình trạng các phương tiện tham gia giao thông vẫn thường xuyên dừng đỗ, đón trả khách trên đường cao tốc; Người dân sinh sống dọc theo đường cao tốc phá dỡ hàng rào, ném đá vào các phương tiện lưu thông trên đường... “Thực trạng này làm tăng nguy cơ mất ATGT, khiến lái xe lưu thông trên đường rất căng thẳng, gây mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông”, ông Thắng nói.
Ở góc độ đơn vị quản lý, vận hành, ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giám sát giao thông, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, cơ sở pháp lý hiện tại thiếu rõ ràng, gây không ít khó khăn trong quá trình đầu tư, vận hành đường cao tốc.
Những vi phạm về kết cấu hạ tầng, hành lang, tài sản đường cao tốc chủ đầu tư không tự xử lý được do không có thẩm quyền, trong khi chính quyền địa phương chưa “mặn mà” trong việc bảo vệ tài sản, hành lang đường cao tốc. “Nhiều nước đã có luật riêng cho đường cao tốc, trong đó quy định rõ chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đầu tư đường cao tốc như: Bảo lãnh vốn, giải phóng mặt bằng”, ông Tuấn nói.
Hiện nay, Việt Nam có trên 700km đường cao tốc, nếu không điều chỉnh kịp thời thủ tục pháp lý
phù hợp sẽ khó quản lý khai thác hiệu quả (Ảnh chụp cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) - Ảnh: Tạ Tôn
Sẽ có một chương riêng cho đường cao tốc?
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong quản lý đường cao tốc, việc quản lý duy tu, bảo trì đường cao tốc hiện gặp nhiều khó khăn. Điều này do chưa có quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho cao tốc mà đang phải áp dụng như đối với quốc lộ. “Vì vậy, chúng ta cần có một chương riêng quy định về đường cao tốc trong Luật GTĐB”.
Ông Bùi Đình Tuấn đề xuất cần có một chương riêng về đường cao tốc, quy định rõ quy tắc tham gia giao thông; Đối tượng tham gia quản lý khai thác; Trách nhiệm của địa phương trong quản lý tài sản, hành lang đường cao tốc. “Khi sửa đổi Luật GTĐB, cũng nên dành riêng một chương quy định mọi lĩnh vực liên quan đến đường cao tốc như đầu tư, khai thác, quản lý, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan”, ông Tuấn nói.
"Các quy định liên quan đến đường cao tốc hiện nay mới được Luật GTĐB điều tiết ở các quy định cơ bản nhất về quy tắc giao thông trên đường cao tốc. Các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc đang được quy định tại văn bản dưới luật. Thực tế cho thấy, việc đầu tư vào đường cao tốc rất khó để kêu gọi các nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài do hành lang pháp lý còn thiếu và yếu, thiếu tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Để đảm bảo hành lang pháp lý, thuận lợi xã hội hóa đầu tư, việc sửa Luật GTĐB sắp tới, định hướng là sẽ có các quy định thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ về cơ chế quản lý, thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường cao tốc”.
Ông Nguyễn Văn Huyện
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN
Ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng, Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, để đảm bảo an toàn cần cấm hoàn toàn xe máy lưu thông trên đường cao tốc. Cần có quy định cụ thể về tổ chức giao thông, đặc biệt là việc cảnh báo từ xa khi bảo trì, bảo dưỡng, có sự cố trên cao tốc. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa dải phân cách để hạn chế tối đa việc phải tưới nước, bảo trì, bảo dưỡng. “Đường cao tốc có những đặc thù khai thác riêng so với các loại đường khác. Vì vậy, cần có một mục riêng dành cho đường cao tốc”, ông Minh phân tích.
Ở góc độ công tác nghiên cứu, Trung tá Lê Hữu Trí, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ATGT (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, Việt Nam đã tham gia Công ước Vienna về giao thông đường bộ. Vì vậy, cần chuẩn xác các quy định có liên quan về đường cao tốc để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo ông Nguyễn Quốc Tùng, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc, hiện đã có các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đường cao tốc như: Nghị định 32, Thông tư 90. Song, đây chỉ là các văn bản quy định mang tính chất ban đầu, cần tiếp tục bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, trong quản lý đường cao tốc đang tồn tại ba mô hình: Cục Quản lý đường bộ cao tốc, VEC và các nhà đầu tư BOT. Khi sửa đổi, bổ sung luật tới đây cũng cần phải phân biệt rõ và quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng mô hình.
“Khi sửa đổi, bổ sung Luật GTĐB năm 2008, cần bổ sung một chương về đường cao tốc để có khung pháp lý quy định đầy đủ các nội dung trong quy hoạch, đầu tư, quản lý, khai thác đường cao tốc; Nâng lên thành luật một số quy định trong văn bản quy phạm pháp luật đã ổn định và phù hợp với thực tế. Nội dung sửa đổi, bổ sung phải đáp ứng yêu cầu đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác đường cao tốc và nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là chú ý đến cải cách thủ tục hành chính. Kiện toàn bộ máy và quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành”, ông Tùng kiến nghị.
Theo baogiaothong