Dự án Thái Nguyên - Bắc Kạn đặt hai trạm thu phí, vì sao?

2017/3/20 10:26

Đã có những phản ứng về việc nhà đầu tư dự án BOT tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới đặt hai trạm thu phí.

Tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới được đưa vào khai thác từ cuối tháng 12/2016

giúp các phương tiện tiết kiệm hơn nửa thời gian quãng đường từ Thái Nguyên đến Bắc Kạn

Dù chưa thu phí chính thức, nhưng thời gian qua, dư luận đã có những phản ứng về việc nhà đầu tư dự án BOT tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới đặt hai trạm thu phí, trong đó, một trạm thu phí nằm trên tuyến QL3 cũ để hoàn vốn đầu tư công trình. Vì sao lại có chuyện như vậy?

Thu phí một trạm: Dự án không khả thi

Khởi công tháng 9/2014, sau hơn hai năm triển khai, tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và hợp phần nâng cấp QL3 cũ đoạn Km75 - Km100 đã cơ bản hoàn thành. Với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu hơn 2.700 tỷ đồng, dự án có mục tiêu xây dựng mới 40km đường theo tiêu chuẩn tiền cao tốc và nâng cấp 25km mặt đường QL3 cũ đã xuống cấp nghiêm trọng.

Từ cuối tháng 12/2016, tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới được đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả khi giúp các phương tiện tiết kiệm thời gian di chuyển từ Thái Nguyên đến Bắc Kạn chỉ còn 1 giờ thay vì 3 giờ như trước khi lưu thông trên QL3 cũ. Theo phương án tài chính của hợp đồng BOT đã ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, dự án sẽ tiến hành thu phí tại hai trạm, một trạm trên QL3 mới tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới (Km 72+930) và một trạm đặt tại QL3 cũ (Km 78+080).

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, cải tạo QL3 đoạn Km75 - Km100 thực hiện bằng hình thức BOT do liên danh CIENCO4 - Công ty CPĐT Xây dựng Tuấn Lộc - Công ty CPĐT Xây dựng và thương mại Trường Lộc Việt Nam làm nhà đầu tư.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (doanh nghiệp dự án) khẳng định, vị trí đặt hai trạm thu phí trên đều có sự thống nhất và đồng ý của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Thái Nguyên và chính quyền huyện Phú Lương. “Dự án phải sử dụng hai trạm thu phí, trong đó có một trạm trên QL3 cũ tại Km 78+080 mới đảm bảo phương án tài chính và phát huy hiệu quả của tuyến đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới. Nếu chỉ sử dụng một trạm trên tuyến QL3 mới, chắc chắn phương án tài chính của dự án sẽ bị phá vỡ và nhà đầu tư sẽ không thể thu hồi được nguồn vốn đã bỏ ra đầu tư”, ông Đức nhấn mạnh.

Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, ngày 28/10/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 175 về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ trạm thu phí tại Km 72+930 trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và trạm thu phí tại Km 78+080, QL3. Theo đó, cả hai trạm thu phí của dự án đều được đặt trên địa bàn xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) và có cùng mức thu như nhau. Trong đó, mức thu thấp nhất (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn) là 35.000 đồng/lượt. Mức giá cao nhất 200.000 đồng/lượt dành cho xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và container 40 feet.

Địa phương đề nghị giảm phí cho người dân gần trạm

Dù dự án chưa đi vào thu phí chính thức, nhưng mới đây, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT miễn giảm phí cho người dân sinh sống gần trạm thu phí QL3 cũ có phương tiện thường xuyên lưu thông qua trạm. Trong văn bản, ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: “Về tổng thể kết nối giao thông trong vùng, đặc biệt là các tỉnh miền núi như: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, việc xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và việc đặt hai trạm thu phí trên tuyến QL3 cũ và QL3 mới là cần thiết”.

Tuy nhiên, ông Bắc cho rằng, việc đặt trạm thu phí trên QL3 cũ dẫn tới một số phương tiện lưu thông trên quãng đường ngắn nhưng vẫn phải trả phí. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư dự án và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu cơ chế, chính sách đảm bảo quyền và lợi ích của người dân lân cận khu vực đặt trạm thu phí trên tuyến QL3 cũ và một số đối tượng thường xuyên qua lại trạm thu phí này theo hướng miễn, giảm phí khi đi qua trạm thu phí...

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Trọng Nghĩa, Phó tổng giám đốc CIENCO4 cho biết, vừa qua, liên danh nhà đầu tư dự án đã làm việc với UBND huyện Phú Lương và các cơ quan liên quan để xem xét giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí QL3 cũ. Theo ông Nghĩa, dù chính sách cụ thể chưa được đưa ra nhưng các bên đã thống nhất về nguyên tắc sẽ miễn giảm phí đối với các xe ô tô chính chủ của các hộ dân có hộ khẩu thường trú xung quanh khu vực đặt trạm, gồm xã Sơn Cẩm và Cổ Lũng, huyện Phú Lương.

“Nhà đầu tư đã tuyên truyền, giải trình đầy đủ đến người dân và chính quyền địa phương về lý do thu phí cả hai tuyến để đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Do đây là tuyến đường có nhiều lối ra vào, không thể thu phí kín theo km như cao tốc nên sẽ không thể bình đẳng hoàn toàn. Các giải pháp đưa ra nhằm đạt mức công bằng tối đa có thể”.

“Chúng tôi đã đề nghị chính quyền huyện Phú Lương xây dựng phương án cụ thể về đối tượng, thời gian đề nghị được miễn, giảm khi qua trạm thu phí; thống kê chính xác số lượng phương tiện của người dân trong diện đề nghị được miễn, giảm giá phí… Sau khi có phương án cụ thể, nhà đầu tư sẽ trình các Bộ, ngành liên quan xem xét trình Chính phủ quyết định”, ông Nghĩa cho hay.

Theo Baogiaothong



GỬI Ý KIẾN
Hà Nội: Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng và kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ô tô

Vừa qua, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 318/KH-TTS ngày 28/02/2024, về kiểm soát tải trọng phương tiện; kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...