Đẩy mạnh xã hội hóa các dự án đường sắt

2015/4/21 8:58

Sáng 20/4, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp về các dự án xã hội hóa lĩnh vực đường sắt. Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT và các Nhà đầu tư quan tâm đến các dự án đã tham dự cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển GTVT đường sắt trong tình hình vốn ngân sách nhà nước đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt hạn hẹp, trong thời gian qua, Tổng công ty ĐSVN đã phối hợp với một số doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư khai thác bãi hàng tại ga Xuân Giao, Yên Viên, Đồng Đăng, Sóng Thần để nghiên cứu đầu tư theo hình thức xã hội hóa.

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Trần Ngọc Thành báo cáo tại cuộc họp

Thời gian tới, Tổng công ty ĐSVN sẽ tiến hành mời gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất hợp tác đầu tư đối với hệ thống kho, bãi hàng tại các ga đường sắt của Tổng công ty ĐSVN; trước mắt sẽ thí điểm đối với kho, bãi hàng tại các ga Yên Viên, Sóng Thần và Đồng Đăng; trên cơ sở đó sẽ nhân rộng mô hình đối với các ga còn lại. Ông Trần Ngọc Thành cho biết, đối với các ga hạng I (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Đăng, Lào Cai, Xuân Giao, Giáp Bát, Yên Viên, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Diêu Trì, Nha Trang, Sài Gòn, Sóng Thần) có vị trí nằm tại trung tâm các thành phố lớn của cả nước, do vậy hầu hết các ga này có liên quan đến quy hoạch chi tiết đường sắt và các dự án đường sắt đô thị của các địa phương nên cơ chế cần phải tháo gỡ nhiều nôi dung vượt ngoài thẩm quyền của Tổng công ty ĐSVN, nên cần phải nghiên cứu tổng thể để đề xuất

“Hiện nay, Tổng công ty ĐSVN đã mời một số nhà đầu tư như Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Thương mại dịch vụ khách sạn Bạch Đằng, Công ty CP Giao nhận và vận chuyển Indo Tran Logistics (ITL), Công ty TNHH Express Trains ATH tiến hành cùng khảo sát, đề xuất quy mô công năng của từng công trình, đề xuất quyền khai thác công trình. Từ đó, Tổng công ty ĐSVN tổng hợp và đề xuất cơ chế cần tháo gỡ để tổ chức triển khai” - ông Thành nói.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông

Tại cuộc họp, lãnh đạo các Cục Đường sắt, Vụ Tài chính, Pháp chế, Quản lý doanh nghiệp, Môi trường, Ban PPP và các nhà đầu tư đã được Bộ trưởng lắng nghe ý kiến phát biểu, trao đổi, nhằm tháo gỡ luôn các vướng mắc và trả lời về các đề xuất của các đơn vị, nhằm đẩy nhanh việc xã hội hóa các dự án kết cấu hạ tầng đường sắt. Đánh giá cao các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Tổng công ty ĐSVN trong thời gian qua, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ phải đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng cho rằng lĩnh vực đường sắt tuy khó khăn, nhưng càng khó khăn thì càng phải cố gắng, đổi mới. Bộ trưởng khẳng định việc xã hội hóa các dự án là tất yếu, trong điều kiện tự thân ngành rất nhiều khó khăn, khai thác từ hàng trăm năm nay, cần đầu tư lớn, vì thế phải có các giải pháp quyết liệt.

Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo Tổng công ty ĐSVN, Cục Đường sắt và các Cục, Vụ tham mưu tiếp tục rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tập trung đánh giá Luật Đường sắt 2005 để đề xuất chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tế; khẩn trương hoàn thành Quy hoạch để phê duyệt; rà soát lại các nghị định, quyết định và thông tư, trên cơ sở chủ trương Đảng, Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật, tinh thần Hiến pháp 2013 đó là người dân được kinh doanh những gì Nhà nước không cấm, nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa đường sắt.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty ĐSVN tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa; tập trung xây dựng hoàn chỉnh các đề án để công khai minh bạch các dự án kêu gọi nhà đầu tư; đến hết Quý II/2015 xã hội hóa một số dự án, như các ga Yên Viên, Đồng Đăng, Sóng Thần phục vụ logistic.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty ĐSVN nghiên cứu tuyến Đà Lạt - Trại Mát hiện đang để không, rất lãng phí. Tổng công ty ĐSVN nghiên cứu đưa ra các phương án khai thác đường sắt hiện có, tập trung kết nối cảng biển và đường sắt; đồng thời khẩn trương ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, đảm bảo an toàn đường sắt. Các đề xuất của về di dời các ga khỏi trung tâm các thành phố lớn cũng cần được khẩn trương nghiên cứu để hiện đại hóa được các nhà ga mà Nhà nước không phải bỏ tiền. Và cũng cần nghiên cứu đảm bảo phù hợp giữa nhu cầu phát triển và bảo tồn tại những công trình đường sắt lịch sử.

Nguồn: mt.gov.vn



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...