Điện Biên: Tập trung nguồn vốn giải phóng mặt bằng Dự án Cảng Hàng không Ðiện Biên

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Nâng cấp mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) (gọi chung là Dự án Cảng Hàng không Ðiện Biên), dự kiến tổng mức đầu tư 4.210 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Ðiện Biên sẽ chủ động triển khai thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng để triển khai Dự án.

 Bí thư Tỉnh ủy Ðiện Biên Trần Văn Sơn kiểm tra thực địa điểm tái định cư

Dự án Cảng Hàng không Ðiện Biên tại C13, phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Văn Tâm
 
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Ðiện Biên với các bộ, ngành Trung ương trong ngày 10/2 vừa qua, ACV đã đưa ra 4 phương án đầu tư và phân chia dự án thành phần. Hầu hết ý kiến đại biểu các bộ, ngành đều lựa chọn phương án ACV đầu tư toàn bộ khu bay, khu hàng không dân dụng bằng nguồn vốn doanh nghiệp; Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì đối với các hạng mục công trình quản lý, điều hành bay; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Ðiện Biên thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
 
Ðể tập trung nguồn vốn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án, ngay sau khi có quyết định điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không Ðiện Biên giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Ðiện Biên đã chỉ đạo rà soát, xác định số hộ dân cần bố trí tái định cư, đồng thời lấy ý kiến người dân về vị trí địa điểm xây dựng các điểm tái định cư. Hiện nay, tỉnh đang tiến hành xây dựng các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư; cân đối, thu xếp nguồn vốn để tập trung thực hiện phần việc địa phương cam kết và chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo thuận lợi nhất cho việc triển khai dự án. Ðến nay, tỉnh Ðiện Biên đã phê duyệt đầu tư xây dựng 3 điểm tái định cư, với khả năng dung nạp 1.057 hộ. Tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ dự kiến hơn 1.532 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư (nơi đi) khoảng 1.069 tỷ đồng; xây dựng mới các khu tái định cư (nơi đến) hơn 463 tỷ đồng. Tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá theo quy định giá đất cụ thể là hơn 470 tỷ đồng. Như vậy, sau khi thực hiện đối trừ, nhu cầu vốn để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư trong giai đoạn 2020 - 2021 dự kiến khoảng 1.061 tỷ đồng, sử dụng nguồn cân đối ngân sách địa phương.
 
Phương án nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án, về lâu dài sử dụng nguồn vốn từ thu đấu giá quyền sử dụng đất được tạo ra từ chính Dự án Cảng Hàng không Ðiện Biên. Việc sử dụng nguồn vốn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện sau khi dự án hoàn thành sẽ tạo ra quỹ đất thương mại để đấu giá và quỹ đất tái định cư thuộc trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá, với quỹ đất để đấu giá dọc quốc lộ 12 dự kiến 25ha (gồm một phần diện tích đất sân bay cũ, bãi đỗ xe tĩnh...).
 
Theo dự kiến quy hoạch chi tiết phân khu Tây Bắc gắn với Cảng Hàng không Ðiện Biên, khu đất này dự kiến quy hoạch đất ở và được đầu tư hạ tầng 10 tỷ đồng/ha, tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng. Quỹ đất ở tạo ra sau khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật là 12,5ha; dự kiến tổng số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất khoảng 1.000 tỷ đồng. Về phương án đề xuất nguồn kinh phí chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư, UBND tỉnh dự kiến thu từ chuyển quyền sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất từ các dự án là 102,9 tỷ đồng; nguồn tăng thu ngân sách địa phương từ năm 2019 - 2021 dự kiến 150 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương 2 năm 2020 - 2021 là 600 tỷ đồng và nguồn vốn đề xuất tạm ứng trước ngân sách Trung ương hoặc địa phương giai đoạn 2021 - 2025 hơn 208,6 tỷ đồng. Tổng các nguồn thu hơn 1.061 tỷ đồng, đủ khả năng thanh toán cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án Cảng Hàng không Ðiện Biên.
 
Như vậy, tỉnh Ðiện Biên sẽ chủ động triển khai thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Về nguồn vốn, trước mắt tỉnh huy động, sử dụng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.


GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...